Lý do Đồi Capitol ‘thất thủ’ trong bạo loạn
Lực lượng hành pháp không lường trước quy mô và độ manh động của đám đông vây Đồi Capitol nên sớm bị áp đảo trước những người ủng hộ Trump.
“ Cảnh sát quốc hội và các sĩ quan hành pháp liên tục bị tấn công bằng ống tuýp sắt và nhiều vũ khí khác. Người biểu tình quyết xâm nhập tòa nhà quốc hội để gây thiệt hại nặng”, Steven Sund, cảnh sát trưởng quốc hội Mỹ, cho biết hôm 7/1.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu lực lượng bảo vệ Đồi Capitol lên tiếng giải thích việc để tòa nhà quốc hội nhanh chóng thất thủ trước người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Sund sau đó cũng nộp đơn xin từ chức, trong bối cảnh nhiều nhà lập pháp chỉ trích sự thiếu chuẩn bị trong kế hoạch bảo vệ cuộc họp quan trọng ngày 6/1, dù Trump đã liên tục nói về một cuộc tuần hành lớn tại địa điểm này từ nhiều tuần trước đó.
Cảnh sát chặn người biểu tình định xâm nhập Đồi Capitol hôm 6/1. Ảnh: Reuters .
Hạ nghị sĩ Mike Quigley của bang Illinois, người kẹt trong hội trường chính giữa cuộc bạo loạn, ca ngợi các sĩ quan đã mạo hiểm mạng sống để bảo vệ những nhà lập pháp ở trong. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng lực lượng bảo vệ đã bị áp đảo về số lượng và không được chuẩn bị kỹ càng.
“Những cảnh sát quanh tôi đều thể hiện một cách tuyệt vời trong tình huống khó khăn. Lo ngại của tôi không phải về sự dũng cảm của họ. Một giờ trước khi phiên họp bắt đầu, tôi nhìn thấy hàng đoàn người bao vây nhiều khu vực tại Đồi Capitol và nhận ra rằng chúng ta không có đủ lực lượng an ninh. Tôi không phải chuyên gia, nhưng có thể thấy rõ là chúng ta đã bị áp đảo về số lượng từ một giờ trước cuộc họp”, Quigleu nói.
Giới chức liên bang dự định đối phó cuộc biểu tình bằng cách hạn chế sự hiện diện trước công chúng, nhằm tránh gây bùng phát căng thẳng với màn phô trương lực lượng như trong các cuộc đụng độ tại bang Oregon và nhiều nơi khác hồi năm ngoái, một số quan chức giấu tên cho hay.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này dường như đã phản tác dụng khi hàng nghìn người biểu tình bao vây Đồi Capitol và dễ dàng xông vào trong. Nhiều người trong số đó còn dùng hơi cay để tấn công những sĩ quan cảnh giới vòng ngoài.
Hình ảnh được phóng viên Igor Bobic quay từ bên trong Điện Capitol cho thấy một cảnh sát bảo vệ quốc hội chỉ trang bị dùi cui bất lực trước đám đông đang tràn vào tòa nhà. Anh này tìm cách ngăn cản người biểu tình nhưng cuối cùng phải rút lên tầng hai, trong lúc tuyệt vọng yêu cầu đồng đội hỗ trợ.
Cảnh sát quốc hội Mỹ bất lực trước đám đông biểu tình. Video: Twitter/Igor Bobic .
Các quan chức thừa nhận họ chỉ dự đoán xảy ra những va chạm nhỏ giữa những nhóm cực hữu và cực tả bên ngoài tòa nhà quốc hội vào buổi tối, tương tự những đợt biểu tình hồi tháng 11/2020.
“Cảnh sát quốc hội hoàn toàn bất ngờ với quy mô biểu tình”, David Gomez, cựu lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang Mỹ, nhận xét. Ông cho rằng các lực lượng hành pháp liên bang vẫn phản ứng quá chậm sau khi người bạo loạn đã xông vào tòa nhà quốc hội, có thể do tôn trọng Tổng thống Trump hoặc thiếu kinh nghiệm đối phó bạo loạn, vốn không phải nhiệm vụ chính của họ.
“Cho đến trước khi người biểu tình xông vào Đồi Capitol, mọi người vẫn nhận định sẽ chỉ có một cuộc biểu tình lớn và không ai vượt qua hàng rào. Lực lượng hành pháp bị choáng ngợp ngay khi điều đó xảy ra và không thể phản ứng kịp”, Gomez nói thêm.
Lầu Năm Góc cho biết trong cuộc họp lên kế hoạch phối hợp hôm 31/12, cảnh sát quốc hội và Bộ An ninh Nội địa chỉ đề nghị Vệ binh Quốc gia triển khai 350 binh sĩ để điều tiết giao thông mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào khác. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng muốn tránh hình ảnh binh sĩ đứng quanh Đồi Capitol nên đã ra lệnh cho các sĩ quan không đến gần khu vực này.
Sĩ quan đặc nhiệm khám xét các phòng trong tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Sau khi người biểu tình xông vào trong, Lầu Năm Góc thông báo sẽ triển khai thêm 1.100 lính Vệ binh Đặc khu Columbia, nhưng không rõ lực lượng này được điều tới Đồi Capitol hay địa điểm khác tại thủ đô Washington.
Phản ứng này trái ngược với cách cảnh sát thủ đô Washington và đặc vụ liên bang đối phó những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người da màu hồi giữa năm ngoái. Họ sử dụng triệt để hơi cay, đạn cao su và các khí tài chống bạo động, thậm chí triển khai trực thăng bay thấp để giải tán đám đông.
Vụ xâm nhập Đồi Capitol đặt ra câu hỏi về khả năng đối phó những mối đe dọa và bạo lực của cảnh sát quốc hội Mỹ.
Sử gia Donald Ritchie cho rằng lực lượng này có thể được thông cảm khi phán đoán sai tình hình. “Điều này chưa từng xảy ra khi người Mỹ biểu tình hoặc thể hiện quan điểm chính trị. Tôi hoàn toàn bất ngờ với những gì đã xảy ra, cảnh sát dường như cũng ngỡ ngàng với lý do tương tự”, ông nói.
Quân đội Mỹ đổ lỗi cảnh sát vụ bạo loạn quốc hội
Lầu Năm Góc cho rằng cảnh sát đã phản ứng yếu ớt trong vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội, còn quân đội chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
"Chúng tôi không thu thập thông tin tình báo trong nước. Chúng tôi dựa vào cảnh sát quốc hội và cơ quan thực thi pháp luật liên bang để đưa ra dự báo tình hình. Dựa trên đánh giá đó, họ cho rằng đã có đủ lực lượng và không đưa ra yêu cầu hỗ trợ", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman cho biết trong thông cáo ngày 7/1.
Tuyên bố được Lầu Năm Góc đưa ra sau khi quân đội Mỹ hứng chỉ trích vì đã không hỗ trợ kịp thời cho lực lượng hành pháp để ngăn đoàn biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào gây hỗn loạn tại tòa nhà quốc hội, trong lúc các nghị sĩ họp để chứng nhận phiếu đại cử tri.
Vệ binh Quốc gia Đặc khu Columbia lập hàng rào an ninh bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ, ngày 6/1. Ảnh: MilitaryTimes .
"Tôi không thể nói về những đánh giá của cảnh sát và liệu chúng tôi có đưa ra quan điểm khác hoặc làm được nhiều hơn hay không", phát ngôn viên Hoffman cho biết.
Cảnh sát quốc hội Mỹ bị đánh giá là "phản ứng yếu ớt" trước hành vi của những kẻ bạo loạn. Một video trên mạng xã hội Twitter cho thấy khi nhóm người biểu tình tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ, chỉ có một sĩ quan cảnh sát đứng cản đường họ. Sĩ quan này sau đó chạy lên cầu thang để cầu cứu đồng đội, trong khi người biểu tình bám theo sau.
Steven Sund, cảnh sát trưởng quốc hội Mỹ, cho biết vụ bạo động nhằm vào tòa nhà quốc hội Mỹ "không giống bất cứ vụ bạo lực nào tôi từng trải qua trong 30 năm thực thi pháp luật tại thủ đô Washington". Một video trên mạng xã hội khác cho thấy cảnh sát tại quốc hội Mỹ còn chụp ảnh với một người biểu tình xông vào tòa nhà.
Cảnh sát quốc hội Mỹ bất lực trước đám đông biểu tình. Video: Twitter/Igor Bobic .
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy nói rằng cảnh sát quốc hội Mỹ hôm 6/1 bị người biểu tình "áp đảo". McCarthy cho biết trước vụ bạo động tại tòa nhà quốc hội, Thị trưởng Washington Muriel Bowser yêu cầu Vệ binh Quốc gia Đặc khu Columbia hỗ trợ ngày 5-6/1.
Theo McCarthy, trong cuộc họp hôm 31/12, cảnh sát quốc hội Mỹ và Bộ An ninh Nội địa chỉ đề nghị triển khai khoảng 340 vệ binh quốc gia để "hỗ trợ các nút giao giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đám đông (di chuyển) ở ga tàu điện ngầm" và một đội xử lý hóa sinh hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật mà không đưa ra yêu cầu nào khác.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ nói thông tin tình báo về quy mô của cuộc biểu tình hôm 6/1 cho biết mọi thứ "trong tầm kiểm soát", với khoảng 2.000-80.000 người tham gia. Tuy nhiên, tình hình thay đổi khi người biểu tình tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ.
McCarthy nói "rất khó để nắm được đầy đủ" về tình hình tại tòa nhà quốc hội Mỹ khi hỗn loạn xảy ra và làm thế nào để vệ binh "phối hợp với lực lượng chức năng và bắt đầu chiến dịch" trấn áp những kẻ quá khích.
"Trong khoảng một tiếng, rõ ràng lực lượng tại tòa nhà quốc hội Mỹ rất bối rối. Khi đó các lãnh đạo mới tới hiện trường và gấp rút cùng nhau lập kế hoạch rồi khẩn trương đảm bảo an ninh cho tòa nhà quốc hội để nối lại phiên họp trước 20h (8h giờ Hà Nội) để chúng tôi có thể chứng nhận kết quả bầu cử", McCarthy nói.
Người ủng hộ Trump tràn vào bên trong tòa nhà quốc hội Mỹ, ngày 6/1. Ảnh: AFP .
Bộ trưởng Lục quân Mỹ cho biết Lầu Năm Góc "không tham gia vào khâu lên kế hoạch hay phương án khẩn cấp nào" về đảm bảo an ninh tại quốc hội Mỹ, nói thêm rằng mọi nhiệm vụ hỗ trợ của quân đội đều phải có yêu cầu bằng văn bản từ trước.
McCarthy thông báo Vệ binh Quốc gia Đặc khu Columbia sẽ tăng đáng kể lực lượng và các biện pháp an ninh bổ sung trong khu vực. Khoảng 6.200 vệ binh quốc gia của Đặc khu Columbia và lực lượng hỗ trợ từ các bang lân cận sẽ có mặt tại thủ đô Mỹ vào cuối tuần.
Trump 'cô đơn trong Nhà Trắng' Tổng thống Trump được cho là dành phần lớn ngày 6/1 "thu mình" trong Nhà Trắng khi người biểu tình ủng hộ ông xông vào tòa nhà quốc hội. Các nguồn thạo tin hôm 7/1 cho biết khi đám đông gây hỗn loạn tại tòa nhà quốc hội, làm gián đoạn phiên họp chứng nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử, Tổng...