Lý do thực sự Israel muốn kiểm soát Hành lang Philadelphi giáp Ai Cập
Ai Cập đã phát một loạt cảnh báo nghiêm trọng về kế hoạch của Israel đối với Hành lang Philadelphi, nhấn mạnh rằng việc Israel xâm nhập vào dải đất dài 14km này sẽ vi phạm Hiệp ước Hòa bình Ai Cập – Israel năm 1979.
Hành lang Philadelphi giữa Ai Cập và Gaza. Ảnh: Sputnik
Quân đội Israel đã nổ súng chống lại “những kẻ xâm nhập có vũ trang” tiếp cận khu vực biên giới giữa Israel và Ai Cập hôm 15/1, vài ngày sau khi nước này công bố kế hoạch kiểm soát Hành lang Philadelphi dài 14 km ngăn cách Gaza và Ai Cập. Một nhà quan sát Trung Đông cho biết kế hoạch của Israel có thể làm leo thang thêm căng thẳng trong khu vực.
Căng thẳng Ai Cập – Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cuối tuần qua tuyên bố rằng biên giới giữa Gaza và Ai Cập phải “đóng cửa” và Hamas không thể “bị đánh bại” nếu không làm như vậy.
Ông Netanyahu nói: “Chúng tôi không thể hoàn tất chiến dịch của mình nếu không đóng cửa Hành lang Philadelphia. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas và phi quân sự hóa Dải Gaza. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi phải phong tỏa khu vực biên giới để ngăn vũ khí tiếp tục tràn vào Gaza”.
Trong khi đó, Ai Cập đã gửi cho Tel Aviv một loạt cảnh báo ngày càng nghiêm trọng về kế hoạch của Israel đối với hành lang Philadelphi, nhấn mạnh rằng, việc Israel xâm nhập vào dải đất dài 14km này sẽ vi phạm Hiệp ước Hòa bình Ai Cập – Israel năm 1979.
Hôm 16/1, Giám đốc Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan đã chỉ trích Thủ tướng Netanyahu về những nhận xét “vô nghĩa” liên quan đến cáo buộc vận chuyển vũ khí từ Ai Cập. Tuần trước, ông Rashwan nhắc lại rằng việc Israel “chiếm đóng” Hành lang Philadelphi sẽ vi phạm trực tiếp các phụ lục của hiệp ước hòa bình giữa Cairo và Tel Aviv.
Ông Rashwan nhấn mạnh, với việc lên kế hoạch chiếm dải đất biên giới giữa Ai Cập với Gaza, Israel có nguy cơ gây bất ổn cho “người hàng xóm lớn nhất” của mình và cũng là quốc gia mà Tel Aviv đã có nhiều cuộc chiến tranh kể từ khi thành lập Nhà nước của người Do Thái vào năm 1948. Ông nói thêm rằng Ai Cập sẽ “bảo vệ an ninh quốc gia của mình” và “chính nghĩa của Palestine” nếu Israel tiến hành kế hoạch chiếm đóng khu vực biên giới.
Video đang HOT
Xe tải chở hàng viện trợ di chuyển từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah vào Dải Gaza, ngày 21/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyên gia nhận định mục đích của Israel
Mehmet Rakipoglu, nhà nghiên cứu gốc Thổ Nhĩ Kỳ và chuyên gia về Trung Đông tại Dimensions for Strategic Studies, một tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Anh, nói với Sputnik: “Có một sự cạnh tranh lớn, một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai quốc gia” về vấn đề biên giới.
“Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiểm soát hoàn toàn biên giới này, bởi vì có vẻ như họ chưa đạt được bất kỳ mục tiêu nào ở Gaza. Vì vậy, họ đang hành động quyết liệt hơn về vấn đề này”, chuyên gia Rakipoglu nhận xét. Đồng thời, nhà quan sát này lưu ý rằng về mặt chiến lược, hành lang Philadelphi có rất ít giá trị chiến lược đối với Tel Aviv.
Nhà phân tích Rakipoglu tin rằng: “Mục đích chính của Israel trong việc kiểm soát hành lang này là trừng phạt Gaza hoặc trừng phạt người Palestine ở Gaza” bằng cách tạo ra một biên giới kiên cố khác với vùng đất này.
“Thứ hai, theo những gì tôi biết, tôi đã nghe nhiều người Palestine nói rằng Ai Cập và Qatar đang hợp tác cùng nhau để đối phó với người Palestine và người Israel. Vì vậy, có thể Israel đang trừng phạt Ai Cập [bằng cách đe dọa nắm quyền kiểm soát biên giới]“, ông Rakipoglu nói thêm. Đồng thời chuyên gia này chỉ ra rằng một hành động như vậy có thể gây “tổn hại” chính trị nghiêm trọng cho Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi ở Ai Cập và Cairo sẽ bị nhìn nhận như một dấu hiệu của sự yếu kém trước sự lấn lướt của Israel.
Về thời điểm IDF và ông Netanyahu tuyên bố về Hành lang Philadelphi, ông Rakipoglu tin rằng nó liên quan đến thất bại của quân đội Israel trong việc tiêu diệt Hamas ở Gaza, tổn thất về thời gian, binh sĩ và trang thiết bị, cũng như tác động tâm lý của việc nhóm chiến binh Palestine vẫn trụ được trước cuộc tấn công trực diện của một trong những quân đội hùng mạnh nhất khu vực.
Nhân viên y tế khám cho một em nhỏ tại bệnh viện dã chiến ở thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 8/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyên gia Rakipoglu nói rằng Ai Cập “sẽ không cho phép Israel có toàn quyền kiểm soát hành lang”. “Ai Cập là quốc gia hùng mạnh nhất trong thế giới Arab về mặt quân sự cũng như dân số. Dân số Ai Cập là hơn 80 triệu. Cho đến trước giai đoạn bình thường hóa năm 1978 – 1979, Ai Cập vẫn ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Israel. Vì vậy, có vẻ như Ai Cập có đủ sức mạnh, có khả năng đối đầu với Israel”, ông Rakipoglu đánh giá.
Đồng thời, theo ông, Cairo không tìm cách leo thang quân sự, một phần do các vấn đề kinh tế trong nước. “Họ sẽ cố gắng duy trì chủ quyền đối với các biên giới an ninh hoặc hành lang và biên giới với Israel. Nhưng tôi không nghĩ rằng bất kỳ quốc gia nào sẽ đứng về phía Ai Cập, bởi vì không có quốc gia nào có thể thực hiện các bước chống lại Israel vì lợi ích quốc tế của Ai Cập”, nhà quan sát Rakipoglu nhận định.
Hiện tại, theo tờ Wall Street Journal, vẫn chưa có thông tin về hoạt động quân sự nhằm kiểm soát hành lang biên giới. Diễn biến này sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Israel với chính phủ Ai Cập, khi Ai Cập nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận con tin mới giữa Israel và Hamas.
Đài CNN hôm 13/1 cũng dẫn lời Thủ tướng Netanyahu cho biết giới chức quân sự Israel đang thảo luận về các biện pháp tiếp quản khu vực hành lang biên giới nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Israel muốn kiểm soát hoàn toàn biên giới Gaza-Ai Cập
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới Gaza - Ai Cập, đồng thời phi quân sự hóa vùng đất của người Palestine.
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo chờ qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza hồi tháng 10. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng RT dẫn lời Thủ tướng Israel khẳng định giành toàn quyền kiểm soát khu vực biên giới Gaza-Ai Cập là cách duy nhất để đạt được mục tiêu phi quân sự hóa vùng đất của người Palestine và ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 30/12 khi Israel bước vào tuần thứ 13 của cuộc chiến với phong trào Hồi giao Hamas, ông Netanyahu dự đoán rằng cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng nữa, bất chấp sức ép ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Israel cũng nhắc lại hai kế hoạch là loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas và giải phóng tất cả các con tin Israel. Ông hứa rằng Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel.
Ông Netanyahu cho biết thêm chính phủ sẽ lập các kế hoạch quan trọng nhằm khôi phục an ninh tại các thành phố và khu định cư bị Hamas tấn công tàn khốc hôm 7/10 và tạo điều kiện cho người dân trở về an toàn.
Ông tuyên bố hành lang Philadelphia - hay nói chính xác hơn là điểm kiểm soát ở phía Nam của Gaza - phải nằm trong quyền kiểm soát của Israel để đảm bảo mục tiêu phi quân sự hóa.
"Với tư cách là thủ tướng, tôi đã bác bỏ sức ép quốc tế nhằm chấm dứt chiến tranh trước khi chúng tôi đạt được những mục tiêu này", ông Netanyahu nói thêm. Ông cũng ca ngợi Mỹ vì đã chấp thuận cung cấp thêm trang thiết bị chiến tranh cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Ông Netanyahu không nói rõ liệu ông có kế hoạch đặt khu vực này dưới sự kiểm soát độc quyền của Israel sau khi rút lui khỏi đây từ năm 2005 hay không. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần lưu ý không cho phép Chính quyền Palestine - hiện điều hành khu vực Bờ Tây - chịu trách nhiệm về vùng đất Gaza sau chiến tranh.
Tuyên bố của ông Netanyahu được đưa ra vài ngày sau khi Nam Phi đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở Hà Lan, với cáo buộc "diệt chủng" người dân Palestine ở Gaza. Nam Phi đề nghị ICJ có các biện pháp tạm thời để bảo vệ các quyền của người Palestine theo công ước trên, đồng thời bảo đảm Israel tuân thủ các nghĩa vụ theo công ước.
Israel đã bác bỏ cáo buộc trên là phi thực tế và không có giá trị pháp lý. Theo Tel Aviv, phong trào Hamas đã sử dụng dân thường làm lá chắn sống gây thương vong lớn cho người dân Gaza.
Đây là động thái mới nhất của Nam Phi liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza. Tháng 11 vừa qua, các nghị sĩ Nam Phi đã bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa Đại sứ quán Israel ở Pretoria và đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao cho đến khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Theo cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát, hơn 21.600 người đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc không kích và tấn công trên bộ vào vùng đất này từ ngày 7/10. Gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa.
Israel đã tuyên chiến với Hamas và các chiến binh Palestine khác sau khi họ tấn công các thành phố phía Nam Israel và giết chết hơn 1.200 người và bắt cóc khoảng 240 con tin.
Ngày 29/12, quân đội Israel cho biết đã tấn công vào các địa điểm của nhóm vũ trang Hezbollah ở khu vực Hamoul (miền Nam Liban). Các địa điểm bị tấn công bao gồm các điểm phóng rocket, một địa điểm quân sự và các cơ sở hạ tầng khác của Hezbollah. Các nhân chứng cho biết xe tăng Israel đã tiến sâu vào các quận ở trung tâm và phía Nam Dải Gaza trong đêm 29/12, cùng với đó là các đợt không kích và bắn pháo dữ dội.
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại diện thường trực Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện nếu các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah tại Liban nhằm vào nước này tiếp diễn.
Israel tuyên bố xoá sổ 'bộ khung quân sự' của Hamas ở Bắc Gaza Ba tháng kể từ khi chiến tranh với Hamas bùng phát, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 6/1 cho biết họ đã hoàn thành việc xoá bỏ "bộ khung quân sự" của Hamas ở phía bắc Dải Gaza. Binh sĩ Israel trong chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 1/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN Người phát ngôn IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari...