Lý giải nguyên nhân “gió mùa quái vật” gây lũ lụt khủng khiếp ở Pakistan
Khủng hoảng khí hậu được cho là một trong nguyên nhân gây ra đợt lũ lụt tồi tệ ở Pakistan, khiến hơn 33 triệu người phải di tản và hơn 1.000 người thiệt mạng.
Vì sao Pakistan hứng chịu thảm họa lũ lụt lịch sử?
Theo The Guardian, thảm họa lũ lụt ở Pakistan có thể đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như các sườn núi dốc ở một số khu vực, sự sụp đổ bất ngờ của các bờ bao và đập, cũng như do biến đổi khí hậu tự nhiên.
“Chúng ta đang chứng kiến đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử của Pakistan”, Tiến sĩ Fahad Saeed, nhà khoa học khí hậu của nhóm Climate Analytics, có trụ sở tại Islamabad, nói.
Người dân Pakistan băng qua nơi ngập nước do lũ lụt. Ảnh: AFP
Mưa lớn liên tục từ giữa tháng 6 đã gây lũ lụt nghiêm trọng trên toàn Pakistan. Gần như toàn bộ Pakistan chịu ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt năm nay. Trong đó, các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Balochistan lớn nhất đất nước và tỉnh Sindh ở miền Nam.
“Pakistan chưa từng chứng kiến một chu kỳ gió mùa không gián đoạn như thế này. 8 tuần mưa liên tục đã khiến nhiều nơi ngập úng nặng. Đây là một trận đại hồng thủy tràn đến khắp mọi nơi. Cơn gió mùa quái vật đang tàn phá không ngừng trên khắp đất nước”, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết.
Theo Al Jazeera, gió mùa là nguyên nhân chính gây ra những trận mưa lớn khiến sông tràn bờ ở Pakistan. Gió mùa Tây Nam là một đợt gió biển khổng lồ thổi từ Ấn Độ Dương, mang đến cho khu vực Nam Á, trong đó có Pakistan, khí hậu mát mẻ và lượng mưa khổng lồ.
70-80% lượng mưa hàng năm ở Nam Á do gió mùa Tây Nam mang lại. Những trận mưa là nguồn nước quan trọng cho ngành nông nghiệp ở Nam Á, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra lũ lụt đối với một số nước có hệ thống thủy lợi kém phát triển như Pakistan.
Từ đầu tháng 8, lượng mưa lớn hơn 9 lần so với mức trung bình ở tỉnh Sindh và cao hơn 5 lần trên toàn Pakistan.
Các nhà khoa học đang cố gắng xác định mức độ nóng lên toàn cầu có phải là nguyên nhân gây ra lượng mưa lớn và lũ lụt hay không. Những phân tích về trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan vào năm 2010 cho thấy, nóng lên toàn cầu là nguyên nhân đáng kể gây lũ lụt.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các đại dương ấm dần lên và sự nóng lên ở Bắc Cực có liên quan đến “siêu lũ” năm 2010 vì những yếu tố này ảnh hưởng đến dòng phản lực – dòng không khí chảy trong khí quyển của một số hành tinh, bao gồm cả Trái đất. Sự uốn khúc lớn hơn của dòng phản lực đã dẫn đến cả trận mưa kéo dài ở Pakistan và một đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Nga vào năm 2010.
Video đang HOT
Theo một nghiên cứu năm 2021, nóng lên toàn cầu đang làm cho gió mùa Nam Á trở nên dữ dội và thất thường hơn. Mỗi 1 độ C tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ dẫn đến lượng mưa tăng 5%.
Kể từ năm 2010, Pakistan đã phải hứng chịu lũ lụt thường xuyên cũng như các đợt nắng nóng và cháy rừng. “Biến đổi khí hậu đang thực sự gây ảnh hưởng đến đất nước chúng tôi. Giờ đây, biến đổi khí hậu đã trở thành một thông lệ khi hàng năm chúng ta đều phải đối mặt với những sự kiện thời tiết cực đoan”, chuyên gia Saeed cho biết.
“Chúng ta có thể thấy đây là trận lũ lụt rất nghiêm trọng ở Pakistan và ở nhiều khu vực khác, tình hình có thể còn tồi tệ hơn năm 2010, trong bối cảnh thảm họa này đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng”, Tiến sĩ Liz Stephens, Phó Giáo sư về rủi ro khí hậu và khả năng chống chịu tại Đại học Reading, Anh, cho biết.
Chuyên gia Stephens cho biết, có hai yếu tố quan trọng dẫn đến số người thiệt mạng cao trong đợt lũ lụt là do lũ quét và việc phá hủy các kè sông. Một số cơn mưa dữ dội đã đổ xuống những nơi nước chảy xiết từ các sườn dốc.
“Lũ quét rất khó để đưa ra cảnh báo kịp thời để có thể nhanh chóng giúp người dân tránh khỏi nguy cơ bị thiệt hại. Ngoài ra, không thể đoán trước khi nào các kè sông bị sụp đổ”, bà Stephens nói.
Nhà khí tượng học Scott Duncan cho biết, một chu kỳ khí hậu tự nhiên thay đổi do gió và nhiệt độ ở Thái Bình Dương cũng có thể là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở Pakistan. El Nio – Dao động phương Nam (ENSO) dường như đang ở trong giai đoạn La Nina (giai đoạn nước biển lạnh), giống như vào năm 2010.
“Theo ý kiến của tôi, La Nina đang hoạt động rất mạnh và là một yếu tố quan trọng để tăng cường mưa gió mùa”, ông Duncan nói.
Biến đổi khí hậu đang nhấn chìm Pakistan
Pakistan đứng thứ 8 trong Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, danh sách do tổ chức môi trường Germanwatch lập ra về những quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.
“Pakistan rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đợt nắng nóng chưa từng có từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, kèm theo gió mùa mạnh gây tác động lên xã hội và nền kinh tế càng thêm trầm trọng”, ông Duncan cho biết.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal ngày 29/8 cho biết, ước tính sơ bộ thiệt hại do các trận lũ lụt gần đây ở nước này có thể lên tới hơn 10 tỷ USD, hơn 1.000 người chết và gần 1 triệu căn nhà bị hư hỏng.
“Những gì chúng ta thấy hiện tại chỉ là giai đoạn đầu của hậu quả từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, đó là nghèo đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật, nếu chúng ta không chú ý đến biến đổi khí hậu”, Ali Tauqeer Sheikh, chuyên gia về khí hậu, cho biết.
Một thông tin lạc quan duy nhất trong đợt lũ lụt ở Pakistan là tình hình có thể sẽ không trở nên thảm khốc hơn. “Rất may mắn, dự kiến sẽ không có thêm những trận mưa lớn nào trong những ngày tới khi cuối mùa gió mùa đang đến gần”, nhà phân tích Nicholas Lee tại công ty dự báo thời tiết MetDesk cho biết.
Mặc dù vậy, rõ ràng là cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm tăng thêm gánh nặng đối với thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu, ngay cả khi thế giới chỉ ấm lên 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp. Pakistan hiện là quốc gia mới nhất mà cuộc sống và sinh kế của người dân đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu./.
Hình ảnh đại hồng thủy nhấn chìm 1/3 lãnh thổ Pakistan, 500.000 người 'màn trời chiếu đất'
Trận đại hồng thủy nhấn chìm 1/3 lãnh thổ Pakistan đã khiến ít nhất 1.130 người thiệt mạng và gần 500.000 người đang phải sống trong các khu trại tị nạn.
Những trận mưa hoành hành ở Pakistan kể từ giữa tháng 6 đã ngừng trong tuần này và lũ lụt ở một số khu vực đang rút dần. Nhưng người dân Pakistan ở nhiều nơi trên đất nước vẫn đang bì bõm khi nước lênh láng khắp nhà cửa, đường xá.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan cho biết lũ lụt trong mùa hè này đã khiến hơn 1.136 người thiệt mạng và 1.636 người bị thương, làm hư hại 1 triệu ngôi nhà. Ngoài 498.000 người sống trong các trại cứu trợ, nhiều người khác đang phải sống nhờ người thân, bạn bè hoặc bên ngoài.
Viện trợ quốc tế bắt đầu đổ vào Pakistan và quân đội đang giúp phân phát hàng hóa tới các vùng hẻo lánh và sơ tán những người mất nhà cửa. Lũ lụt đã phá hủy hơn 150 cây cầu, nhiều con đường bị cuốn trôi khiến hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết ít nhất 33 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Bà gọi đó là trận lũ lụt "chưa từng có" và "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thập kỷ này".
Người dân tập trung bên cạnh một con đường bị hư hại do lũ lụt ở Kyhber Pakhtunkhwa, Pakistan ngày 29/8. Ảnh: Getty
Một đứa trẻ ngủ trong căn lều tạm ở ở Khyber Pakhtunkhwa sau khi sơ tán khỏi lũ lụt. Ảnh: Getty
Hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô trận lụt dọc bờ sông Indus ở Rajanpur, Pakistan vào ngày 28/8. Ảnh: Reuters
Người dân lội qua dòng nước lũ ở quận Mirpur Khas của Pakistan ngày 28/8. Ảnh: Getty
Binh sĩ Quân đội Pakistan phân phát lương thực sau trận lũ quét ở Hyderabad, Pakistan, ngày 28/8. Ảnh: Getty
Thị trấn Mingora ở thung lũng Swat, phía bắc Pakistan ngập trong nước. Ảnh: Getty
Người dân lánh nạn dọc đường cao tốc sau khi rời khỏi những ngôi nhà bị lũ lụt ở quận Charsadda, Pakistan. Ảnh: Getty
Mênh mông biển nước ở Peshawar, Pakistan ngày 27/8. Ảnh: Getty
Một người đàn ông bế con gái bị bệnh đi dọc con đường bị nước lũ làm hư hỏng ở Thung lũng Swat, phía bắc Pakistan ngày 27/8. Ảnh: Getty
Người đàn ông bơi trong nước lũ đến vùng đất cao hơn ở Charsadda, Pakistan, ngày 27/8. Ảnh: Reuters
Những người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đứng xếp hàng dài để nhận thức ăn do quân đội Pakistan phân phát ở Rajanpur ngày 27/8. Ảnh: AP
Một khu vực ngập lụt được nhìn thấy từ trên đỉnh một cây cầu ở quận Charsadda vào ngày 27/8. Ảnh: Getty
Một gia đình mang đồ đạc đi qua dòng nước lũ ở Jamshoro, Pakistan, ngày 26/8. Ảnh: Reuters
Người dân lội qua dòng nước lũ ở Dagai Mukram Khan, Pakistan, ngày 26/8. Ảnh: Getty
Các nhân viên cứu hộ thực hiện chiến dịch sơ tán những người mắc kẹt ở Rajanpur ngày 25/8. Ảnh: Getty
Dân làng trú ẩn tại một khu trại tạm sau khi nhà cửa của họ bị hư hại do lũ lụt ở quận Jaffarabad của Pakistan. Ảnh: Getty
Một cậu bé lội qua ngôi nhà ngập lụt của mình ở Karachi. Ảnh: Getty
Lũ lụt ập đến Pakistan vào thời điểm đất nước này phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua việc phát hành 1,17 tỷ USD để hỗ trợ nước này. LHQ cho biết họ đã phân bổ 3 triệu USD cho các cơ quan viện trợ và đối tác để ứng phó lũ lụt. Số tiền này sẽ được sử dụng cho các dịch vụ y tế, dinh dưỡng, an ninh lương thực, nước và vệ sinh ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất.
Lũ lụt nghiêm trọng khiến giá thực phẩm tại Pakistan tăng phi mã Lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan đã khiến giá thực phẩm tăng vọt, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn. Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt tại tỉnh Punjab, Pakistan ngày 29/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Theo Cục thống kê Pakistan, giá hành và cà chua, hai nguyên liệu phổ biến trong bữa ăn của người dân nước...