Lương tối thiểu 2018: Mức lương khó tăng hơn 5%?
Sáng nay (28.7), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có phiên họp kín lần thứ 2 để đàm phán về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Trao đổi bên lề phiên họp, đại diện các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói đồng thuận.
Trao đổi với báo chí, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vẫn khá chênh nhau. Dự kiến, phiên họp sẽ “ nóng” với các đề xuất có sự khác biệt.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết sẽ dừng tham gia phiên họp nếu đề xuất tăng lương của đơn vị này không được chấp nhận. Tất cả con số về kinh tế – xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa hơn năm 2016. Vì vậy không có lý gì mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn năm 2017. Nếu điều đó xảy, công đoàn không bao giờ chấp nhận.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, hoặc nếu tăng thì chỉ nên tăng dưới 5%. Ảnh: IT
“Nếu lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%. Nếu kéo dài hơn thì xuống thấp hơn là 10%” – ông Mai Đức Chính nói.
Cũng theo đại diện Tổng LĐLĐVN tại cuộc họp, điều quan trọng là Hội đồng Tiền lương quốc gia cần xác định khi nào kết thúc lộ trình tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Còn nếu một bên xác định còn một bên không thì chắc chắn sẽ vênh nhau.
“Nếu đề xuất về mức tăng của Tổng LĐLĐVN không được chấp nhận, chúng tôi sẽ sử dụng quyền dừng tham gia phiên họp này để chờ phiên tới đây” – ông Mai Đức Chính khẳng định.
Video đang HOT
Được biết theo quy chế Hội đồng Tiền lương quốc gia, mỗi bên đều có quyền dừng cuộc họp 1 lần. Nếu sau đó chưa tìm được điểm chung, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ có quyền tự đề xuất mức tăng lương tới Chính phủ.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 cao hơn mức 5% là không hợp lý. Do vậy đơn vị này kiến nghị không tăng hoặc nếu tăng thì nên tăng dưới 5%.
“Chúng tôi xác định tinh thần xây dựng và trên cơ sở đánh giá của trên 30 hiệp hội đại diện cho giới sử dụng lao động. Quan điểm của chúng tôi là việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng Hội đồng sẽ có mức đề xuất phù hợp, đảm bảo sức chi trả của doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn việc làm bền vững” – ông Phòng nói.
Trước khi vào cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng giữ kín mức đề xuất.
Trước những ý kiến khá đối ngược của hai bên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia – tiết lộ, phương án tăng lương sẽ tuỳ thuộc vào kết quả thương lượng.
Trong cuộc họp về tiền lương tối thiểu, các chủ thể đều có lợi ích liên quan, nhưng Nhà nước mong muốn thị trường lao động vận hành lành mạnh, người lao động có thu nhập và doanh nghiệp phát triển. Người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất. Doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích lũy phục vụ sản xuất, tạo giá trị thặng dư.
“Chính vì sự khác biệt đó, các phương án đưa ra chênh nhau là bình thường và việc thương lượng là để tìm đến điểm cân bằng. Tất nhiên, Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong quy chế của Hội đồng không có chuyện các thành viên không bỏ phiếu: “Các thành viên vẫn tham gia bỏ phiếu dù là phiếu trắng. Mỗi thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia phải chịu trách nhiệm với tập thể mà mình đại diện”.
Ông Doãn Mậu Diệp khẳng định: Về mức thì tuỳ thuộc vào kết quả thương lượng của các bên. Việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào việc thương lượng là không hợp lý, tất cả phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên.
Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất theo quy định của Luật Lao động do Quốc hội Việt Nam ban hành. Đó là số tiền trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong xã hội với điều kiện làm việc và cường độ lao động bình thường, lao động chưa qua đào tạo nghề. Số tiền đó đủ để người lao động tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm tuổi già và nuôi con. Mức lương tối thiểu này được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật. Như thường lệ, hàng năm Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn họp tăng lương tối thiểu vùng (lương áp dụng cho khối doanh nghiệp) vào năm sau.
Theo Danviet
Lương tối thiểu vùng năm 2018: Phương án nào sẽ được chấp nhận?
Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra 3 phương án tăng lương tối tiểu vùng năm 2018 là 5%, 6% và 6,8%. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất tăng tới 13,3%.
Lần đầu tiên khoảng cách đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có sự chêch lệch lớn như vậy. Cụ thể VCCI chỉ đề xuất tăng 5% còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng tới 13,3%, cao gần gấp đôi mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù kinh tế có khởi sắc xong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn vì thế việc tăng lương nên đảm bảo, ưu tiên đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Riêng về phần lao động, mức lương đã và đang tiệm cận được với mức sống tối thiểu do vậy không nên tăng quá đột ngột tránh ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không "khoẻ" thì lao động cũng không thể có công việc, thu nhập ổn định.
Trước những phân tích ấy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 nên giữ ở mức 5-6% là hợp lý.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3%. Ảnh: I.T
Trước đó, ngày 27.6 Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 tại Hải Phòng. Nhiều phương án tăng lương khác nhau được đưa ra để các bên cùng thảo luận.
Bộ phận kỹ thuật Hội đồng đưa ra 3 mức, cụ thể một là tăng từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng (5%); hai là tăng 160.000 đồng - 220.000 đồng (6%) và bà là tăng 180.000 đồng - 250.000 đồng (6,8%).
Căn cứ đời sống người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng tuyệt đối 370.000 đồng - 450.000 đồng (13,3%). Trong khi đại diện giới chủ - VCCI cho rằng doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý.
"Mức dưới 5% như đề xuất của VCCI chỉ đảm bảo bù trượt giá, tức là không tăng. Trong khi lương tối thiểu vùng dù được điều chỉnh tăng hàng năm vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động" - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Sau thảo luận, các bên thống nhất mức tăng "cần hài hòa lợi ích, vừa giải quyết khó khăn của người lao động, vừa phù hợp khả năng của doanh nghiệp để nâng sức cạnh tranh". Vì vậy, mức tăng sẽ được hội đồng điều chỉnh dần qua các phiên họp tiếp theo.
Năm 2016, sau hai phiên họp lương tối thiểu vùng năm 2017 được chốt tăng 7,3% (180.000 - 250.000 đồng). Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, mức tăng này đáp ứng được khoảng 93% mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo Danviet
APEC sẽ tập trung bàn về toàn cầu hóa Sự kiện tại Việt Nam cuối năm nay diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở nhiều nước lớn. Ảnh minh họa. Tại buổi họp báo chiều 21/6, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Tuần lễ cấp cao APEC diễn...