Lý giải việc bão “con Voi” gây hậu quả nghiêm trọng
Bão Damrey càn quét các tỉnh Nam Trung Bộ nhiều giờ liền, trong đó Khánh Hòa bị thiệt hại nặng, nguyên nhân được xác định do người dân còn chủ quan vì ít khi có những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp.
Nhà dân ở vùng ven Nha Trang (Khánh Hòa) đổ sập trong bão số 12 – (Ảnh: Việt Tùng)
Ngày 6/11, tại hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão Damrey (bão số 12), Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Đức Vinh cho biết, bão số 12 đã làm cho địa phương này bị thiệt hại nặng nề chưa từng có trong vài chục năm qua.
“Trước những thiệt hại do bão số 12, Khánh Hòa xin kiến nghị với Trung ương hỗ trợ 25.000 tấn gạo, 1.155 tỷ đồng để khắc phục các hạ tầng trên địa bàn bị hư hỏng, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí thêm nhân lực vào khắc phục những nơi còn đang mất điện, đảm bảo cho nhân dân ổn định cuộc sống”, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Đức Vinh nói.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này có 6/9 huyện, thị xã, thành phố là vùng ven biển, hải đảo với nhiều hoạt động kinh tế – xã hội gắn với biển đảo, số hộ sinh sống ven biển lớn nên bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề.
Theo đó, bão số 12 là cơn bão cực mạnh, với sức gió khi vào đất liền đạt cấp 12, giật cấp 15. Đây là cơn bão có sức gió mạnh nhất trong hơn 35 năm qua, vượt quá sức chống chịu của đa số nhà cấp 4. Bão số 12 di chuyển nhanh, thời gian hình thành và đổ bộ vào đất liền rất ngắn, cường độ mạnh, chiều gió thay đổi liên tục nên đã làm ngã đổ nhiều cây, nhà cửa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, cản trở việc tiếp cận, cứu hộ cứu nạn.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, một số địa phương còn chưa thật cương quyết trong xử lý các trường hợp có khả năng gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Cụ thể, sau khi tổ chức sơ tán xong, người dân tự ý quay trở lại khu vực nguy hiểm đã không kiên quyết xử lý, việc đôn đốc hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ cây cối, vật nuôi còn hạn chế…
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhìn nhận, người dân còn thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão mạnh, với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4; tâm lý nhiều người dân vẫn còn chủ quan về mức độ nguy hiểm của bão vì Khánh Hòa ít khi có những cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp.
Video đang HOT
Hiện nay, các lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa cùng hơn 5.000 bộ đội của các đơn vị quân đội đang khẩn trương giúp người dân khắc phục nhà cửa, sửa chữa các trường học, cơ sở y tế…
Lồng bè nuôi trồng hải sản ở tâm bão huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tan hoang sau bão số 12 – (Ảnh: Dương Phong)
Trước đó, hôm 3/11, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp khẩn để lên các phương án đối phó với bão số 12. Trong đó, tập trung thông tin về cơn bão một cách nhanh chóng, chính xác đến người dân bằng nhiều phương tiện khác nhau, kể cả thông tin lưu động trên các tuyến đường; tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, xung yếu, không để người dân ở lại trên các lồng bè hải sản ven biển…
Tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện điều tiết để hạ thấp mực nước tích, đảm bảo dung tích đón lũ với lưu lượng xả của các hồ lớn từ 50-120m3/s, đồng thời phối hợp với địa phương trước khi xả lũ để không gây ngập úng vùng hạ du.
Trước đó, vào 4h ngày 4/11, bão số 12 đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, từ Khánh Hòa đến Phú Yên. Đến sáng nay, 7/11, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này bão số 12 đã làm 32 người trên địa bàn tỉnh này tử vong, 138 người bị thương.
Bão số 12 cũng làm sập hoàn toàn gần 1.000 nhà dân, hư hỏng và tốc mái gần 100.000 nhà. Ngoài ra, có hơn 240.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi và chết; thiệt hại hơn 24.000 lồng nuôi trồng thủy, hải sản các loại, trong đó đa phần là diện tích nuôi tôm, cá. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ước tính thiệt hại do bão số 12 gây ra khoảng 7.000 tỷ đồng.
Viết Hảo
Theo Dantri
Phú Yên, Bình Định: Chính quyền và người dân bất ngờ vì dự báo bão 12
Dư luận tại nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đang bức xúc trước việc dự báo thiếu chính xác về vùng ảnh hưởng của cơn bão 12 vào sáng 4.11.
Bà Trần Thị Ánh (ở phường 9, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: "Bão 12 bắt đầu quật vào khu vực nhà tôi vào khoảng gần 2h sáng 4.11. Gió mưa cứ thế rít đùng đùng, cây ngã, ngói, tôn bay rào rào. Đến khoảng 3h sáng thì tôi nghe nhiều tiếng động rất lớn; sáng ra mới biết là mấy trụ điện bê tông bị gãy đổ. Bão cứ thế điên cuồng trong ít nhất 6 tiếng đồng hồ; đến 8h sáng 4.11 gió giảm nhưng trời vẫn mưa liên tục".
Bão 12 tàn phá khủng khiếp tại Phú Yên.
Ông Nguyễn Thành Công (ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) bức xúc: "Thật không ngờ Đông Hòa lại nằm trong vùng trọng điểm bão 12. Bởi các bản tin dự báo ban đầu đều xách định tâm bão vào khu vực nam Khánh Hòa - bắc Ninh Thuận; sau đó, dự báo mở rộng vùng ảnh hưởng bão trực tiếp là nam Phú Yên - bắc Bình Thuận. Gia đình tôi cùng nhiều người ở Đông Hòa cứ nghĩ mình nằm ở rìa cơn bão, ai dè gió bão quật kinh hoàng, tan nát hết...".
Trong khi đó, bà Ngô Thị Phẩm (ở huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) cho hay: "Trước 4.11 mấy ngày, các bản tin dự báo của trung ương đều xác định Ninh Thuận nằm trong tâm bão 12. Thế nên chính quyền và người dân đều cuống cuồng lo di dời, ứng phó bão. Nhưng sáng 4.11, ở đây chỉ thấy gió mưa lớt phớt, không có bão lớn. Hóa ra tâm bão là vùng Khánh Hòa - Phú Yên".
Nhiều khu dân cư ở Phú Yên vẫn chưa gượng nổi sau bão 12.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên, huyện Đông Hòa là địa phương bị thiệt hại nặng nhất do bão 12.
Ông Võ Ngọc Hòa - Chủ tịch UBND huyện Đông Hoà - khẳng định: "Tôi thấy việc dự báo về cơn bão 12 là chưa chuẩn xác. Dự báo bão là đi hướng Tây - Tây Nam, vào trực tiếp Khánh Hoà và Ninh Thuận. Vậy mà bão chệch lên phía Bắc, gây hại không chỉ Khánh Hòa, mà Phú Yên và Bình Định cũng thiệt hại nặng nề, trong khi Ninh Thuận lại không thấy bão đâu cả. Điều này gây khó cho việc triển khai vận động di dời ứng phó bão tại địa phương, bởi người dân cứ nghĩ tâm bão là Khánh Hòa - Ninh Thuận".
Tại cuộc họp khẩn sáng 5.11 do UBND tỉnh Phú Yên triệu tập, nhiều ý kiến bày tỏ sự bất ngờ trước hướng đi của bão 12 so với dự báo của trung ương trước đó. Ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Ban chỉ đạo PCTT-TKCN Phú Yên cho biết: "Trung ương báo về là bão 12 đổ bộ vào Bắc Bình Thuận - Nam Phú Yên, nhưng thực tế bão vào chính xác là vùng giữa Phú Yên - Khánh Hòa. Dự báo, nhận định tình hình cơn bão như thế là chưa chính xác".
Ông Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - cho rằng, sức tàn phá của bão 12 đổ bộ vào Phú Yên hết sức bất ngờ so với dự báo của trung ương. "Bão 12 chệch hướng dự báo ban đầu, tràn mạnh qua Phú Yên hết sức bất ngờ. Cường độ bão quá mạnh, gây thiệt hại khốc liệt. Bão vào Phú Yên từ lúc 2h sáng, có thể nói là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào tỉnh. Vùng tàn phá chính của bão 12 chiếm khoảng 2/3 tỉnh Phú Yên và 1/3 tỉnh Khánh Hòa".
Khi PV Dân Việt hỏi về việc theo báo cáo Chính phủ thiệt hại do bão 12 của Khánh Hòa là 7.000 tỷ đồng, gấp 10 lần Phú Yên (700 tỷ đồng), ông Huỳnh Tấn Việt nói: "Đó chỉ mới là thống kê sơ bộ, Phú Yên đang tiếp tục nắm bắt cụ thể hơn về thiệt hại trên địa bàn. Ngoài việc đề nghị chi viện từ Trung ương, tỉnh đang dốc toàn lực để lo cho dân, khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão 12".
Dự báo bão thiếu chính xác là một trong những nguyên nhân gây vụ chìm tàu lịch sử tại biển Quy Nhơn, Bình Định.
Trong khi đó, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - quả quyết: "Bão 12 tràn vào Bình Định khủng khiếp hơn so với dự báo của Trung ương trước đó, khiến rất nhiều cơ quan và người dân bất ngờ. Ví như, vụ chìm tàu lịch sử tại biển Quy Nhơn là do anh em thủy thủ nghĩ rằng: Vượt qua được vùng biển Khánh Hòa - Phú Yên là an toàn. Thế nên các tàu chỉ neo ở phao số 0 mà không vào cảng. Riêng vụ chìm 8 tàu này đã làm 10 người chết, 3 người đang mất tích. Bình Định bị tàn phá rất nặng nề do bão 12; thiệt hại vật chất theo thống kê sơ bộ đã trên 670 tỷ đồng".
Theo Danviet
Lũ cắt đường, dùng ca nô đưa thi thể nữ nhân viên thủy lợi đi mai táng Thi thể nữ nhân viên thủy lợi (Bình Định) vừa được tìm thấy, tuy nhiên do lũ chia cắt nên phải dùng ca nô đưa thi thể đi mai táng. Sáng 7.11, ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định xác nhận, vừa tìm thấy thi thể của chị N.T.T.T (50 tuổi), nhân...