Lý giải hiện tượng lạ kỳ tiếng Việt
Lý giải về hiện tượng những đảo thổ ngữ lạ giữa một cộng đồng có giọng nói phổ thông, nhiều người thường lý giải là do nước uống, do thổ nhưỡng, do môi trường khắc nghiệt, vùng đầu sóng ngọn gió, ăn to nói lớn…
Một số lý giải khác, như trường hợp làng Mỹ Lợi, thì cho rằng người Quảng đã ra Huế định cư và bảo lưu giọng Quảng của mình suốt 4-5 trăm năm nay (những họ lâu đời nhất ở Mỹ Lợi có gia phả đều đã 16-17 đời). Thế nhưng, rõ ràng những cách trả lời này mang nhiều kiến giải của dân gian hơn là khoa học. Trong khi khoa học, tức các nhà ngôn ngữ trên thế giới, đã lý giải hiện tượng này một cách đầy đủ và khá sâu sắc.
Do một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ
Quan điểm quan trọng nhất giúp ta hiểu hiện tượng này là của Meillet, nhà ngôn ngữ học người Pháp: “Khi một ngôn ngữ biến đổi nhiều, tạo ra một bộ mặt mới khác với trước đó thì rất có thể là có một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ”. Ở VN, theo GS ngôn ngữ học Hoàng Thị Châu, các thành phần dân cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt là những người Việt gốc Hoa, gốc Khmer và gốc Chăm”(Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên các miền đất nước – Phương ngữ học, NXB KHXH 1989, trang 229). Theo chúng tôi, ở miền Trung còn phải kể đến các tộc người thiểu số khác nữa như Rục, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều, Ka Tu, Cuối, Mọn, Đan Lai – Ly Hà, Tày Poọng…
Ví dụ, trong thực tế, điều bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là người Ấn nói tiếng Anh rất khác với người Thái nói tiếng Anh và cũng khác xa với người Việt, Nhật, người Hoa, người Pháp nói tiếng Anh. Những nhóm dân cư mà GS Hoàng Thị Châu đề cập đã nói tiếng Việt bằng giọng nói của họ và đã sinh ra những vùng thổ ngữ khác nhau.
Cuốn sách đoạt giải thưởng Sách hay 2012 của tác giả Hồ Trung Tú
Thực tế có nhiều yếu tố để tạo thành một thổ ngữ. Như trường hợp trên là một, ngoài ra ta còn có các trường hợp người Chăm tiếp thu tiếng Việt ở người có giọng Hải Dương, Thái Bình sẽ khác rất nhiều với việc họ học nói tiếng Việt với người Thanh Hóa và sẽ càng khác nếu học nói tiếng Việt với người Nghệ An. Rõ ràng điều đó tạo nên những vùng thổ ngữ khác nhau.
Ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ thanh điệu, chưa kể điệu tính bổng trầm của mỗi vùng thì việc nói đủ sáu dấu thanh là điều khó với bất cứ ai học nói tiếng Việt. Chính vì vậy chúng ta thấy với người nước ngoài họ sẽ không nói được nên bỏ bớt đi một số dấu thanh. Ở một số làng tại Nghệ An, Hà Tĩnh người ta chỉ nói ba thanh nên nghe rất lạ tai, có thể chính là lý do này. Ở Quảng Nam vào đến Phú Yên thì các dấu thanh tương đối đủ, nhưng điểm đặc biệt là sự biến đổi của nguyên âm, đầu têu nhất là mọi âm /a/ đều bị biến thành /oa/ (ở Phú Yên thì /a/ thành như /e/ và Quảng Ngãi, Bình Định là những bước trung gian) nên kéo theo hàng loạt biến đổi khác như: Choa ơi choa, anh Boa ảnh câu con cóa, ảnh để trên hòn đóa con gòa hén en (Cha ơi cha, anh Ba ảnh câu con cá, ảnh để trên hòn đá con gà hắn ăn).
Loạt bài về tiếng nói lạ vừa qua không đề cập đến làng Cao Lao Hạ ở bờ nam sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Đây là một làng ngôn ngữ vì không một nhà ngôn ngữ nào không một lần đến đó để nhận thấy những biến âm kỳ lạ khi cư dân làng này nói tiếng Việt. Trong sách Có 500 năm như thế, chúng tôi đã làm một kết nối: Thì ra làng này chính là thành Khu Túc của nước Chiêm Thành xưa. Thành này đã hoàn toàn thuộc về Đại Việt từ năm 1069 nhưng người dân ở đó vẫn bảo lưu giọng nói của mình và tập nói tiếng Việt theo giọng người Khu bốn, tức chỉ có bốn thanh, và ở đó họ chỉ nói còn ba thanh, không có dấu hỏi, dấu ngã và dấu sắc, tất cả dấu hỏi, dấu ngã và dấu sắc đều được nói như dấu nặng. Chính vì vậy đã tạo nên một ốc đảo ngữ âm lạ.
Video đang HOT
Ở làng Mỹ Lợi cũng vậy, nhà nghiên cứu Chu Sơn nói làng Mỹ Lợi nói không hẳn ra giọng Quảng vì không nói “mô, tê, răng, rứa” mà nói “đâu, kìa, sao, vậy”, nếu vậy thì đây chính là nét để nhận ra giọng Quảng Ngãi. Ở Quảng Nam có rất nhiều làng nằm giữa một vùng Quảng Nam nhưng lại không nói “mi, tau, mô, tê, răng, rứa” mà nói “mầy, tao, đâu, kìa, sao, vậy” giống Quảng Ngãi như Phong Lệ, Thanh Quýt, Mã Châu, Phú Nham, Tây Gia, Phú Bình… Cứ như theo ngữ điệu mà xét thì ta thấy giọng nói các làng này khá gần với Quảng Ngãi. Tại sao lại có hiện tượng những ốc đảo giọng Quảng Ngãi, Bình Định ở giữa Quảng Nam hay Huế?
Từ thổ ngữ nhận ra lịch sử
Khi một bộ phận dân cư thay đổi ngôn ngữ thì dấu hiệu đặc trưng nhất giúp ta nhận biết đó chính là ngữ điệu và ngữ âm. Ví dụ dễ thấy là người Việt nói tiếng Anh, và bất cứ người nước nào khác cũng vậy, khi nói tiếng Anh khó nhất là ngữ điệu của người Anh. Ở VN ta thấy nếu lấy ngôn ngữ vùng đồng bằng Bắc bộ làm chuẩn, và cả giọng Khu 4 cũ (tức các tỉnh từ Nghệ An vào Thừa Thiên – Huế) cũng rất nhiều bổng trầm, thì phương ngữ Nam Hải Vân đến tận Cà Mau hầu như đã đánh mất ngữ điệu đó.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú – Ảnh: Thảo Nguyên
Để đồng thuận được điều này chúng ta cần thống nhất thời điểm hình thành vùng phương ngữ Nam Hải Vân này. Sách Ô Chân Cận Lục của Dương Văn An, được viết năm 1553, đã phân biệt vùng Thuận Hóa (tức các tỉnh từ Quảng Bình đến một phần tỉnh Quảng Nam nay) có hai giọng nói là giọng Châu Hoan và giọng Châu Hóa. Giọng Châu Hoan được xác định là giọng của người Khu 4 cũ (Vinh đến Huế nay), vậy giọng Châu Hóa là gì nếu không phải là giọng Quảng Nam? Nhìn lại lịch sử, vùng đất Quảng Nam có người Việt đặt chân đến định cư bắt đầu từ năm 1306 và chắc chắn giọng nói vùng này cũng hình thành từ đó do cuộc biến đổi từ một bộ phận người Chăm đã thay đổi ngôn ngữ, tức người Chăm nói tiếng Việt mà thành. (Xem thêm từ sách Có 500 năm như thế – Hồ Trung Tú).
Trong suốt 700 năm qua, có nhiều làng người Chăm ở Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn bảo lưu giọng nói của mình và chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt vào các thế kỷ sau, thậm chí có làng, nhất là các làng biển, mãi đến thế kỷ 18 họ mới hoàn toàn chuyển hẳn sang nói tiếng Việt. Nó cho ta một hình dung về chuyện người Chăm chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau mà ra những vùng thổ ngữ khác nhau.
Mô hình này cho ta hình dung câu trả lời hiện tượng những làng nói giọng lạ, mà loạt bài về “Lạ kỳ tiếng Việt đó đây” đã đề cập. Nếu bỏ công truy tìm ở các làng thổ ngữ này chắc chắn ta sẽ tìm thấy nguồn gốc xa xưa của một tộc người nào đó đã từ bỏ ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt, và điều này mở ra những khả năng nghiên cứu bản sắc địa phương lý thú hơn rất nhiều.
Nếu chấp nhận mô hình này, chúng ta sẽ mặc nhiên có được một công cụ quan trọng để nhìn vào các bước đi của lịch sử trong trường hợp đã mất hết các sử liệu, tức giúp ta hình dung về những cuộc chuyển động, va chạm của các tộc người, sự tiếp biến của các nền văn hóa đã từng xảy ra cách nay vài trăm đến hàng ngàn năm trước.
Theo lịch sử Nam tiến, người Quảng Ngãi phải nói tiếng Việt muộn hơn người Quảng Nam và người Bình Định thì càng muộn hơn nữa, người Phú Yên rõ ràng chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt sau năm 1611 (theo chúng tôi, ở đây phải cuối thế kỷ 17 này mới hoàn toàn chuyển sang tiếng Việt). Nếu giọng Quảng Nam do người Chăm nói tiếng Việt của người Hải Dương, Thanh Hóa mà thành thì có thể giọng Bình Định, Phú Yên là do người Chăm nói tiếng Việt theo giọng người Quảng Nam mà có (giai đoạn này do chiến tranh Trịnh – Nguyễn nên không có Nam tiến nữa)!
Theo 24h
Ở đây nói tiếng như... chim
Thuở còn học phổ thông, lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi hay đi qua cầu Cống Mười ngay bên làng Diêm Điền. Ở đó các bà người Diêm Điền thường ra mò cua, bắt cá. Chúng tôi đứng trên đường cái, giả giọng trêu chọc, để được nghe các bà... chửi bằng giọng Diêm Điền. Một bà già nổi giận, liền mắng: "Chúng may bà tợn, ba nên ba bồ đao nên tôốc cho ma chết! (Chúng mày ba trợn, bà lên bà bổ dao lên đầu cho mà chết)".
Lang tùi noi tiếng chìm!
Giọng nói của người Diêm Điền (nay thuộc phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, Quảng Bình) quả thật nghe như tiếng chim hót. Ngay người làng này cũng "tự hào" xác nhận: lang tùi nói tiếng chìm! (làng tui nói tiếng chim). Họ nói rất nhanh, lên bổng xuống trầm, lúc nhấn mạnh, lúc kéo dài.
Ông Hoàng Mạnh Châm - bí thư Đảng ủy phường Đức Ninh Đông, người làng Diêm Điền - cho biết các âm đầu như s, tr, d được người dân làng phát âm thành âm th, t, r (&'trăng sao" thành "tăng thao"). Âm l chuyển sang n, ngược lại n thành l ("Nam Lý" thành "Lam Ní"). Thanh ngang nhiều lúc họ phát âm như thanh huyền (ba thành bà). Ngược lại, trong một số trường hợp, đôi khi những chữ có thanh huyền họ phát âm ra thành thanh ngang (ngày lại nói thành ngay). Cụ Bùi Văn Uy, bô lão của làng, cho biết chữ có dấu hỏi, dấu ngã là khó nói nhất, nên người dân thường phát âm chữ hỏi thành ra lơ lớ giữa hoi, hói, hòi, hoặc chữ ngủ nghe giông giống chữ ngù, ngũ, ngụ... như đang luyến láy một nốt nhạc.
Cách nhau một con hẻm, nhưng người bên phải thuộc làng Diêm Điền lại nói một thứ tiếng khác hẳn người ở phía bên trái (làng Nam Lý)
Dân Đồng Hới truyền nhau câu chuyện một ông chồng đưa cô vợ người Diêm Điền đi khám bệnh. Ra khỏi phòng khám, nước mắt cô rơi lã chã. Tưởng mắc bệnh gì nặng lắm, anh chồng hỏi mãi cô mới nói: "Họ hoi lúc tháng đã ằn uống nhi chừa, đê nam xét nghiệm máu. Èm lói nà có uống nhiêu nần nước tong rôi. Rứa ma họ cứ bóp bụng lói nà đã bị tiêu chảy. Èm lói nà khồng phải, họ mắng đã đì rà nước tong tong rôi ma con khồng phải na tiều chảy!". Nếu không có người phiên dịch, tôi đoan chắc không một ai hiểu nổi cô gái đang nói gì. Cô nói thế này: "Họ hỏi lúc sáng đã ăn uống gì chưa để làm xét nghiệm máu. Em nói là có uống nhiều lần nước trong rồi. Rứa mà họ cứ bóp bụng em nói là đã bị tiêu chảy. Em nói không phải, họ mắng đã đi ra nước tong tong rồi mà còn không phải là tiêu chảy".
Ông Phạm Phước, một người Diêm Điền, kể rằng có cô gái người làng Diêm Điền đi chơi với người yêu ở làng khác, nói chuyện với bạn trai bằng giọng Bắc. Trò chuyện một lúc, anh chàng đưa tay ôm cô gái. Cô gái hốt hoảng bèn xổ luôn một tràng "tiếng Diêm Điền": "Khồng được khồng được. Thả tớ rà kẻo vê nha mạ tớ mắng, đánh tớ ù tôốc thì nàm thao" (không được không được, thả tớ ra kẻo về nhà mẹ tớ mắng, đánh tớ u đầu thì làm sao)". Anh chàng không hiểu cô gái nói điều gì. Cô bảo "má la", thế mà tưởng là đang chửi mình. Lại có chàng trai người Diêm Điền hẹn hò với cô gái khác làng dưới ánh trăng, anh chàng nói với cô gái: "Hồm này tơi thào thừa, tằng tháng thủa, èm he". Cô gái không hiểu, tưởng anh chàng muốn chọc ghẹo mình nên giận dỗi bỏ về, khiến anh chàng phải dịch lại câu nói để "minh oan" cho chính mình. Rằng điều anh muốn nói là: "Hôm nay trời sao sưa, trăng sáng sủa, em nhỉ"...
Bà Hoàng Thị Hường, năm nay 81 tuổi, cho biết đi ra khỏi làng thì bà nói giọng phổ thông, nhưng về đến làng là tự dưng nói bằng giọng Diêm Điền. Nhà bà Hường và nhà hàng xóm Nam Lý chỉ cách nhau một ngõ nhỏ. "Vầy nhừng quê ài lói giọng quê lấy, khồng có chuyện tháo tộn qua nại chi hết"- bà Hường nói. Ông Hoàng Mạnh Châm cũng khẳng định: "Làng vẫn giữ được giọng nói chân chất, lạ lùng của mình, như một nét riêng của người Diêm Điền vậy".
Nơi có những bàn tay tài hoa
Người Diêm Điền ngoài giọng nói lạ còn sinh ra nhiều người tài hoa. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là người làng Diêm Điền, tác giả của các bài hát nổi tiếng Tình ta biển mặn đồng xanh, Thành Huế chúng mình thương, Nhật Lệ trăng huyền thoại... Ông cho biết đã chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa của làng. Nhưng theo ông, cái mà người Diêm Điền giữ được đến bây giờ và làm cho đời sống người làng phát triển là nghề truyền thống. Đó là nghề xây và nghề mộc. Ông nội của ông được vua ban là cửu phẩm nhờ có tay nghề mộc.
Thợ nề Diêm Điền đắp nổi hình rồng bằng ximăng và khảm đá men trên trụ
Theo các cụ cao tuổi ở làng Diêm Điền, hằng năm làng vẫn mổ bò cúng ông tổ nghề mộc vào ngày 19-12 âm lịch. Thợ mộc Diêm Điền từng được vua nhà Nguyễn trưng tập vào Huế làm một số công trình đền, chùa, lăng tẩm và có người được phong đến cửu phẩm. Nhờ khéo tay, chịu khó nên đến bây giờ người làng Diêm Điền vẫn theo nghề để tung hoành khắp thiên hạ, với các sản phẩm tinh xảo như tủ thờ, sạp gụ, nhà rường, đồ chạm, khảm...
Bên cạnh nghề mộc là nghề nề. Chưa có địa phương nào ở Quảng Bình có tiếng về nghề này như Diêm Điền. Ông Hoàng Sông Hương nói nhờ thợ nề làng Diêm Điền mà đô thị Đồng Hới phát triển như ngày nay. Bàn tay nghề nề của người Diêm Điền quả thật rất khéo, nhất là công việc chạm khắc lăng, bia, nhà thờ, miếu mạo... Ở làng cũng có ngôi miếu gọi là miếu Hội thợ nề, hằng năm đều có thờ cúng nghề nề vào ngày 24-11 âm lịch. Thời Pháp thuộc, ông Bùi Tường làm nhà mát cho một sân vận động với các kiểu kiến trúc Pháp, sau đó được Pháp tặng mề đay vì tay nghề điêu luyện. Hiện nay Diêm Điền có đến 70% trong số 1.114 hộ (5.097 người) có người làm nghề nề, và họ đi làm khắp nơi trong tỉnh.
Người làng Diêm Điền có gốc gác từ Thanh Hóa, Thái Bình... di cư vào Đồng Hới từ hơn 400 năm trước. Sơ khai họ có nghề làm muối nên mới có tên gọi là Diêm Điền (ruộng muối). Làng nằm trên một doi đất dài, địa hình như ngón chân một con chim khổng lồ duỗi ra. Nhiều người nói vui là có lẽ do vậy nên người Diêm Điền mới có tiếng nói tựa như... chim hót.
Gia phả của các dòng họ làng Diêm Điền cho thấy người dân ở đây di cư từ phía Bắc vào, mang theo thổ ngữ của vùng đất mà họ đã sống. Nhưng đã bao đời họ sống giữa lòng thành phố Đồng Hới mà vẫn giữ được tiếng nói gốc của mình. Khi đi làm ăn xa (như di cư), họ có ý thức giữ được tiếng nói riêng của mình, nếu không là mất gốc. Ở làng Diêm Điền còn có yếu tố quan trọng để họ có tiếng nói khác lạ với xung quanh chính là sự gắn kết cộng đồng rất chặt chẽ.
(Ông Nguyễn Văn Tăng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Bình)
Theo 24h
Làng nói "tiếng Nhật" ở Quảng Trị "Ga ni ga mô/ ga mô ri eng/ ga ni ga chi/ O ni đi mô/ o mô đi ra, o mô đi vô/ đi vô ga mô ri...". Mới thoạt nghe môt loạt câu nói trên dê nhâm tưởng là người... Nhât đang nói chuyên, nhưng thât ra đó là môt nhóm dân Vĩnh Hoàng đang đi trên tàu chợ! Thât tiêc...