Lương tối thiểu 2015 sẽ tăng nhưng khó cao
Trong tháng 8/2014, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2015 để trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 9 tới. Theo thông tin chúng tôi có được, lương tối thiểu năm 2015 chắc chắn sẽ tăng nhưng khó tăng cao, nhiều khả năng tăng trên 10%.
Có mức lương đủ sống là mong muốn của đa số lao động
Đang thảo luận 2 phương án
Trao đổi với phóng viên ANTĐ ngày 29/7, ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng Tiền lương, Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức các phiên họp chung để thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng cho năm 2015. Tại các phiên họp này, đại diện của 3 bên thành viên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia là Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng phía sử dụng lao động là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) có những trao đổi, tranh luận rất thẳng thắn về các phương án điều chỉnh lương được đưa ra.
Phía đại diện người sử dụng lao động là VCCI đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2015 hoặc nếu tăng thì mức tăng chỉ từ 10-12%. Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – VCCI cho rằng, mức lương tối thiểu tăng thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải chi trả tăng thêm hơn 17%. Trong bối cảnh kinh tế đang hết sức khó khăn như hiện nay, khả năng chi trả nếu điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm tới là rất yếu. Trong khi đó, phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2015 lên 23% so với năm 2014. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương tối thiểu hiện nay, kể cả mức cao nhất ở vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng thì ngay cả người lao động độc thân cũng không đủ chi tiêu chứ chưa nói đến việc phải nuôi con.
Dự kiến trong tháng 8 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chốt phương án cuối cùng về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2015 để trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 9 tới. Ông Nguyễn Tiến Đăng cho biết, tuy đến thời điểm này chưa có phương án cuối cùng song chắc chắn lương tối thiểu năm 2015 sẽ được điều chỉnh tăng để đảm bảo đời sống cho người lao động. Ở năm 2013 – năm đầu tiên lương tối thiểu được xây dựng bởi Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu được điều chỉnh tăng 17% so với năm 2012 và nằm ở khoảng giữa trong 2 phương án do VCCI và Tổng Liên đoàn lao động đề xuất.
Video đang HOT
Lương tăng vẫn chưa đủ sống
Trong quý I và quý II vừa qua, Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát 1.500 công nhân tại 60 doanh nghiệp ở 12 tỉnh/ thành phố trên cả nước về vấn đề tiền lương, mức sống tối thiểu. Theo đó, tiền lương trung bình của người lao động, bao gồm cả các loại phụ cấp và làm thêm giờ hiện mới đạt hơn 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của họ (có nuôi con) đã lên tới 4,1 triệu đồng/tháng. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, có tới hơn 13% người lao động cho biết thu nhập của họ hiện không đủ sống, gần 25% phải chi tiêu hết sức tằn tiện và gần 50% cho biết thu nhập chỉ vừa đủ chi trả các sinh hoạt thiết yếu nhất. Chỉ có 12,3% người lao động cho biết có tích lũy nhưng phần lớn trong đó số tiền tích lũy rất nhỏ, chỉ từ 200.000-500.000 đồng/tháng.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng, hiện tại lương tối thiểu ở nước ta mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động. Nếu lương tối thiểu được điều chỉnh đều đặn hàng năm theo đúng lộ trình, với mức điều chỉnh mỗi năm tăng bình quân khoảng trên 15% thì cũng phải đến năm 2016, lương tối thiểu mới đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cho đời sống tối thiểu của người lao động.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, nếu tăng lương tối thiểu cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn thì từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người lao động khi doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự. Để hài hòa quyền lợi, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã cho phép doanh nghiệp được quyền thảo luận, bàn bạc với người lao động tăng lương theo khả năng của doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Phan
An ninh thủ đô
Nỗi xót xa của Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng!
"Đặt mình vào vị trí người lao động yếu thế, mới thấy xót xa!". Đó là lời sẻ chia, thấu hiểu và nhân văn của Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng xung quanh phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
(Minh họa: Ngọc Diệp).
Trên báo Lao động ngày 29/5, vị Chủ tịch đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn cả nước đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình: "Tuyệt đại đa số công nhân mà tôi tiếp xúc họ đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ". Ông nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến "vỡ quỹ" như lập luận của Bảo hiểm Xã hội, ông Tùng khẳng định:"...nếu quản lý tốt tiền của người lao động, hãy tiết kiệm và quản lý quỹ như một ngân hàng thì chắc chắn sẽ không vỡ quỹ! Tôi khẳng định sẽ không vỡ quỹ BHXH. Tôi sẵn sàng gặp gỡ để trao đổi, tranh luận và chứng minh lập trường của mình với những ai nói rằng sẽ vỡ quỹ!".
Không dừng ở đó, ông Tùng còn cho biết: "Trước đây, khi tổ chức công đoàn còn quản lý quỹ BHXH chi cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu còn kết dư thì chi cho sự nghiệp nghỉ ngơi, dưỡng sức tái tạo sức lao động cho người lao động, hoặc bồi dưỡng tại chỗ, hoặc chi cho chăm sóc con em công nhân lao động, hoặc chi cho bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động".
Câu này nói trắng ra là hiện nay quỹ Bảo hiểm xã hội được quản lý kém, rất kém và tất nhiên, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng có đủ dẫn chứng chứng minh cho nhận định này.
Trên Dân trí, đã có nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với chủ tịch Tùng. "Lo Quỹ Hưu trí bị vỡ, tại sao những người làm công chức, viên chức của ngành BHXH lương cao như vậy? Lấy tiền đâu ra để xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan BHXH từ huyện trở lên to như thế, diện tích quá dư thừa mà huyện nào cũng xây cơ quan rất nhiều lần?" - Trần Văn Chương ở địa chỉ chuongtandx@yahoo.com viết.
"Vỡ quỹ BHXH một phần do quản lý yếu kém của ngành BHXH: Bộ máy quá cồng kềnh không hiệu quả, đầu tư Quỹ BHXH hiệu quả thấp, nợ BHXH quá lớn... Bên cạnh đó, CBVC BHXH là công chức nhưng theo tôi biết thu nhập lại gấp đôi mức trung bình của các cán bộ Nhà nước khác. Thử hỏi vì sao không vỡ quỹ?" - Trương Quang Dũng: tqdung72@yahoo.com
Và ông Tùng còn đặt câu hởi: "Tại sao chúng ta lại tiếp tục để người lao động thiệt thòi thêm 3 năm nữa? Tại sao không áp dụng Điều 90 của Bộ luật Lao động? Đáng lẽ Luật BHXH là luật nhánh của Bộ luật Lao động nên phải tuân thủ các điều của Bộ luật Lao động chứ?
Sao các nhà làm luật chỉ "xót" cho người sử dụng lao động không đóng nổi BHXH, mà không nghĩ đến những thiệt thòi của người lao động yếu thế khi phải tiếp tục đóng BHXH trên lương tối thiểu thêm 3 năm nữa? Các nhà làm luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa!".
Quá đúng!
Hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa chứ đừng ngồi phòng máy lạnh, hưởng lương lậu, bổng lộc để rồi nghĩ ra, tìm ra, kiếm ra muôn vàn mưu cách để "quản", để "xiết" người lao động chân chính.
Xin đừng "xót" cho các ông chủ, bà chủ mà để người lao động phải "xót xa" như lời Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng.
Theo Dân Trí
Công nhân chịu thiệt vì nghe theo kẻ xấu Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 6 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) diễn ra ngày 16-5, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, những ngày vừa qua, công nhân lao động ở nhiều nơi đã tham gia tuần hành biểu thị lòng yêu nước, phản đối hành động của Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn...