Lý do lãnh đạo Nga, Trung do dự chúc mừng Biden
Nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng tới Biden sau khi ông được xướng tên là Tổng thống đắc cử, song ông Tập và Putin dường như đang thận trọng.
Năm 2016, Điện Kremlin đã chúc mừng Donald Trump đắc cử Tổng thống chỉ vài giờ sau khi kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng được truyền thông Mỹ công bố, tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay không truyền thông điệp tương tự với Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Ngày 9/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva sẽ đợi cho tới khi có kết quả chính thức mới đưa ra bình luận.
Trong 4 năm nhiệm kỳ, Trump đã phá vỡ chính sách lâu đời của Mỹ khi liên tục ca ngợi Putin, làm dấy lên nghi ngờ chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga can thiệp bầu cử.
Mối quan hệ Mỹ – Nga nồng ấm tương tự dường như không phải điều mà chính quyền Biden có thể mang tới. Biden từng tuyên bố sẽ coi sự can thiệp từ nước ngoài “như một hành động đối nghịch”.
Tổng thống Nga Putin làm việc tại tư dinh ở ngoại ô Moskva hôm 21/10. Ảnh: Reuters.
“Biden sẽ hợp sức cùng các đối tác và đồng minh để đẩy lùi bất cứ thứ gì mà Nga đang thực hiện”, Karin von Hippel, tổng giám đốc Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, bình luận. “Tôi nghĩ Putin có lẽ biết rằng ông sẽ phải đối mặt với nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế Nga hơn nữa dưới thời Biden”.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS hồi cuối tháng 10, Biden gọi Nga là “mối đe dọa chính” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov khi đó đáp lại bằng tuyên bố rằng Nga không đồng tình với phát ngôn từ Biden và những lời lẽ như vậy đã góp phần khuếch đại “tâm lý thù địch đối với Nga”.
Trước thềm cuộc bầu cử, hai nước không đạt được thỏa thuận gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START, được tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký hồi năm 2010. Chính quyền Trump muốn chấm dứt hiệp ước này để đàm phán một thỏa thuận bao trùm hơn, có cả sự tham gia của Trung Quốc.
Putin trước đó nói rằng ông coi các hiệp ước chiến lược là một trong những điểm tiềm năng để hợp tác với Biden.
Tương tự Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nay vẫn chưa gửi lời chúc mừng tới Biden. Chính phủ Trung Quốc ngày 9/11 phớt lờ câu hỏi về việc khi nào họ sẽ chúc mừng chiến thắng của Biden. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ chỉ hành động “theo thông lệ quốc tế”.
Trong giai đoạn tranh cử năm 2016, Trump đã có nhiều lời lẽ công kích gay gắt nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông vẫn nhận được lời chúc mừng từ Chủ tịch Tập Cận Bình, người kêu gọi thúc đẩy một mối quan hệ “yên ổn” và “ổn định” giữa Washington và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn tiếp tục xấu đi trong 4 năm nhiệm kỳ của Trump, với hàng loạt chia rẽ về thương mại, công nghệ, cạnh tranh ảnh hưởng và mới đây nhất là những cáo buộc từ Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc khiến đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: AP.
Không khó để hiểu vì sao Bắc Kinh lại do dự. Biden đã thể hiện rõ ông sẽ kiên quyết đối đầu với Trung Quốc, khác với sự nửa vời của Trump, đồng thời chỉ trích Trump vì ban đầu đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm với ông Tập.
Video đang HOT
Bắc Kinh có lẽ không cảm thấy cần phải thỏa hiệp với Mỹ dưới một chính quyền mới, đặc biệt khi mà nguy cơ xảy ra những hành động không thể đoán trước thấp hơn đáng kể. Sự nhất quán ở mức độ nhất định của chính quyền Biden cũng có thể mang đến lợi ích cho Bắc Kinh, von Hippel đánh giá.
“Dù Biden cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc và sẽ phối hợp với đối tác cùng đồng minh xây dựng những chính sách phù hợp với Trung Quốc, nền tảng chính sách của ông vẫn không chối bỏ cơ hội hợp tác với Bắc Kinh ở các lĩnh vực mà đôi bên cùng quan tâm, bất kể là biến đổi khí hậu hay vấn đề Triều Tiên”, von Hippel nhận định. “Chiến lược của Biden rõ ràng có nhiều sắc thái hơn nhưng tôi nghĩ nó sẽ tốt hơn cho Trung Quốc bởi nó sẽ không quá thất thường và kỳ lạ như Trump”.
Ngoài lãnh đạo Nga và Trung Quốc, một số nguyên thủ từng thân thiết và nhiều lần khen ngợi Trump suốt 4 năm qua cũng tỏ ra do dự trong việc chúc mừng Biden. Bằng việc giữ im lặng, họ đang cho thấy định hướng mối quan hệ mà họ muốn có với chính quyền mới của Mỹ.
Với tư cách ứng viên tổng thống năm 2016, Trump đã ca ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì cách ông xử lý một âm mưu đảo chính. Sau khi Trump đắc cử Tổng thống, mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục được củng cố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu trước các nghị sĩ đảng cầm quyền tại thành phố Malatya hôm 25/10. Ảnh: AP.
Câu chuyện sẽ rất khác với chính quyền Biden, người mà Erdogan chưa thừa nhận là Tổng thống đắc cử của Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times hồi năm ngoái, Biden cho biết ông “lo ngại” về Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ “có cách tiếp cận rất khác” với Ankara, bao gồm cả vấn đề hậu thuẫn lực lượng đối lập và người Kurd ở Syria.
Việc Trump bất ngờ rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria khiến các đồng minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và dân quân người Kurd ở Syria phải hứng chịu một chiến dịch quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính sách của Trump ở Trung Đông dường như càng khích lệ Erdogan. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn phớt lờ sự phẫn nộ của NATO khi quyết tâm mua vũ khí Nga.
Biden từng nói Erdogan “sẽ phải trả giá” vì những hành động này, trong đó, ông sẽ cân nhắc việc liệu Mỹ có nên tiếp tục bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người được mệnh danh là “Trump của vùng nhiệt đới” vì thương hiệu chính trị dân túy tương tự giữa ông với Tổng thống Mỹ, cũng đã giữ im lặng trước thất bại của Trump.
Tổng thống Jair Bolsonaro tại Brasilia ngày 19/10. Ảnh: Reuters.
Bolsonaro đã đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng Trump đắc cử. Hồi tuần trước, con trai ông, nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, người đã đội chiếc mũ ghi thông điệp “Trump 2020″ trong chuyến đi tới Washington với tư cách là phái viên của cha mình, đã đặt nghi vấn về số phiếu dành cho Biden và tính toàn vẹn của bầu cử Mỹ trên Twitter.
Giống Trump, Bolsonaro liên tục phủ nhận sự nguy hiểm của Covid-19, bất chấp việc Brazil là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Trump thất cử đồng nghĩa Bolsonaro sẽ mất đi một đồng minh ngoại giao quan trọng và phải đối mặt với một tân tổng thống Mỹ có trọng tâm mới là về các vấn đề nhân quyền và môi trường.
“Liệu việc Trump thất bại có phải là điềm báo về sự kết thúc của các lãnh đạo dân túy khác, giống như Bolsonaro, không?”, von Hippel đặt câu hỏi.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tại họp báo ở thủ đô Mexico City, ngày 17/3. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã đưa ra một tuyên bố cẩn trọng về bầu cử Mỹ, ở đó, ông không gọi Biden là người chiến thắng mà chỉ nói rằng ông cần đợi đến khi các thách thức pháp lý đối với tiến trình kiểm phiếu kết thúc.
“Chúng tôi sẽ đợi cho đến khi tất cả các vấn đề pháp lý được giải quyết. Chúng tôi không muốn liều lĩnh. Chúng tôi không muốn hành động hời hợt. Chúng tôi muốn tôn trọng quyền tự quyết cũng như các quyền khác của người dân”, López Obrador phát biểu trên truyền hình tối 7/11.
Tổng thống Mexico đã xây dựng một mối quan hệ thân thiết với Trump trong vài năm qua, bất chấp những hành động bắt nạt kinh tế và lời lẽ phân biệt chủng tộc từ ông chủ Nhà Trắng. Hai lãnh đạo, đều là những người theo chủ nghĩa dân túy, hồi tháng 7 đã ăn mừng việc thực hiện thỏa thuận thương mại mới Mỹ – Mexico – Canada.
Sự do dự của López Obrador khi gửi lời chúc mừng Biden có thể bắt nguồn từ tình bạn giữa ông với Trump. Hành động này cũng có thể được hiểu là sự tiếp nối chính sách truyền thống của Mexico lâu nay, chủ động tránh bình luận về công việc nội bộ quốc gia khác.
“Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt với cả hai ứng viên tổng thống Mỹ. Tổng thống Trump đã rất tôn trọng chúng tôi và hai bên đã đạt được một số thỏa thuận tốt. Chúng tôi cảm ơn ông ấy vì ông ấy không phải người thích can thiệp mà tôn trọng chúng tôi. Và điều tương tự cũng đúng với ứng viên Biden. Tôi đã biết ông ấy 10 năm nay”, Tổng thống Mexico cho biết thêm trong bài phát biểu trên truyền hình cuối tuần trước.
Hoài nghi khả năng Nga - Trung lập liên minh quân sự
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định ý tưởng về liên minh quân sự Moskva - Bắc Kinh của Putin "mang tính thiện chí" song "còn rất xa vời".
Khi được hỏi về khả năng thành lập liên minh quân sự Nga - Trung tại sự kiện Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ngày 22/10, Tổng thống Vladimir Putin nói khả năng này là "hoàn toàn có thể" về mặt lý thuyết, dù hai nước hiện chưa cần tới một liên minh như vậy.
Putin cho biết quân đội Nga và Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ và "thời gian sẽ cho biết mọi việc tiến triển ra sao". "Chúng tôi tới nay chưa đặt ra mục tiêu đó cho mình. Song về nguyên tắc, chúng tôi không loại trừ điều này, vì thế chúng ta hãy chờ xem", Putin nói.
Giới chuyên gia Trung Quốc tỏ ra thận trọng trước phát biểu này của Putin, cho rằng việc Tổng thống Nga đề cập tới điều này là một dấu hiệu thiện chí, nhưng nhận định ý tưởng đó rất khó trở thành hiện thực, ngay cả khi Nga - Trung đang tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh quan hệ với Mỹ xấu đi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, ngày 22/10. Ảnh: RIA Novosti.
Bình luận của Putin được đưa ra cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên, tuyên bố quân đội Trung Quốc quyết tâm đánh bại những kẻ xâm lược và "sẵn sàng chống mọi âm mưu chia cắt đất nước".
Các chuyên gia nhận định ý tưởng được Putin nêu ra là dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết giữa hai nước giữa lúc cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra tại Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tranh cãi về việc ai sẽ xử lý tốt nhất "những thách thức do Trung Quốc đặt ra".
"Trung Quốc và Nga đều là mục tiêu bị chỉ trích trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Putin đang cố gắng chứng tỏ mối quan hệ giữa hai nước bền chặt ra sao", chuyên gia Li Lifan thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết.
Chuyên gia Li nói việc thể hiện tình đoàn kết giữa Nga và Trung Quốc nhằm gửi thông điệp liên quan đến Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Hiệp ước này hạn chế số lượng đầu đạn trong kho vũ khí của Mỹ và Nga, song Washington đang tìm cách gây sức ép buộc Bắc Kinh tham gia.
Quan chức Nga và Mỹ tuần trước cho biết hai bên sắp ký thỏa thuận gia hạn trước khi New START hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Putin ngày 23/10 nói Nga không phản đối việc đưa Trung Quốc vào New START nhưng khẳng định không nên gây áp lực cho duy nhất nước này nếu Anh và Pháp, hai cường quốc hạt nhân khác, không tham gia hiệp ước.
Giảng viên quân sự Nga hướng dẫn cách khắc phục sự cố của tên lửa phòng không cho lính Trung Quốc tham gia tập trận Kavkaz-2020 tại thao trường ở tỉnh Astrakhan, ngày 21/9. Ảnh: PLA.
Li Lifan cho rằng liên minh quân sự Nga - Trung rất xa vời bởi điều này đồng nghĩa hai bên có nghĩa vụ phải bảo vệ nhau nếu bị tấn công. "Điều này không cần thiết, tốt nhất là hiểu ngầm với nhau", Li nói.
Chuyên gia cho biết Trung Quốc vẫn là thành viên của Phong trào Không liên kết, nhóm gồm 120 quốc gia không liên minh với bất cứ khối cường quốc nào. Trung Quốc coi đây là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại độc lập của mình nhiều thập kỷ qua.
Mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác nhiều hơn với Nga nhằm mang lại lợi ích cho Trung Quốc, đặc biệt về các vấn đề quản trị toàn cầu, lĩnh vực hai nước có nhiều điểm chung, Li Lifan nhận định.
Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc hồi tháng 7 cho biết hai nước đang hợp tác "chống thông tin sai lệch" từ "một số quốc gia". Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 9 ca ngợi sự ủng hộ lẫn nhau trong ứng phó "các thế lực cực đoan ở Mỹ" khi gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết các quan chức Nga và cả Tổng thống Putin từng ngờ vực về Trung Quốc trong các cuộc gặp với quan chức Mỹ. Bob Woodward, phóng viên nổi tiếng của tờ Washington Post, trong cuối hồi ký "Cơn thịnh nộ" cho biết Putin từng gọi Trung Quốc là "đất nước mất kiểm soát nhất hành tinh" trong cuộc điện đàm với Trump hồi tháng 4.
Trong hồi ký của mình, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu từng nói Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) không còn khả thi do năng lực công nghệ của Trung Quốc tăng cao kể từ 1987.
Binh sĩ Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức tại Quảng trường Đỏ, Moskva, Nga, ngày 24/6. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ năm 1950. Tuy nhiên, quan hệ Xô - Trung vài năm sau xấu đi và hai nước thậm chí từng đứng bên bờ vực chiến tranh.
Quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh sau này được cải thiện và nồng ấm hơn dưới thời Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Putin hồi tháng 12/2019 khẳng định Nga không có kế hoạch liên minh quân sự với Trung Quốc.
Thời Ân Hoằng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết tuyên bố của Putin có thể nhằm " tận dụng mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc". "Căng thẳng Mỹ - Trung đang ở giai đoạn tồi tệ đến mức nguy cơ xảy ra xung đột. Khả năng Nga muốn thành đồng minh của Trung Quốc là rất thấp", Shi Yinhong nói.
"Tuyên bố của ông Putin chủ yếu là dấu hiệu cho thấy Nga muốn trở thành bên trung lập quan trọng để buộc Mỹ hoặc Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ lớn cho họ", ông Thời nói.
Về phần mình, Trung Quốc đưa ra phản ứng chính thức một cách thận trọng. "Không tồn tại giới hạn trong quan hệ hữu nghị truyền thống Nga - Trung hay đối với việc mở rộng hợp tác giữa chúng tôi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, cho rằng phát biểu của Putin "thể hiện mức độ cao và bản chất đặc biệt của mối quan hệ song phương giữa chúng tôi".
Nga - Trung bắt tay gửi thông điệp đến Mỹ Nga và Trung Quốc tuần này ca mợi mối quan hệ liên minh trong Thế chiến II và gửi thông điệp đến Mỹ rằng: chúng tôi còn có những người bạn khác. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuần này có bài viết chung nhân kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế...