Lý giải thú vị: Giỗ Tổ vua Hùng có từ bao giờ?
Có khi nào chúng ta tự hỏi: Giỗ Tổ Vua Hùng có từ bao giờ và cơ quan nào của Nhà nước quy định quốc giỗ này?
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Giỗ Tổ để cả nước tỏ lòng biết ơn tổ tiên được tổ chức tại đền Hùng, xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, nay thuộc làng Cổ Tích, xã Hi Cương, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đền Hùng là một khu di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng của nước ta gồm có: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, Lăng Vua Hùng, đền Giếng (Ngọc Tỉnh), đền mẫu Âu Cơ, nhà bia… Tại đây, còn có cột đá thề tương truyền do An Dương Vương Thục Phán cho dựng để thề nguyện giữ gìn cơ nghiệp vua Hùng.
Giếng Ngọc là nơi các công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung (con gái vua Hùng 18) soi bóng vấn tóc. Ngày xưa trong ngày lễ có rước voi với ý nghĩa muôn loài quy phục Vua Hùng, rước cỗ bánh dày, bánh chưng để tỏ lòng biết ơn Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa, rước kiệu bay, đua thuyền rồng trên hồ Đá Vai, cạnh chân núi Nghĩa Lĩnh.
Đặc biệt trong hội đền Hùng có hát Xoan là dân ca có tính nghi lễ. Những người hát có trang phục cầu kỳ, trang trọng. Các kép (nam) thường quấn khăn lượt trên đầu, mặc áo the thâm, quần trắng, cổ quấn khăn nhiễu điều. Còn các đào nương (nữ) đầu vấn khăn, áo the, quần láng, thắt lưng đen kèm theo bao xanh hoặc hồng.
Một cuộc hát Xoan bao gồm hai phần chính là hát lễ và hát hội. Nếu chia hai phần này thành 4 giai đoạn thì có tới 3 giai đoạn gắn với nghi lễ. Giai đoạn đầu: hát chúc, hát thờ. Giai đoạn hai: hát quả cách. Giai đoạn bốn: hát giã. Chỉ duy nhất giai đoạn ba là hát Xoan, ghẹo, hát đúm có nội dung mang tính giải trí, thoả sức cho các chàng trai, cô gái trổ tài. Các nhạc cụ gõ đi kèm gồm có trống nhỏ, phách và mõ chỉ dừng ở kĩ thuật tiết tấu, giữ nhịp.
Nhiều người trong chúng ta đã hành hương về Việt Trì, đã dự lễ hội đền Hùng song có khi nào tự hỏi: Giỗ Tổ Vua Hùng có từ bao giờ và cơ quan nào của Nhà nước quy định quốc giỗ này?
Video đang HOT
Nếu có dịp đến đền Hùng, bạn hãy đọc kỹ các bia ký được dịch từ chữ Hán, nhất là hai tấm bia ở đền Thượng trên núi Hùng (Nghĩa Lĩnh) thì sự thực về lịch sử ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba mới được sáng tỏ như sau:
Tấm bia Hùng miếu điểu lệ do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định 1 (1917), gửi “các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ” điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó, lấy ngày 11 tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”
Phần thứ hai của văn bia Hùng miếu điển lệ dành cho việc quy định “Đệ niên kỷ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”
Như vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn ngày tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917, mới có quy định chính thức của triều Nguyễn, đời vua Khải Định, lấy ngày mồng Mười tháng Ba làm ngày “quốc tế” (quốc lễ, quốc giỗ).
Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại 15 (1940), cũng đang thấy đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Định kỳ mồng Mười tháng Ba (âm lịch) làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, vậy là chỉ bắt đầu từ năm 1917. Tuy nhiên, với tuổi gần trăm năm, với tinh thần kế thừa truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhất là với ý thức về nguồn, chung cội, được tăng cường mạnh mẽ trong điều kiện lịch sử hiện đại, mồng Mười tháng Ba đã trở thành một ngày thiêng liêng, trọng đại, đúng ý nghĩa đáng ghi nhớ: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương của cả dân tộc.
Theo Kiên thưc
Choáng váng, ngất xỉu ở lễ hội Đền Hùng
Sáng nay 9/4 (10/3 ÂL), hàng vạn người đổ về khu di tích Đền Hùng để dâng hương ngày Giỗ Tổ. Trong khi chờ lên đền, nhiều người bị ngất xỉu.
Bác sĩ Cao Đắc Hiệp, trạm trưởng trạm cấp cứu lễ hội đền Hùng cho biết, trong vòng 2 tiếng (từ 7h đến 9h) trạm cấp cứu dưới chân đền đã tiếp nhận 10 trường hợp bị ngất và hàng chục người bị khó thở, choáng váng.
"Do số lượng người tập trung quá đông, chen lấn xô đẩy nhau nên những người huyết áp thấp, tim mạch dễ bị ngạt thở, ngất xỉu ", bác sĩ Hiệp nói.
Được biết, năm nay ban tổ chức đã bố trí 8 chốt y tế dã chiến ở khu di tích Đền Hùng để sẵn sàng ứng cứu khi người dân gặp sự cố.
Theo thống kê của ban tổ chức, từ ngày 5 - 8/4, khu di tích đền Hùng đã đón gần 4 triệu lượt khách. Dự kiến ngày hôm nay đón hơn 1 triệu khách hành hành hương về đất tổ.
Để đảm bảo công tác an ninh cho đoàn dâng hương, người dân phải đợi phía dưới đền đến 8h30
Hàng vạn người đứng chen chân đợi lên đền từ sáng sớm
Nhiều người mệt mỏi ngồi đợi đến giờ dâng hương
Người già và trẻ em được lực lượng an ninh đưa lên chốt y tế nghỉ ngơi
Khoảng 8h30, các rào chắn được mở ra, người dân chen nhau lên phía cổng đền
Lực lượng an ninh liên tục thông báo người dân bình tĩnh xếp hàng nhưng dòng người vẫn tiếp tục xô lên
Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, chốt trực cấp cứu đã tiếp nhận 10 trường hợp bị ngất và hàng chục người bị choáng váng, khó thở
Trẻ em được bố mẹ cõng trên lưng để tránh xô đẩy
Chốt y tế dưới chân đền hoạt động liên tục
Đến 12h trưa nay, du khách vẫn ùn ùn đổ về khu di tích Đền Hùng
Theo Khampha
Du khách liều mình trèo núi thắp hương ngày Giỗ Tổ Đường lên núi Nghĩa Lĩnh bị ùn tắc, du khách đã bất chấp nguy hiểm liều mình bò vượt núi lên đền Hạ, Trung dâng hương ngày Giỗ Tổ. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng này đã không khỏi giật mình. Sáng ngày 10/3, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức diễn ra ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao,...