Lý do ‘Em là bà nội của anh’ không được tham gia Cánh diều
“Giải Cánh diều không dành cho phim copy” – đó là phát biểu đến từ bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trong buổi họp báo công bố thông tin về giải thưởng.
Theo chia sẻ của ban tổ chức Cánh diều, mỗi giải thưởng điện ảnh có một tiêu chí chấm điểm và trao giải khác nhau. Với Cánh diều 2015, đó là “đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.
Tuy rất ăn khách tại phòng vé, nhưng Em là bà nội của anh lại không phù hợp với tiêu chí của giải thưởng Cánh diều. Do đó, bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ không tranh tài tại sự kiện năm nay. Ảnh: CJ
Do đó, trong số 18 tác phẩm điện ảnh tranh giải năm nay, công chúng không thấy có tên Em là bà nội của anh – bộ phim Việt ăn khách nhất từ trước tới nay với tổng doanh thu lên đến hơn 100 tỷ đồng vốn được dựa trên nguyên tác Miss Granny (2014) của điện ảnh Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhấn mạnh trong buổi họp báo sáng 31/3 rằng: “Cánh diều không dành chỗ cho phim copy. Tính dân tộc là một tiêu chí quan trọng của giải thưởng”.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đặng Xuân Hải, nhấn mạnh thêm: “Những tác phẩm dựa trên nguyên tác nước ngoài sẽ phù hợp hơn với Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam, thay vì giải Cánh diều của Hội Điện ảnh”.
18 tác phẩm tham gia tranh giải Cánh diều ở các hạng mục dành cho phim truyện điện ảnh năm nay đều là những bộ phim đã được trình chiếu trong 12 tháng qua, bao gồm: Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Người trở về, Quyên, Siêu trộm, Trúng số, Ngày nảy ngày nay, Bộ ba rắc rối, 49 ngày, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trong 18 tác phẩm điện ảnh dự tranh giải thưởng Cánh diều năm nay. Ảnh: Galaxy
Người đứng đầu hội đồng giám khảo chấm giải phim điện ảnh là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Theo kế hoạch, ông và các cộng sự sẽ theo dõi và chấm điểm nhóm tác phẩm bắt đầu từ ngày 11/4.
Ngoài ra, giải Cánh diều 2015 còn có các hạng mục dành cho phim truyện truyền hình (16 phim dài tập & 8 phim ngắn tập), phim hoạt hình (14 phim), phim tài liệu (37 phim), phim khoa học (12 phim), phim ngắn (33 phim) và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh (6 tác phẩm).
Video đang HOT
Theo thông lệ, lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng hàng năm diễn ra vào ngày 15/3, trùng với ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện năm nay được đẩy lui xuống 20/4 để ban tổ chức có thể thu hút thêm các phim chiếu dịp Tết, cũng như có nhiều hơn thời gian để chuẩn bị chu toàn cho sự kiện.
18 phim điện ảnh tranh giải Cánh diều 2015 dự kiến được trình chiếu miễn phí cho công chúng từ ngày 13 tới 17/4 tại bốn cụm rạp ở Hà Nội là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, rạp tháng 8, rạp Ngọc Khánh và rạp CGV – Mipec Tower.
Cánh diều vàng là giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, được trao cho những tác phẩm và cá nhân điện ảnh xuất sắc trong năm trước đó. Giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003. Năm ngoái, không có tác phẩm điện ảnh nào được trao giải Cánh diều vàng, mà chỉ cóHương Ga, Những đứa con của làng và Lạc giới cùng chia nhau giải Cánh diều bạc.
Ban tổ chức tiết lộ tổng giá trị các giải thưởng Cánh diều 2015 là khoảng 500 triệu đồng.
Theo Zing
Diễn viên 'Hoa vàng cỏ xanh' kể quá khứ đẫm nước mắt
Khánh Hiền chia sẻ, từ nhỏ cô đã sống thiếu tình thương của cha mẹ. Sống cùng ba thì bị dì ghẻ lạnh, lúc chuyển sống cùng mẹ thì cha dượng coi thường.
Vẻ ngoài dịu dàng, mong manh, giọng nói nhỏ nhẹ, nếu không biết, nhìn Khánh Hiền sẽ tưởng cô là tiểu thư, được bao bọc từ nhỏ. Không ngờ, chị Vinh của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại sớm phải bươn chải vì ba mẹ chia tay. Không những thế, cô còn phải trải qua những tháng ngày đẫm nước mắt vì dì ghẻ và cha dượng.
Khánh Hiền vừa vào vai Hạ Mây, phim Taxi, em tên gì? Ảnh: NVCC
Bị ăn hiếp khi mới vào nghề
- Với vai Hạ Mây trong phim Taxi, em tên gì?, chị nhận được nhiều lời khen của khán giả về diễn xuất chân thật, chuyển biến tâm lý tốt. Cảm xúc của chị thế nào sau khi phim ra mắt?
- Nhân vật Hạ Mây xuất hiện không nhiều nhưng may mắn tôi nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả. Trong thời gian đóng phim, tôi nhớ mãi những buổi tối quay trên Đà Lạt lạnh ngắt, người run lên, hai hàm răng đập vào nhau mà vẫn phải cố gắng thể hiện những phân đoạn tâm lý mùi mẫn. Sau phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì Taxi, em tên gì? là bộ phim mà khán giả biết tới tôi nhiều hơn. Tôi hạnh phúc vì được các đạo diễn tin tưởng.
- Từ một diễn viên tay ngang, chị bồi đắp kỹ năng diễn xuất như thế nào?
- Tôi không có thói quen tụ tập, đi chơi vì như thế cảm thấy rất lãng phí thời gian. Ngoài công việc, tôi tập gym, học múa, đàn piano, học võ, để bổ trợ cho nghề của mình. Còn lại, tôi dành thời gian ở nhà xem phim, nấu ăn với mẹ. Tôi thích nấu những món shushi, bánh, rau câu.
Ở trường quay, những lúc nghỉ thay vì ngồi bấm điện thoại, tôi ngồi coi các anh chị nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Có những anh chị xử lý tình huống rất duyên dáng, tinh tế và tôi học hỏi, làm vốn cho mình. Ngoài ra, tôi cũng học hỏi các anh chị đi trước cách sống và sự tâm huyết với nghề. Làm nghề này không có tâm, không học hỏi thì không đi được đường dài.
- Gần đây, chị đầu tư vào thời trang nhiều hơn nên gu thời trang cũng thay đổi nhiều so với thời mới vào nghề. Nhìn lại mình, chị nghĩ gì?
- Ngày mới vào nghề, tôi không biết ăn mặc, cũng không có tiền mua đồ đẹp nên ai mời tham gia sự kiện, tôi trốn luôn, ở nhà cho lành. Bây giờ tôi nhờ stylist, mượn đồ cho tôi thì mới dám đi sự kiện. Nhờ tư vấn, gu thời trang của tôi cũng khá hơn. Còn về đồ hiệu thì tôi không dám mua đâu. Nhiều khi thấy các chị đồng nghiệp ngồi bàn tán đồ hiệu, tôi cũng tủi lòng nhưng nghĩ họ có khả năng đó còn mình không có. Vậy thì hãy vui với những gì mình có.
- Nghe nói, ngày mới vào nghề, chị đã phải chịu khá nhiều ấm ức khi bị người đi trước ăn hiếp?
- Bị nhiều chứ. Chuyện ma cũ ăn hiếp ma mới là chuyện không thiếu trong nghề này. Có những người đóng chung thì lấn hình mình. Họ là đàn anh đàn chị, mình phải chịu thôi. Nhiều người tưởng mình không biết, họ lấn hình, kêu phải đứng chỗ này, mình chỉ còn cách làm theo. Còn bây giờ, tôi nói thẳng quan điểm với giọng nói vui vẻ: "Anh làm vậy, em mất hình thì sao. Mình phải san sẻ đều chứ".
Còn với đồng nghiệp nữ lại sân si với tôi. Có người bảo thẳng người trang điểm cho tôi: "Sao lại làm cho bé đẹp vậy. Vai này phải làm xấu chứ". Nghe người ta nói thẳng trước mặt, tôi chỉ ngậm ngùi im lặng.
Đó là ngày xưa thôi. Bây giờ mọi người hòa đồng, không ai tỏ thái độ với tôi nữa. Đến giờ, tôi tuy không thành công rực rỡ nhưng tự hào mình đi lên bằng chính khả năng, sức lực của mình.
- Nghề diễn với chị khá nhiều áp lực nhưng không thể phủ nhận, chị có được nhiều thứ khi bước chân vào điện ảnh, chẳng hạn 2 năm nay chị đã tậu được nhà và xe?
- Tôi không phủ nhận điều đó. Từ cô bé ra đời vất vả kiếm sống từ năm 13 tuổi, những gì có được như ngày hôm nay quả là trong mơ tôi không nghĩ tới. Nói vậy, không có nghĩa là tôi quá dư dả. Căn hộ tôi mới mua ở Thủ Đức thì tôi vẫn đang trả góp thôi. Còn mua xe được là do tôi may mắn thắng trong một lần mạo hiểm kinh doanh nhà đất. Chứ đi diễn không nhiều tiền đến mức dư dả vậy đâu. Tôi còn phải lo cho mẹ và hai em ăn học nữa. Năm ngoái, tôi mạo hiểm vay ngân hàng 1 tỷ, bán xe hơi để mua 1 căn nhà. Không ngờ, sau 1 tháng, bán đi, tôi lời 500 triệu đồng.
Khánh Hiền ít bạn bè, đi diễn xong là về nhà. Ảnh: NVCC
Khóc hết nước mắt vì bị dì ghẻ và cha dượng đối xử tệ
- Nghề diễn thường đem đến rất nhiều mối quan hệ, còn chị có cảm giác thui thủi một mình. Vì sao vậy?
- Lúc nào, tôi cũng có cảm giác cô đơn. Ngay cả khi có người yêu, tôi cũng không hết cảm giác đó. Vẫn biết hai người cùng nghề khó có thời gian cho nhau nhưng đôi khi vẫn buồn lắm. Những lúc tôi buồn không có anh ấy bên cạnh, ngược lại anh ấy cần thì tôi lại mải miết ở trường quay. Chắc tôi khó hiểu. Tôi ít nói về cảm xúc của mình. Tôi sợ đem đến cảm giác nặng nề cho anh ấy hay những người xung quanh nên có buồn thế nào cũng không than thở. Những khi buồn, tôi tự tìm cách quên chuyện đó đi bằng cách lao vào công việc. Nếu không thì lái xe đi chơi một mình.
- Phải chăng quãng thời gian sống thiếu tình thương, gia đình không hạnh phúc khiến chị co mình lại, đề phòng với mọi người xung quanh?
- Mỗi lần nhắc đến tuổi thơ, tôi vẫn chưa hết ám ảnh. Ba mẹ chia tay, thời gian đầu tôi ở với dì ghẻ. Mấy đời bánh đúc có xương, tôi bị dì đối xử rất tệ, bị trầm cảm kinh khủng. Tôi bị mặc cảm, không tiếp xúc với ai. Ở nhà, tôi bị dì bắt nạt, phải ăn riêng. Khi dùng đồ của dì thì nhận được những câu rất nặng nề. Mỗi khi ăn chung, dì nói trên đầu trên cổ, không sao nuốt được. Ba biết được chuyện đó, thường mua đồ ăn về cho ăn.
Nhiều khi nhìn lên trời, tôi than thở và tự hỏi, tại sao mình lại thiếu tình thương, sao mình bất hạnh quá. Lúc đó hận cha mẹ lắm. Tuy nhiên, càng lớn, càng hiểu, tôi không trách ba mẹ nữa. Họ có cuộc sống của họ, không thể vì mình mà gượng ép sống với nhau. Kí ức tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày cô đơn, không có người chỉ dạy, yêu thương. Mọi thứ lùi lũi tự làm, tự học. Bị ăn hiếp, khóc hoài đến mức bị chai sạn nên có lẽ đến giờ vẫn có thói quen lầm lũi một mình.
- Cuộc sống của chị thay đổi thế nào từ khi lên Sài Gòn ở cùng mẹ?
- Chuyển lên Sài Gòn, vui vì có mẹ bên cạnh nhưng tôi tiếp tục khóc vì bị cha dượng coi thường. Dượng thường nói tôi là đồ ăn bám. Ức quá, tôi chứng tỏ mình không vô dụng bằng cách đi làm thêm khi mới 13 tuổi. Lương tháng đầu tiên làm bưng bê trong quán cà phê được 300 ngàn, tôi đưa cả cho dượng. Mỗi lần về nhà, tôi có cảm giác như địa ngục, nặng nề lắm.
Từ ngày tôi làm ra tiền, không ai động được tôi. Đến bây giờ, tôi làm việc, lại lo được cho mẹ và hai em, tôi không bị coi thường và cảm thấy hạnh phúc vô cùng. So với mọi người, những gì tôi đạt được thật nhỏ bé nhưng với tôi quả là điều kỳ diệu. Vì thế, tôi mong công việc tốt, có thu nhập, để thực hiện nhiều hơn công việc thiện nguyện mình ấp ủ bấy lâu.
- Mối quan hệ với dì và cha dượng của chị hiện nay thế nào?
- Tôi không còn nặng nề chuyện quá khứ vì ai cũng có sai lầm. Hơn nữa, cuộc sống khốn khó mới khiến họ như thế. Mối quan hệ của tôi và dì đã bình thường.
Theo Zing
Đạo diễn lý giải về con số kỷ lục 102 tỷ đồng của phim Việt Đạo diễn phim "Em là bà nội của anh" cho biết, đa số các nhà đầu tư ít quan tâm đến khâu kịch bản. Với 1 bộ phim, họ không cần kịch bản hay, chỉ xem có diễn viên nào tham gia. Sau 2 tháng công chiếu, đến nay Em là bà nội của anh đã đạt doanh thu hơn 102 tỷ đồng,...