Lương tối thiểu vùng: “Tăng mức 10 – 12 % là hợp lý”
“Tôi cho rằng mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 10% đến 12% là hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018.
Lương tối thiểu tăng sẽ kéo theo mức đóng BHXH cho người lao động tăng.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội – trao đổi với PV Dân trí xung quanh thông tin thời sự về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của báo chí những ngày qua.
Thưa ông, chúng ta bàn nhiều về mức tăng lương tối thiểu nhưng dường như chưa nhiều người để ý tới nhóm đối tượng được hưởng lợi từ tăng lương tối thiểu này? Nhận diện đối tượng trong lực lượng lao động VN ra sao?
- Quý 1/2015, tỉ trọng người lao động làm công ăn lương ở VN mới chiếm 37,8% trong tổng số lao động có việc làm, tương đương 19,8 triệu lao động. Nghiên cứu trong tháng 7 của Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế tại VN, cả nước có khoảng gần 55% người lao động làm công ăn lương đang làm từ dưới 5 năm.
Nhóm người có kinh nghiệm làm việc từ 5 – 10 năm chiếm 22,6% tổng số người lao động làm công ăn lương. Tỉ lệ lao động có trên 10 năm kinh nghiệm cũng chiếm tỉ lệ tương tự (22,2%).
Như vậy, đa số người lao động làm công ăn lương ở Việt Nam là lao động trẻ, thâm niên làm việc còn ngắn. Các nhu cầu của cá nhân và chăm sóc gia đình sẽ chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ của mức lương họ được trả.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, khoảng 1/5 người lao động làm công ăn lương ở VN có trình độ học vấn ở mức đã tham gia hoặc hoàn thành bậc phổ thông, đào tạo nghề hoặc cao đẳng.
Khoảng một nửa lao động làm công ăn lương làm các công việc yêu cầu trình độ kỹ năng trung bình, 26,2% làm việc đòi hỏi kỹ năng cao và 21,7% là các công việc yêu cầu kỹ năng đơn giản. Tỉ lệ lao động làm công ăn lương có bằng cấp, chứng chỉ khá thấp (năm 2014 mới đạt 18,39%).
Sự phổ biến của những việc làm có trình độ kỹ năng thấp và trung bình sẽ gây khó khăn khi người lao động kỳ vọng mức lương cao, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Video đang HOT
Trong khi người sử dụng lao động chưa hoàn toàn thấy có đủ các điều kiện để trả lương ở mức cao hơn cho người lao động.
Quay trở lại với những đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm 5/8 vừa qua, Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức trên 16% và VCCI ở mức 10 %. Cá nhân ông cho rằng mức tăng nào là hợp lý?
- Tôi cho rằng đề xuất của Tổng LĐLĐ VN đưa ra là có lý khi muốn có một mức lương tối thiểu vùng mới đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Quan hệ tiền lương – năng suất lao động là quan hệ 2 chiều, thông thường, mọi người thường nhìn nhận việc trả lương phải gắn với tăng năng suất lao động. Nhưng việc tăng lương còn là cơ chế để khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động, làm việc có hiệu quả hơn.
Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 dưới 5% và mức tăng năng suất lao động bình quân khoảng 3,7% thì cần phải có điều chỉnh tiền lương ở mức hợp lý hơn.
“Cơ chế xác định mức tiền lương phù hợp trả cho người lao động không chỉ nằm ở việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định trên cơ sở tham vấn ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia. Cơ chế này còn thể hiện ở cấp độ doanh nghiệp, cấp ngành và do sự thương lượng về mức lương hợp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng lao động” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Với mức tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Tổng LĐLĐ VN lên khoảng 16%, đời sống của người lao động sớm được cải thiện, nhưng sẽ có những tác động như làm tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất.
Nếu mức tăng thấp dưới 10% như đề xuất của VCCI, đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn, không khuyến khích được tăng năng suất lao động, chậm thực hiện lộ trình đảm bảo mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu.
Do đó, tôi cho rằng mức tăng tiền lương tối thiểu cho 4 vùng trong năm 2016 tăng khoảng từ 10% đến 12% là hợp lý. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước đặt ra.
Đặc biệt, mức tăng này còn đảm bảo lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2018.
Lao động có tính giản đơn, chất lượng tri thức thấp trong sản phẩm có thể dẫn tới lương tối thiểu không tăng nhanh. Điều này khiến VN có thể rơi vào “chiếc bẫy” nhân công giá rẻ – yếu tố không còn giữ thế thượng phong trong xu thế hội nhập và nâng cao đời sống của chính người lao động, thưa ông?
- Tôi cho rằng, trong thời gian tới, để việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không quá căng thẳng, trái chiều nhau như hiện nay, Chính phủ cần tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để nâng cao trình độ đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động, phát triển các ngành, nghề, công việc có trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Điều này có ý nghĩa quan trọng để giúp VN tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển khác thường gặp phải.
Khoảng sau ngày 20/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp lần 2 để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Trước đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu: 10 %, 11% và 12 %.
Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể để giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp trong các vấn đề liên quan đến tiền lương. Đồng thời, doanh nghiệp nên xây dựng các cơ chế khuyến khích tăng mức tiền lương trả cho người lao động làm việc có hiệu quả tốt để tăng năng suất lao động.
Nhìn chung, việc cải thiện các cơ chế pháp lý về đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp, cùng với việc nâng cao vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động để các bên tham gia hiệu quả vào các cơ chế này.
Yếu tố trên sẽ là điều kiện quan trọng để người lao động có mức lương thỏa đáng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ và là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện quan hệ lao động.
- Xin cảm ơn ông
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc xem xét mức tiền lương tối thiểu – về nguyên lý – cần phải được dựa trên 3 yếu tố theo quy định của pháp luật lao động bao gồm: Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế – xã hội (mức tăng năng suất lao động) và mức tiền lương trên thị trường lao động (quan hệ cung – cầu lao động). “Nhưng để có thể xác định được đầy đủ các yếu tố tác động tới việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm, cần xem xét thêm cả các yếu tố về sự phát triển của thị trường lao động, tình trạng, cơ hội về việc làm, trình độ tay nghề, năng suất lao động hiện nay…” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Dantri
"Ông nào sống nổi bằng lương tối thiểu, tôi đi đầu xuống đất!"
Bà xã tôi xem tivi về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, xem xong cô ấy phủi tay: "Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương tối thiểu do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất".
Bà xã tôi chìa ra mảnh giấy ghi các khoản chi phí đầu năm học cho 2 đứa nhỏ kèm theo tiếng thờ dài thườn thượt. Ngay lúc đó, bản tin trên VTV1 phát về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 với ý kiến của các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Vợ tôi chăm chú xem. Xem xong, cô ấy phủi tay: "Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất".
Vợ tôi chỉ được cái... nói đúng. Hai vợ chồng tôi cùng làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại KCX Linh Trung, TP HCM. Vợ tôi làm tổ trưởng sản xuất, tôi làm công nhân trực tiếp. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng tùy thuộc tháng đó tăng ca ít hay nhiều.
Tuy có hộ khẩu ở TP HCM nhưng vì gia đình đông anh em, nhà cửa chật chội nên vợ chồng tôi phải thuê nhà ở riêng sau khi cưới. 10 năm qua, căn phòng 16m2 ở quận Thủ Đức là nơi trú ngụ của gia đình tôi. 1 triệu đồng tiền thuê nhà, thêm 300.000 đồng tiền điện nước mỗi tháng đã được xem là rất rẻ để có một chỗ tá túc ở cái thành phố đắt đỏ nhất nước này.
Hai đứa con tôi, một đứa tiểu học, một đứa mẫu giáo, trung bình mỗi tháng hết 4 triệu đồng chi phí cho việc ăn uống, sữa sùng, gởi con ngoài giờ khi phải tăng ca... Đó cũng là cái giá hết sức tiết kiệm cho 2 đứa con ăn học ở cái thành phố được xếp loại "vùng 1" này.
Đây là hai khoản chi "bất di, bất dịch" mà mỗi ngày thức dậy, hai vợ chồng tôi đều phải nhớ đến. Nó ngốn mất gần 2/3 thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng. Phần thu nhập còn lại, chúng tôi phải chi cho ăn uống hằng ngày của cả nhà và trăm thứ linh tinh có tên và không tên khác. Chắc chắn là không đủ. Đó là trời thương cho mạnh khỏe, không đau ốm bệnh tật, không có sự cố bất thường...
"Vợ chồng mình thu nhập từng ấy mà muốn sống được đã phải lo tới hộc máu mồm, máu mũi; vậy mà cái ông gì đó lại đi kỳ kèo 10% thay vì 16%. Nói thiệt, mấy cái phần trăm đó chẳng có giá trị gì ráo vì nó vốn dĩ vẫn còn cách xa mức sống tối thiểu"- vợ tôi lại lèm bèm.
Cô ấy vốn có chuyên môn kế toán nên nói cái gì ra cũng có con số để chứng minh. Để lời nói của mình có sức thuyết phục , vợ tôi viện dẫn điều 91 Bộ Luật Lao động về mức lương tối thiểu. Điều luật này quy định "mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".
Vợ tôi nhấn mạnh: "Anh lưu ý nhé, lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tức là phải bảo đảm cho cả anh, cả em và con chúng mình được sống. Vậy mà trong thực tế thì sao? Tiền lương tối thiểu mấy ổng quy định hiện nay không đủ nhét vô miệng, lấy gì tích lũy, tái tạo sức lao động?".
Tôi thấy vợ tôi có lý. Mấy hôm nay mọi người trong xưởng đã râm ran bàn tán về chuyện tăng lương tối thiểu vùng. Số liệu từ tổ kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa công bố cho thấy nhu cầu sống tối thiểu của người lao động năm 2015 là 3.920.000 đồng/người/tháng. Như vậy, gia đình tôi 4 người, vị chi mỗi tháng nhu cầu sống tối thiểu phải là 15.680.000 đồng. Với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, rõ ràng thu nhập thực tế của chúng tôi dù cao hơn lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng hiện nay nhưng chỉ mới đáp ứng 63,7% nhu cầu sống tối thiểu.
"Nói thiệt với anh, bây giờ mỗi lần nghe mấy ổng nói tăng lương tối thiểu, em rầu lắm vì lương chưa tăng mà mọi thứ đã nhảy vọt. Hơn nữa, cái mức tăng đề xuất chẳng có thực tế chút nào. Thôi, mệt quá, không nói nữa, ráng chờ tới năm 2017 coi mức lương tối thiểu có đủ sống như lời mấy ổng không!"- vợ tôi lại phủi tay theo cái cách quen thuộc của cô ấy.
Mãi cho đến khi vợ tôi đã chui vô mùng với hai đứa nhỏ, tôi vẫn còn bần thần ngồi nhìn mảnh giấy vợ đưa khi nãy. Đầu năm học, các khoản đóng góp của hai đứa nhỏ đã gần 6 triệu đồng. Không biết vợ tôi bằng cách nào mà vẫn xoay sở để cái gia đình này tồn tại.
Tôi hết nhìn tờ giấy lại nhìn vô mùng. Chắc vợ tôi cũng không ngủ được vì tôi thấy cô ấy cứ lăn qua, trở lại. Thật lạ lùng, sao nghe tăng lương mà ai cũng lo lắng là sao?
Theo Trần Ngọc Hùng
Người lao động
Tăng lương tối thiểu: "Lao động là vốn quý nhưng sao cò kè tới 50.000 đồng" "Năm 2014 khó khăn thế còn đề xuất tăng cho năm 2015 được hơn 14%, năm nay có nhiều khởi sắc nhưng đề xuất mức tăng năm 2016 thấp hơn. Doanh nghiệp luôn nói người lao động là vốn quý nhưng nói tăng lương tối thiểu thì cò kè tới 50.000 đồng". Người lao động chịu nhiều chi phí trong cuộc sống Ông...