Lý do Singapore là lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp lịch sử Mỹ – Triều
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí gặp nhau tại Singapore vào tháng tới và quốc đảo Đông Nam Á được cho là lựa chọn lý tưởng để tổ chức sự kiện chưa từng có tiền lệ này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump hôm qua chính thức xác nhận cuộc gặp lịch sử giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ gặp mặt một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tổng thống Trump và giới chức Mỹ từng đưa ra nhiều lựa chọn về địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, và quốc đảo ở khu vực Đông Nam Á cuối cùng đã được lựa chọn. Theo giới phân tích, Singapore là nơi lý tưởng để đăng cai sự kiện chưa từng có tiền lệ trong quan hệ song phương Mỹ – Triều.
Mối quan hệ với Mỹ – Triều
Một góc Singapore (Ảnh: Getty)
Với diện tích nhỏ và dân số chỉ khoảng 5,6 triệu người nhưng được coi là trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, Singapopre đã duy trì mối quan hệ hữu nghị với Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua. Hơn 30.000 người Mỹ và 4.200 doanh nghiệp Mỹ đang sinh sống và hoạt động tại Singapore.
Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Singapore và các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 180 tỷ USD vào Singapore. Kể từ khi hai nước ký thỏa thuận thương mại song phương hồi năm 2004, kim ngạch thương mại Mỹ – Singapore đã tăng hơn 60% và Mỹ đạt 20 tỷ USD thặng dư thương mại với quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoài ra, các tàu và máy bay của Mỹ cũng thường xuyên ghé thăm Singapore. Hải quân Mỹ đã triển khai các tàu tác chiến tại căn cứ hải quân của Singapore. Tuy vậy, theo cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ, Singapore không phải là đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Philippines. Sự trung lập của Singapore trong mối quan hệ với Mỹ chính là “điểm cộng” để nước này được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Singapore và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975 và Singapore là một trong số 47 nơi Triều Tiên đặt đại sứ quán. Người Triều Tiên cũng từng tới Singapore làm ăn trong quá khứ. Trước năm 2016, công dân Triều Tiên thậm chí có thể nhập cảnh Singapore mà không cần visa. Mặc dù Singapore đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên từ năm 2017 dưới sức ép của Mỹ và Liên Hợp Quốc, song nước này vẫn duy trì mối quan hệ trung lập và hữu nghị với Triều Tiên.
Theo nhà nghiên cứu Malcolm Cook tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, “phía Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phải xử lý rất nhiều vấn đề về hậu cần và nghi thức tại nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, do vậy việc chọn một nơi có đại sứ quán (Triều Tiên) là yêu cầu cần thiết được đặt ra”.
Singapore cũng chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên chưa đầy 5.000 km. Điều này sẽ cho phép nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sử dụng chuyên cơ để bay tới nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump mà không phải tiếp nhiên liệu giữa chừng.
“Singapore không quá xa như các nước châu Âu, điều này cho phép chuyên cơ của ông Kim Jong-un tới Singapore mà không cần tiếp nhiên liệu. Singapore cũng không gần tới mức Tổng thống Trump có thể bị coi là “nhún mình” trước ông Kim Jong-un khi phải đi một quãng đường xa hơn so với Triều Tiên để tới nơi gặp mặt”, Nah Liang Tuang, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, nhận định.
Video đang HOT
Khả năng kiểm soát an ninh
Bên ngoài khách sạn Shangri-La – nơi từng đón tiếp nhiều quan chức cấp cao khi tới Singapore (Ảnh: Reuters)
Chính quyền Singapore từng được đánh giá cao về khả năng tổ chức nhanh chóng và an toàn các cuộc gặp ngoại giao cấp cao. Singapore đã tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh của các nước Đông Nam Á trong hai năm 2017 và 2018. Singpore cũng là nơi diễn ra Diễn đàn an ninh toàn cầu thường niên Shangri-La với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng của gần 30 nước trên thế giới. Năm 2009, Singapore đón ông Barack Obama trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới nước này. Năm 2015, Singapore từng đăng cai tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu.
Singapore là nước kiểm soát chặt chẽ tự do báo chí và tự do ngôn luận, do vậy việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại đây sẽ tránh được nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình căng thẳng. Giáo sư Christina Fink tại Trường Các vấn đề Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington cho biết các cuộc biểu tình tại Singapore chỉ có thể diễn ra nếu được chính phủ cấp phép và chỉ có một khu vực được chỉ định làm nơi tổ chức biểu tình.
“Singapore là quốc gia cẩn trọng. Họ có thể kiểm soát truyền thông. Họ có thể được tin tưởng về vấn đề an ninh”, David Albright, Giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế, cho biết.
Theo bà Fink, cả Mỹ và Triều Tiên đều sẽ cảm thấy thoải mái khi tới Singapore đối thoại. Các sự kiện tầm cỡ từng được Singapore đăng cai tổ chức trước đây là bằng chứng cho thấy quốc đảo này không bao giờ có ý định can thiệp hay tìm cách gây ảnh hưởng vào công việc của các bên. Trong khi đó, nếu lựa chọn gặp nhau tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ), Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ phải đối mặt thêm căng thẳng vì đây là một trong những đường biên giới được vũ trang dày đặc nhất trên thế giới. Các lực lượng quân sự đều có mặt tại DMZ và khu vực này cũng không có đủ các điều kiện hậu cần cần thiết để tổ chức một cuộc gặp cấp cao.
“Cực kỳ căng thẳng nếu cuộc gặp diễn ra ở DMZ. Trong khi đó, Singapore không chỉ là nơi an toàn hơn mà còn thoải mái hơn”, chuyên gia Fink nhận định.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore David Adelman cho rằng Singapore là nơi lý tưởng để tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều vì nước này là trung gian hòa giải “trung thực” giữa phương Đông và phương Tây.
“Singapore là người bạn lớn của Mỹ nhưng Singapore cũng hợp tác để làm bạn với tất cả các nước và điều này đã giúp Singapore chiếm được lòng tin trên toàn thế giới”, ông Adelman nói.
Theo các chuyên gia, Singapore sẽ bảo đảm một môi trường được kiểm soát tốt hơn cho hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều để họ có thể gặp gỡ riêng tư.
“Singapore là một đất nước rất kỷ luật. Bạn có thể tin tưởng rằng các nhà chức trách Singapore sẽ bảo đảm tình hình diễn ra theo đúng trật tự”, nhà phân tích kiểm soát vũ khí Robert Einhorn tại Viện nghiên cứu Brookings và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng đàm phán với Triều Tiên trong thập niên 90, cho biết.
Theo chuyên gia Einhorn, Triều Tiên từng tổ chức các cuộc họp tại Singapore, do vậy Bình Nhưỡng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi hội nghị thượng đỉnh với Mỹ diễn ra tại đây. “Đây là nơi các nhà ngoại giao Triều Tiên sẽ cảm thấy thoải mái”, chuyên gia Einhorn nói.
Thành Đạt
Theo Dantri
13 giờ thương lượng "cân não" của Ngoại trưởng Mỹ tại Triều Tiên
Trong suốt 13 giờ đồng hồ kể từ khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng, phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu đã bàn bạc với phía Triều Tiên về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và đã đàm phán thành công dẫn tới việc Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (Ảnh: Getty)
Đêm 7/5 theo giờ Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo lên máy bay Boeing 757 cất cánh từ căn cứ quân sự Andrews, Maryland tới thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Chỉ có 2 phóng viên được đi theo cùng để tác nghiệp và nhiệm vụ của ông Pompeo là đại diện cho phía Washington để bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra trong vài tuần tới, theo CNN.
Tại thời điểm đó, ông Pompeo vẫn chưa biết ai sẽ tiếp đón ông ở Triều Tiên. Nhưng ông cho biết ông sẽ đề xuất Bình Nhưỡng thả 3 công dân Mỹ mà Triều Tiên đang giam giữ dù ông không chắc chắn liệu đề nghị này có thành công hay không.
"Tôi hy vọng Bình Nhưỡng sẽ làm điều đúng đắn. Chúng tôi đã yêu cầu họ thả các công dân Mỹ trong 17 tháng qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này. Đây sẽ là một động thái tuyệt vời nếu họ đồng ý làm như vậy", ông nói.
Và sau 13 giờ đồng hồ ngồi trên bàn đàm phán, tân Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đã thương lượng thành công và đưa 3 công dân quay trở lại Mỹ.
Quyết định bất ngờ về số phận của 3 công dân Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được quan chức cao cấp của Triều Tiên, Kim Yong Chul chào đón ở sân bay (Ảnh: AP)
Trên đường băng sân bay Triều Tiên, ông Pompeo được một số quan chức cấp cao Bình Nhưỡng chào đón, bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong.
Sau đó đoàn xe đưa đón ông Pompeo được dẫn qua các con đường rộng rãi của Bình Nhưỡng, và hầu hết các công trình quan trọng tại Triều Tiên như thư viện và trung tâm nghiên cứu với các bức tượng nổi tiếng của 2 nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, tượng đài chiến thắng trước khi đưa phái đoàn Mỹ tới khách sạn Koryo.
Sau khi đến khách sạn, ông Pompeo đã nhanh chóng họp với ông Kim Yong Chol, bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trên bàn tiệc thết đãi quan chức ngoại giao Mỹ, ông Kim Yong Chol đã đề cập tới quan hệ tốt đẹp hơn vào thời điểm hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Ông đến thăm Triều Tiên vào khoảng thời gian khá thích hợp, trong không khí ấm áp của mùa xuân, và mối quan hệ nồng ấm hơn giữa 2 miền Triều Tiên", ông Kim nói, nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang sở hữu "năng lực hạt nhân hoàn hảo".
Ông cho biết Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân vì lệnh trừng phạt từ bên ngoài mà đây là do chính sách của chính quốc gia này. "Tôi mong nước Mỹ sẽ vui mừng trước thành công của chúng tôi. Tôi kỳ vọng rằng Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", quan chức Triều Tiên nhấn mạnh.
Ông Pompeo cũng thừa nhận rằng Mỹ và Triều Tiên đã đối đầu nhau trong vài thập niên qua và hy vọng 2 quốc gia có thể hợp tác giải quyết xung đột và giảm thiểu rủi ro cho toàn thế giới cũng như trao cho Triều Tiên thêm nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Sau cuộc gặp với ông Kim Yong Chol, ông Pompeo được thông báo rằng ông có lịch trình gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào buổi chiều. Hai người đã trao đổi với nhau trong khoảng 90 phút và phóng viên không được phép tham gia. Khi ông Pompeo trở về, 2 nhà báo đã hỏi về số phận của 3 công dân Mỹ Kim Dong Chul, Kim Hak-song và Kim Sang Duk bị Triều Tiên bắt giữ với cáo buộc có hành động thù địch hoặc gián điệp với nhà nước Triều Tiên. Ông Pompeo hồi đáp bằng sự im lặng.
Sau đó, một quan chức Triều Tiên đã tới khách sạn Koryo cho biết họ sẽ phóng thích 3 công dân trên. Thông báo có hiệu lực ngay lập tức. "Điều đó thật tuyệt", ông Pompeo hồi đáp.
"Ông hãy đảm bảo rằng họ sẽ không mắc phải lỗi tương tự lần nữa. Đó là một quyết định rất khó khăn", quan chức Triều Tiên cảnh báo. Sau khi hoàn tất một số thủ tục phóng thich, 3 công dân được đưa lên xe. Khoảng 40 phút sau khi họ đã tới sân bay Bình Nhưỡng và cùng lên máy bay với ông Pompeo rời khỏi Triều Tiên.
90 phút đàm phán
Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Vào 8h42 ngày 8/5 theo giờ địa phương, máy bay của ông Pompeo cất cánh từ Bình Nhưỡng bay tới sân bay của Mỹ tại căn cứ quân sự Yokota, Nhật Bản. Ông Pompeo lúc này mới phát ngôn trước báo giới: "Đó là một ngày rất dài. Tuy quá trình đàm phán không có trục trặc, nhưng chúng tôi và phía Triều Tiên đã làm việc liên tục 13h đồng hồ. Nhưng điều đó xứng đáng với nỗ lực và công sức của chúng tôi. Tôi nghĩ kết quả thực sự hiệu quả".
Ông Pompeo cũng nói rằng 3 công dân Mỹ dường như vẫn mạnh khỏe bình thường và phía Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể để xác nhận lại trình trạng sức khỏe của 3 người.
Ngoại trưởng Mỹ cũng hé lộ về khoảng thời gian 90 phút đồng hồ ông bàn bạc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương. "Chúng tôi đã có cơ hội để trao đổi về những dự định và kế hoạch trong chương trình nghị sự của hội nghị và những hạng mục dự định sẽ cần sự hỗ trợ từ 2 phía trong những ngày tới. Cả hai bên đều tự tin rằng chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ cho sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh", ông Pompeo kể, nhận định rằng phía Triều Tiên dường như cũng đang "tạo điều kiện" thuận lợi cho cuộc gặp sắp tới giữa 2 nhà lãnh đạo. Đây có thể là một phần lý do khiến các công dân Mỹ được thả ra vì Bình Nhưỡng muốn tạo ra "bầu không khí tích cực" trước thềm cuộc họp.
Tại căn cứ Yokota, Nhật Bản, 3 công dân Mỹ đã được đưa sang một máy bay khác để bay về Mỹ. Tổng thống Trump đã đích thân ra đón những công dân này khi họ đặt chân trở lại nước Mỹ.
Các quan chức trên máy bay của ông Pompeo đã mệt lử sau một ngày dài làm việc không ngừng nghỉ. Họ tranh thủ chợp mắt trước khi máy bay của ông cất cánh trở lại căn cứ Andrews. Khi được phóng viên hỏi rằng liệu ông có nhận được sự khen ngợi nào vì nỗ lực đàm phán thả 3 công dân hay không, ông Pompeo hồi đáp: "Vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi mừng là họ đã quay về. Tôi hạnh phúc vì Tổng thống Trump là người đã tạo nên tiền đề cho điều này có thể xảy ra. Nhưng vẫn còn nhiều thứ phải làm trước khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng".
Đức Hoàng
Theo Dantri
Triều Tiên đưa ra hàng loạt yêu cầu trước cuộc gặp lịch sử với Mỹ Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đưa ra hàng loạt yêu cầu với Mỹ và Hàn Quốc sau khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc và trước thềm cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều xuất hiện trong bản tin của truyền hình Hàn Quốc được chiếu ở...