Lương thấp, chỉ tuyển được người yếu ngồi làm chính sách
Bộ trưởng Y tế than, với tình hình lương bổng hiện nay, chỉ tuyển được những người yếu vào làm chính sách. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khai thác thêm đội ngũ chuyên gia vì “lấy cho đủ số người làm cứng thì biên chế không chịu nổi”…
Ngày 20/3, Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ Quý I năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trong Quý này, các Bộ phải trình Chính phủ 10 dự án luật, đồng thời phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua 9 dự án và cho ý kiến 15 dự án luật.
Nhiệm vụ trong Quý II, các Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ cho ý kiến 12 dự án luật. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong Quý II, với nhiệm vụ quan trọng là triển khai thi hành Hiến pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần thực hiện lập và công bố danh mục các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành trình cấp có thẩm quyền ban hành có nội dung trái với các quy định của Hiến pháp.
Một bất cập được Bộ trưởng Tư pháp nhắc lại là mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ đã có cố gắng, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhưng tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa có chuyển biến. Đặc biệt, tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản gia tăng, chất lượng một số văn bản chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành số lượng lớn văn bản. Trong khi đó, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chưa quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc tiến độ xây dựng luật về lập Hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo yêu cầu, quý I/2014, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ ngành cần ban hành 90 văn bản quy định chi tiết (44 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng và Chính phủ, 46 văn bản thuộc thẩm quyền của các Bộ). Trong số đó, có 58 văn bản nợ từ 2013 chuyển sang, 32 văn bản mới phát sinh..
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “thúc” tiến độ làm luật về lập Hội. “Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do lập hội theo quy định của pháp luật, do đó cần ban hành luật để thi hành Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, chưa có luật mà hội đã ra quá trời, Bộ Nội vụ cần xem lại các nghị định hiện hành về quản lý hội” – Thủ tướng nói.
“Quí I như vậy, chúng ta làm quá chậm, Thủ tướng và Chính phủ mới làm được 13/44 văn bản, các Bộ cũng mới xong được 7/46 văn bản. Lý do nêu ra thì nhiều, trong đó có cả nguyên nhân nghỉ Tết kéo dài. Nói như vậy có phải chúng ta làm chưa kiên quyết?” – Thủ tướng đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Góp giải pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, luật và pháp lệnh đều là theo chương trình của QH nên khó giảm, nhưng nghị định, thông tư thì có thể. Nếu trong xây dựng luật, QH chia sẻ trách nhiệm, làm luật chất lượng sẽ hạn chế được những quy định giao Chính phủ soạn thảo.
Chiến lược, quy hoạch của các bộ cũng chỉ nên trình Chính phủ những cái chung, tổng thể chứ không nên cái gì cụ thể cũng phải trình. “Tôi yêu cầu như vậy thì người ta bảo là nếu bộ tự làm không trình Chính phủ phê duyệt thì không có tiền đâu” – Bộ trưởng Y tế chia sẻ và đề nghị Chính phủ cho phép bộ tự quyết các chiến lược, quy hoạch cụ thể đồng thời thừa nhận tính pháp lý và cấp kinh phí.
Thông tư, cụ thể hóa nghị định và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng là việc nặng, theo bà Tiến, vì vậy giảm đầu vào là giải pháp đầu tiên.
Những khó khăn với công tác làm luật có cả vấn đề kinh phí và nhân lực. Nữ Bộ trưởng Y tế “than”, bộ phận pháp chế biên chế quá thấp. Các bộ ngành, đơn vị đầu não, một người lo một kho người làm nhưng đụng đến việc gì cũng không xin thêm biên chế được. Trong khi biên chế ở các đơn vị sự nghiệp thừa mà không ai muốn lấy vì đã khoán tự chủ tài chính.
“Biên chế của những người làm chính sách ở bộ cũng phải là người giỏi, chứ với tình hình lương và hợp đồng hiện nay, chỉ tuyển được những người yếu” – bà Tiến thẳng thắn nói.
Theo Bộ trưởng Y tế, biên chế cần giảm cho đúng chỗ, không nên giảm ở những bộ phận hoạch định chính sách cho đất nước.
Chia sẻ ý kiến của Bộ trưởng Y tế về gánh nặng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, khó có những luật không cần hướng dẫn, vì cuộc sống còn vận động, mỗi nơi lại có điều kiện hoàn cảnh khác nhau.
Còn vấn đề kinh phí, theo Thủ tướng, Bộ Tài chính tính toán cấp đủ theo nhiệm vụ, căn cứ số lượng văn bản các bộ phải làm. Thủ tướng khẳng định: “Đất nước còn nghèo thật, nhưng không thể nói thiếu kinh phí không làm được luật, nghị định, thông tư”.
Vấn đề nhân lực, Thủ tướng cho rằng, “nói không đủ thì vô cùng” vì “một năm mỗi bộ làm một luật, vài nghị định, thì nòng cốt là bộ phận pháp chế, bên cạnh đó mời thêm chuyên gia có thù lao, tổ chức hội thảo thực chất… chứ lấy cho đủ người làm cứng thì biên chế không chịu nổi đâu”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 của Chính phủ kế hoạch sửa toàn diện luật Phòng chống tham nhũng (vừa sửa đổi bổ sung một số điều năm 2012) và luật Thanh tra (ban hành năm 2010). Đồng tình với đánh giá về tầm quan trọng của các luật này, đặc biệt là luật Phòng chống tham nhũng nhưng Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường e rằng khó đưa hai luật này vào chương trình 2015. Ông Cường cho biết, chương trình năm 2015 đã rất nặng với 38 luật, pháp lệnh cần xây dựng. Nếu Chính phủ đề nghị được Quốc hội họp thêm một kỳ bất thường nữa thì mới có thể đưa thêm 2 luật này vào chương trình.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Tư pháp nhận nhiều tâm thư của người đồng tính
Trước những ý kiến "can gián" đề xuất bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ rất nhiều tâm thư của người đồng tính gửi đến ông mong muốn thừa nhận hôn nhân.
Bộ trưởng Tư pháp có phiên họp tại UB Các vấn đề xã hội hôm nay, 24/9, nghe thẩm tra dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình do Bộ này chủ trì soạn thảo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: việc sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam....
Bộ trưởng Tư pháp: "Rất nhiều tâm thư được gửi đến tôi mong muốn được thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".
Điểm hiện vẫn còn nhiều tranh luận trong dự án luật là đề xuất bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Luật chỉ bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...
Tờ trình do cơ quan soạn thảo gửi tới nêu rõ quan điểm nhìn nhận của Chính phủ. Vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là thực tế. Đến nay chưa có điều tra chính thức về số người đồng tính nhưng đã có nhiều trang web, diễn đàn, câu lạc bộ dành cho họ với số lượng thành viên tham gia khá cao.
Các trường hợp đồng tính ở VN công khai việc sống chung và gia đình họ thừa nhận ngày càng tăng lên. Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới và khuynh hướng tính dục của mình.
Đồng tình với hướng lập luận này, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN) đề nghị tính tới một số vấn đề phát sinh khi chấp nhận cuộc sống chung của những người đồng giới như về như họ của đứa trẻ được nhận làm con của cặp đôi đồng giới, việc đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ khi người cùng giới không sống chung với nhau hoặc có người qua đời.
Ngược hướng quan điểm này, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đánh giá người cùng giới kết hôn với nhau không phải là hôn nhân nên không cần thiết đưa ra các quy định trong luật. Đại biểu cho rằng trong trường hợp người cùng giới chung sống với nhau mà phát sinh mâu thuẫn thì giải quyết bằng pháp luật dân sự.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến, một số nước công nhận hôn nhân đồng giới nhưng có lộ trình, từ việc thừa nhận người đồng tính, thừa nhận quyền sống chung và tiến tới đồng ý hôn nhân đồng giới. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp xác định thực trạng xác lập nếu vấn đề này được Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích với quy định như thiết kế trong dự thảo luật, nhà nước sẽ không xử phạt hành vi kết hôn đồng giới. Việc thừa nhận quyền sống chung thông qua hướng quy định những nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống cũng cho thấy lộ trình nhìn nhận của xã hội trong giai đoạn này.
Ông Cường cũng nêu rõ, thực tế, dù pháp luật hiện hành cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình đã tổ chức công khai lễ cưới. Các cơ quan nhà nước đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này. Theo đó, Bộ trưởng Tư pháp lập luận, việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành không còn phù hợp thì cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ thêm, do đây là vấn đề nhạy cảm, cơ quan soạn thảo đã phải "tâm tư" không ít. Rất nhiều tâm thư đã được gửi đến ông mong muốn thừa nhận hôn nhân giữa người cùng giới tính.
"Họ cũng là con người. Hiến pháp quy định quyền của con người. Như thế họ cần được tôn trọng" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu quan điểm.
P.Thảo
Theo Dantri
"Đếm" số giấy tờ có thể bỏ sau khi cấp mã số định danh Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quản lý dân cư quốc gia giai đoạn 2013-2020 (đề án 896) chính thức ra mắt và họp phiên thứ nhất tại trụ sở Chính phủ sáng nay, 6/9. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,...