Lý do nhiều người vẫn mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine
Thời gian để vaccine của Pfizer/ BioNTech có tác dụng là 8-10 ngày từ mũi tiêm đầu tiên và chỉ phát huy 95% hiệu quả sau 2 liều.
Tổ chức Y tế Thế giới vừa phê duyệt vaccine do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất là dược phẩm đầu tiên được sử dụng khẩn cấp trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số trường hợp cho thấy nhiều người dù đã tiêm vaccine vẫn phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Điều này đặt ra câu hỏi vaccine không hiệu quả hay virus biến đổi khiến chúng ta khó nắm bắt hơn?
Mắc Covid-19 sau vài ngày tiêm vaccine
Tờ Times of Israel cho hay trong số gần một triệu người tại Israsel được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại quốc gia này, khoảng 240 trường hợp phát hiện mắc Covid-19. Channel 13 News xác định thời điểm ghi nhận ca bệnh là vài ngày sau khi tiêm.
Đại đa số người Israel đã tiêm vaccine đều cho biết họ không gặp triệu chứng hay tác dụng phụ nào đáng kể. Khoảng 1/1.000 người báo cáo có tác dụng phụ nhẹ. Khoảng vài chục người cần đến sự trợ giúp của y tế sau khi tiêm thuốc.
Giới chức y tế Israel cho biết tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo sau tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech là suy nhược, chóng mặt và sốt (319 trường hợp). Năm người khác báo cáo bị tiêu chảy. Trong khi đó, 293 người gặp triệu chứng cụ bộ tại nơi tiêm như đau, hạn chế cử động, sưng, đỏ. 14 trường hợp bị dị ứng với hiện tượng ngứa, sưng lưỡi, cổ họng. Ngoài ra, 26 người gặp các triệu chứng thần kinh, trong khi 19 trường hợp ngứa ran cánh tay.
Tại Israel, 4 người dân tử vong sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, 3 trường hợp được Bộ Y tế xác nhận không liên quan vaccine. Bệnh nhân còn lại là người đàn ông 88 tuổi có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng từ trước. Trường hợp này đang được điều tra làm rõ.
Video đang HOT
Một người đàn ông tại một trung tâm tiêm chủng ở Jerusalem, Israel tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào ngà 30/12/2020. Ảnh: Noam Revkin Fenton/Flash90.
Trong khi đó, cách đây ít ngày, Reuters đưa tin về trường hợp y tá Mỹ dương tính với SARS-CoV-2 sau một tuần tiêm vaccine. Đó là Matthew W., 45 tuổi, y tá cấp cứu làm việc tại 2 bệnh viện địa phương ở bang California. Ngày 18/12, Matthew đã được tiêm vaccine Pfizer. Sau khi tiêm, Matthew bị đau cánh tay trong khoảng một ngày, ngoài ra không có triệu chứng gì khác.
Sáu ngày sau, khi đang làm việc tại đơn vị điều trị Covid-19, Matthew cảm thấy ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi. Ông đến địa điểm xét nghiệm tại bệnh viện và nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Lý giải
Trường hợp của Matthew được xem là không nằm ngoài dự đoán. ABC News dẫn lời của Christian Ramers, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Sức khỏe Gia đình ở San Diego, cho hay Matthew có thể đã bị nhiễm bệnh trước khi tiêm vaccine Covid-19 vì thời gian ủ bệnh lên đến hai tuần.
Trong khi đó, số ca dương tính với nCoV tại Israel khiến các chuyên gia y tế nước này nhấn mạnh vai trò cảnh giác, tuân thủ chống dịch của công dân toàn cầu, ngay cả khi có vaccine ngừa Covid-19. Bởi cơ thể chúng ta cần thời gian để vaccine phát huy tác dụng, tạo các kháng thể chống lại SARS-CoV-2.
Vaccine do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất chứa một đoạn mã di truyền mRNA của virus, giúp hệ thống miễn dịch nhận ra loại protein có gai trên bề mặt tương tự virus. Từ đó, nó kích hoạt hệ thống tạo kháng thể, tấn công nếu virus nCoV xâm nhập.
Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech được phân phối cho nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian. Nghiên cứu về vaccine cho thấy phải sau 8-10 ngày tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch với virus mới tăng lên. Sau mũi tiêm một, hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%.
Đây là lý do tại sao liều thứ hai của vaccine được tiêm 21 ngày sau mũi một rất quan trọng. Nó giúp tăng phản ứng của hệ miễn dịch với virus, mang lại hiệu quả lên tới 95% và đảm bảo khả năng miễn dịch kéo dài. Mức độ miễn dịch này chỉ đạt được sau một tuần tiêm liều thứ hai. Điều đó có nghĩa sau 28 ngày tiêm liều đầu tiên, con người mới có cơ chế kháng virus nCoV hiệu quả.
Vì vậy, bất kỳ ai bị nhiễm SARS-CoV-2 trước hoặc vài ngày sau khi tiêm vaccine đều có nguy cơ phát triển các triệu chứng. Ngay cả khi hiệu quả của vaccine lên tới 95%, vẫn còn 5% nguy cơ mắc bệnh.
Một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu tại Israel đặt ra đó là người mang virus nếu được tiêm vaccine Covid-19 có thể lây nhiễm bệnh ra xung quanh hay không. Theo các nhà khoa học, người được tiêm chủng phần lớn sẽ được bảo vệ khỏi virus. Tuy nhiên, các lớp niêm mạc trong đường mũi vẫn có thể chứa nhiều hạt virus đang nhân lên.
Những hạt virus này không gây hại cho vật chủ. Bởi bất kỳ con virus nào xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch đã được kích hoạt. Nhưng nó vẫn có thể bị tống ra ngoài qua đường mũi – miệng và lây nhiễm sang người khác.
CH Séc cho phép mỗi lọ vaccine của Pfizer/BioNTech chia thành 6 liều
Bộ Y tế Séc thông báo nước này đã cho phép chia mỗi lọ vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hai hãng dược Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) thành 6 liều, qua đó giúp nhiều người có cơ hội được tiêm chủng.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Praha, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông báo đưa ra ngày 29/12, bộ trên cho biết khác với tiêu chuẩn đăng ký ở EU của vaccine này, Séc đã tạm thời cho phép chiết thêm liều thứ 6 từ mỗi lọ vaccine với điều kiện trọng lượng thông thường của mỗi liều được giám sát nghiêm ngặt. Ngoài ra, mỗi lọ cần chứa đủ lượng vaccine cần thiết để chiết thành 6 liều, đồng nghĩa lượng vaccine giữa các lọ chứa sẽ không thể được trộn chung với nhau.
Theo các quy tắc tiêu chuẩn hiện nay, mỗi lọ vaccine của Pfizer/BioNTech có thể được tiêm cho 5 người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết với ống tiêm và kim tiêm phù hợp, mỗi lọ vaccine này có thể chiết thành 6 hoặc thậm chí 7 liều.
Thủ tướng Séc Andrej Babis đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho phép tiêm vaccine cho 6 người từ một lọ vaccine của Pfizer/BioNTech thay vì 5 người như hiện nay, trong bối cảnh các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng được khởi động sau lễ Giáng sinh.
Ngày 28/12 vừa qua, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đang thảo luận với các cơ quan quản lý về việc chấp thuận chiết thêm liều thứ 6. Cơ quan này cũng đã yêu cầu Pfizer nộp tài liệu về vấn đề này. Nếu phương án này được EC và các cơ quan chức năng chấp thuận, EU sẽ có khoảng 360 triệu liều thay vì 300 triệu liều như dự kiến.
Theo đơn đặt hàng hiện nay của Séc, nước này cũng sẽ có thêm 1,6 triệu liều, đồng nghĩa sẽ có đủ vaccine cung ứng cho nhiều người hơn.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã lên tiếng kêu gọi người dân kiên nhẫn, đồng thời phản bác quan điểm rằng lượng vaccine mà Đức đặt mua ít hơn so với nhiều nước khác trên thế giới. Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều bắt đầu trong tình trạng khan hiếm".
Liên quan đến cuộc tranh luận về việc liệu những người đã được tiêm vaccine có nên được hưởng một số đặc quyền nhất định, ông Spahn cho rằng không có sự phân biệt nào giữa những người được tiêm chủng và không được tiêm chủng ở những khu vực công cộng như bệnh viện, tòa thị chính hay phương tiện giao thông công cộng, bởi hiện chưa rõ liệu những người được chủng ngừa vẫn có khả năng lây nhiễm hay không.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Đức Klaus Reinhardt kỳ vọng số người dân sẵn sàng cho việc chủng ngừa sẽ tăng lên trong những tháng tới. Theo ông, đối với những người đã được tiêm phòng, đại dịch sẽ không còn đáng sợ nữa và họ sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn, qua đó giúp lan tỏa theo hướng tích cực. Đối với khả năng miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm phòng ít nhất phải đạt từ 65 đến 70%.
Ông Reinhardt cũng kêu gọi chính phủ liên bang và các bang xem xét lại mục tiêu 50 ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần khi quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn phần.
Y tá Mỹ dương tính với corona sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 Sau trường hợp một nam y tá có kết quả xét nghiệm dương tính dù đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19, Đài ABC của Mỹ nhắc nhở vắc xin không phải thần dược, và mọi người cần tiếp tục các biện pháp chống dịch. Vắc xin ngừa COVID-19 phát triển chung bởi hãng Pfizer/BioNTech được đưa tới hệ thống chăm sóc sức khỏe...