Lương Mạnh Hải: Nhìn Minh Hằng muốn tát
Khi đóng với Minh Hằng trong “Ngôi nhà hạnh phúc” quả là tôi thấy rất ăn ý, nhất là mấy màn cãi nhau! Nhìn cái mặt “câng câng” của Hằng khi bốp chát, không biết sao, tôi muốn tát cực kỳ…
Lần gần nhất người ta nhìn thấy Hải trước khi hắn tự dưng biến đi đâu mất mấy ngày giời là lần hắn đứng bán đĩa cho pianist Bích Trà tại chính quán cà phê Tea Coffee Tree mà hắn làm cùng với kiến trúc sư Khánh Casa. Cứ mua một cái đĩa thì… được chụp một cái hình với Lương Mạnh Hải (!). Đôi lúc Hải thích làm những việc nhỏ nhỏ mà “chết cười” như vậy, trong khi chờ “cạ cứng” Vũ Ngọc Đãng tìm vai cho mình. Miễn là vui!
Giờ này còn “ tay ngang” gì nữa!
- Vẻ như ngoài đời anh còn được sắm nhiều “vai” hơn trên màn ảnh đấy nhỉ?
- Ô, thì hẳn nhiên cuộc đời là một sân khấu lớn mà, lại còn là showbiz! Trừ một vai duy nhất không dám đóng là vai ca sĩ. Độ “Bỗng dưng muốn khóc” còn “hót hòn họt”, biết bao bầu sô từng mời tôi và Hà Tăng đi hát. Tôi từ chối thì họ bảo: “Lipsync, lo gì!”.
Khổ nỗi nếu mà biết lipsync tí tẹo thôi thì tôi cũng chẳng tha đâu! Cũng may, phấn khích chỉ đủ khiến mình gật đầu đóng tiếp “Bỗng dưng muốn khóc 2″ (tức “Đẹp từng centimét”) mà không đủ khiến mình “liều mạng” đi hát để làm nên cái gọi là “thảm họa”…
- Trên màn ảnh thì thực ra cũng đã có nhiều cuộc lột xác lắm đâu nhỉ, trừ “Hotboy nổi loạn…”? Và nghe đâu, tới đây sẽ lại là “ngựa quen đường cũ” trong “Vừa đi vừa khóc” (“Bỗng dưng muốn khóc… 3″?)?
- Giờ vai hay đã khó rồi mà lại còn kén chọn vai vừa hay vừa khác nữa thì chỉ có ngồi chơi xơi nước! Càng đi đường dài thì càng phải thực tế. Mà làm sao cứ luôn phải khác, khi có những chiếc áo rõ ràng là vừa vặn với mình? Và thế có tốt hơn không, nếu thay vào đó, là một chiếc áo rộng thùng thình, hay quá chật?
Nhưng phải nói là tôi thực sự rất thích “Vừa đi vừa khóc” bởi câu chuyện tình cảm vô cùng! Làm phim thì ai cũng sợ cái sau không bằng cái trước nhưng khi đọc xong 10 tập đầu của “Vừa đi vừa khóc” thì tôi dám chắc mọi người sẽ thích nó hơn cả “Bỗng dưng…” là cái chắc! Tôi phục anh Đãng ở chỗ không chỉ chăm chút cho hai vai chính mà các vai thứ, vai phụ cũng cực kỳ ấn tượng và duyên – điều ít người làm được…
- “Vừa vặn” hình như là một cách nói an toàn để biện minh cho hai chữ “tay ngang”?
- Vấn đề có vẻ như cũ quá rồi đấy nhỉ? Tay ngang gì giờ này nữa! Muốn người ta nghĩ khác về mình thì tốt nhất là chứng tỏ bằng công việc, bằng sản phẩm. Khán giả không cần biết bạn là tay dọc hay tay ngang đâu, người ta chỉ thích và không thích vai diễn của bạn, thế thôi!
- Vũ Ngọc Đãng nói với tôi rằng sở dĩ phim của Đãng diễn viên mặc đẹp hơn phim của Dũng “khùng” là vì… có Lương Mạnh Hải! Lời khen này mà dành cho một… nhân viên phục trang thì có giá hơn nhỉ?
- Đẹp hơn hay xấu hơn thì tôi không dám nói, chỉ biết hỗ trợ đạo diễn hết khả năng và hiểu biết của mình mà thôi! Tôi thích sống chết vì bộ phim mình đóng nên cái gì cũng muốn phải chỉnh chu, phải tốt nhất có thể.
Tại sao mình có thể làm được mà mình lại không làm, trong khi đạo diễn còn phải lo hàng nghìn thứ linh tinh khác? Một năm hoặc hai năm mới được đóng phim thì không thể để mọi thứ luộm thuộm và hời hợt được! Phục trang đẹp hay bối cảnh đẹp thì cũng là có mình đứng trong đó. Không thể chỉ lo cho mỗi bản thân mình vì một bộ phim hay thì tất cả mọi yếu tố phải đồng bộ, hài hòa.
Thực ra tôi đâu muốn làm tranh những việc không phải của mình vì rõ ràng mình đâu được trả lương cho những việc đó. Nhưng ở Việt Nam, bộ phận phục trang thực chất chỉ là người giữ đồ và mặc đồ cho diễn viên chứ không như ở nước ngoài. Đừng đòi hỏi mọi thứ phải chuyên nghiệp như Tây thì mới làm phim! Cứ đóng góp hết sức đi rồi từ từ mọi thứ sẽ được nắn dòng một cách bài bản!
Ngày hôm nay phải là quan trọng nhất!
- Làm nhiều việc thực ra là vì gì, nếu không muốn dùng một từ to tát nhưng… khó hiểu là “đam mê”?
- Thứ nhất là để tránh “nhàn cư vi bất thiện” và tôi cũng không thuộc tuýp thích ngồi yên nhìn dòng đời trôi vội vã (haha). Và thứ hai, đơn giản, là để có thêm thu nhập.
- “Tiền thì anh không thiếu, nhiều thì anh không có”?
Video đang HOT
- Đương nhiên! Có ai ở ta đóng phim mà giàu nổi không! Cũng may tôi là người lạc quan và cũng không ham hố quá mức để mà phải thường xuyên khổ sở vì những món đồ không mua được. Không có tiền mua thì cũng vẫn được ngắm nó, được chạm vào nó kia mà, chứ có ai cấm đâu!
- Vậy tiền kiếm được thường để dùng vào việc gì?
- Trang trí nhà, mua sắm và đi du lịch. Sểnh ra một tí là… sửa lại nhà. May mà cái căn hộ chung cư của mình cũng be bé xinh xinh chứ không phải hoành tráng gì nên cũng đỡ khổ! Đổi màu sơn, đảo vị trí cái này qua cái kia, thêm vào cái đồng hồ treo tường mới, khung ảnh mới… – nói chung là lắm trò lắm, tỉ mẩn cả ngày chẳng hết việc!
Và thường thì 6 tháng lại đảo một lần, bởi lâu lâu không có cái gì mới trong nhà cứ thấy bức bối thế nào. Bằng không, thì kiểu gì cũng phải xách ba lô lên đường…
- Được đồng nào tiêu đồng nấy? Quyết không “đóng phim” “của để dành”?
- Thường, tôi cũng tự hỏi là tại sao mình là người Hà Nội gốc mà sao chẳng được thừa hưởng tí nào cái tính cách tích cóp dành dụm tuyệt vời như bố mẹ tôi. Tôi tự hào về bố mẹ tôi lắm vì các cụ cứ vài năm lại đổi một cái nhà mà cái nhà sau bao giờ cũng to hơn, đẹp hơn cái nhà trước.
Đôi khi còn bảo con có cần tiền không để bố mẹ gửi cho. Mình không biết đến bao giờ mới làm được điều đó. Vì thế, tôi rất hay bị bố mẹ giáo huấn để “tẩy não” nhưng giờ thì bó tay rồi! Với tôi, ngày hôm nay phải là quan trọng nhất! Ăn chơi phải là lúc trẻ!
Sống là phải biết hưởng thụ! Và hưởng thụ theo kiểu của tôi là đi đâu thì đi, nhưng nhất định phải có máy lạnh, chứ nhất quyết không được đổ mồ hôi (trừ khi… nằm phơi nắng ở resort, haha!). Lên rừng xuống biển không phải kiểu của tôi! Đến như Tây Tạng từng mê là thế khi xem ảnh Mai Ka nhưng khi nhìn kỹ thì thấy: Đi du lịch mà khổ thế này à, lại thôi! Hụt Tây Tạng mấy lần cũng là vì thế!
- Shopping như không có ngày mai?
- Nhầm, chưa bao giờ là bằng mọi giá nhé! Không cứ thấy cái biển “sale off” là mắt sáng rực lên và lao bổ vào, tha hàng đống về chất đầy tủ, để rồi có khi hàng năm sau không động đến. Điểm dừng cần biết phải là cái gì thực sự cần và hợp với mình. Chẳng hạn như với một cái cổ tay khẳng khiu thế này thì đừng có dại mà đầu tư đồng hồ. Vô phúc mà thích một cái đồng hồ xịn thì có phải là đời mình tiêu luôn không! Phải tiêu tiền thế nào để đời mình không bị “tiêu” theo thì mới là…!
- Nếu chỉ để sơn nhà mà không… mua đồng hồ thì chắc cũng không tốn nhiều tiền lắm đâu nhỉ?
- Nhưng để làm được người ta… sợ thì còn khướt nhé! Từng bị ông anh ruột “vỗ mặt”: “Chỉ sợ thằng có tiền, không sợ thằng… nổi tiếng, nhá!”. Đấy, nhục chưa?
- Vậy còn anh, anh sợ “thằng” nào?
- Tôi chỉ sợ luật pháp.
- Ngoan hiền thế kia thì việc gì phải sợ luật pháp?
- Đấy, thì chính nhờ sợ luật pháp nên mới ngoan hiền!
Vẫn… đi họp tổ dân phố
- Tôi quen một người bạn ở cùng tòa nhà với anh và họ “tố” rằng anh thường xuyên gặp họ trong thang máy mà… không chào. Vẻ như anh không thuộc tuýp thân thiện?
- À, thứ nhất là vì tôi đâu có quen, và tôi cũng chưa bao giờ có ý định chào hết những người tôi hay gặp trong thang máy! Ủa, mà bạn chị muốn tôi phải chào trước ấy hả?
Gặp nhiều là một chuyện, quen nhau là chuyện khác, nó còn phải có duyên nữa chứ! Chắc lúc tôi nói chuyện rôm rả với hàng xóm trong thang máy thì bạn chị lại chẳng có mặt rồi! Ở chung cư tôi ở có nhiều “sao” lắm nhưng ít khi thấy các “sao” đi họp tổ dân phố, còn tôi thì có nhé, thậm chí còn… giơ tay phát biểu, hehe!
- Mất gì câu nói đâu nhỉ! Một ứng xử vẻ như thiếu khôn ngoan ở một “người của công chúng”? Hay chính bởi mình là “sao”, nên mình phải ca bài “Riêng một góc trời”?
- Ở ta giờ này làm gì có “sao” điện ảnh mà dám nghĩ mình là “sao” hả giời! Ở đây, đơn giản chỉ là do tính người thôi, do quan niệm sống nữa. Có người họ tìm thấy niềm vui trong việc làm vừa lòng tất thảy mọi người bằng cái cười thường trực trên môi. Nhưng tôi thì tôi lại tìm thấy niềm vui trong những điều khác…
- Ví dụ, điều gì?
- Với tôi, nụ cười trên môi mình không quan trọng bằng nụ cười trên môi bạn mình, hay những cộng sự thân thiết của mình. Vì thế, điều tôi có thể làm tốt nhất trong tình bạn và tình cộng sự đó là sự trung thành và tận tụy hết sức có thể, bằng vào sự cầu toàn và kỹ tính vốn dĩ rất đặc thù ở tôi và trên hết, là sự cộng hưởng, nhất là trong sáng tạo.
- Chính xác thì anh kỹ tính tới mức nào?
- Đi ra sạp báo mà mua tờ Đẹp thì phải lấy tờ thứ hai chứ không bao giờ lấy tờ trên cùng vì tờ đó dính bụi và bị nhiều người “khai phá” rồi! Còn trong công việc, chẳng hạn như trong “Hotboy nổi loạn”, tôi phải mượn tới… 7 bộ ga giường từ 4 gia chủ để “làm nóng” các cảnh “nóng”.
Theo tôi, trong các cảnh sex, trừ khi không phải ở trên giường, thì cái đẹp của ga gối là vô cùng quan trọng, vì nó tác động rất nhiều đến cảm xúc của hai “kẻ trong cuộc” và hơn hết, là cảm xúc của người xem. Chẳng phải nghệ thuật trước hết là phải đẹp sao? Nên với những cảnh nhạy cảm đừng khiến khản giả có cảm giác dơ dáy.
Một tờ giấy dán tường cũng đã đủ giúp làm mới một cái phòng ngủ rồi mà, sao cứ phải nghĩ mình nghèo, thì mình không được hưởng cái đẹp? Chỉ cần mình biết quan sát một chút, để ý một chút, là đủ, là được thôi mà!
- Về sự “xả thân” của anh, quả tình tôi cũng từng tận tai nghe Vũ Ngọc Đãng và Dũng “khùng” “kháo”, nhưng nói thật, là tôi lại không lấy làm phục đâu nhé! Bởi tôi nghĩ đó bất quá cũng chỉ là sự “có đi có lại” với nhau thôi chứ, nhất là một người không dễ đóng được nhiều dạng vai như anh…
- Là thế này: nghề này, nếu như bạn tính với người ta, thì người ta cũng sẽ lại tính với bạn. Chả ai qua mắt được ai cả đâu, vì chuyện đâu có phải ngày một ngày hai. Còn nếu như bạn xả thân, thì sẽ không cần phải nói gì cả, rồi tự khắc bạn sẽ nhận được lại, có cái bằng tiền, có cái không phải bằng tiền, không sao cả! Còn thì, là một diễn viên, bất kể là đóng được nhiều dạng vai hay bị đóng đinh ở một dạng vai (cái này thì chưa biết được nhé!), thì ai mà chả mong nhận được một vai diễn hay, điều đó đâu có gì là xấu?
Nhìn Minh Hằng rất muốn… “tát”!
- Mọi người bảo anh hợp với những dạng vai “thư sinh, công tử bột”. Tôi lại thấy anh hợp với những vai… “lắm mồm”?
- Đấy, chính thế nên mọi người thấy mình ở ngoài vốn đã là thằng nói nhiều, tới lúc lên phim lại cũng lắm mồm không kém, nên cứ nghĩ chắc mình không phải diễn gì cả, mình sắp “hết vốn” tới nơi rồi! Nhưng thực ra chả phải! Chẳng qua cái vai nó bắt mình phải nói nhiều thì là thế thôi, chứ như “Hotboy nổi loạn”, tôi cũng nói ít mà! Tôi không cần phải nói thêm gì nữa, sau “Hotboy nổi loạn”, bởi nó như là một sự “minh oan” cho mình, rằng Lương Mạnh Hải đâu phải đã bị “đóng đinh” ở một dạng vai…
- Mọi người cũng lại nói rằng anh rất “hợp cạ” với Tăng Thanh Hà, nhưng không biết sao tôi lại thích xem cảnh anh cãi nhau với Minh Hằng trong “Ngôi nhà hạnh phúc” hơn…
- Khổ, nếu đóng với Hà Tăng, thì người ta bảo: “Lại bánh kẹo Hải Hà!”. Nhưng không đóng, người ta lại bảo sao lại không, đẹp đôi là thế cơ mà! Còn khi đóng với Minh Hằng trong “Ngôi nhà hạnh phúc” thì quả là tôi thấy rất ăn ý, nhất là mấy màn cãi nhau! Nhìn cái mặt “câng câng” của Hằng khi bốp chát, không biết sao, tôi muốn tát cực kỳ, thế là bỗng dưng phiêu thôi! Vụ “Vừa đi vừa khóc” tới đây là tôi “khóc” với Minh Hằng đó chứ! Còn với Hà Tăng thì sẽ là một dự án rất đặc biệt cuối năm. Nhưng đừng hỏi là gì nhé, tôi nhất quyết không “khai” đâu!
- Vẻ như anh rất hợp với vai trò “làm nền”, dù là với Minh Hằng hay Tăng Thanh Hà?
- Câu hỏi có vẻ kích động, “chia rẽ nội bộ” quá nhỉ? Chẳng phải thà làm một cái nền vững chắc cho bạn diễn của mình còn hơn là một cái nền ọp ẹp sao?
- Minh Hằng và Tăng Thanh Hà, anh thấy cô nào xinh hơn?
- Hà thì tính ra từng nét, không hẳn là đẹp, nhưng đáng kể, là hài hòa. Và cuốn hút nhất ở Hà có lẽ là cái thần thái rạng rỡ, tươi tắn. Khó mà đoán Hà đang nghĩ gì nhưng quả tình tôi rất nể cái cách Hà giữ gìn sự mẫu mực và khuôn thước trong phong cách cũng như hình ảnh cá nhân.
Còn Hằng, quý nhất ở cô ấy tôi nghĩ có lẽ là sự hồn nhiên, thích hay không thích đều nói ngay, chứ không bắt người khác phải chờ đợi lâu khi câu trả lời đã có. Nói chung Hằng thuộc kiểu người dứt khoát, không suy tính. Buồn cười nhất là cô ấy rất hay tự nhận: “Em hời hợt lắm anh ơi!”, nhưng tôi dám chắc một người thành công như vậy thì chẳng thể nào hời hợt được đâu!
- Cán cân có vẻ không nghiêng về sự khuôn thước?
- Vâng, vì bản thân tôi đôi khi cũng thấy chán cái gọi là “khuôn thước” ở mình! Mặc dù tôi luôn muốn phá cách và mạo hiểm hơn nhưng một mặt, lại không can đảm bước ra khỏi khu vực an toàn của mình. Vẫn biết tròn trịa quá đôi khi cũng có thể làm giảm đi sự hấp dẫn nhưng tiếc là sự thay đổi lại diễn ra hơi lề mề…
- Đã từng thích được một cô nào “khuôn thước”?
- Rồi chứ! Một cô rất nữ tính là khác! Lâu rồi, hồi trung học… Dù trước đó, từng được một cô rất nam tính mê nhé, đại loại là hễ trời mưa là rủ mình trốn học, đi tắm mưa…
- Rủ đi tắm mưa mà còn “nam tính” gì nữa, nhầm à?
- À, thì là vì cô ấy chuyên trị để tóc tém và mặc quần bò… Và quan trọng là không xinh! Chứ phải mà xinh, thì nam tính hay nữ tính cũng chả quan trọng!
- Thế cuối cùng có đi không?
- Đi đâu?
- Tắm mưa?
- Có chứ, dù rất sợ… bị ốm!
Theo Thư Quỳnh, Ảnh: Tuấn Fr (Đẹp)
Phim truyền hình nhức nhối vì diễn viên tay ngang
Công nghệ làm phim theo tiêu chí "nhanh, nhiều, rẻ" không những đảo lộn mọi quy tắc mà còn nhào nặn ra những "ngôi sao" khiến người xem không thể chấp nhận nổi. Câu hỏi đặt ra là tự trọng nghề nghiệp của họ ở đâu?
Khi được hỏi về thực trạng làm phim truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải ngao ngán nói: "Trước đây tôi không hề nghĩ rằng với tất cả những điều kiện như bây giờ mà cũng có thể làm phim". Anh bảo, nếu bây giờ các đạo diễn mà được lấy bút danh thì chắc sẽ nhiều không đếm xuể. Nếu như trước đây làm phim giống như bước vào một ngôi đền thiêng thì bây giờ ra trường quay thấy bát nháo kinh khủng. Các đạo diễn đã có tên tuổi sẵn sàng từ chối những kịch bản không hay vì không muốn bôi nhọ uy tín mà mình đã xây dựng bao năm nhưng các đạo diễn trẻ thì sẵn sàng nhận bất cứ kịch bản nào vì họ chẳng có gì để mất.
Với số lượng phim sản xuất mỗi năm lên đến hàng ngàn tập nhưng hiện nay, việc thiếu kịch bản hay là dễ hiểu, khát diễn viên là đương nhiên. Mức độ phủ sóng của các diễn viên miền Bắc trên sóng phim Việt giờ vàng của VTV1 vốn đã được coi là nhiều nhưng thực ra, mức độ xuất hiện của các diễn viên phía Nam còn nhiều hơn bởi có quá nhiều phim, quá nhiều kênh, quá nhiều đài truyền hình phát phim Việt. Chính vì vậy, khán giả từ thái cực được xem phim Việt nhiều lại chuyển sang chán ngán những bộ phim na ná nhau, chán luôn cả những gương mặt đã quá quen xuất hiện hết phim này đến phim khác mà các vai diễn chẳng có gì khác biệt.
Diễn viên chuyên nghiệp thì chỉ có hạn và họ lại vốn kén phim, không phải lúc nào cũng sẵn sàng đóng phim thị trường. Vậy nên các đạo diễn dù kỹ tính đến mấy rồi cũng phải có lúc dùng đến diễn viên tay ngang. Và đôi khi, dù không muốn nhưng vì yêu cầu của nhà sản xuất họ buộc phải để dành vai chính cho một cô người mẫu, một nàng hoa hậu dù diễn nhạt như nước ốc nhưng có thể giúp phim gây chú ý mà bán quảng cáo. Cơ hội làm phim nhiều, những diễn viên mới vì thế mà xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Nghề diễn dần bị nghiệp dư hóa đến mức có cảm giác ai cũng có thể trở thành diễn viên.
Các khóa đào tạo diễn xuất ngắn hạn cung cấp lượng diễn viên đáng kể cho phim truyền hình
Để đáp ứng yêu cầu làm phim mỗi ngày 1 tập và chạy sô hết đoàn này đến đoàn khác, họ không có thời gian đọc kịch bản, thậm chí còn không biết nhân vật mình đóng là thế nào. Đó là lý do khán giả gặp ngày càng nhiều những cái máy nói với vẻ mặt vô hồn trên màn ảnh. Bước vào guồng quay sản xuất phim "nhanh, nhiều, rẻ", những diễn viên thực sự tâm huyết với nghề cũng bị vạ lây. Cảnh quay nào không vừa ý họ cũng không được làm lại bởi không có nhiều thời gian. Đôi khi vì nể ai đó, họ nhận lời tham gia một bộ phim mà chỉ khi bấm máy mới biết những diễn viên nghiệp dư đóng cùng mình quá dở còn kịch bản và lời thoại thì như trên trời rơi xuống. Danh tiếng vì thế mà cũng bị ảnh hưởng lây. Nhiều người ra hiện trường mà phát ngượng vì phải diễn chung với một diễn viên mà không biết họ ở đâu ra.
Sự xuất hiện quá nhiều của các diễn viên tay ngang không có nghề đang trở thành bài toán nhức nhối trong lĩnh vực phim truyền hình. Một mặt họ đáp ứng được nhu cầu làm phim đang nở bung hiện nay, một mặt họ thu hút bằng ngoại hình bắt mắt và danh tiếng sẵn có từ những lĩnh vực khác. Nhưng những diễn viên tay ngang diễn xuất tốt lại không nhiều. Hoàng Xuân và Hồng Diễm của Cầu vồng tình yêu là trường hợp hiếm có. Diễn cùng dàn diễn viên chuyên nghiệp, phim thu hình và tiếng trực tiếp nhưng họ tỏ ra nổi trội cả về diễn xuất, ý thức nghề nghiệp. Điều đáng nói là cả hai đều xuất thân từ nghề người mẫu và chỉ đóng phim khi gặp được kịch bản yêu thích.
Thêm vào đó, Rất nhiều diễn viên đang hành nghề hiện nay đều chưa từng trải qua các khóa đào tạo diễn xuất. Phần đông nhảy ngang từ lĩnh vực khác. Chính vì không được đào tạo nên rất ít nhiều có thể gây ấn tượng được lâu dài, nhất là khi họ chỉ coi diễn viên là nghề tay trái, đóng phim để lấy danh tiếng dùng vào lĩnh vực khác. Các trường điện ảnh vẫn tuyển sinh thường xuyên nhưng rất ít trong số đó có thể đứng vững bằng nghề. Và trong bối cảnh đó, các lớp đào tạo diễn xuất ngắn hạn nhiều khi lại tỏ ra phát huy tác dụng.
Đan Lê là một trong những diễn viên tay ngang tham gia phim "Cầu vồng tình yêu"
Từ năm 2003, đạo diễn Khải Hưng, Đỗ Thanh Hải và NSND Hoàng Dũng đã bàn với nhau mở một lớp đào tạo diễn viên truyền hình để tạo điều kiện cho diễn viên tay ngang có năng khiếu đang làm việc trong lĩnh vực khác cơ hội đóng phim. Những lớp đào tạo diễn xuất như vậy có thể cung cấp cho họ những kỹ năng diễn xuất cơ bản, chỉ cho họ cái đúng cái sai, khơi dậy năng khiếu trong họ. Rất nhiều diễn viên trưởng thành từ lò đào tạo diễn viên truyền hình ngắn hạn mở năm 2003, 2007 của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) như Duy Khoa, Diệu Hương, Việt Anh, Minh Hương... Các gương mặt đoạt giải trong cuộc thi tìm kiếm diễn viên phim truyền hình VN lần thứ nhất 2010 như Hồng Nhung, Phùng Thu Huyền cũng đã bắt đầu được giao các vai nữ chính trong một số phim của VFC.
Và nói như đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC thì "không ai cứu mình thì tự mình cứu mình trước". Để giảm cơn khát diễn viên phim truyền hình trong điều kiện sản xuất phim hiện nay, sắp tới VFC sẽ mở khóa đào tạo diễn viên truyền hình lần thứ 3. Mục đích là "để diễn viên tay ngang làm phim bớt nghiệp dư hơn". Các diễn viên có kinh nghiệm sẽ lên lớp để truyền lại kinh nghiệm diễn xuất cho các bạn trẻ đang khao khát làm phim. "Các bạn có hình thức tốt, không được đào tạo thì vẫn có nơi mời. Thà rằng huấn luyện, đào tạo 1 chút để các bạn ấy biết nghề còn hơn", NSND Hoàng Dũng, thành viên khởi xướng dự án đồng thời là giảng viên của các khóa đào tạo diễn viên của VFC từ năm 2003 đến nay, nói.
Với thực trạng làm phim như hiện nay, nói như diễn viên Quyền Linh thì "có cảm giác họ không nấu nữa mà họ ăn sống luôn", khó có thể hy vọng một sự đột phá ở khâu diễn viên, nhất là khi "hình thức vẫn đang lấn át nội dung". Khi các nhà sản xuất vẫn còn ưa chuộng các chân dài và thổi họ lên mây xanh bằng những chiêu PR hoành tráng thì những diễn viên tay ngang không có nghề vẫn còn đất sống. Chỉ khán giả, những người đang nắm quyền lực tối thượng trong tay là quyền được tảy chay những diễn viên tồi thì những thảm họa trên màn ảnh mới có khả năng giảm bớt.
Theo Vienamnet