Lương tối thiểu tăng 12,4%: Các bên đã hài lòng?
Sau 3 cuộc tranh luận giằng co về đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, kết quả cuối cùng đã được ấn định bằng bỏ phiếu với 92,8% thành viên đồng thuận mức 12,4% (từ 250.000-400.000 đồng/mức). Ý kiến của các bên ra sao khi kết quả này đều khác xa quan điểm ban đầu?
Đại diện các bên công bố kết quả sau cuộc họp hôm 3/9.
Sự giằng co bảo vệ quan điểm của các bên cũng dễ hiểu, bởi việc tăng – giảm một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ tiền lương tối thiểu vùng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mức đóng bảo hiểm xã hội của 14-15 triệu lao động làm công ăn lương chịu ảnh hưởng trực tiếp của lương tối thiểu vùng.
Về lâu dài, mức tăng lương tối thiểu còn ảnh hưởng tới mức lương hưu của người lao động được hưởng sau này.
Đồng thời, việc tăng giảm lương tối thiểu cũng làm phát sinh một nguồn ngân sách khổng lồ của hơn 400.000 doanh nghiệp cho các khoản: Đóng BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn… Chỉ tính riêng chi phí đóng BHYT, BHXH, phí công đoàn làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp lên 15-17% (tương ứng với 1,2-1,5% tổng chi phí của doanh nghiệp) do mức lương tham gia BHXH, BHYT hiện tại ở các chỉ bằng 60-70% tiền lương của người lao động.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI): “VCCI chưa thực sự thỏa mãn với kết quả”.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN.
Vị đại diện VCCI tại cuộc họp cho rằng: Mặc dù Hội đồng thông qua được kết quả cuối cùng cho đợt tăng lương tối thiểu vùng 2016, nhưng thực sự mức tăng này là một gánh nặng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Giải thích lý do VCCI luôn đưa ra quan điểm tăng 10 % nhưng cuối cùng đã đồng thuận với mức 12,4%, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng: “Chúng tôi vẫn nói, mức tăng trên 10 % là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Qua khảo sát 16 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có 14 hiệp hội nước ngoài đều kiến nghị mức tăng chỉ 5-6, 6-7, 9-10%.
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Hội đồng tiền lương Quốc gia có 14/15 thành viên tham gia bỏ phiếu, có 1 thành viên đi vắng. Số phiếu hợp lệ là 14 phiếu và số phiếu đồng thuận với phương án đưa ra là 92,8%. Đây là phương án đã được các thành viên của hội đồng đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua. Mức điều chỉnh tiền lương năm 2016 bằng mức điều chỉnh của năm 2015″.
Với nghiên cứu của bộ phận kỹ thuật, VCCI đề xuất mức trên dưới 10%. Qua thương lượng, chúng tôi có đề xuất lên mức 10,7 %. Tuy nhiên, do cơ chế hoạt động của Hội đồng là đồng thuận để kiến nghị lên Chính phủ. Dù chưa thỏa mãn nhưng VCCI buộc phải chấp nhận với kết quả này”.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Quang Phòng dự kiến sẽ tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp về việc điều chỉnh mức đóng BHXH nhằm “giảm nhẹ cũng như giãn lộ trình đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2016 trở đi”.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: “Mức tăng phần nào có cơ sở để giải thích với người lao động”.
Video đang HOT
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.
Chúng tôi đã có sự nhân nhượng trong việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Kết quả mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 250.000-400.000 đồng/mức cũng tương đương với mức tăng cho năm 2015. Điều này phần nào là cơ sở để giải thích với người lao động rằng, tăng năm trước như thế nào thì năm nay ít nhất cũng tăng như vậy.
Mức tăng lương tối thiểu sẽ tiêu tốn thêm cho doanh nghiệp bao nhiêu kinh phí? “Với mức tăng 12,4 %, toàn ngành dệt may chi thêm 450 tỉ đồng tiền kinh phí công đoàn, trên 6000 tỉ đồng cho BHXH. Đây là áp lực chúng tôi phải tính toán để bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, cộng đồng sẽ tìm ra giải pháp và chiến lược để đào tạo nâng cao tay nghề của người lao động và từ đó tăng năng suất lao động. Bởi tăng năng suất lao động là vấn đề cơ bản nhất trong việc đối mặt với việc chi phí từ năm 2016 sẽ tăng nhanh” - Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN nhận định.
Chia sẻ những nhận xét riêng, ông Mai Đức Chính cho rằng: “Thực tế, doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu gấp 1,5 lần. Chúng tôi có danh sách doanh nghiệp ở Bình Dương, Hà Nội và TP HCM trả lương cho người lao động từ 5,5 – 6 triệu đồng/người”.
Vị đại diện Tổng LĐLĐ VN tại cuộc họp cho biết thêm: Mức tăng lên 3.500.000 đồng/mức (vùng 1) không làm tăng tác động về quỹ lương. Mức này chỉ điều chỉnh về tiền đóng BHXH. Trước đây, doanh nghiệp đóng cho lao động ở vùng 1 mức 3.100.000 đồng thì nay tăng lên đóng ở mức 3.500.000 đồng.
“Nếu theo đề xuất của Tổng LĐLĐ VN, lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động sẽ hoàn thành vào năm 2017. Khi đó, từ năm 2018, lương tối thiểu chỉ cần tăng 5-6 %” – ông Mai Đức Chính kỳ vọng.
Mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 đáp ứng bao nhiêu mức sống tối thiểu? “Tôi cho việc tăng lương tối thiểu vùng 2016 sẽ đáp ứng trên 80% mức sống tối thiểu. Theo ILO, mức lương tối thiểu chỉ nên để từ 40-60 % mức lương trung bình. Để cho khoảng còn lại để thương lương. Nếu chúng ta quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát với lương trung bình thì gần như không còn cơ chế thương lượng.
Chúng ta đang cố gắng lương tối thiểu bằng 60 % lương trung bình. Chúng tôi đang chỉ đạo bộ phận kỹ thuật để cho cuối năm 2015 và đầu năm 2016 chuẩn bị lại số liệu tính toán và kể cả nền nhu cầu, các yếu tố đề chúng ta xác định lại mặt bằng mới để bắt đầu thực hiện lại từ năm 2017″ – Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.
Hoàng Mạnh
Theo Dantri
Lương tối thiểu vùng: "Tăng mức 10 - 12 % là hợp lý"
"Tôi cho rằng mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 10% đến 12% là hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018.
Lương tối thiểu tăng sẽ kéo theo mức đóng BHXH cho người lao động tăng.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội - trao đổi với PV Dân trí xung quanh thông tin thời sự về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của báo chí những ngày qua.
Thưa ông, chúng ta bàn nhiều về mức tăng lương tối thiểu nhưng dường như chưa nhiều người để ý tới nhóm đối tượng được hưởng lợi từ tăng lương tối thiểu này? Nhận diện đối tượng trong lực lượng lao động VN ra sao?
- Quý 1/2015, tỉ trọng người lao động làm công ăn lương ở VN mới chiếm 37,8% trong tổng số lao động có việc làm, tương đương 19,8 triệu lao động. Nghiên cứu trong tháng 7 của Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế tại VN, cả nước có khoảng gần 55% người lao động làm công ăn lương đang làm từ dưới 5 năm.
Nhóm người có kinh nghiệm làm việc từ 5 - 10 năm chiếm 22,6% tổng số người lao động làm công ăn lương. Tỉ lệ lao động có trên 10 năm kinh nghiệm cũng chiếm tỉ lệ tương tự (22,2%).
Như vậy, đa số người lao động làm công ăn lương ở Việt Nam là lao động trẻ, thâm niên làm việc còn ngắn. Các nhu cầu của cá nhân và chăm sóc gia đình sẽ chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ của mức lương họ được trả.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, khoảng 1/5 người lao động làm công ăn lương ở VN có trình độ học vấn ở mức đã tham gia hoặc hoàn thành bậc phổ thông, đào tạo nghề hoặc cao đẳng.
Khoảng một nửa lao động làm công ăn lương làm các công việc yêu cầu trình độ kỹ năng trung bình, 26,2% làm việc đòi hỏi kỹ năng cao và 21,7% là các công việc yêu cầu kỹ năng đơn giản. Tỉ lệ lao động làm công ăn lương có bằng cấp, chứng chỉ khá thấp (năm 2014 mới đạt 18,39%).
Sự phổ biến của những việc làm có trình độ kỹ năng thấp và trung bình sẽ gây khó khăn khi người lao động kỳ vọng mức lương cao, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Trong khi người sử dụng lao động chưa hoàn toàn thấy có đủ các điều kiện để trả lương ở mức cao hơn cho người lao động.
Quay trở lại với những đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm 5/8 vừa qua, Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức trên 16% và VCCI ở mức 10 %. Cá nhân ông cho rằng mức tăng nào là hợp lý?
- Tôi cho rằng đề xuất của Tổng LĐLĐ VN đưa ra là có lý khi muốn có một mức lương tối thiểu vùng mới đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Quan hệ tiền lương - năng suất lao động là quan hệ 2 chiều, thông thường, mọi người thường nhìn nhận việc trả lương phải gắn với tăng năng suất lao động. Nhưng việc tăng lương còn là cơ chế để khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động, làm việc có hiệu quả hơn.
Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 dưới 5% và mức tăng năng suất lao động bình quân khoảng 3,7% thì cần phải có điều chỉnh tiền lương ở mức hợp lý hơn.
"Cơ chế xác định mức tiền lương phù hợp trả cho người lao động không chỉ nằm ở việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định trên cơ sở tham vấn ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia. Cơ chế này còn thể hiện ở cấp độ doanh nghiệp, cấp ngành và do sự thương lượng về mức lương hợp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng lao động" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Với mức tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Tổng LĐLĐ VN lên khoảng 16%, đời sống của người lao động sớm được cải thiện, nhưng sẽ có những tác động như làm tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất.
Nếu mức tăng thấp dưới 10% như đề xuất của VCCI, đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn, không khuyến khích được tăng năng suất lao động, chậm thực hiện lộ trình đảm bảo mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu.
Do đó, tôi cho rằng mức tăng tiền lương tối thiểu cho 4 vùng trong năm 2016 tăng khoảng từ 10% đến 12% là hợp lý. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước đặt ra.
Đặc biệt, mức tăng này còn đảm bảo lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2018.
Lao động có tính giản đơn, chất lượng tri thức thấp trong sản phẩm có thể dẫn tới lương tối thiểu không tăng nhanh. Điều này khiến VN có thể rơi vào "chiếc bẫy" nhân công giá rẻ - yếu tố không còn giữ thế thượng phong trong xu thế hội nhập và nâng cao đời sống của chính người lao động, thưa ông?
- Tôi cho rằng, trong thời gian tới, để việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không quá căng thẳng, trái chiều nhau như hiện nay, Chính phủ cần tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để nâng cao trình độ đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động, phát triển các ngành, nghề, công việc có trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Điều này có ý nghĩa quan trọng để giúp VN tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển khác thường gặp phải.
Khoảng sau ngày 20/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp lần 2 để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Trước đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu: 10 %, 11% và 12 %.
Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể để giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp trong các vấn đề liên quan đến tiền lương. Đồng thời, doanh nghiệp nên xây dựng các cơ chế khuyến khích tăng mức tiền lương trả cho người lao động làm việc có hiệu quả tốt để tăng năng suất lao động.
Nhìn chung, việc cải thiện các cơ chế pháp lý về đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp, cùng với việc nâng cao vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động để các bên tham gia hiệu quả vào các cơ chế này.
Yếu tố trên sẽ là điều kiện quan trọng để người lao động có mức lương thỏa đáng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ và là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện quan hệ lao động.
- Xin cảm ơn ông
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc xem xét mức tiền lương tối thiểu - về nguyên lý - cần phải được dựa trên 3 yếu tố theo quy định của pháp luật lao động bao gồm: Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội (mức tăng năng suất lao động) và mức tiền lương trên thị trường lao động (quan hệ cung - cầu lao động). "Nhưng để có thể xác định được đầy đủ các yếu tố tác động tới việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm, cần xem xét thêm cả các yếu tố về sự phát triển của thị trường lao động, tình trạng, cơ hội về việc làm, trình độ tay nghề, năng suất lao động hiện nay..." - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Dantri
Lương tối thiểu vùng: Mức chốt tại cuộc họp ngày 3/9 là bao nhiêu? Sau 2 phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 không thành công. Cuộc họp ngày 3/9 là cơ hội cuối cùng để Tổng LĐLĐ VN và VCCI tìm ra con số chung. Tuy nhiên, khả năng Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia phải đứng ra chọn phương án cuối cùng là không nhỏ. Thông tin tăng lương tối...