Lý do khiến nghệ sĩ Minh Hằng muốn nghỉ nghề sớm tại Nhà Hát Tuổi Trẻ
“Bà Phó Đoan” Minh Hằng vừa chính thức cầm quyết định nghỉ hưu được vài ngày sau gần 40 năm gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ.
Nghệ sĩ Minh Hằng. (ảnh nhân vật cung cấp).
“Về hưu vui lắm!”
Dạo này nhìn chị như trẻ ra và gọn gàng hơn thì phải?
- (Cười) Giờ có tuổi rồi, không còn được như lúc trẻ nên tôi cũng chú ý chăm sóc bản thân hơn, nhất là khuôn mặt để luôn giữ được sự tươi trẻ. Nghề của chúng tôi luôn phải dùng đến mỹ phẩm, rất dễ gây ăn mòn da nên lại càng phải “đầu tư” cả về thời gian và tiền bạc cho việc chăm sóc sắc đẹp. Chính vì thế mà chúng tôi được hưởng một khoản mà các nghề khác không có là “tiền thanh sắc”. Thế nhưng, tôi chủ yếu chăm sóc ở nhà là chính, chứ đến spa cũng thi thoảng chứ làm gì có thời gian. Vừa rồi tôi cũng giảm được 6kg nên người cùng gọn hơn, mà hoàn toàn dựa vào chế độ ăn uống, ăn ít tinh bột đi chứ không có điều kiện luyện tập như mọi người đâu.
Nhưng giờ chị nghỉ hưu rồi thì chắc sẽ có nhiều thời gian hơn để luyện tập chứ?
- Thực ra tôi xin nghỉ cách đây 3 năm rồi, nhưng bây giờ đủ tuổi thì Nhà hát mới “cho” nghỉ. Nhưng chỉ là nghỉ trên giấy tờ, chứ tôi vừa nhận quyết định được 2 ngày đã lại theo các diễn viên của Nhà hát đi diễn ở Quy Nhơn. Về hưu nghĩa là không phải có mặt ở nhà hát hàng ngày, không phải dự các cuộc họp, còn nói về công việc thì có khi về hưu lại bận hơn. Lúc trước đi đâu, làm gì cũng phải xin phép, hoặc giao nhiệm vụ là phải làm… thì giờ cái gì thật thích mới làm.
Video đang HOT
Ngày hôm qua, chị Hương Bông, anh Hoàng Dũng cũng nhận được quyết định về hưu và đều có cảm giác như tôi là vui lắm, vì không còn phải chịu những quyết định ràng buộc về quản lý nữa. Ngược lại, chúng tôi có điều kiện để tăng thu nhập và dành cho gia đình nhiều hơn.
Tại sao 3 năm trước chị đã xin nghỉ, trong khi không ít người đến tuổi hưu vẫn không muốn về?
- Thực ra là từ trước đó nữa cơ, vì có nhiều chuyện cũng mệt mỏi, nói ra thì dài dòng lắm. Nhưng rồi vì lý do gì đó mà tôi cứ gắn bó với đoàn. Cũng nhờ ở lại mà tôi được thêm 2 Huy chương Vàng, rồi công việc làm mình nguôi ngoai đi chứ trước đó có nhiều chuyện làm mình cũng buồn.
Chuyện buồn ở đây là công việc hay là…
- Công việc đấy! Và nó có nhiều sự thay đổi mà mình không hình dung được trong đầu. Có những cái không đúng ý mình, rồi có cả sự tự ái cá nhân nữa. Giám đốc cũng động viên tôi ở lại, các em, các cháu cũng dành nhiều tình cảm cho mình nên không phải cứ muốn đi là đi ngay được.
Tình hình sân khấu ngày càng khủng hoảng khiến cho đời sống của nhiều nghệ sĩ đang ở Nhà hát mà cũng chẳng khác gì “nghỉ hưu non” vì ít show, ít khán giả. Với chị, thực trạng ấy có ảnh hưởng đến việc muốn về trước không?
- Tình hình sân khấu hiện nay đang có nhiều vấn đề dẫn đến tình cảnh đó, nhưng hãy cứ nhìn ở Hà Nội thì hiếm có nơi nào liên tục sáng đèn như Nhà hát Tuổi trẻ. Thực ra, việc tôi nghỉ sớm cũng không gây xáo trộn đâu, đến người cao hơn nữa còn có người thay thế được mà. Quan trọng là thay như thế nào, chọn người như thế nào để thay thôi. Giờ các bạn trẻ làm nghề không như ngày xưa. Sát cảnh diễn mà trên tay mỗi đứa một cái điện thoại thì không thể hay được. Chúng tôi diễn cảnh sau thì phải nhìn cảnh trước, xem người ta diễn thế nào để thẩm thấm, để chắt lọc, để giữ được sợi chỉ xuyên suốt cho vở diễn. Nhưng tôi khẳng định là lớp trẻ bây giờ họ vào nghề khác chúng tôi lắm.
“Tôi – Chí Trung – Lê Khanh… cũng lắm lúc không ưa nhau”
Là người làm nghề lâu năm ở Nhà hát Tuổi trẻ, chị nghĩ sao về chuyện thỉnh thoảng vẫn có “tiếng gần tiếng xa” về nội bộ của Nhà hát?
- Phải nói thế này: Tôi, Chí Trung, Ngọc Huyền, Lê Khanh… học cùng lớp với nhau, làm việc cùng nhau, nhưng chúng tôi cũng có những cái không ưa nhau. Tuy vậy, phải công bằng mà nói rằng, Chí Trung có những thế mạnh khi làm Phó Giám đốc Nhà hát, còn phân vai cho ai thì trước tiên phải xem họ có hợp hay không. Ai nói như thế thì đó là cảm nhận của riêng họ chứ không phải là tất cả. Yêu nhau đến như vợ chồng với nhau mà còn có lúc không ưa nữa là với người ngoài. Đôi khi trong một tập thể, chúng ta cần phải biết cảm thông, bỏ qua cho nhau để cùng tiến thì mới lâu bền được.
Dù nghề diễn có đặc thù là ở đâu, tuổi nào cũng làm được nhưng khi cầm quyết định trên tay, chị có thấy buồn không?
- Tôi không thấy buồn gì cả, tiếc cũng không vì còn có rất nhiều việc đang mời mình. Thế nên đêm diễn chia tay ở Nhà hát Lớn, tôi không mời người thân, bạn bè của mình đến vì đó chỉ là thủ tục hành chính thôi chứ không như các nghề khác. Nghề này làm đến chết mà.
Tính đến nay, tôi đã đóng góp với Nhà hát 37-38 năm, diễn quá nhiều vai rồi nên không có gì phải nuối tiếc về nghề nữa. Những gì tôi được và mất cũng đều là ở Nhà hát này. Giờ nghỉ nhưng Nhà hát gọi là tôi đi thôi, kể cả đi xa chỉ được vài triệu, ở nhà tôi làm “nhoắng” một cái là xong nhưng tôi vẫn trân trọng việc cống hiến cho Nhà hát hơn. Như Lai – Trưởng đoàn kịch I bảo tôi: “Ba năm nữa, khi nào chị được NSND thì chị mới được về hẳn. Còn bây giờ, chị vẫn phải đến đấy, chúng em vẫn cần chị, còn ai đó không cần là việc của họ”.
Theo chị, vì sao đến giờ chị vẫn chưa được phong NSND?
- Huy chương Vàng thì tôi thừa lâu rồi, nhưng có nhiều cái mà tôi cũng không thể hiểu được. Nhiều người cứ khuyên tôi “thôi bỏ đi, danh hão ấy mà” nhưng không phải đâu, đó là đẳng cấp, là sự cống hiến và ghi nhận.
Gần 40 năm cống hiến cho Nhà hát Tuổi trẻ, giờ đây, chị thấy mình được gì và mất gì?
- Mất thì nói thật là bây giờ tôi chả biết mình mất gì nữa, chỉ thấy được thôi. Còn đương nhiên là cũng có những quãng không vui trong cuộc đời nhưng những cái đó thôi thì hãy cứ để trong lòng cho riêng mình biết thôi. Còn về tổng thể, tôi thấy mọi thứ với mình như thế là quá mãn nguyện.
Cảm ơn nghệ sĩ Minh Hằng về cuộc trò chuyện!
Theo Giadinh
Trong khi "dài cổ" chờ Táo Quân 2017, xem "Táo cười" có gì hấp dẫn?
Chương trình nghệ thuật "Táo cười đón xuân 2017" sẽ là những câu chuyện thời sự, xã hội nóng bỏng được các nghệ sĩ Chí Trung, Vân Dung, Đức Khuê...trình diễn.
Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty Nghe nhìn Hà Nội kết hợp cho ra mắt sản phẩm Táo quân với một góc nhìn khác lạ, tươi mới và giàu tính nhân văn. Chương trình "Táo cười đón xuân 2017" do nhà văn trẻ Huệ Ninh viết kịch bản, có thời lượng 90 phút đã mang đến một góc nhìn mới hài hước nhưng cũng mang nội dung nhân văn, sâu sắc.
Chương trình "Táo cười đón xuân" bắt đầu bằng tình huống nhà Táo bị mất bản báo cáo trước buổi chầu trời, phải triệu 3 thổ thần cai quản ba vùng Bắc, Trung, Nam lên làm lại. Quá trình góp ý để hoàn thiện lại bản báo cáo xảy ra nhiều chuyện bi hài. Nội dung mà các thổ thần nêu đã khái quát được tất cả các mặt về đời sống xã hội của vùng đất, con người Việt Nam trong suốt năm Bính Thân vừa qua một cách sinh động, hài hước, từ đó đem đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái và để lại nhiều chiêm nghiệm về nhân tình thế thái.
Vở kịch cho thấy bức tranh toàn cảnh về một Việt Nam hôm nay, bên cạnh những đổi mới cũng không tránh khỏi những mặt hạn chế như là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, vở diễn vẫn mang gam màu tươi sáng là chủ đạo. Cái cười ở đây không phải sự bới móc, miệt thị mà là sự thấu hiểu bản chất mọi vấn đề nhằm tác động vào mỗi cá nhân để cùng rút kinh nghiệm, cùng chung tay góp phần khắc phục và hoàn thiện hơn trong cuộc sống của mình.
Chương trình nghệ thuật "Táo cười đón xuân 2017" với sự góp mặt của nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung, Bá Anh, Thanh Dương, Anh Tuấn, Tấn Minh, Hoàng Bách, Khánh Linh, Đông Hùng... Đây là cơ hội hiếm có để khách hàng được đón xem chương trình được mong chờ nhất trong năm mới và cùng đắm chìm trong không gian âm nhạc lãng mạn, thưởng thức những tiểu phầm hài kịch đầy ắp tiếng cười. Chương trình này sẽ phát sóng trên một số Đài truyền hình vào ngày 23 tháng Chạp năm nay.
Theo Danviet
Nghệ sĩ Sĩ Tiến - giọng nói ma lực của sân khấu Việt Nghệ sĩ Sĩ Tiến là một gương mặt khá thú vị của Nhà hát Tuổi Trẻ. Mỗi vai diễn đến với anh một cách đầy khó nhọc nhưng anh luôn biết cách biến gian nan thành thuận lợi... Long đong với nghề Lần đầu xem Sĩ Tiến trên sân khấu, tôi rất bất ngờ được nghe một giọng nói có màu sắc rất...