Lý giải nguyên nhân Covid-19 lây lan “khủng” ở Ấn Độ
Với tốc độ lây nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây, các chuyên gia y tế lo ngại, Ấn Độ có thể vượt Mỹ, Brazil và đứng đầu thế giới về số ca mắc.
Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ đã vượt mốc 3 triệu người tính đến ngày hôm qua (23/8). Hiện quốc gia này đang đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc Covid-19, sau Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, với tốc độ lây nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây, các chuyên gia y tế lo ngại, trong thời gian tới Ấn Độ, có thể vượt 2 quốc gia nói trên và đứng đầu thế giới về số ca mắc.
Hiện Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. (Nguồn: PTI).
Khó truy vết và kiểm soát các ca bệnh
Những ca mắc Covid-19 đầu tiên của Ấn Độ được ghi nhận tại bang Kerala, miền nam nước này vào cuối tháng 1/2020. Các bệnh nhân là 3 sinh viên đại học đang theo học ở vùng tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc. Tuy vậy, sự lây nhiễm trong cộng đồng đã diễn ra tại các thành phố cách bang này hàng nghìn km về phía bắc.
Trung tâm tài chính Mumbai đã thông báo số ca mắc tăng vọt vào cuối mùa xuân, tiếp đến là thủ đô New Delhi vào đầu mùa hè. Mặc dù sự gia tăng số ca mắc mới tại hai thành phố lớn nhất của Ấn Độ đã chững lại, nhưng các cuộc khảo sát huyết thanh học cho thấy dịch bệnh đã lan rộng khắp trong dân.
Tại thủ đô New Dehli, một nghiên cứu gần đây của chính phủ được tiến hành với 15.000 tình nguyện viên cho thấy 29% người tham gia có kháng thể đối với Covid-19, mặc dù thành phố 11 triệu dân này chỉ có 150.000 trường hợp được xác nhận. Điều này chứng tỏ còn rất nhiều ca mắc khác chưa được phát hiện.
Tiến sỹ Ullas Kolthur Seetharam, một nhà sinh vật học đã tiến hành khảo sát tại Mumbai, thành phố có 12,4 triệu dân trong tháng 7 và nhận thấy rằng hơn 50% số người được xét nghiệm sống trong các khu ổ chuột có kháng thể đối với virus, trong khi con số này ở những người sống trong các khu dân cư có tổ chức là 16%. Khảo sát cho thấy, việc dùng chung nhà vệ sinh, mật độ dân số cao và thiếu các biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm.
Nguồn lực y tế phân bố không đồng đều
Video đang HOT
Nguồn lực y tế của Ấn Độ được phân bố không đồng đều trên cả nước. Dữ liệu của chính phủ cho thấy có sự chênh lệnh lớn về các chỉ số dịch vụ y tế giữa các khu vực. Một số bang nghèo nhất của Ấn Độ có dịch vụ y tế chỉ tương đương với các khu vực cận Sahara của châu Phi.
Ươc tính có gần 600 triệu người dân Ấn Độ đang sống ở các khu vực nông thôn. Trong bối cảnh virus đang lây lan mạnh mẽ, các chuyên gia y tế lo ngại nhiều bệnh viện có thể trở nên quá tải. Với năng lực xét nghiệm có hạn, chính quyền các địa phương sẽ khó khăn hơn để theo dõi và ngăn chặn dịch bệnh.
Nhà dịch tễ học Jayaprakash Muliyil cho biết: “Các khu vực nông thôn của Ấn Độ có cơ sở hạ tầng y tế rất hạn chế. Tôi sợ rằng chúng ta có thể sớm phải chứng kiến sự bùng phát các ca bệnh Covid-19 ở những nơi đó “.
Tại bang Bihar, gần 90% dân số sống trong các ngôi làng. Mỗi năm, bang này phải nỗ lực đối phó với dịch sốt xuất huyết và các bệnh khác bùng phát theo mùa. Số liệu chính thức cho biết, bang này chỉ có một giường bệnh và chưa đến bốn bác sĩ trên 10.000 dân. Bihar hiện xét nghiệm 10.000 mẫu mỗi ngày và đang tìm kiếm sự trợ giúp của chính phủ liên bang để gia tăng gấp 10 lần năng lực xét nghiệm.
Nhưng đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Các quan chức địa phương cho biết, nhiều người cố tình che giấu các triệu chứng và không đi xét nghiệm. Điều này làm phức tạp thêm các nỗ lực của bang nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Năng lực xét nghiệm có hạn
Ấn Độ đang xét nghiệm cho hơn 900.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 140 xét nghiệm trên 1 triệu người. Nhưng khoảng 1/3 trong số này là xét nghiệm kháng nguyên, nhanh hơn song không chính xác bằng xét nghiệm RT-PCR, vốn được coi là công cụ tối ưu để xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.
Uttar Pradesh – bang đông dân nhất của Ấn Độ có dân số khoảng 2 triệu người và cũng là một trong những bang nghèo nhất, đang tiến hành nhiều xét nghiệm nhất, với mức độ trung bình 110.000 người/ngày. Nhưng các ổ dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện và số ca mắc không ngừng gia tăng. Uttar Pradesh hiện nằm trong số 5 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ấn Độ, sau Maharashtra, Tamil Nadu, Andhra Pradesh và Karnataka.
Bang Telangana, nơi có trung tâm công nghệ Hyderabad của Ấn Độ, đã bị chỉ trích vì không đủ năng lực xét nghiệm cho dân số vào khoảng 40 triệu người. Telangana thông báo có tổng cộng 79.000 trường hợp mắc Covid-19.
Nhưng hai cơ quan khoa học nổi tiếng của Ấn Độ là Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử cùng với Viện Công nghệ Hóa học Ấn Độ – đã cảnh báo, kết quả phân tích về nước thải của Hyderabad cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm ở riêng thành phố này trên thực tế có thể cao gấp 6 lần so với con số được báo cáo của cả bang.
Sau khi xét nghiệm mẫu tại 10 nhà máy xử lý nước thải, các nhà khoa học cho biết, khoảng 6,6% dân số trên tổng số 10 triệu dân, tương đương 660.000 người ở Hyderabad – có thể đã bị mắc bệnh. Ở Hyderabad, nơi trước đây thường diễn ra các hoạt động náo nhiệt thì nay nỗi sợ hãi dịch Covid-19 đã khiến các công viên, khu mua sắm và đường sá vắng lặng.
Có thể thấy rằng dịch bệnh đang lây lan tại Ấn Độ với tốc độ chóng mặt. Trong 18 ngày liên tiếp, quốc gia này đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 nhiều nhất trên thế giới.
Tiến sĩ Gagandeep Kang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Ấn Độ dự đoán với dân số gần 1,4 tỷ người và tốc độ lây nhiễm ngày càng gia tăng trên khắp đất nước, Ấn Độ có thể sớm trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới./.
Nguyên nhân khiến Indonesia không kiểm soát được dịch Covid-19
Tỷ lệ xét nghiệm thấp, truy vết tiếp xúc ở mức tối thiểu, hạn chế phong toả và kiểu chữa trị không khoa học khiến Indonesia bị virus corona lấn lướt.
Mới chỉ tuần trước, Bộ trưởng Hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan đồng thời là người thân thiết với Tổng thống Indonesia còn ca ngợi nước măng cụt thảo dược là một phương thuốc trị Covid-19.
Những gì quan chức này nói tới là cách mới nhất trong một loạt kiểu chữa trị không chính thống được nội các của Tổng thống Indonesia đưa ra trong 6 tháng qua, từ cầu nguyện tới cơm gói trong lá chuối, hay đeo vòng cổ làm từ cây bạch đàn. Những kiểu chữa trị đó phản ánh hướng đi thiếu khoa học trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Indonesia.
Hiện tỷ lệ làm xét nghiệm phát hiện virus corona tại Indonesia thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Việc truy vết tiếp xúc cũng ở mức tối thiểu và nhà chức trách phản đối phong toả ngay cả khi các ca nhiễm tăng vọt.
Theo Reuters, không có dấu hiệu nào cho thấy Indonesia kiểm soát được dịch. Hiện tỷ lệ lây nhiễm ở nước này là nhanh nhất ở Đông Á, với 17% số người làm xét nghiệm cho kết quả dương tính, và gần 25% với khu vực ngoại ô thủ đô Jakarta. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 5% đã được coi là dịch chưa được kiểm soát.
"Virus đã lan khắp Indonesia. Những gì chúng tôi làm hiện giờ chỉ là miễn dịch cộng đồng", Prijo Sidipratomo, Trưởng khoa Nội thuộc Bệnh viện Phát triển quốc gia tại Jakarta nói.
Miễn dịch cộng đồng được mô tả là một kịch bản mà ở đó phần đông dân số nhiễm virus, rồi sau đó miễn dịch rộng khắp sẽ ngăn bệnh dịch lây lan.
Phát ngôn viên Chính phủ Indonesia Adisasmito không trả lời các câu hỏi chi tiết của Reuters. Quan chức này cho hay, số ca nhiễm virus là "lời cảnh báo với Indonesia để tiếp tục tăng cường các nỗ lực đối phó" và các ca dương tính theo đầu người ở Indonesia thấp hơn hầu hết các quốc gia khác.
Indonesia hiện có 144.945 ca nhiễm virus đã được xác nhận trong tổng dân số 270 triệu người, ít hơn so với Mỹ, Brazil và Ấn Độ cũng như nước láng giềng Philippines. Tuy nhiên, quy mô thực sự của dịch ở Indonesia vẫn còn chưa bộc lộ. Bởi lẽ so với Indonesia, Ấn Độ và Philippines tiến hành lượt xét nghiệm cao gấp 4 lần theo đầu người, còn Mỹ cao hơn 30 lần.
Thống kê theo chương trình Our World của dự án nghiên cứu Data cho thấy, Indonesia xếp thứ 83 trong số 86 quốc gia được khảo sát về số ca xét nghiệm tính theo đầu người.
"Lo lắng của chúng tôi là dịch vẫn chưa đạt đỉnh, tới tháng 10 có lẽ mới tới và đến hết năm, dịch vẫn chưa lùi bước", Iwan Ariawan, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia cho hay. "Ngay lúc này, chúng tôi không thể nói dịch đã được kiểm soát".
Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, Chính phủ Indonesia được cho là phản ứng khá chậm và còn ngần ngại tiết lộ cho công chúng. Bất chấp việc số ca nhiễm ở các nước láng giềng tăng vọt và có tới 3.000 bộ xét nghiệm được cấp vào đầu tháng 2, Chính phủ Indonesia nói cho tới 2/3, chỉ có chưa đầy 160 xét nghiệm được tiến hành.
Ngày 13/3, Tổng thống Indonesia Widodo tuyên bố, chính phủ nước này rút lại thông tin để không gây hoảng loạn. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 3, Chính phủ Indonesia không công bố ít nhất nửa số ca nhiễm hàng ngày mà họ biết, Reuters dẫn lời hai người được tiếp cận với dữ liệu các ca nhiễm. Hai nhân vật này sau đó bị cấm xem dữ liệu gốc.
Pháp lại phá kỷ lục về số ca nhiễm SARS-CoV-2 từ tháng 5 Pháp tiếp tục chứng kiến đà lây nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh khi số ca nhiễm mới trong ngày 23/8 lại tiếp tục ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2020. Theo số liệu được Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố trong tối ngày 23/08, nước Pháp lại vừa ghi nhận một con số kỷ lục mới về số ca nhiễm...