Lý do phim Việt thua phim ngoại mùa Tết
Mùa Tết năm nay, khán giả Việt Nam chuộng “Mỹ nhân ngư” nhất khi bom tấn của Châu Tinh Trì thu 44 tỷ đồng chỉ sau năm ngày. “ Deadpool” cũng rất đáng nể khi thu 40 tỷ sau ba ngày.
Rạp chiếu phim là lựa chọn giải trí hàng đầu đối với nhiều người Việt Nam.Mùa Tết Bính Thân 2016, rất nhiều bộ phim mới, cả Việt Nam, Hoa ngữ và Hollywood, đồng loạt ra rạp và có thể ví đây như “bữa đại tiệc điện ảnh” dành cho công chúng.
Phim Việt: Đông đảo, nhưng chưa chất
Thông thường, kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán là cơ hội để hàng loạt các bộ phim Việt đua nhau ra rạp và thống trị phòng vé.
Năm nay, có tổng cộng sáu phim nội góp mặt trong mùa Tết Bính Thân, bao gồm năm phim mới Tía tui là cao thủ (29/1), Siêu trộm (4/2), Yêu là phải xài chiêu (5/2), Lộc Phát (5/2), Ám ảnh (10/2), và phiên bản đặc biệtEm là bà nội của anh (5/2) dài hơn 10 phút so với bản chiếu rạp hồi đầu tháng 12.
Ra mắt sớm và có sự tham gia của Hoài Linh – Việt Hương, Tía tui là cao thủ do Golden Screen phát hành đạt doanh thu cao nhất trong nhóm phim Việt với 42 tỷ đồng sau 17 ngày. Con số tiếp tục chứng tỏ cho sức mạnh của bộ đôi danh hài miền Nam tại phòng vé, bất chấp nhiều ý kiến phản hồi trái ngược xung quanh tác phẩm.
Phim của Hoài Linh: Hài sạch ăn tiền trong dịp Tết Tuy còn nhiều thiếu sót, “Tía tôi là cao thủ” đem đến những tiếng cười rộn rã và rất phù hợp với đối tượng khán giả bình dân trong mùa Tết Nguyên đán 2016.
Báo chí trong nước đánh giá Tía tui là cao thủ có chất lượng thậm chí còn kém hơn cả những bộ phim gần đây của Hoài Linh như Quý tử bất đắc dĩ(2015) hay Già gân, mỹ nhân và găng tơ (2015). Nhưng đối tượng khán giả bình dân, những người có thể không thích đọc phụ đề và ưa tiếng cười có phần dễ dãi, đã giúp sức cho bộ phim. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên nếu Hoài Linh tiếp tục xuất hiện tại phòng vé Việt trong các dịp lễ lớn như 30/4 – 1/5, 2/9, Noel hay Tết Nguyên đán 2017.
Cũng thuộc nhóm phim hài và bị báo chí đánh giá chỉ thuộc loại trung bình, Yêu là phải xài chiêu thu tới 18 tỷ đồng, so với kinh phí sản xuất chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Giống như Tía tui là cao thủ, bộ phim do Khương Ngọc làm đạo diễn nhắm tới đối tượng khán giả bình dân, được hệ thống rạp Lotte hỗ trợ tối đa.
Lộc Phát do Galaxy phát hành tuy ra mắt từ 5/2, nhưng bộ phim của đạo diễn Lê Bảo Trung chỉ có được 11 tỷ đồng. Một phần lý do là trong dàn diễn viên không có cái tên nào thực sự nổi trội, và cái tên Lê Bảo Trung từng gây ra nhiều “thảm họa” trong quá khứ.
Cuối cùng, Em là bà nội của anh phiên bản đặc biệt đến từ CJ Entertainment thu thêm 5 tỷ đồng, qua đó chính thức cán mốc doanh thu tổng 100 tỷ đồng và tiếp tục đe dọa danh hiệu phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại của Để Mai tính 2 (2014).
Hai cú “ngược dòng” của điện ảnh Việt Nam trong mùa Tết Nguyên đán 2016 đều không nhận được kết quả khả quan. Siêu trộm của hãng BHD và đạo diễn Hàm Trần chỉ thu 15 tỷ đồng. Phim mang hơi thở Hollywood với nội dung hiện đại, liên quan tới đề tài hacker và thuộc dòng trộm cắp (heist). Nếu xét về mặt chất lượng hoặc kỹ thuật làm phim, có thể nói Siêu trộm là tác phẩm điện ảnh Việt Nam chỉn chu nhất trong dịp Tết năm nay.
Ra rạp cuối cùng từ ngày 10/2, Ám ảnh do CGV phát hành chỉ thu được 7 tỷ đồng. Đây là dự án điện ảnh gặp rất nhiều trắc trở khi phải chỉnh sửa gần như toàn bộ nội dung chính so với bản duyệt hồi mùa hè 2015 theo ý kiến từ Cục Điện ảnh
Hậu quả là tác phẩm trở nên chắp nối, thiếu logic, nhất là ở đoạn kết. Trên thực tế, Ám ảnh cũng không tổ chức những hoạt động quảng bá rầm rộ so với những tác phẩm Việt còn lại, nên thất bại dành cho bộ phim có Yaya Trương Nhi sắm vai chính đã được tiên liệu từ trước.
Phim ngoại đánh trúng tâm lý khán giả
Video đang HOT
Phim ngoại mới thực sự là những kẻ chiến thắng tại phòng vé Việt Nam trong mùa Tết Nguyên đán năm nay. Nếu như tại Trung Quốc, Mỹ nhân ngư chỉ mất bốn ngày để cán mốc 1 tỷ nhân dân tệ, thì từ ngày 10 đến 14/2, bom tấn của Châu Tinh Trì thu tới 44 tỷ đồng ở Việt Nam. Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, các suất chiếu trong tuần đầu tiên sau Tết của bộ phim vào các khung giờ đẹp hiện vẫn được khán giả săn đón ráo riết.
Mỹ nhân ngư thu 44 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày ra rạp tại Việt Nam. Ảnh: Filmko
Mỹ nhân ngư đến từ Galaxy và nhà phát hành còn nắm trong tay một bom tấn Hoa ngữ khác là Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Ra rạp từ 8/2, tức đúng mùng 1 Tết, phim có được 24 tỷ đồng sau một tuần. Rõ ràng, hai bộ phim của điện ảnh Trung Quốc hoàn toàn có thể giúp họ tạm quên đi sự yếu thế của Lộc phát trong mảng phim Việt.
Các studio tại Hollywood không hay tung ra bom tấn vào khoảng thời gian tháng 1 hoặc tháng 2. Trên thực tế, Deadpool của Fox chỉ có kinh phí sản xuất khoảng 58 triệu USD, nhưng bộ phim thuộc dòng siêu anh hùng ghi dấu ấn lớn tại khu vực Bắc Mỹ cuối tuần trước khi thu tới 135 triệu USD.
Tại Việt Nam, gã sát thủ lắm mồm, ưa bạo lực và loạn trí do hãng CGV phát hành từ 12/2 và lập tức thu đến 40 tỷ đồng trong khoảng cùng kỳ thời gian. Những con số cho thấy năm nay nhóm phim ngoại có tốc độ kiếm tiền tốt hơn hẳn so với các phim Việt.
Deadpool cũng là tác phẩm ăn khách trong dịp Tết tại Việt Nam dù phải tới mùng 5 Tết mới xuất hiện. Phim thu 40 tỷ chỉ sau đúng ba ngày. Ảnh: Fox
Sự thắng thế của phim ngoại trong mùa Tết 2016 tại thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi những Châu Tinh Trì hay Tây du ký đều là những cái tên rất đỗi quen thuộc với công chúng và người ta sẵn sàng bỏ tiền ra rạp mà chưa cần biết chất lượng thực sự của tác phẩm ra sao.
Khi dòng phim siêu anh hùng đang thắng thế trên toàn thế giới, Deadpoolđánh trúng tâm lý khán giả, nhất là người trẻ – đối tượng chính đến rạp chiếu phim. Tuy phần kịch bản không thực sự xuất sắc, phim mang đậm phong cách hài hước Mỹ, giễu nhại nhiều yếu tố văn hóa đại chúng, mang nhiều nét mới mẻ so với các phim cùng thể loại. Ngoài ra, Deadpoolcòn hưởng lợi nhờ quá trình quảng bá ấn tượng của Fox, giúp tạo ra hiệu ứng truyền miệng cần thiết.
Muốn được ưu ái, hãy sở hữu thực lực trước
Một yếu tố quan trọng quyết định tới doanh thu chính là chuyện xếp lịch của các nhà rạp chiếu phim. Mỗi đơn vị phát hành thường gắn liền với một chuỗi rạp, nên các phim do chính CJ, CGV hoặc Lotte phát hành có thể nhận được nhiều suất chiếu hơn so với các tác phẩm đối thủ tại các cụm rạp của họ.
Một phim của nhà phát hành này khi có mặt tại một chuỗi rạp khác (ví dụ Lộc phát của Galaxy tại chuỗi rạp CGV), nếu bản thân tác phẩm không sở hữu thực lực và tỏ ra kém hút khách sớm, nhà rạp sẵn sàng giảm suất chiếu, hay thậm chí ngừng chiếu phim chỉ sau một thời gian ngắn. Như nhà sản xuất của Siêu trộm là BHD mới đây chia sẻ quan ngại rằng phim của họ chỉ còn 1-2 suất chiếu/ngày ở các chuỗi rạp khác và rất dễ bị “văng” sớm. Ngay cả khi chuỗi rạp của chính BHD có duy trì 3-5 suất mỗi ngày, Siêu trộm cũng khó lòng đạt doanh thu như mong muốn.
Trong nhóm phim Việt Nam mùa Tết năm nay, Hoài Linh lúc này thực sự là thỏi nam châm phòng vé, sở hữu lượng fan trung thành nên mới có thể giúp Tía tui là cao thủ gặt hái được doanh thu cao đến vậy. Nhưng nếu nhìn nhận công bằng, các phim Việt mới trong mùa Tết năm nay đều mang điểm yếu, đặc biệt ở phần nội dung.
Nếu ra mắt ở một thời điểm ít cạnh tranh hơn, Siêu trộm có lẽ sẽ giành được nhiều sự quan tâm hơn từ công chúng. Ảnh: BHD
Không tính Em là bà nội của anh vốn ra rạp từ trước, cả ba phim hài Tết 2016 đều không có cốt truyện hay nội dung sâu sắc, khó để lại ấn tượng gì cho người xem sau khi khép lại. Trải qua nhiều năm liền, điện ảnh Việt liên tục mang đến các tác phẩm hài na ná, không có nhiều đột phá, và tới một thời điểm công chúng cảm thấy nhàm chán và quay lưng là điều đương nhiên.
Trong khi đó, Siêu trộm mang đề tài lạ lẫm nếu so với các bộ phim Việt Nam. Nhưng thể loại heist hay câu chuyện trong tác phẩm của Hàm Trần không mới so với Hollywood, hoặc ngay cả với điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc. Nội dung phim chưa thực sự toàn vẹn khi bị đuối ở 1/3 cuối, và những yếu tố kỹ thuật là chưa đủ để thuyết phục đối tượng khán giả hay xem phim ngoại bỏ tiền ra rạp xem Siêu trộm.
Theo Zing
Phim Việt đang tự hại nhau như thế nào?
Các phim Việt không hỗ trợ lẫn nhau mà lại đang 'tự giết nhau" theo kiểu nhà sản xuất này thấy phim của mình có ít suất chiếu ở cụm rạp kia thì cũng "cắt" luôn các suất chiếu khác.
Phim hài Việt chiếu rạp mùa Tết Bính Thân: Tía tui là cao thủ.
Sự chia rẽ
Từ việc làm rạp và phát hành phim ngoại, hiện tại các nhà phát hành phim ngoại đã vừa đầu tư sản xuất phim Việt vừa phát hành luôn các phim này nên ngay trong hệ thống làm phim Việt đã có sự chia rẽ lớn.
Một đạo diễn Việt đưa ra ý kiến cá nhân của anh rằng "các nhà phát hành ưu ái phim "Tây" phim "Tàu" là đúng rồi, họ đâu có bỏ tiền hàng chục tỉ sản xuất phim đâu mà chỉ bỏ ra số tiền ít ỏi phí phát hành là gom tiền tỉ, nên đôi khi họ ép phim Việt cũng không quá khó hiểu".
Thực tế của việc sẽ không có bất kỳ bảo hộ nào của Nhà nước với việc nhập phim sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chuyện không còn phải bàn cãi.
Thế nên con số 100 phim ngoại, rồi 200 phim ngoại và có thể nhiều hơn nữa phim ngoại "oanh tạc" phòng vé rạp Việt trong tương lai cũng là một "liều thuốc đắng" mà người làm phim Việt phải cam chịu.
Không thể đổ lỗi cho khán giả với lựa chọn của họ, công bằng mà nói khán giả Việt vẫn rất yêu phim Việt. PV Tuổi Trẻ khi mua vé vào rạp xem Mỹ nhân ngư đã sửng sốt khi nghe thấy hai khán giả trung niên đi trước phàn nàn: "Cứ tưởng là phim Việt chứ, đâu phải đâu!".
Phim Siêu trộm.
Điện ảnh Việt tự hại nhau?
Câu chuyện phim Việt bị "đẩy" ra khỏi rạp trên chính sân nhà được nhóm lên khi rất nhiều khán giả đến rạp tìm phim Siêu trộm - một phim Việt chiếu tết nhận được nhiều phản hồi tốt - thắc mắc họ hầu như không thể tìm được giờ chiếu phim hoặc không thể canh mua được vé phim này, ngoại trừ ở cụm rạp BHD - đơn vị sản xuất của bộ phim.
Và điều này không chỉ xảy ra riêng với Siêu trộm!
Có kinh nghiệm nhiều năm làm phim cả trong và ngoài nước, đạo diễn Hàm Trần chia sẻ: "Thực tế nền công nghiệp phim Việt khoảng một năm trở lại đây đã lớn mạnh hơn rất nhiều và tôi hứng khởi nhất với việc ai muốn làm phim đều có thể tìm cơ hội cho mình.
Nhưng trong sự phát triển ấy cũng tiềm ẩn một nguy cơ!
Tôi lấy Thái Lan, Singapore, Malaysia, số lượng phim làm ra trong những năm gần đây quá nhiều nhưng họ lại không có chính sách bảo vệ phim của mình, ai cũng chạy đua doanh số, và bùm: chiếc bong bóng ngày càng lớn của thị trường phim bị phá vỡ!
Có một điều dễ thấy là số lượng rạp chiếu phim hiện nay tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Nếu phim Việt không hỗ trợ lẫn nhau mà lại "chiến đấu" theo kiểu: nhà sản xuất này thấy phim của mình có ít suất chiếu ở cụm rạp kia thì cũng "cắt" luôn các suất chiếu của phim kia ở cụm rạp mình, cuối cùng điện ảnh Việt sẽ tự giết nhau".
Phim hài Việt chiếu tết Lộc phát.
Tập đoàn nước ngoài thâu tóm hết?
Tháng 10-2015, nhân lần đầu tiên Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN được thành lập với 50 thành viên hiện tại từ các nhà phát hành tư nhân Việt và các nhà phát hành địa phương nhằm chống lại sự thôn tính từ các doanh nghiệp phát hành phim "cá mập" của nước ngoài, bà Ngô Thị Bích Hạnh (phó chủ tịch kiêm trưởng ban nghiên cứu thông tin thị trường của hiệp hội), trong khi trả lời PV Tuổi Trẻ, có nói một ý rằng "hiệp hội mong muốn tập hợp được tiếng nói và sức mạnh của những người phát hành phim Việt với tinh thần dân tộc để có thể đoàn kết, phối hợp bảo vệ điện ảnh VN khỏi sự thâu tóm hoàn toàn của các tập đoàn nước ngoài".
Ý kiến này cho thấy nỗi lo ngại trước việc sân chơi điện ảnh Việt đang phải chơi bằng luật chơi áp đặt từ các nhà phát hành, làm rạp nước ngoài ở VN là hoàn toàn có thật.
Thế nhưng với "tình cảnh" phim Việt hiện tại, có lẽ nỗi lo bị "cá mập" ngoại nuốt cũng không lớn hơn nỗi lo hiện hữu, rằng chính phim Việt đang "giết" nhau. Siêu trộm bị ghẻ lạnh dù chất lượng phim tốt cho thấy câu hữu xạ tự nhiên hương không còn hợp thời.
Những dị biệt kiểu được truyền thông ủng hộ, câu chuyện nhân văn, mà khán giả cũng ùn ùn đến rạp như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại không phải năm nào cũng có.
Nhà nước - với việc tạo cơ chế để điều tiết trên cơ sở hợp pháp và hợp hiến, hay tư nhân - với đồng tiền liền khúc ruột... sẽ góp tay thay đổi tích cực hiện trạng này? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời!?
Theo Cát Khuê - Minh Trang/Tuổi Trẻ
'Yêu là phải xài chiêu' - Những tiếng cười vô thưởng vô phạt Ra rạp nhân dịp Tết 2016, "Yêu là phải xài chiêu" không được quảng bá rầm rộ hay sở hữu ngôi sao phòng vé. Phim cũng không thể gây ra bất ngờ do có chất lượng chỉ ở mức trung bình. Yêu là phải xài chiêu là tác phẩm chạm ngõ điện ảnh của ê-kíp sân khấu kịch Thế Giới Trẻ. Phim do...