Lưu Thiên Hương: ‘Scandal là chiêu bài của ban tổ chức’
Nữ nhạc sĩ đã có cái nhìn rất thẳng thắn về thực trang của các chương trình truyền hình thực tế ở thời điểm hiện tại.
- Gần đây, chị có theo dõi các chương trình thực tế không?
- Gần đây, tôi không theo dõi nhiều, phần lớn là do công việc không cho phép, tiếp đến là tôi cũng không có nhiều niềm tin vào các chương trình truyền hình thực tế, trừ các chương trình tôi trực tiếp tham gia làm giám khảo.
- Là một người từng ngồi ở “ghế nóng”, chị có nhận xét gì về các chương trình thực tế ở Việt Nam?
- Có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế, quá nhiều format Việt Nam bé nhỏ quá, lấy đâu ra nhiều nhân tài đến vậy? Các gameshow chỉ được năm đầu tiên, đến năm thứ hai dù đã rút kinh nghiệm về khâu tổ chức, làm hay hơn, tốt hơn nhiều nhưng thí sinh lại hạn chế về tài năng nên người xem đổ tại cuộc thi chán, kém hấp dẫn là vì thế. Thí sinh là mỏ vàng của gameshow.
Bản thân tôi có một nguyên tắc, khi làm việc, ban tổ chức không được tham gia vào kết quả của tôi đưa ra. Đó là điều khoản có từ khi tôi ký kết hợp đồng. Tôi luôn muốn thực hiện vai trò riêng tốt nhất có thể để tìm ra được những nhân tài thực sự cho đất Việt.
Tôi cũng biết đôi khi sự cứng nhắc sẽ làm mất lòng mọi người nhưng đó là quan điểm của tôi. Có thể tôi quá nhỏ bé để có thể thay đổi điều gì đó nhưng tôi muốn làm tròn bổn phận khi tôi là người được giao trọng trách.
- Nhưng có phải ai cũng được như chị, thế nên các chương trình thực tế đang tồn tại một thực trạng: người chiến thắng luôn là người được yêu mến nhất, không phải là người giỏi nhất. Chị nghĩ sao?
- Bây giờ, sự chiến thắng của một thí sinh phụ thuộc phần nhiều vào khán giả. Nếu như người chiến thắng là người thực sự được yêu thích hoàn toàn xứng đáng. Nhưng đôi khi lại là bình chọn ảo, có vài trường hợp một lượng người nhỏ nhưng lại làm nên những con số bình chọn khổng lồ, để rồi chiến thắng.
Lúc đó, nếu ban tổ chức là người có trách nhiệm và có chuyên môn cao sẽ có cách can thiệp để người chiến thắng luôn là người xứng đáng. Thế nên, tùy từng cuộc thi, từng đơn vị đứng ra tổ chức đưa ra nhận xét về người chiến thắng trong các chương trình truyền hình thực tế.
- Đây có lẽ là lý do khán giả chưa bao giờ tin tưởng vào những con số bình chọn mà nhà sản xuất đưa ra?
- Khi làm chương trình truyền hình thực tế, nhà sản xuất chú ý đến yếu tố bình chọn của khán giả, chuyện này thuộc về yếu tố kinh doanh qua truyền hình cả thế giới đều làm. Đó cũng là lý do khiến các fan lao vào các cuộc chiến bình chọn. Ở đây, cả thí sinh lẫn khán giả đều là những quân cờ. Thế nhưng, khán giả không phải là không hiểu biết, họ có mắt để nhìn, có tai để nghe. Họ có thể biết được ai là thí sinh được lòng cả giới chuyên môn và khán giả. Đôi lúc ban tổ chức cũng tự sắp xếp kết quả chỉ vì sự yêu và thích mang tính chất cá nhân. Vậy nên, nhiều người có khả năng thật sự vẫn bị thiệt thòi ở một vài chương trình truyền hình thực tế.
- Xem ra những chương trình thực tế luôn có sự sắp xếp kết quả?
- Có cuộc thi có, có cuộc thi không, tuỳ vào việc ban tổ chức có chuyên nghiệp hay không. Bản thân tôi, chỉ cần nhìn là tôi biết có sắp xếp hay không ở bất kì cuộc thi nào. Nhưng sắp xếp như thế nào để người chiến thắng luôn là người xứng đáng thì ban tổ chức mới thực sự có tâm và chuyên nghiệp.
Ví dụ như khi cho hai thí sinh thi đấu với nhau, một thí sinh kém hơn về mặt tài năng nhưng lại có đội ngũ bình chọn ảo rất đông đúc, thí sinh kia không có điều kiện nhưng lại sở hữu tài năng vượt trội. Ở thời điểm này bạn phải làm thế nào? Bài toán này nếu làm đúng luật bạn không có nhân tài thực sự, làm sai luật bằng cách tự đưa ra con số thuyết phục khán giả, bạn sẽ có nhân tài thật sự. Vậy nên tôi nói mọi thứ chưa bao giờ là rõ ràng hết.
Tôi làm việc với nhiều đơn vị và nhà tổ chức, hầu hết người đứng đầu không có chuyên môn, họ chỉ có tiền rồi thuê giám đốc âm nhạc. Điều đáng nói là bản thân không biết về chuyên môn, chọn người làm sao chuẩn được.
- Dù biết so sánh là khập khiễng nhưng có một sự thật không thể phủ nhận được là những cuộc thi chất lượng và truyền thống như “Sao Mai” hay “Sao Mai điểm hẹn” đang bị công chúng thờ ơ, trong khi đó những những cuộc thi hát có format nước ngoài khác thì rất được quan tâm?
- Chẳng phải như thế. Cứ chương trình nào mới nào mới, có tính cập nhật thì lại được dân tình chú ý đón xem. Nhưng quan trọng, chất lượng thí sinh hay mới làm nên chương trình hay, format dù có hay đên mấy mà không có thí sinh tốt cũng được một vài năm rồi ngừng.
- Chị có cho rằng scandal đóng vai trò rất lớn trong thành công của những chương trình như thế?
- Theo tôi, không khách quan cho lắm khi đưa ra những nhận xét như thế này. Thực ra, có scandal là chiêu bài của ban tổ chức. Đánh đúng vào tâm lý khán giả, họ cố gắng để các thí sinh dù không hát hay nhưng gây được sự chú ý ở vẻ ngoài, hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nhưng cũng có những scandal ngoài ý muốn, có những câu nói bị thổi phồng lên, bị hiểu sang chiều hướng khác mang tính ác ý hơn.
Một vài lần như thế, khán giả bị mất lòng tin nên đổ đồng tất cả là chiêu trò của ban tổ chức, nhưng thực sự là có những trường hơp ban tổ chức không hay biết và bị oan. Chỉ những người trực tiếp tiếp xúc như tôi mới hiểu điều đó nhưng cũng không tiện nói ra trong khi tôi đang làm việc với họ.
Video đang HOT
- Thêm một sự thật không thể phủ nhận được là các thí sinh bước ra từ các cuộc thi thực tế lại có mức cát-xê rất cao dù phần lớn trong số họ đều chưa qua trường lớp. Trong khi một số ca sĩ đã được đào tạo bài bản không thể nào với đến được con số đó. Theo chị, tại sao lại có sự thiếu công bằng này?
- Làm nghệ thuật rất khác so với các ngành nghề khác, không thể dựa vào bằng cấp mà đánh giá người nào giỏi hơn người nào, phải dựa vào hiệu quả họ mang lại cho nền âm nhạc. Thí sinh đến với các cuộc thi hầu hết được học hành bài bản, trong số đó có những người đã đi hát nhiều năm.
Hơn nữa, chiến thắng một cuộc thi không phải là điều dễ dàng. Một cuộc thi thường diễn ra trong vòng vài tháng đến nửa năm. Các thí sinh sẽ phải trải qua một khoá học thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn cấp tốc do các chuyên gia, huấn luyện viên hàng đầu đào tạo. Ở trường, các sinh viên chuyên ngành thanh nhạc chỉ có hai buổi học thanh nhạc một tuần nhưng ở cuộc thi, ngày nào các thí sinh cũng luyện tập trong vòng nửa năm.
Tôi là giáo viên giảng dạy thanh nhạc nên tôi biết, việc tập luyện đó mang lại kết quả rất tích cực, không phải người chiến thắng không có tý kiến thức thanh nhạc nào như mọi người vẫn nghĩ. Trong nghệ thuật, yếu tố con người rất quan trọng, huống hồ hiện nay ở Việt Nam hầu hết đào tạo hát cổ điển là chính mà các cuộc thi hầu hết là nhạc nhẹ, hát tiếng anh ngày càng nhiều. Thế nên, tôi không thấy có sự bất công ở đây.
- Nhưng không ít cái tên trưởng thành từ các chương trình thực tế đã phải bỏ nghề không lâu sau đó?
- Sự kết thúc hay trường hơi là phụ thuộc vào việc người nghệ sĩ đó có tận dụng được bệ phóng mà cuộc thi mang lại hay không. Để trường hơi, bạn phải hoạt động không ngừng, liên tục cho ra sản phẩm mới để khán giả được thấy được sáng tạo thường xuyên của bạn. Thật sự, những người chiến thắng thực sự họ có tương lai ra sao sau cuộc thi tôi cũng không đoán được, chỉ biết họ sẽ ra sao qua những gì họ làm tiếp đó.
- Bản quyền cũng là vấn đề khiến không ít ca sĩ nổi giận khi họ phát hiện ca khúc độc quyền của họ bỗng dưng xuất hiện trong cuộc thi. Thế nhưng, phần lớn trong số họ lại chọn cách im lặng vì sợ mang tiếng PR. Chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Nói đến bản quyền có nhiều chuyện nói lắm, ngay cả trung tâm bản quyền Việt Nam, nơi bảo vệ quyền tác giả tác phẩm, khi chúng tôi có yêu cầu bảo vệ chúng tôi trước sự xâm phạm bản quyền cũng không thể bảo vệ được. Vậy chúng tôi kêu ai. Thế nên, nhiều khi nghệ sĩ không phải im lặng vì lo người ta nghĩ họ PR, chán không buồn nói thì đúng hơn.
Theo Trithuctre
Vũ Cát Tường bùng nổ hóa thân 'Michael Jackson con'
Cô gái tomboy gây sốt "The Voice" đã có phần trình diễn ấn tượng khi kết hợp các ca khúc "khó nhằn" của diva Beyonce và "Ông hoàng nhạc pop" để trình diễn trên sân khấu tối 22/9.
Vũ Cát Tường là người trình diễn cuối cùng. Không bỏ công chờ đợi của khán giả, cô mang lên sân khấu một phần thi đầy sáng tạo, đậm chất ngẫu hứng và sáng tạo với bản mash-up hai ca khúc nổi tiếng Run the world (Beyonce) và Billy jeans (Micheal Jackson).
Cô gái trẻ tự tin làm chủ giọng hát và sân khấu giữa tiếng reo hò của khán giả.
Nhiều người đánh giá Cát Tường chỉ lạ và giọng hát không có cột hơi dài, nhưng thực tế, cô ca sĩ - nhạc sĩ trẻ này còn làm được nhiều hơn mong đợi của mọi người. Hơn tất cả, cô sở hữu một cá tính âm nhạc riêng biệt, mới mẻ.
Cát Tường cùng với Thái Châu, Duy Khánh và Hà Linh là nhóm thí sinh biểu diễn cuối cùng. Và đúng như tuần trước, đây cũng là những thí sinh có phần biểu diễn hút khán giả nhất của tuần này.
Thái Châu vẫn trung thành với dòng nhạc sở trường của mình là rock nhưng với một ca khúc khó, kén người nghe là Trời cho.
Anh không đơn thuần là thi mà trình diễn với tinh thần cuồng nhiệt và rất ép-phê.
Hà Linh cuốn hút khán giả từ vẻ ngoài đến giọng hát sâu sắc, nữ tính.
Cô chứng tỏ thực lực và bản lĩnh của mình khi thể hiện một ca khúc âm hưởng dân ca trên nền world music là Người ở đừng về. Những nốt ngân cao chót vót được Hà Linh thể hiện tốt trong sự ngưỡng mộ của khán giả.
Khánh Duy từ bỏ dòng nhạc bán cổ điển để thể hiện một ca khúc tiếng Anh mang giai điệu pop rock tươi trẻ và năng động - Fix you. Anh hoàn toàn làm chủ được những nốt cao, các nốt chênh phô hầu như không có.
Với phong cách trẻ trung và sôi động này, anh đã hoàn thành được ý muốn của huấn luyện viên Quốc Trung là giúp anh mở rộng ra những phong cách âm nhạc khác.
Top biểu diễn giữa gồm có Nhật Minh - Hà My và Âu Bảo Ngân.
Giọng ca hiếm Âu Bảo Ngân gây bất ngờ khi thể hiện một ca khúc cách mạnh rất kinh điển là Cô gái vót chông.
Phần giao lưu với nghệ sĩ violin của cô rất hấp dẫn người xem.
Hà My chọn ca khúc hit của Pink đang rất đình đám là Just give me a reason. Với chất giọng khỏe và nội lực, cô không gặp nhiều khó khăn
Việc chọn một ca khúc quen và có nhiều cao trào giúp Hà My đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét cô cũng cần lưu ý đến phần biểu cảm của mình khi thể hiện các ca khúc.
Bản sao của Bằng Kiều - Hoàng Nhật Minh có màn trình diện khá tròn trịa và đầy cảm xúc với ca khúc Trịnh Công Sơn - Em hãy ngủ đi. Với những quãng cao cuối bài, anh đã thể hiện rất tốt và thậm chí đã khiến người nghe phải nổi da gà với chất giọng cao vút của mình.
Nhật Minh cũng khiến giám khảo có ý kiến trái chiều về tiết mục của mình.
Đỗ Thành Nam - Hoàng Phúc và My Hoàn là ba thí sinh mở màn cho đêm Liveshow 2.
Anh chàng nhỏ tuổi nhất team Nguyễn Lâm Hoàng Phúc đã mang đến cho ca khúc nhạc trữ tình Ai về sông Tương một màu sắc hoàn toàn mới lạ và hấp dẫn. Mr Đàm nhận xét ca khúc này là chiếc áo quá rộng, Tuy nhiên, với tinh thần âm nhạc văn minh của Hoàng Phúc, màn trình diễn này chắc chắn sẽ giúp anh ghi thêm điểm và mở rộng đối tượng khán giả yêu mình.
Đỗ Thành Nam hát Ngẫu hứng sông Hồng.
Trước đây, ca khúc này được không ít các ca sĩ tên tuổi trong nước thể hiện, tuy nhiên phần thi của Thành Nam đã tránh được việc đi vào bước chân của đàn anh chị đi trước với bản phối dễ nghe, dễ gần hơn.
Cô gái sở hữu chất giọng khàn đặc trưng của đội Quốc Trung - My Hoàn thể hiện ca khúc Nhịp đập giấc mơ của Lưu Thiên Hương, Tiết chế lại cá tính mạnh mẽ đã từng thể hiện ở các vòng trước, lần này cô chọn phong cách nhẹ nhàng và trẻ trung hơn với bản phối acoustic với rock, nhưng vẫn không kém phần chắc chắn. Điểm trừ là màn trình diễn hoàn toàn không có điểm nhấn mà cứ đều đều khiến My Hoàn không gây được ấn tượng mạnh mẽ như các vòng trước.
Sau phần acoustic nhạt nhòa ở đoạn đầu bài hát, ở nửa cuối cô sung hơn với phong cách pop rock, tuy nhiên, tiết tục mở màn của cô không mấy trọn vẹn.
Bộ tứ giám khảo ăn mặc lộng lẫy và lịch lãm khi ngồi "ghế nóng". Năm nay, diva Mỹ Linh cậy nhờ nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường lo phần hình ảnh cho mình trên ghế nóng. Đó cũng là lý do cô chọn diện một chiếc váy họa tiết bướm quyến rũ nằm trong BST sắp ra mắt của NTK này. Trong khi đó, Hồng Nhung lại chọn các trang phục của NTK Công Trí.
Đinh Hương thể hiện ca khúc So I nằm trong album Soul (Tâm hồn) vừa ra mắt của cô.
Album của Đinh Hương được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao, có thể nói, là một bước tiến vững chắc của cô gái bước ra từ The Voice 2012.
Nữ ca sĩ ăn mặc rất gợi cảm trên sân khấu.
Phương Giang
Ảnh: Thành Luân
Theo Tri Thức
Vì sao "nghề" làm giám khảo ở Việt Nam luôn bị "ném đá"? Từ khi làm giám khảo trở thành một "nghề", điều hiển nhiên là dư luận sẽ được hình thành xung quanh cái "nghề" đó, thậm chí dư luận sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt. Không phải ngồi "phán" là hưởng tiếng thơm Chuyện giám khảo khó tính và phát biểu mạnh mồm là rất thường tình, nó dường như thành một thứ...