Lý do hai xưởng của một công ty ở Bắc Giang có 700 ca Covid-19
Có tình trạng trao đổi công nhân giữa các doanh nghiệp, các công nhân chỉ ngồi cách nhau nửa mét nên dịch lây lan rất nhanh.
Ngày 27/5, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến phòng chống Covid-19 tại nơi làm việc, khu công nghiệp với tất cả 63 tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt xuất hiện nhiều ca bệnh trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Để đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhất thiết phải có các giải pháp để phòng chống dịch trong khu vực sản xuất, tránh đứt gãy nguồn cung ứng.
Chỉ 5-10% nhà máy cập nhật an toàn
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ tháng 5/2020, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có Quyết định 2194 hướng dẫn về phòng chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá.
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn và đã đi kiểm tra hơn 20 tỉnh, thành phố trọng điểm có số lượng doanh nghiệp và công nhân lớn.
Qua kiểm tra nhận thấy một số địa phương thậm chí chưa xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong khu công nghiệp hoặc xây dựng nhưng chưa đủ, không giám sát thường xuyên nên khi có ca bệnh trong doanh nghiệp thì lúng túng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, nhiều địa phương lúng túng khi xuất hiện ca Covid-19 trong khu công nghiệp.
“Qua kiểm tra 20 tỉnh, việc cập nhật đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong các doanh nghiệp hiện mới chỉ đạt 5-10%. Tỉ lệ cập nhật nhà máy an toàn như vậy là con số rất thấp”, Thứ trưởng Tuyên nói.
Từ đầu cầu Bắc Giang, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế tại địa phương, các sở ban ngành chưa quyết liệt triển khai hướng dẫn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, chưa kiểm tra đánh giá nguy cơ của từng doanh nghiệp theo Quyết định 2194, mới chỉ kiểm tra được một số ít doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bắc Giang có tới 6 khu công nghiệp (hiện đã đóng cửa 4 khu), hơn 1.500 ca mắc vừa qua tập trung chủ yếu tại huyện Việt Yên.
“Trong các khu công nghiệp có nhiều công ty sản xuất linh kiện điện tử phân phối cho Thái Nguyên, Bắc Ninh… đặc biệt có tình trạng sử dụng lao động luân phiên lẫn nhau, mỗi công nhân chỉ ngồi cách nhau nửa mét nên dịch lan rất nhanh”, ông Nam chỉ rõ.
Video đang HOT
Tại công ty Hosiden, phần lớn công nhân dương tính làm ở xưởng 1 và xưởng 4, hai xưởng này ghi nhận tới 700 ca mắc Covid-19.
Thêm vào đó, các công nhân ở trọ rất đông. Lượng công nhân tại Bắc Giang khoảng 160.000 người, chủ yếu sống trong các nhà trọ. Cá biệt tại huyện Việt Yên, có những thôn chỉ có 1.000 dân nhưng có tới hơn 9.000 công nhân ở trọ.
Những ngày qua, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang thành lập 35 đoàn công tác tương tự như Vĩnh Phúc để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch và đánh giá nguy cơ 100% doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
35 đoàn này đã được Cục Môi trường y tế tập huấn rất kỹ, thành viên mỗi đoàn gồm 4 người bao gồm công an, thanh tra, không sử dụng nhân lực y tế.
Trong vòng 4 ngày, 35 đoàn được giao đánh giá toàn bộ 400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và đến nay đã chấm điểm xong 300 đơn vị dựa theo 15 tiêu chí như mật độ người lao động, nguy cơ lây nhiễm, thông khí nhà xưởng, sử dụng khẩu trang, phương án ứng phó phòng chống dịch, vệ sinh khử khuẩn tại nơi làm việc…
“Trong quá trình đánh giá, nhiều doanh nghiệp xin UBND tỉnh cho sản xuất trở lại. Tuy nhiên, việc này chỉ được cho phép khi đảm bảo đủ các điều kiện bắt buộc”, ông Nam nói.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại khi có điểm nguy cơ ở mức thấp và trung bình (dưới 50 điểm), phải có kế hoạch phòng chống dịch, có bộ phận thường trực thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng phân xưởng thực hiện 5K, bố trí làm ca kíp lệch giờ, ăn uống lệch giờ…
Doanh nghiệp nào đủ điều kiện sẽ chính thức được sản xuất trở lại từ tuần sau. Tuy nhiên doanh nghiệp phải bỏ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân, có kết quả âm tính mới được vào làm và định kỳ 7 ngày một lần phải làm xét nghiệm PCR.
Không bật điều hoà, hạn chế chuyên gia nhập cảnh
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tất cả địa phương kể cả chưa có dịch phải rà soát, kiện toàn ngay kế hoạch phòng chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, việc kiểm tra, giám sát phải đến từng doanh nghiệp, lên sẵn kịch bản cho trang thiết bị, bệnh viện dã chiến, vật tư, nhân lực cho tiêm chủng, lấy mẫu…
“Không thể đề tình trạng dịch xảy ra mới làm kế hoạch thì không thể nào phòng được. Kế hoạch này phải do UBND tỉnh ban hành, nhiều nơi giao Sở Y tế ban hành là chưa đúng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm tham mưu để Ban thường vụ tỉnh ủy phân công từng tỉnh ủy viên, huyện uỷ viên trực tiếp phụ trách từng địa bàn, mỗi người phụ trách 1-2 doanh nghiệp, để nếu xảy ra sự cố sẽ truy trách nhiệm, kiểm điểm rõ ràng.
Chiều 27/5, những công nhân đầu tiên trong khu công nghiệp Đình Trám tại Bắc Giang được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Từ tuần sau, những doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn cũng sẽ được hoạt động trở lại.
Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh phải kiện toàn và duy trì tổ phòng chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp hoạt động tương tự như tổ Covid-19 cộng đồng.
“Công nhân trong các khu công nghiệp bắt buộc phải khai báo y tế bằng công nghệ thông tin và có phân loại dịch tễ, xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Vừa rồi một số đơn vị vẫn khai báo bằng giấy, khi có ca dương tính phải truy vết mất rất nhiều thời gian để tìm ra bản khai”, ông Tuyên nói.
Thứ trưởng Y tế cũng yêu cầu, trong các doanh nghiệp khi làm việc phải đảm bảo thông thoáng, hạn chế tối đa bật điều hoà, trừ trường hợp bắt buộc, thay vào đó mở tất cả các cửa, bật quạt.
Trong các phân xưởng, giữa các công nhân phải đảm bảo khoảng cách, khi làm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên. Xe vận chuyển công nhân cũng không được chở quá 50% lượng người và không được bật điều hoà.
Lãnh đạo các doanh nghiệp phải điều chỉnh các ca làm việc, điều chỉnh giờ ăn trưa tránh tập trung một lúc quá nhiều người, có bộ phận thường xuyên tiêu trùng, khử khuẩn để có thể đưa từng phân xưởng hoạt động trở lại.
Trong các công ty đã xuất hiện ca bệnh nhưng chưa lan ra cộng đồng, cần khẩn trương truy vết F1, F2, lập danh sách về các địa phương. Khi cách ly, phải tách riêng từng tổ, không trộn lẫn để tránh lây chéo.
Đặc biệt các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang có dịch, địa phương phải cấm tuyệt đối tình trạng trao đổi công nhân giữa các công ty.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải xét nghiệm nhanh tất cả người cung ứng dịch vụ như cung cấp suất ăn, vật tư, hàng hoá.
Thứ trưởng Tuyên cũng đặc biệt lưu ý các địa phương khi cấp phép cho chuyên gia vào làm việc cần cân nhắc kỹ. Qua đánh giá vừa qua, một trong những nguồn lây là từ chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam, giờ phải làm chặt và trước hết là trách nhiệm của UBND các tỉnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát lại quy trình cho các chuyên gia nhập cảnh để phù hợp với tình hình hiện nay.
28.000 người sẵn sàng đến Bắc Giang chống dịch
Ngoài 1.400 nhân viên y tế đang hỗ trợ Bắc Giang, 28.000 người khác cũng đã đăng ký, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Bắc Giang hiện là tâm dịch Covid-19 nóng nhất cả nước với hơn 1.800 ca mắc. Bộ Y tế đã dồn tổng lực chi viện cho Bắc Giang, đặt Bộ phận thường trực do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn điều hành tại địa phương chống dịch.
Thứ trưởng Sơn cho biết, ngay từ những ngày đầu bùng dịch Covid-19 tại Bắc Giang, lực lượng y tế cả nước luôn dõi theo tình hình, rất nhiều địa phương cử nhân viên y tế đến hỗ trợ. Chỉ tính riêng từ ngày 18/5 đến nay, khi Bộ phận thường trực của Bộ Y tế có mặt tại Bắc Giang, đã có gần 1.400 bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên từ trung ương đến địa phương đến hỗ trợ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị.
"Đây là những nhân viên y tế tinh nhuệ nhất", Thứ trưởng nói.
Các nhân viên y tế hỗ trợ Bắc Giang tiêm chủng bộc lộ quyết tâm quyết thắng dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Mai.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện còn có hơn 28.000 giáo viên, sinh viên các trường y trên cả nước đã đăng ký đến tâm dịch Bắc Giang, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi thư hiệu triệu kêu gọi hỗ trợ và ngành y tế 63 tỉnh, thành đều sẵn sàng tiếp sức để thay quân.
Số ca bệnh tại Bắc Giang đang tăng từng ngày, đặc biệt xuất hiện những ca bệnh nặng, đòi hỏi phải được bác sĩ theo dõi, chăm sóc hồi sức hết sức sát sao. Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn các ekip hồi sức từ các bệnh viện lớn để hỗ trợ.
Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương... đang có mặt hỗ trợ Bắc Giang về điều trị.
Sắp tới, Bắc Giang cũng bước vào chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi, nếu nguồn lực địa phương không đủ, Bộ sẽ tiếp tục huy động thêm điều dưỡng có kinh nghiệm từ các cơ sở y tế trong cả nước đến hỗ trợ.
Ngoài nhân lực, Bộ Y tế cùng các cơ sở y tế, cơ quan, cũng hỗ trợ vật lực cho Bắc Giang. Ngày 28/5, Phó giáo sư Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đã trao tiền và hiện vật ủng hộ Bắc Giang cùng cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và chi viện nhân lực, vật lực.
Trong đó, gần 140 triệu đồng là số đóng góp một ngày lương của công nhân viên chức của bệnh viện, hơn 10.000 khẩu trang y tế N95, 12.500 chiếc khẩu trang y tế cùng với nhiều nước uống bổ sung vitamin, 720 bộ quần áo phòng hộ. Tổng giá trị 700 triệu đồng đã được trao đến ông Từ Quốc Hiệu, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, đại diện tiếp nhận các phần quà ủng hộ.
Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch, ngày 28/5. Ảnh: Quang Hùng.
Bệnh viện K dù đang cách ly song cũng "chia lửa" với Bắc Ninh, Bắc Giang 350.000 khẩu trang y tế, trong đó mỗi tỉnh 175.000 khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, hơn 1.000 thùng mỳ tôm; hàng nghìn thùng nước tinh khiết và 50.000 khẩu trang y tế hướng về tâm dịch Bắc Giang.
"Với sự nỗ lực như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ giúp Bắc Giang sớm ngăn chặn được dịch Covid-19 để hoạt động sản xuất trở lại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và ổn định đời sống cho người dân", Thứ trưởng Sơn nói.
Hội chẩn cho các bệnh nhân COVID-19 nặng cùng lúc tại 4 tỉnh Chiều 28-5, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế tổ chức buổi hội chẩn quốc gia cho các trường hợp COVID-19 nặng tại 4 tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và Đà Nẵng. Các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế thực hiện hội chẩn cho các trường hợp COVID-19 nặng cùng lúc tại 4 tỉnh - Ảnh:...