Lý do những người cách ly chung phải cùng rời đi trong 1 ngày
Người được cách ly cho dù xét nghiệm âm tính vẫn phải đợi kết quả của những người ở chung (cũng âm tính) để cùng ra về trong một ngày.
Sáng 3-4, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết theo kế hoạch nhiều người được cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được về nhà trong ngày hôm nay.
Theo BS Dũng, tâm trạng chung tất cả người thực hiện cách ly tập trung là mong muốn sớm kết thúc thời gian 14 ngày để về với gia đình. “Chúng tôi rất hiểu điều đó. Tuy nhiên, người cách ly hãy cùng nhau vì sự an toàn không chỉ cho bản thân mà còn cho người thân trong gia đình và cả cộng đồng mình” – BS Dũng chia sẻ.
Để an toàn, ngoài việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong thời gian cách ly, người được cách ly phải có đủ ít nhất 14 ngày sống trong khu vực tập trung, không có triệu chứng bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính.
Những người thực hiện cách ly luôn được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ảnh: THANH HÀO
“Trước khi về nhà, người được cách ly cần có kết quả xét nghiệm âm tính cho dù trong thời gian cách ly hoàn toàn không có triệu chứng. Đây là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý bởi thực tế cho thấy tại TP.HCM gần 50% trường hợp được chẩn đoán nhiễm COVID-19 hoàn toàn không có triệu chứng. Thậm chí một số trường hợp được phát hiện nhiễm ngay trước ngày rời khỏi khu cách ly dù trước đó xét nghiệm lần một cho kết quả âm tính và hoàn toàn không có triệu chứng bệnh trong thời gian cách ly” – BS Dũng nói.
Một khi phát hiện có một trường hợp nhiễm COVID-19 ở xét nghiệm lần hai, HCDC phải tiến hành điều tra dịch tễ, xác định các trường hợp tiếp xúc, đánh giá nguy cơ và có thể yêu cầu một số trường hợp tiếp tục cách ly để theo dõi tiếp. Như vậy, một số trường hợp nếu đã từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 này trong thời gian cách ly buộc phải cách ly tiếp dù đã đầy đủ điều kiện để rời khu cách ly.
Video đang HOT
“Do đó, để hạn chế nguy cơ mầm bệnh có thể ra cộng đồng, HCDC bắt buộc phải có đầy đủ kết quả của tất cả người sẽ rời khỏi khu cách ly trong cùng ngày. Điều đó có nghĩa cho dù có kết quả âm tính, người cách ly vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm của những người sẽ ra khỏi khu cách ly trong cùng ngày. Những người đang làm công tác tổ chức, quản lý khu cách ly như chúng tôi cho dù rất muốn để người cách ly có thể về nhà nhanh nhất cũng không thể bỏ qua những nguyên tắc nói trên nhằm đảm bảo cộng đồng được an toàn” – BS Dũng trải lòng.
“Cuối cùng, xin được nhắc lại một nội dung quan trọng. Đó là dù đã đủ điều kiện rời khỏi khu cách ly nhưng người đã thực hiện cách ly vẫn phải tiếp tục tự cách ly ở nhà thêm 14 ngày. Mang khẩu trang, rửa tay bằng nước và xà phòng thường xuyên, hạn chế tiếp xúc và không tiếp xúc gần với người trong nhà. Tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường phải khai báo với y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ. Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của tất cả mọi người vì cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 còn nhiều gian nan và thách thức phía trước” – BS Dũng nói.
TRẦN NGỌC
Hướng dẫn chăm sóc người bệnh tại nhà để giảm nguy cơ mắc COVID-19
Chăm sóc người bệnh chưa bao giờ là điều dễ dàng và thậm chí còn áp lực hơn cho bạn trong tình hình dịch COVID-19 lây lan như hiện nay. Hãy tham khảo các cách dưới đây để giúp việc này trở nên dễ dàng hơn cho bạn khi đang cách ly tại nhà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Healthaffairs.org.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bạn nên thực hiện theo một số bước sau đây để chăm sóc người bệnh tại nhà và giảm nguy cơ mắc COVID-19.
Động viên tinh thần người bệnh
Trước tiên, hãy giúp người bệnh hiểu rõ về dịch COVID-19, về cơ chế lây bệnh cũng như cách phòng tránh để họ không quá hoang mang, lo lắng. Người bệnh vốn mang tâm lý nhạy cảm, đừng để các thông tin tiêu cực về dịch bệnh khiến họ trở nên bi quan hơn.
Sắp xếp để người bệnh có phòng ở riêng
Người bệnh cần được sắp xếp ở trong 1 phòng riêng biệt thoáng khí, sử dụng phòng tắm riêng và hạn chế những tiếp xúc không thực sự cần thiết với những thành viên khác trong gia đình. Virus SARS-CoV-2 được khuyến cáo có cơ chế dễ lây lan, do đó, cần đảm bảo người bệnh được "cách ly" trong khoảng không gian an toàn nhất. Bên cạnh đó, hãy nhớ lưu ý mọi thành viên phải đeo khẩu trang trước khi bước vào phòng chăm sóc người bệnh.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân
Trong cuộc sống gia đình hàng ngày, việc dùng chung các đồ vật, vật dụng với người khác là tương đối phổ biến. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc làm này không hề an toàn, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch đang suy yếu. Các vật dụng được khuyến cáo không nên dùng chung gồm lược chải đầu, mũ, nón, bát, cốc uống nước, son, kem dưỡng, đồ lót, tất, dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, tai nghe, khăn tắm. Đồng thời, cần nhớ rửa kỹ các vật dụng sau khi sử dụng.
Vệ sinh thường xuyên bề mặt các vật hay tiếp xúc
Theo các nghiên cứu trước đây cho thấy, virus SARS-CoV-2 đã được chứng minh là tồn tại trên một số bề mặt trong tối đa 16 giờ, do đó, bạn nên thường xuyên khử trùng và dọn dẹp sạch nhà cửa, đặc biệt là phòng ở của người bệnh. Cần giữ vệ sinh bề mặt các vật hay tiếp xúc trực tiếp như mặt bàn, tay nắm cửa, công tắc điện hay thậm chí là cả bệ xí.
Rửa tay thường xuyên
Một trong những cách đơn giản và quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây mỗi lần, đặc biệt là sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh. Đừng quên giúp người bệnh thực hiện biện pháp này bởi họ đang là các đối tượng nhạy cảm dễ bị dịch bệnh tấn công. Nếu xà phòng không có sẵn, bạn có thể sử dụng nước rửa tay khô.
Giúp người bệnh điều trị
Cần đảm bảo người bệnh được uống đủ nước và ăn uống đủ chất. Đối với bệnh nhẹ, có thể giúp người bệnh điều trị tại nhà bằng một số loại thuốc không cần kê đơn và duy trì nghỉ ngơi, thư giãn. Đồng thời, cần giúp người bệnh vận động nhẹ nhàng, tránh nằm một chỗ quá lâu, đặc biệt là người già.
Ngoài ra, cần liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn cũng như người thân trong gia đình, đo nhiệt độ ít nhất 2 lần 1 ngày. Nếu xuất hiện các triệu chứng mắc COVID-19 cần bình tĩnh liên hệ ngay với các cơ sở y tế để kịp thời được hỗ trợ, tránh lây lan cho cộng đồng.
LÊ THANH HÀ
Cần biết những điều virus 'sợ' để tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần hướng dẫn các cách làm tan vỡ lớp màng lipid của virus SARS-CoV-2, khiến chúng không thể hoạt động. Zing.vn xin đăng tải bài viết của PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần, Los Angeles, California, Mỹ, về những biện pháp phòng tránh SARS-CoV-2 hiệu quả. Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19 không phải là vật thể sống, nó chỉ là...