Lương ở Triều Tiên tăng 100 lần
Mức lương tháng qua của công nhân Triều Tiên thuộc một số nhà máy xuất khẩu tăng đột biến, gấp 50- 100 lần so với mặt bằng chung, như một tín hiệu cho nỗ lực cải cách kinh tế mới tại quốc gia này.
Quyết định tăng lương lần này của Bình Nhưỡng được cho như tín hiệu của một nỗ lực cải cách mới. Trong ảnh là công nhân may Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Keasong. Ảnh:ABC News
Đài Tiếng nói nước Nga hôm qua đưa tin, mức lương tháng vừa qua của công nhân Triều Tiên tại mỏ Musansky, nhà máy luyện kim Kim Chhek cũng như một số xí nghiệp khác sản xuất hàng xuất khẩu tăng đột biến từ mức 3.000-6.000 won lên tới 250.000-350.000 won.
Khoản tiền 300.000 won chỉ tương đương với 300-400 USD, nhưng lại là mức lương khổng lồ so với tiêu chuẩn chung của Triều Tiên.
Tại Triều Tiên, tăng lương là vấn đề rất khó giải quyết bởi tình trạng lạm phát tại quốc gia này. Nếu như công nhân sử dụng nhiều tiền mặt ở chợ, thì giá cả thị trường sẽ lập tức tăng vọt. Tình huống này chỉ có thể tránh được nếu như một số ít các nhà máy được phép tăng lương.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc công nhân thuộc các nhà máy với chức năng công việc tương tự nhau, nhưng lại có mức thu nhập chênh lệch lên đến 50-100 lần. Tình trạng đối xử bất công này sẽ không tránh khỏi dẫn đến một loạt hệ lụy kinh tế và chính trị khác.
Video đang HOT
Bình Nhưỡng có lẽ cũng ý thức được điều này, nên quyết định thanh toán một phần tiền lương bằng hàng hóa. Các nhà lãnh đạo quốc gia này hy vọng kiểm soát được tình trạng lạm phát thông qua các biện pháp mạnh tay, trong đó có việc nghiêm cấm công nhân được tăng lương sử dụng các dịch vụ thị trường.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, lệnh cấm này không thể có tác dụng. Năm 2009, Triều Tiên quyết định tăng mức lương lên hàng trăm lần, nhưng ngay sau đó phải đối diện với tình trạng giá cả phi mã. Mặc dù các mệnh lệnh hành chính được đưa ra nhằm ổn định tình hình nhưng cũng không đem lại kết quả gì.
Theo VNE
Triều Tiên định mở cửa theo kiểu Việt Nam
Bình Nhưỡng có thể mở cửa nền kinh tế trong năm nay. Bài đăng trên một tờ báo uy tín của Đức nói rằng Triều Tiên đang lựa chọn các chuyên gia kinh tế và pháp luật của Đức để thiết lập nền tảng cho đầu tư nước ngoài theo mô hình của Việt Nam.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi thực hiện đổi mới kinh tế "triệt để" cho đất nước và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột với Hàn Quốc sau nhiều thập kỷ. Báo chí Đức nói rằng nhà lãnh đạo này đang gấp rút thực hiện kế hoạch cải tổ.
Theo bài báo vừa được đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Triều Tiên đang tuyển chọn và mời các chuyên gia kinh tế và luật sư để giúp nước này tạo nên nền tảng cho thời kỳ mở cửa.
"Họ muốn mở cửa trong năm nay", FAZ trích lời một nhà kinh tế không nêu tên, đang làm việc tại một trường đại học danh tiếng cuả Đức và từng cố vấn cho một số chính phủ ở châu Á.
Nhà kinh tế này nói trong bài báo rằng Triều Tiên quan tâm trước tiên tới việc hiện đại hoá hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Triều Tiên không có ý định sẽ theo mô hình của Trung Quốc, là sẽ tạo ra những khu kinh tế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. "Mà họ quan tâm tới mô hình của Việt Nam, trong đó một số công ty cụ thể được lựa chọn để đón nhận đầu tư", nguồn tin cho biết.
Dấu hiệu thay đổi
Động thái đó có thể tạo nên một cuộc cách mạng ở Triều Tiên, đất nước bao năm nay vẫn cô lập với thế giới bên ngoài. Nền kinh tế của họ cũng trong tình trạng kém phát triển. Nhưng kể từ khi ông Kim Jong Un kế thừa cha mình lên nắm quyền cách đây 1 năm, người ta đã thấy nhiều dấu hiệu thay đổi.
Ông Kim Jong Un
Bài phát biểu của ông trong dịp năm mới là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nhà lãnh đạo này đang chẩn bị đi theo con đường khác với cha mình, tức nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Dù bài phát biểu đó chỉ là bước khởi đầu, nhưng cũng là bài phát biểu hoàn toàn khác mà một nhà lãnh đạo Triều Tiên từng đưa ra kể từ khi ông Kim Ul Sung cầm quyền năm 1994.
Hơn nữa, ông Kim cũng tỏ ra cởi mở một cách đang ngạc nhiên về thực trạng của nền kinh tế của đất nước. Ông bảo đảm sẽ thực hiện đổi mới, nói rằng nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào các tiến bộ khoa học công nghệ. Ông cũng nhấn mạnh trong vụ phóng tên lửa vào tháng trước, rằng đó là cú huých cho "sự tự tôn dân tộc".
Tuy bài báo của FAZ nói rằng nhiều người trong tầng lớp lãnh đạo của Triều Tiên ủng hộ việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các công ty phương Tây, nhưng chuyên gia giấu tên của Đức nói rằng điều đó còn xa mới thành hiện thực.
Mô hình Việt Nam và thách thức
Theo một bài viết trên Tạp chí Global Asia, trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sự phát triển kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của đầu tư nước ngoài. Ở cả hai nước, phát triển kinh tế không chỉ được thúc đẩy bởi cải cách kinh tế từ bên trong, mà bởi nguồn đầu tư đáng kể từ bên ngoài.
Công nhân Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên được cho là sẽ theo đuổi con đường tương tự. Giống như Việt Nam trước đây, Triều Tiên sẽ đồng thời thực hiện nhiều bước cải cách, bởi vì cải cách toàn diện và gần như triệt để là điều cần thiết để có được hiệu quả thực sự. Phương án cải cách từng bước và luỹ tiến để thúc đẩy cải tổ kinh tế dần dần như ở Trung Quốc sẽ không hiệu quả ở Triều Tiên, vì nền kinh tế của nước này đã xuống tới mức báo động.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu Triều Tiên có thể chấp nhận cải cách triệt để hay không. Liệu chính quyền quân sự vốn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi về kinh tế và chính trị suốt 15 năm qua có chấp nhận các biện pháp cải cách triệt để hay không.
Có rất nhiều thách thức đang đợi Triều Tiên ở phía trước. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với chương trình hạt nhân của Triều Triên cũng là bước trở ngại lớn đối với quá trình cải tổ của Bình Nhưỡng. Những biện pháp này đang khiến Triều Tiên bị cô lập với thế giới, khi chỉ còn Trung Quốc là nơi nương tựa kinh tế. Hơn nữa, nhiều người Triều Tiên lo ngại rằng nếu cải tổ và mở cửa thì sẽ tạo cơ hội cho Hàn Quốc, với nền kinh tế mạnh hơn nhiều, tìm ra cách để thống nhất hai miền bằng cách tăng cường ảnh hưởng ở phía bắc.
Theo 24h
Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc ngày 9-11 tại Thủ đô Bắc Kinh, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hội nghị lần này kéo dài 4 ngày sẽ tập trung thảo luận phương án đi sâu cải cách toàn diện nhằm định ra phương hướng...