Lý do phi đội MiG không thể giúp Ukraine ‘thay đổi cuộc chơi trên không’ với Nga
Đối với các phi công Ukraine, MiG-29 là một “người bạn cũ”, nhưng họ cũng thừa nhận chúng không thể giúp “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc phản công đã dự định.
Máy bay chiến đấu của Pháp (bên trái) và hai chiếc MiG-29 của Ba Lan bay trên căn cứ không quân ở Malbork, Ba Lan. Ảnh; AFP/GETTY IMAGES
Khi Ba Lan và Slovakia công bố kế hoạch tặng tới 30 máy bay chiến đấu MiG cho Ukraine, hành động này được ca ngợi là một bước đột phá trong việc cung cấp cho Kiev loại vũ khí tinh vi hơn bao giờ hết và là dấu hiệu cho thấy các quốc gia Đông Âu đang tỏ ra táo bạo hơn so với Mỹ hay Tây Âu trong ủng hộ Ukraine.
Đối với các phi công Ukraine, MiG-29 do Liên Xô thiết kế là một “người bạn cũ” – một loại máy bay chiến đấu thiếu “hào quang” và những năng lực tiên tiến của các máy bay phản lực mới hơn, nhưng dù sao cũng đóng một vai trò quan trọng.
Moonfish, biệt danh của một phi công người Ukraine đã thực hiện gần 60 lần xuất kích đều bằng MiG-29 và đã có lần chiếc chiến đấu cơ này giúp anh thoát khỏi nguy hiểm từ tên lửa của Nga.
Nhưng khi các lực lượng Ukraine chuẩn bị phát động một cuộc phản công nhằm đánh bật lực lượng Nga khỏi các vùng lãnh thổ ở phía Đông và phía Nam đất nước, “người bạn cũ” có thể là không đủ.
Chính các binh sĩ và chuyên gia quân sự Ukraine cũng nói rằng những chiếc máy bay được viện trợ sẽ không thể thay đổi cuộc chơi.
Giới chức và chuyên gia Ukraine cho biết MiG-29 – loại chiến đấu cơ đi vào hoạt động từ đầu những năm 1980 và sau đó được nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu chiến trường hiện đại – bị “lép vế” khi so sánh với các loại máy bay khác của Nga, vốn được trang bị hệ thống tên lửa và radar mới hơn.
Những yếu kém về năng lực không quân chỉ ra những hạn chế tổng thể trong kế hoạch chiến đấu của Kiev và làm phức tạp khả năng thực hiện cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của họ.
Máy bay MiG-29 của Không quân Ba Lan tham gia tập trận chung NATO phía trên Căn cứ không quân Lask ở Ba Lan, ngày 12/10/2022. Ảnh: Getty Images
Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, các phi công và lực lượng phòng không Ukraine đã tiến hành một cuộc chiến bất cân xứng chống lại cuộc tấn công đường không dữ dội hơn và tiên tiến hơn của Nga, dẫn đến thế giằng co, bế tắc trên không phận Ukraine. Sự bế tắc đó dường như sẽ tiếp tục, ngay cả khi có thêm nhiều máy bay MiG đến Ukraine.
Đầu tháng này, Đức đã cho phép Ba Lan gửi tới Ukraine 5 chiếc MiG-29, từng thuộc về không quân Đông Đức trong Chiến tranh Lạnh. Luật pháp Đức yêu cầu bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí nào do Đức sản xuất, dù từ nước khác, đều phải được Berlin chấp thuận.
Ba Lan và Slovakia ban đầu định gửi MiG đến Kiev ngay từ đầu cuộc chiến nhưng đã phải hủy bỏ kế hoạch. Sau đó, vào tháng trước, hai quốc gia này cho biết họ lại đang xúc tiến kế hoạch gửi máy bay. Các máy bay MiG của Slovakia đã bay đến Ukraine, và các máy bay của Ba Lan đang được tháo dỡ để đưa vào bằng đường bộ, theo một quan chức Ukraine giấu tên.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu cấp cao và chuyên gia hàng không quân sự tại Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia ở London, cho biết: “Người Ukraine đã thể hiện ở Kharkiv và Kherson, và trước đó là trận chiến ở Kiev, bạn có thể giành chiến thắng trong các trận chiến và các cuộc chiến tranh mà không cần ưu thế trên không”.
Để các lực lượng Ukraine chiếm ưu thế, ông Bronk cho biết họ cần duy trì thế đối đầu này. Ông nói: “Nga có rất nhiều hỏa lực mà họ có thể sử dụng từ trên không, nếu họ được trao cơ hội để làm như vậy”.
Nhưng các tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ chỉ ra rằng việc duy trì thế đối đầu sẽ không dễ dàng đối với Ukraine. Theo nguồn tin tình báo từ thông tin mật bị rò rỉ trên nền tảng xã hội Discord, nguồn cung cấp đạn dược cho các hệ thống phòng không chính của Ukraine đang ở mức thấp đáng báo động.
Và mới đây, vụ tấn công tên lửa của Nga ngày 28/4 cho thấy nhu cầu cấp thiết của hệ thống phòng không Ukraine. Bộ Nội vụ Ukraine thông báo rằng một tên lửa đã tấn công một tòa nhà chung cư ở trung tâm thành phố Uman khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết họ đã đánh chặn 21 tên lửa hành trình của Nga.
Video đang HOT
Hai máy bay chiến đấu MiG-29 tham gia cuộc tập trận của NATO gần căn cứ không quân ở Lask, Ba Lan, vào tháng 10/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
“Điều quan trọng là liệu Ukraine có thể tiếp tục ngăn chặn ưu thế trên không của Nga trên chiến trường hay không”, chuyên gia Bronk nói. “Nếu không thể, mọi thứ có thể sẽ trở nên rất, rất khó khăn cho Ukraine”.
Trong bối cảnh đó, nhiều máy bay MiG hơn không phải là giải pháp cho các vấn đề tiền tuyến của Ukraine.
“Radar của MiG không hoạt động xa, tên lửa của chúng không phóng được xa”, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, ông Yuriy Ihnat thừa nhận, và kêu gọi: “Chúng tôi cần những thế hệ máy bay mới, hiện đại”.
Các quan chức Ukraine đã đặt hy vọng vào việc các quan chức phương Tây nhượng bộ và đồng ý cung cấp cho nước này những chiếc F-16 do Mỹ chế tạo. Nhưng đó dường như vẫn là một mong đợi xa vời.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC News vào cuối tháng 2, Tổng thống Biden nói rằng Ukraine “không cần F-16 lúc này”.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine không đồng ý như vậy, họ mong có F-16 càng sớm càng tốt. “F-16 là nền tảng phổ biến nhất, và chúng có thể mang đầy đủ các loại vũ khí bắt buộc phải có, nếu không muốn nói là chiếm ưu thế trên không thì ít nhất cũng là ngang bằng với người Nga”, ông Yuriy Sak, một cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine, nói.
Máy bay F-16 bay theo đội hình. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, các máy bay MiG mà Ba Lan viện trợ vẫn được Kiev đánh giá cao. Theo trang phân tích quân sự Oryx Blog, không quân Ukraine đã mất ít nhất 17 chiếc MiG-29 kể từ đầu cuộc xung đột.
Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại Washington D.C, cho biết: “Trong một cuộc chiến thông thường, càng nhiều (vũ khí) càng tốt. Chiến tranh thường dẫn đến tiêu hao, vì vậy một trong những thách thức dai dẳng của bạn là thay thế vật chất”.
Và mặc dù những chiếc MiG mới sẽ không “được sử dụng với khả năng tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc tấn công”, ông Kofman cho biết, chúng sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng hữu ích như đã cung cấp trong suốt cuộc xung đột, hoặc sẽ bị tháo dỡ để lấy phụ tùng thay thế.
Các máy bay MiG ở Ukraine hiện đã được trang bị tên lửa chống radar của phương Tây – tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, hay HARMS – để nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng không của Nga.
Ông Ihnat cho biết HARMS “đánh lạc hướng” hệ thống phòng không của Nga, cho phép máy bay ném bom và máy bay tấn công của Ukraine hoạt động “bình tĩnh” và nhắm mục tiêu vào các vị trí và trung tâm hậu cần của Nga ở xa sau chiến tuyến.
Mùa thu năm ngoái, khi Nga phát động chiến dịch phá hủy cơ sở hạ tầng và mạng lưới năng lượng của Ukraine, các máy bay MiG của Ukraine đã chuyển sang bắn hạ tên lửa hành trình và máy bay không người lái tự hủy, mặc dù hiệu quả của chúng trong nhiệm vụ đó là “thấp” – theo ông Ihnat.
Trong thời kỳ đầu của cuộc xung đột, các phi công Ukraine cũng đã vận dụng kết hợp giữa sự gan dạ và thông minh để né các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn của Nga và duy trì không phận Ukraine trong tình trạng so kè, thay vì bị Nga áp đảo. Đôi khi với số lượng đông, các phi công Ukraine sẽ cơ động để thu hút máy bay Nga vào tầm ngắm của hệ thống phòng không, hệ thống này sẽ kết liễu máy bay chúng.
Bất chấp những hạn chế của MiG-29, các phi công Ukraine nói rằng họ thích lái dòng máy bay này. Phi công mang biệt danh Moonfish cho biết: “Cách máy bay chiến đấu này hoạt động, cách nó thực hiện các thao tác, đặc biệt là ở độ cao thấp – đó là một máy bay tuyệt vời để lái”.
Mặc dù vậy, MiG-29 không phải là đối thủ của các máy bay Nga trong một cuộc không chiến. “Chúng tôi là con mồi dễ dàng” và các sứ mạng với phi công Ukraine luôn “cực kỳ nguy hiểm”. Moonfish chia sẻ: “Tôi có thể nói rằng không một phi công phương Tây hay chỉ huy phương Tây nào từng phải thực hiện loại nhiệm vụ mà chúng tôi đang làm hiện nay”.
Trong khi đó, ông Ihnat cho biết các máy bay MiG sẽ không mạo hiểm đến quá gần mặt trận, nơi hệ thống phòng không của Nga đã giăng kín đến mức “một con ruồi cũng không thể lọt qua”.
Các quan chức Ukraine hy vọng rằng việc Ba Lan tặng máy bay MiG sẽ giúp các đối tác phương Tây của họ vượt qua rào cản tâm lý để cung cấp cho Kiev máy bay tiên tiến hơn – giống như quyết định của các nước Đông Âu về cung cấp xe tăng cũ đã mở đường cho việc viện trợ xe tăng chủ lực tân tiến Leopard 2 do Đức sản xuất.
Phi công Ukraine tiết lộ khó khăn khi lái MiG-29 bắn hạ UAV tự sát Shahed-136
Một phi công MiG-29 của Ukraine đã mô tả cuộc chiến khó khăn với UAV tấn công tự sát Shahed-136 của Nga, đến mức anh vẫn chưa đạt được một chiến công nào.
Chiếc MiG-29 của phi công mang biệt danh "Juice". Ảnh: Juice/Không quân Ukraine
Vào tháng 3, trong thời kỳ không chiến dữ dội ở Ukraine, phóng viên chuyên mục The War Zone của trang The Drive đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với một phi công máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum của Ukraine, người chỉ được biết đến với biệt danh "Juice".
Nhưng hơn 9 tháng đã trôi qua, bản chất cuộc không chiến ở Ukraine đã thay đổi đáng kể, bao gồm sự xuất hiện của các vũ khí và chiến thuật mới từ phía Nga và một chiến dịch tấn công rộng rãi nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine. Lực lượng Không quân Ukraine vẫn kiên quyết bảo vệ quê hương, dù chưa nhận được các máy bay chiến đấu mới mà họ rõ ràng rất cần.
Phóng viên The War Zone đã gặp lại Juice để đánh giá những gì đang xảy ra trong cuộc chiến trên không hiện tại và xem xét triển vọng với các vũ khí mới trong tương lai. Trong phần đầu tiên của một cuộc phỏng vấn chuyên sâu gồm nhiều phần, Juice đã mô tả cuộc chiến chống lại máy bay không người lái (UAV) tấn công tự sát Shahed.
Trao đổi với The War Zone từ một boong-ke an toàn tại một địa điểm bí mật ở Ukraine, Juice giải thích rằng anh hiện đang được giao nhiệm vụ phòng không trên chiếc MiG-29, bao gồm cả các phi vụ cảnh báo phản ứng nhanh (QRA) 24/24h để đáp trả không quân Nga. Juice lưu ý rằng, bất chấp những cuộc tấn công không ngừng của Nga, điều kiện của anh, với hệ thống sưởi ấm và truy cập inernet, vẫn còn tốt hơn nhiều so với các đồng đội bộ binh chiến đấu dưới chiến hào, đặc biệt là xung quanh thành phố trọng điểm Bakhmut ở miền Đông.
Juice đứng cạnh chiếc MiG-29 của mình. Ảnh: Juice/Không quân Ukraine
Mục tiêu khó bắn hạ từ trên MiG-29
Bất chấp mối đe dọa liên tục từ máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Nga, Juice nói rằng anh vẫn chưa giành được chiến thắng nào trong các trận không chiến. "Thật không may, tỷ số của tôi vẫn chưa được mở", Juice giải thích, mặc dù không phải do thiếu cơ hội "ghi bàn". "Tôi đã không thành công do các vấn đề khác".
Cùng với việc gặp phải một số vấn đề kỹ thuật khiến các cuộc giao tranh không thành công, tính chất thay đổi của mối đe dọa trên không đã khiến sứ mạng của phi công chiến đấu Ukraine trở nên khó khăn hơn
Trở lại hồi tháng 3, Juice từng nói về những thách thức liên quan đến việc bắn hạ tên lửa hành trình tốc độ cận âm của Nga, loại được sử dụng để bắn phá mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Còn giờ đây, UAV không người lái Shahed đã được bổ sung và chúng không dễ đối phó, đặc biệt là với một máy bay chiến đấu từ thời Chiến tranh Lạnh như MiG-29.
"Tôi đã đề cập trước đây về tên lửa hành trình và tình hình với máy bay không người lái thậm chí còn tệ hơn, đặc biệt là vào ban đêm", Juice cho biết thêm, "Rất khó để tìm kiếm, theo dõi và đối phó với mối đe dọa này."
Tháng 10 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các cuộc tấn công của UAV Shahed vào Ukraine. Juice cho biết, nhịp độ các cuộc xuất kích của lực lượng phòng không Ukraine có thể so sánh với đợt tấn công cường độ cao hồi tháng 3.
Một chiếc Shahed-136 trong cuộc tấn công ở Kiev ngày 17/10/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
"Tôi đã có rất nhiều cuộc xuất kích chống lại Shahed, đặc biệt là trong tháng 10", Juice nói. "Và đã có một số pha đánh chặn rất tốt, với hình ảnh trên không tốt, thậm chí một số trường hợp tôi đã sẵn sàng bắn. Nhưng không may, chúng ở ngay trên các thị trấn và khu định cư, và tôi không thể làm công việc của mình vì điều đó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Đó là lý do tại sao tôi hủy tấn công những mục tiêu đó."
Thay vào đó, Juice chỉ để máy bay không người lái Nga bay về phía các khu vực được bao phủ bởi hệ thống phòng không mặt đất, nơi những chiếc Shahed dễ bị bắn hạ. "Đáng tiếc, đó là một tình huống khá phổ biến và đó là một thách thức lớn đối với phi công chiến đấu."
Bên cạnh đó, việc khai hỏa nhằm vào một chiếc Shahed cũng rất khó khăn, khi hình ảnh trên màn hình radar trông giống như một đàn chim, thậm chí giống một xe tải đang chạy dọc con đường. Chiếc Shahed bay tầm thấp cũng có thể dễ dàng lẫn vào các mái nhà và những thứ lộn xộn khác trên mặt đất.
Người phi công anh hùng
Một phi công gặp may mắn hơn là Vadym Voroshylov, có mật danh "Karaya", người vào ngày 12/10 đã bắn hạ được 5 chiếc UAV tấn công liều chết của Nga trước khi buộc phải phóng ra khỏi máy bay, trong một sự cố. Voroshylov đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Ukraine cho chiến công của mình.
Phi công Anh hùng Ukraine Karaya với vết thương gây chảy máu trên mặt sau khi phóng khỏi máy bay chiến đấu. Ảnh: Twitter
Juice kể lại rằng Karaya đã bắn hạ 3 chiếc máy bay không người lái đầu tiên vào ban ngày, điều này rất may mắn vì chúng thường được Nga triển khai vào ban đêm. "Anh ấy thật may khi phát hiện chúng bằng mắt thường. Vì vậy Karaya hoàn toàn chắc chắn 100% rằng chúng là Shahed. Anh ấy giao chiến ngay lập tức và bắn hạ chúng."
Khi Karaya chạm trán với hai chiếc Shahed tiếp theo thì trời đã tối, nhưng anh đã ở trên một khu vực mà cuộc giao tranh được coi là an toàn.
Việc tìm kiếm những chiếc máy bay không người lái này vào ban đêm không phải là nhiệm vụ dễ dàng và càng khó khăn hơn do điều kiện mất điện đã xảy ra kể từ khi bắt đầu xung đột và ngày càng nặng nề hơn kể từ tháng 10.
Juice tiếp tục: "Các thị trấn của chúng tôi vào ban đêm gần như chìm trong bóng tối đặc. Bạn cần sử dụng định vị GPS để biết xung quanh mình có khu định cư hay thị trấn nào hay không, chỉ để biết bạn đang ở đâu, đặc biệt là trong thời tiết xấu như bây giờ. Bay bằng trợ giúp của thiết bị, bạn không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì bên dưới mình."
Khi Karaya bắn hạ 2 máy bay không người lái lúc trời tối đó, anh hẳn đã tiến rất gần mục tiêu. "Thật không may, tên lửa của chúng tôi không có khả năng tấn công các loại mục tiêu này ở khoảng cách xa hơn", Juice nói. "Chỉ vài km, tùy thuộc vào độ cao và tốc độ. Không may là vụ nổ quá gần máy bay của anh ấy và các mảnh tên lửa cũng như các mảnh vỡ của chiếc Shahed đã va vào phía trước máy bay, làm hỏng mũi máy bay và vòm che phi công". Bộ ổn định ngang cũng bị hỏng khiến chiếc MiG của Karaya không thể kiểm soát được độ cao, kết hợp với ngọn lửa trong buồng lái, buộc anh phải từ bỏ phi cơ, phóng ra ngoài không trung.
Tùy chọn vũ khí hạn chế của MiG-29
Theo lời Juice, các tùy chọn vũ khí của MiG để chống lại Shahed cũng khá hạn chế. Tên lửa không đối không tầm nhiệt R-73 (AA-11 Archer) không hoạt động được trong mây, trong khi tên lửa dẫn đường bằng radar R-27R (AA-10 Alamo) cung cấp tầm bắn xa hơn về mặt lý thuyết, nhưng những hạn chế của cảm biến mục tiêu buộc phi công phải tiếp cận máy bay không người lái ở phạm vi "nguy hiểm gần". Súng máy 30 mm cũng là một lựa chọn, nhưng chỉ vào ban ngày và trời trong.
Phi công Juice lái chiếc MiG-29, vũ trang đầy đủ với 2 quả tên lửa R-27R, 4 quả tên lửa không đối không R-73. Ảnh: Juices/Không quân Ukraine
Juice không hoàn toàn chắc chắn về lý do, nhưng các cuộc tấn công của Shahed đã giảm bớt phần nào kể từ tháng 10, mặc dù anh bác bỏ các thông tin cho rằng những UAV này không thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện mùa đông. Trên thực tế, chúng có một số hạn chế khi độ ẩm cao hơn và nhiệt độ gần bằng 0, điều này có thể dẫn đến đóng băng. Nhưng khi nhiệt độ giảm xuống - nhiệt độ hiện tại là khoảng -5C - thì đây không phải là vấn đề. Nói chung, Juice cho biết các cuộc xuất kích của Shahed chỉ bằng khoảng một nửa so với hồi tháng 10, điều này có thể liên quan đến nguồn dự trữ cạn kiệt hoặc thay đổi chiến thuật.
Các máy bay Shahed cũng là một vấn đề đặc biệt đau đầu đối với lực lượng phòng không trên mặt đất của Ukraine, vì không có khả năng thực tế nào đạt được tầm phủ sóng radar liên tục và hiệu quả được tối ưu hóa đối phó các mối đe dọa khó phát hiện và thậm chí khó bắn hạ này.
Khoang lái của một chiếc MiG-29 trong chuyến bay đêm. Ảnh: Không quân Ukraine
"Tất nhiên, chắc chắn rằng chúng tôi có phạm vi bao phủ 100% cho độ cao lớn và độ cao trung bình, ngay cả đối với độ cao thấp, nhưng không phải cho độ cao cực thấp", Juice giải thích, "Điều đó là phi thực tế về mặt kỹ thuật và phi thực tế về mặt kinh tế."
Một giải pháp là thiết lập các trạm giám sát trực quan, cũng như một ứng dụng cảnh báo cho phép người dân gửi cảnh báo xuất hiện máy bay không người lái. Nhiều nhóm hỏa lực cơ động hơn cũng đã được thành lập để giao chiến với máy bay không người lái bằng súng máy hạng nặng, đại bác và hệ thống phòng không cơ động (MANPADS).
"Giải pháp này khá hiệu quả vì chúng được mở rộng khắp đất nước và có tính sẵn sàng cao," Juice giải thích, "Tất nhiên là vẫn rất khó khăn với một lãnh thổ rộng lớn như vậy, nhưng mọi người đã cố gắng hết sức mình."
Washington Post: Ukraine chỉ định Tiểu đoàn Azov tham gia chiến dịch phản công mùa xuân Tiểu đoàn từng cầm cự trong "pháo đài thép" Azovstal ở Mariupol đang nỗ lực xây dựng lại lực lượng trước khi bước vào cuộc phản công mùa xuân của Ukraine. Nhưng do những tranh cãi xung quanh nguồn gốc cực hữu của tiểu đoàn, Azov vẫn bị cấm tiếp nhận vũ khí phương Tây, kể cả Mỹ. Các tân binh tập bắn...