Lý do Kim Jong-un sẽ sớm thử vũ khí hạt nhân lần 6
Các chuyên gia vũ khí cho rằng, Triều Tiên cần thực hiện ít nhất một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa cũng như nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa khác…
Triều Tiên cần ít nhất 1 vụ thử hạt nhân nữa…
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc hạt nhân”.
Triều Tiên cho biết, nước này đã phát triển thành công các tên lửa liên lục địa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Mỹ. Theo đó, các nhà khoa học tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hiện đối mặt với phần khó khăn nhất trong việc hoàn thành mục tiêu mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố. Đó là hoàn thiện một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để gắn lên tên lửa mà không làm ảnh hưởng đến phạm vi của nó cũng như đảm bảo tên lửa có khả năng tồn tại trong quá trình tái xâm nhập khí quyển.
Để làm được những điều đó, các chuyên gia vũ khí nói rằng, Triều Tiên cần thực hiện ít nhất 1 cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa (cuộc thử nghiệm lần thứ 6) bên cạnh nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa khác.
Theo các chuyên gia, hai cuộc thử nghiệm của Triều Tiên liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tháng trước có vẻ đã mang theo trọng tải nhẹ hơn bất cứ đầu đạn hạt nhân nào từng được sản xuất gần đây.
Một cách để có đầu đạn hạt nhân nhẹ hơn là tập trung phát triển một thiết bị nhiệt hạch, hoặc bom hydro, vốn sở hữu sức nổ lớn hơn nhiều so với bom phân hạch có cùng kích thước.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Chương trình Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thử thành công một quả bom hydro. Tuy nhiên, tuyên bố trên vẫn chưa được chứng minh.
“Lợi thế của một đầu đạn nhiệt hạch là nó có thể nổ mạnh hơn trong khi trọng lượng nhẹ hơn. Nhưng làm như vậy sẽ cần nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân hơn”, ông Hans nhấn mạnh.
Trong khi đó, Choi Jin-wook, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ritsumeikan của Nhật Bản bình luận, một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 là cần thiết để Triều Tiên phát triển ICBM gắn đầu đạn hạt nhân hoạt động được.
Video đang HOT
“Để tạo ra một vũ khí hạt nhân có khả năng triển khai được, thì nó phải nhỏ và nhẹ, nhưng Triều Tiên dường như chưa nắm được công nghệ này”, ông Choi nhấn mạnh.
Tổng thống Hàn Quốc tuần trước cảnh báo Triều Tiên sẽ sớm “vượt qua vạch đỏ” nếu gắn thành công đầu đạn hạt lên tên lửa còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Bình Nhưỡng sẽ “đối mặt với lửa và sự cuồng nộ” nếu đe dọa Washington.
Bên cạnh việc phát triển một quả bom hydro thu nhỏ, một số chuyên gia cho biết, các nhà khoa học tên lửa của ông Kim vẫn chưa làm chủ được công nghệ bảo vệ một đầu đạn khỏi áp lực và nhiệt độ cực nóng khi nó tái xâm nhập vào khí quyển của Trái đất sau một chuyến bay xuyên lục địa.
Hàn Quốc tin rằng, Triều Tiên sẽ cần ít nhất 1 hoặc 2 năm nữa để làm chủ được công nghệ tái nhập, Bộ trưởng Quốc phòng của Seoul nói hôm 20.8.
David Albright, nhà vật lý học và là người sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington cũng nhấn mạnh rằng, ông hoài nghi Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ tái nhập khí quyển ở thời điểm hiện tại.
Cách thiết yếu để tồn tại
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đẩy mạnh tốc độ phát triển vũ khí vào năm ngoái và tiến hành liên tiếp 2 vụ thử hạt nhân vào tháng 1 và tháng 9 năm 2016, nhiều nhà quan sát đã dự kiến, vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên sẽ diễn ra đầu năm nay.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng lại dành hầu hết năm nay để thử nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm 2 vụ thử ICBM hồi tháng 7.
Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên hoãn thử hạt nhân để tập trung tiến hành nhiều vụ thử tên lửa.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, mặc dù các hoạt động định kỳ đã được phát hiện ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, nhưng ông không thấy có các hoạt động ở khu vực này trên 1 tháng nay và không có dấu hiệu cho thấy một cuộc thử nghiệm sắp xảy ra.
Một quan chức Mỹ thứ 2 nói thêm rằng, Triều Tiên đã có những hoạt động nghi thử hạt nhân trong nhiều tháng nhưng lại không có bất cứ hành động mới nào được phát hiện gần đây.
Dù vậy, chính quyền Kim Jong-un vẫn theo đuổi lập trường rằng, khả năng răn đe Mỹ là điều thiết yếu để đảm bảo sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng và theo đó, không sớm thì muộn cũng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Yoo Ho-yeol, giáo sư về thống nhất và ngoại giao tại Đại học Hàn Quốc bình luận: “Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 để buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Tôi không biết chính xác khi nào, nhưng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 sẽ là lựa chọn ít nguy hiểm cho Triều Tiên hơn là bắn tên lửa tới đảo Guam”.
Rủi ro Kim Jong-un phải đối mặt
Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn và được cho là rất khó để dự đoán về những gì họ sẽ làm tiếp theo. Ông Kim Jong-un có thể phải cân nhắc kỹ thời điểm tiến hành một vụ thử hạt nhân mới bởi một hành động như vậy sẽ bị Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên phản đối và Liên Hợp Quốc có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đòn trừng phạt gần đây, sau khi Bình Nhưỡng thử ICBM hồi tháng 7.
Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đáng kể bao gồm cả từ Trung Quốc nếu tiếp tục tiến hành thử hạt nhân, ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo.
“Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, thì Trung Quốc có thể cắt giảm nguồn cung cấp dầu cho nước này. Tôi tin rằng, Trung Quốc đã mạnh mẽ cảnh báo Triều Tiên không tiến hành một vụ thử hạt nhân khác”, ông Moon Chung-in nhấn mạnh.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên chỉ cách biên giới với Trung Quốc 100 km và Nga 200km. Cả Nga và Trung Quốc đều tỏ ra tức giận trước các vụ thử nghiệm hạt nhân trước đó từ Triều Tiên, dẫn đến việc họ ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc nhắm vào nước này.
Theo Danviet
Kim Jong-un không muốn đánh nhau với Mỹ, chỉ cần điều này
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng và giữ vững quyền lực của mình chứ không muốn xung đột quân sự với Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức quân sự chỉ đạo một cuộc tập trận
Những lời đe dọa như khiến Triều Tiên chìm trong "biển lửa và sự cuồng nộ" của Mỹ hay lời đáp trả tấn công tên lửa, nghiền nát Guam của Bình Nhưỡng đang làm dấy lên nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc. Căng thẳng dường như đã leo thang lên tới đỉnh điểm khiến thùng thuốc súng trên bán đảo Triều Tiên được cho là có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Nhưng theo các chuyên gia, mục đích cuối cùng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là duy trì chế độ Bình Nhưỡng và giữ vững quyền lực của mình. Ông Kim làm tất cả bao gồm phát triển vũ khí hạt nhân đơn giản là để ngăn chặn Mỹ can thiệp vào Triều Tiên và lật đổ chế độ.
"Những gì Kim Jong-un thực sự muốn đó là cải thiện tên lửa và vũ khí hạt nhân nhằm đảm bảo đất nước dưới sự lãnh đạo của mình", Michael Madden, người điều hành trang web North Korea Leadership Watch (Giám sát giới lãnh đạo Triều Tiên) bình luận.
Rõ ràng, một cuộc chiến tranh đều không mang lại lợi ích cho bất cứ ai - đặc biệt là 25 triệu dân Hàn Quốc đang sống trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, sự kết hợp của 2 nhà lãnh đạo hùng biện nắm trong tay vũ khí hạt nhân đã khiến bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng khiến chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.
"Nguy cơ ở Đông Á bắt nguồn từ cả Trump và Kim Jong-un. Trong khi Kim Jong-un đẩy căng thẳng đến mức tối đa thì Trump không loại trừ khả năng chiến tranh", ông Koo Hae-woo, một cựu quan chức hàng đầu tại cơ quan tình báo Hàn Quốc, hiện điều hành Viện Chiến lược tương lai Hàn Quốc bình luận.
Ông Kim Jong-un khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang khi đẩy mạnh chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên cuối năm 2011. Ông đã ra lệnh tiến hành 3 vụ thử hạt nhân và giúp Triều Tiên đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc trong công nghệ tên lửa.
Tháng trước, Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là có khả năng vươn đến Mỹ. Ngay sau đó, đầu tháng này, các quan chức tình báo Mỹ kết luận rằng, Bình Nhưỡng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo, vượt qua ngưỡng then chốt trên con đường trở thành "cường quốc hạt nhân hoàn chỉnh".
Theo các chuyên gia, mặc dù kiên quyết không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên thừa hiểu, việc sử dụng chúng chính là hành động tự sát vì Bình Nhưỡng chắc chắn phải đối diện với nguy cơ bị Mỹ trã đũa thảm khốc hơn.
"Kim Jong-un không cố gắng để đánh nhau," ông Madden nói và nhấn mạnh thêm Bình Nhưỡng biết rõ Trump có thói quen tuyên bố "đao to búa lớn": "Người Triều Tiên không coi trọng những lời đó. Họ cho rằng Trump chỉ tuyên bố như vậy vì ông ta vẫn chưa củng cố được quyền lực của mình".
Đồng tình, Cheong Seong-chang, chuyên gia Triều Tiên ở Viện Sejong cũng cho rằng ông Kim Jong-un không muốn xung đột quân sự với Mỹ.
"Triều Tiên phát triển ICBM không phải để bắt đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ. Tất cả chỉ nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng muốn ảnh hưởng đến các quyết sách của Mỹ vì biết Washington không muốn bị chỉ trích là mạo hiểm cuộc sống của người dân Mỹ đê rbaro vệ các đồng minh", ông Cheong nhấn mạnh.
Theo Danviet
Mỹ "nhắm mục tiêu" Nga, TQ vì đã giúp Triều Tiên Mỹ vừa có động thái quyết liệt nhắm vào những cá nhân tổ chức được cho là hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un Ngày 22.8, Mỹ vừa áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan đến Triều Tiên, nhắm vào các công ty, cá nhân Trung Quốc và Nga hỗ trợ chương trình...