Lý do Putin tạo ra KGB phiên bản 2.0
Việc cải tổ các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật sau những bê bối gần đây sẽ củng cố vị thế của Tổng thống Putin trước cuộc bầu cử năm 2018.
Chưa đầy 24 giờ sau khi kết quả bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga được công bố với chiến thắng thuộc về đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, tờ Kommersantđăng tải thông tin cho rằng, Nga đang xúc tiến kế hoạch cải tổ các cơ quan an ninh và lực lượng thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.
Trụ sở Cơ quan An ninh Liên bang (FSB). (Ảnh: AFP)
Cải cách sâu rộng
Trong kế hoạch cải tổ này, Nga dự kiến sẽ thành lập Bộ An ninh quốc gia (MGB) trên cơ sở Cơ quan An ninh liên bang. Động thái này được cho là sẽ dẫn đến việc mở rộng quyền hạn của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và đóng cửa Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Kế hoạch này có thể sẽ được tiến hành trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018.
Theo nguồn tin trên, Bộ An ninh quốc gia sẽ bao gồm Cục Bảo vệ liên bang và Cục Tình báo Đối ngoại, đảm bảo an ninh cho các cơ quan sức mạnh và bảo vệ pháp luật.
Cơ quan điều tra của bộ này sẽ nhận quy chế cục và có vai trò lớn trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện đang do Ủy ban điều tra và Bộ Nội vụ Nga đảm nhận.
Trong khuôn khổ cuộc cải cách, Ủy ban Điều tra Nga có thể trở thành một bộ phận trực thuộc Viện Kiểm sát Liên bang Nga. Còn Bộ Quốc phòng sẽ được tăng cường với việc bổ sung thêm lực lượng dân phòng, các nhân viên thuộc các cơ quan cứu hộ, phòng cháy chữa cháy và những cơ quan khác vốn thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Cuộc cải cách cũng dẫn tới việc tách Cơ quan Giám sát quốc gia khỏi thành phần Bộ Nội vụ.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối bình luận về thông tin nêu trên. Nếu thông tin này là sự thật, đây sẽ là sự thay đổi lớn trong chính sách của Nga, phản ánh mục đích của Tổng thống Putin hướng tới việc quản lý đất nước hiệu quả hơn.
Video đang HOT
Dù điện Kremlin không đưa ra bình luận nhưng các chuyên gia hàng đầu về dịch vụ an ninh của Nga cho rằng, cuộc cải tổ các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật là “hoàn toàn có thể” và “có nhiều khả năng” được tiến hành.
Biên tập viên, người đồng sáng lập trang web điều tra Agentura.ru Andrei Soldatov nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những kế hoạch đã được Tổng thống Putin vạch ra từ trước bởi vì việc cải tổ các cơ quan quyền lực liên quan trên thực tế đã diễn ra trong những tháng gần đây”.
Trong khi đó, báo Kommersant cho rằng, đề xuất cải tổ sẽ giúp nâng cao “hiệu quả” hoạt động của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật và loại bỏ nạn tham nhũng trong các cơ quan này.
KGB phiên bản 2.0?
Kommersant cho biết, Bộ An ninh quốc gia (MGB) sẽ có nhiều nét tương đồng với Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB)- nơi Tổng thống Putin từng phục vụ trong khoảng thời gian từ năm 1975 – 1990. KGB đã được chia tách thành các cơ quan riêng biệt hồi năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Mark Galeotti, chuyên viên tại Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế ở Prague, đồng thời là một chuyên gia về các dịch vụ an ninh Nga cho biết: “Về cơ bản, đây là một cách để đưa KGB trở lại. MGB sẽ tái hiện đầy đủ hình ảnh KGB trên tất cả các khía cạnh”.
MBG sẽ được trao những quyền hạn mới sâu rộng, không chỉ để cung cấp các tài liệu điều tra đối với những trường hợp mà cơ quan thực thi pháp luật “đặt hàng” mà còn làm nhiệm vụ giám sát những trường hợp đặc biệt.
Nguồn tin giấu tên nói với Kommersant cho biết, các bộ phận điều tra của MBG sẽ phụ trách các vụ án hình sự nổi cộm nhất, trong đó sẽ bao gồm các cuộc điều tra tham nhũng.
Theo chuyên gia Galeotti, Tổng thống Putin đã nhận ra sự kém hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật bởi cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ “chồng chéo”.
Ông Galeotti nói: “Nhiều cơ quan chồng chéo không phát huy được hiệu quả mà còn kìm hãm hoạt động của nhau. Tổng thống Putin muốn tạo ra một mô hình quản trị với số ít các siêu cơ quan tình báo dưới sự quản lý của những người ông ấy có thể tin tưởng”.
Ủy ban Điều tra Nga -cơ quan có chức năng và nhiệm vụ tương tự Cục điều tra Liên bang Mỹ có thể trở thành một bộ phận trực thuộc Viện Kiểm sát Liên bang Nga đã phần nào chứng minh dự đoán của Chủ nhiệm Uỷ ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin về khả năng sắp xảy ra những thay đổi lớn trong hệ thống các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật là hoàn toàn có cơ sở.
Theo giới phân tích, với việc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền được đảm bảo bằng 76% số ghế trong Duma Quốc gia Nga thì nỗ lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch nói trên đã có thêm động lực mới.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, kế hoạch này chắc chắn cũng sẽ vấp phải không ít khó khăn, khi đòi hỏi một khoản kinh phí không nhỏ. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại “vị trí” cho các nhân viên thuộc những lực lượng trước đây cũng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc cải tổ các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật sau những bê bối gần đây sẽ góp phần củng cố vị thế của đảng Nước Nga Thống nhất cũng như của Tổng thống Putin trước cuộc bầu cử năm 2018.
Theo Danviet
6 điều NATO phải làm để tránh Nga lấn lướt
Với những diễn biến ở Crimea, miền đông Ukraine hay Syria, thế giới đã có cơ hội thấy được chiến lược quốc phòng mới của Nga. Tổng thống Putin đã thành công trong việc sử dụng các tiềm lực hạn chế về kinh tế, chính trị và quân sự trong việc khẳng định vị thế của nước Nga và răn đe nhiều quốc gia thù địch.
Trong khi các biện pháp mà quân đội NATO sử dụng để đáp trả sức mạnh của Nga đang tập trung ở việc triển khai lính bộ binh đến Đông Âu, thì theo tạp chí National Interest, vẫn còn nhiều biện pháp hữu dụng khác có thể được khối đồng minh sử dụng.
Thứ nhất là cải thiện khả năng tình báo, trinh sát và giám sát (ISR). NATO yếu trong lĩnh vực này không phải là điều lạ. Cách đây một vài năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Robert Gates đã cảnh báo rằng, các lãnh đạo NATO nên tập trung vào đầu tư tăng cường sức mạnh ISR ở cả thiết bị phần cứng lẫn khả năng phân tích.
Máy bay kiểm soát trên không và cảnh báo sớm E3 Sentry
Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ vào tháng 4.2015, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Đại tướng Philip Breedlove cũng cho rằng, các hoạt động của Nga ở Ukraine và một vài nước trong khu vực, đã để lộ ra nhiều yếu kém phân tích thông tin tình báo của NATO. Rất nhiều cuộc tập trận của Nga đã làm khối đồng minh phải giật mình.
Thiết bị quân sự của Mỹ không còn tập trung nhiều ở châu Âu do chiến lược xoay trục sang châu Á và hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông. Đây cũng là lí do các nước NATO cần phải tự lo cho bản thân nếu không muốn bị Nga lấn lướt.
Thứ hai, NATO cần tập trung hơn vào không lực. Không quân là phương tiện quân sự linh hoạt nhất hiện nay của khối đồng minh. Nó sẽ vô cùng quan trọng trong việc phá vỡ các hệ thống cấm xâm nhập của Nga ở bất kì đâu. Các lãnh đạo phương Tây cần thừa nhận rằng, họ phải nâng cấp cả thiết bị, huấn luyện tốt cho phi công và đội hỗ trợ dưới mặt đất cũng như các nhà lập kế hoạch để thực hiện nhiều hoạt động bay hơn ở Trung và Đông Âu.
Thứ ba, NATO nên nghiêm túc hơn trong việc xây dựng một hệ thống phòng không liên kết và thống nhất ở châu Âu. Một trong những khả năng tuyệt vời, góp phần tạo ra sức mạnh phòng thủ cho quân đội Nga đó là sự kết hợp được các hệ thống phòng không thành một mạng lưới. Đây chính là điều NATO cần học tập để bảo vệ được các cơ sở hạ tầng quan trọng ngay cả khi bị tấn công bất ngờ.
Tên lửa phòng không Patriot
Bước đầu tiên của việc này đã được thực hiện bằng việc lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không Aegis trên bộ tại Romania vào tháng 5.2016 và chuẩn bị là một cơ sở tương tự ở Ba Lan. Để đảm bảo an toàn trước Nga, châu Âu cần hàng chục cơ sở phòng thủ tên lửa kiểu này để hình thành một mạng lưới phòng không đa lớp thực sự.
Thứ tư, đó là đầu tư vào khả năng tác chiến điện tử. Khả năng tác chiến điện tử của NATO bị thui chột vì nhiều lí do khác nhau, có thể kể đến như việc sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, NATO đã coi Nga là đối tác và không nghiên cứu các biện pháp nhằm chống lại sức mạnh của nước này. Nguyên nhân thứ 2 đến từ việc trong suốt 15 năm qua, NATO và đặc biệt là Mỹ lại bị kéo vào cuộc chiến chống lại các phiến quân nổi loạn như Taliban, khủng bố Al-Qaeda nên tự khiến mình sao nhãng các dự án tác chiến điện tử.
Những mặt yếu kém của quân đội Mỹ có thể được nhìn ra như việc máy bay F-35 có chi phí phát triển đắt nhất thế giới, nhưng lại chỉ hoạt động an toàn nếu có sự hỗ trợ của máy bay tác chiến điện tử F-18 Growler. Hay mẫu máy bay thế hệ cũ Su-24 của Nga khi được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Khibiny cũng từng vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống radar cảnh báo sớm và điều khiển vũ khí trên tàu khu trục USS Donald Cook ở biển Đen vào tháng 4.2014.
Thứ năm, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và các học thuyết quân sự. Mỹ gần đây đã tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa bộ 3 hạt nhân của mình trong khi Anh cũng mới chấp thuận việc nâng cấp khả năng răn đe hạt nhân chiến lược.
Mỹ sẽ nâng cấp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình
Vai trò chủ chốt của Mỹ cần phải được thể hiện trong lĩnh vực này. Trước hết, việc hiện đại hóa bom hạt nhân B61 nên được đẩy nhanh và Mỹ cũng cần triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân ra các tàu chiến trên biển nhằm thể hiện vai trò răn đe. Ngoài ra, Mỹ nên đề ra kê hoạch phản ứng cụ thể nếu Nga tuyên bố rời khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Cuối cùng, sức mạnh của quân đội Nga có lẽ sẽ không quá đáng sợ nếu NATO biết đoàn kết và các nước thành viên sẵn sàng cống hiến ngay từ đầu. Các nước thuộc khối đồng minh cần đảm bảo thực hiện đúng cam kết về đóng góp cho khối quân sự chung. Việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP sẽ ngay lập tức có hiệu quả trong việc răn đe Nga cũng như đoàn kết nội khối.
Theo Danviet
Hillary Clinton cáo buộc tình báo Nga tấn công máy tính đảng Dân chủ Mỹ Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton nói rằng tình báo Nga đã đột nhập vào máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC). Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters "Chúng tôi biết rằng tình báo Nga đã đột nhập vào máy tiính DNC và chúng tôi biết rằng họ đã sắp xếp để...