Lương “khủng” ở Viện nghiên cứu đặc biệt V- KIST
Nhiều quy định chưa từng có trong tiền lệ của nền Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ được áp dụng ở Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam- Hàn Quốc (gọi tắt là V-KIST) như lương viện trưởng 120 triệu đồng, người thân của nhà khoa học được hưởng trợ cấp…
Nhà khoa học ở Viện V-KIST sẽ nhận được những ưu đãi chưa từng có trong tiền lệ. Ảnh minh họa: Như Ý
Lương Viện trưởng có thể lên tới 120 triệu đồng/tháng
Ý tưởng xây dựng một viện nghiên cứu cao cấp ở Việt Nam với cơ chế đặc thù có từ cách đây hơn hai năm song gần đây Bộ KH&CN mới hoàn thành dự thảo chi tiết về dự án này.
Theo dự thảo, đặc thù của V-KIST là nghiên cứu ứng dụng, đa ngành, hoạt động theo cơ chế đặt hàng. Mục tiêu của V- KIST là sáng tạo ra các công nghệ nội địa thay thế công nghệ nhập khẩu để phục vụ cho các ngành công nghiệp và kinh tế then chốt của đất nước. Đơn vị này sẽ sử dụng đội ngũ cán bộ đẳng cấp quốc tế với hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Điểm khác so với hệ thống các viện nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam là V-KIST hoạt động theo cơ chế tài chính riêng, chế độ nhân sự riêng.
Cơ quan cao nhất của V-KIST là hội đồng điều hành gồm 11 thành viên trong đó có bốn đại diện của bốn bộ, ngành là Bộ trưởng KH&CN, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, bốn thành viên từ khu vực hàn lâm và ba đại diện khu vực doanh nghiệp.
Theo lý giải của Bộ KH&CN, đơn vị xây dựng dự thảo, tỷ lệ giữa các khu vực bộ, ngành, nhà khoa học và doanh nghiệp là 4:4:3 sẽ đảm bảo cho các quyết sách của Viện không bị đại diện các bộ, ngành can thiệp.
Sắp tới nhà khoa học làm việc tại V-Kist sẽ nhận lương “khủng”. Ảnh: P.V
Nhằm thu hút và xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, V-KIST có chế độ ưu đãi đặc biệt về tiền lương, điều kiện làm việc. Viện trưởng của V-KIST được trả lương 6.000 USD một tháng (khoảng 120 triệu đồng), trưởng phòng nghiên cứu là 4.000 USD (khoảng 80 triệu đồng), nghiên cứu viên được trả ít nhất 1.000 USD, nhân viên hành chính là 500 USD.
Dự kiến trong năm đầu hoạt động, V-KIST sẽ chi hơn 1,77 triệu USD (khoảng 37,2 tỷ đồng) cho 120 cán bộ, nhân viên. So với mức lương ở các viện nghiên cứu hiện nay (khoảng 10 triệu đồng/tháng) con số này lớn hơn rất nhiều lần.
Video đang HOT
Ngoài những ưu đãi trên, cán bộ, nhân viên làm việc tại V-KIST còn được bố trí phương tiện đi lại, nhà công vụ. Vợ, chồng hay người thân còn được hưởng trợ cấp…
Mở đường cho hệ thống viện nghiên cứu đặc biệt ở Việt Nam
Nói về các ưu đãi cho V-KIST, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: “Ở Việt Nam chưa có tiền lệ một quy định hay những điều luật với sự ưu đãi đặc biệt cho một tổ chức KH&CN, nhưng nếu chúng ta không tạo ra tiền lệ, không có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì không thể vượt qua khuôn khổ của một tổ chức KH&CN bình thường”.
Bên cạnh dự thảo đề án V-KIST, Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt mà V-KIST là cơ sở đầu tiên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu dự thảo được thông qua, đây sẽ là văn bản pháp luật không chỉ dành riêng cho một đơn vị sự nghiệp, một đối tượng cụ thể mà là hệ thống cơ chế chính sách dành cho một loại hình tổ chức KH&CN mới ở Việt Nam.
Đánh giá về chủ trương trên, các nhà khoa học đều cho rằng đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh trì trệ của nền KH&CN Việt Nam.
GS.TS Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho hay, dự án V-KIST tập trung tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế quản lý, tính tự chủ trong nghiên cứu và quyền lợi của nhà khoa học.
Tuy nhiên, theo ông vấn đề quan trọng nhất của một viện nghiên cứu nằm ở trình độ chuyên gia. Ông băn khoăn về việc tìm ra người tài để V-KIST thực hiện nhiệm vụ. “Nếu lấy nhân lực đang có trong nước thì số lượng và đặc biệt là chất lượng sẽ rất hạn chế. Nếu tuyển dụng nhà khoa học ở ngoài nước thì chủ yếu là những người trẻ, cần có thêm thời gian”, GS Bình nói.
GS.TS Trần Xuân Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Vật lí ứng dụng và thiết bị khoa học cho hay, hệ thống viện nghiên cứu ở Việt Nam bây giờ là một hệ thống cồng kềnh, người đông, danh vị nhiều, hiệu quả rất thấp. Những điều này ai cũng biết nhưng bất lực, không cải tạo được, không thanh lọc đội ngũ được, không tái cấu trúc được…
Giải pháp duy nhất bây giờ là cái cũ tạm để đấy, tìm một cách làm mới, xây dựng một vài viện nghiên cứu đặc biệt, quy mô nhỏ nhưng thiết thực, giải quyết được những nút thắt cơ bản của nền KH&CN.
Để V-KIST hiệu quả, theo GS Hoài cần tập trung mọi điều kiện để nhà khoa học không bị phân tâm, đam mê sáng tạo. Ít nhất, 50-60% kinh phí hoạt động của viện nghiên cứu phải dành cho người làm khoa học.
Theo dự thảo, bên cạnh những ưu đãi về chế độ đãi ngộ, V-KIST còn được hưởng một cơ chế tài chính riêng. Đơn vị này sẽ được tự chủ chi tiêu tài chính và quản lý tài sản có nguồn gốc. Viện sẽ được tự quyết trong vấn đề trả lương cho cán bộ, nhân viên, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị. Ngoài ra còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và nhiều ưu đãi khác.
Theo lộ trình đặt ra, năm 2015 thành lập viện V-KIST, năm 2017 hoàn tất giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và khai trương trụ sở viện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngân sách thành lập V-KIST khoảng 70 triệu USD gồm 35 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc và 730 tỷ đồng đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.
Theo Nguyễn Hoài
Tiền phong
Nhà khoa học ở nhà thuê, đi làm thuê
Chuyện nhà khoa học trẻ ở nhà thuê, làm nghiên cứu với tâm thế "kẻ làm thuê" trong môi trường học thuật, rồi tất yếu đưa Việt Nam thành "đất nước gia công" đã được nhắc tới tại buổi đối thoại giữa các nhà khoa học với Chính phủ cuối tuần qua.
GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, người vừa giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2013.
"Không có nhà bố mẹ thì không biết ở đâu"
Trong buổi đối thoại giữa Bộ Khoa học Công nghệ với các nhà khoa học sau lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày 17/5, một trong những chủ đề được đề cập đến nhiều nhất chính là chính sách đãi ngộ và thu hút các nhà khoa học.
GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam nói rằng, khó khăn lớn nhất đối với các nhà khoa học trẻ hiện này chính là chỗ ở.
"Chúng ta có chính sách xây dựng nhà ở cho sinh viên, xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng tôi thấy rất lạ là không có chính sách xây dựng nhà ở cho các cán bộ giảng dạy, các nhà nghiên cứu ở các viện, trường?" - ông đặt câu hỏi.
GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, một trong 2 người đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, chia sẻ cụ thể hơn.
Ông nói: "Thời của tôi, được giữ lại trường là một vinh dự tột bậc và không có bất cứ ai từ chối. Tuy nhiên, giờ đây, số người từ chối cái gọi là vinh dự đó khá nhiều... Rõ ràng, tiền lương và đãi ngộ các nhà khoa học không duy trì được cuộc sống của họ và gia đình".
"Mới tốt nghiệp đại học thì thường lương được nhận là 2 triệu đồng. Tốt nghiệp xong tiến sĩ thì lương 3,5 triệu. Vì vậy, nếu như người đó không sinh ra ở Hà Nội, nghĩa là không có một cái nhà do bố mẹ để lại thì sẽ không biết cứ trú ở đâu", GS Hưng dẫn chứng.
Theo GS Hưng, các quốc gia láng giềng đầu tư cho khoa học gấp nhiều lần Việt Nam. "Chúng ta cứ vỗ ngực là những người theo chủ nghĩa duy vật nhưng chúng ta lại muốn rằng, với đầu tư ít hơn họ hàng chục, hàng trăm lần mà lại muốn bằng như họ thì đó là cách nghĩ duy tâm", GS Hưng nói.
"Tôi nghĩ rằng, một trong những đòi hỏi đầu tiên để có thể lôi kéo các bạn trẻ là phải sớm thay đổi chế độ tiền lương và đãi ngộ với các nhà khoa học", GS Hưng kết luận.
Tâm thế kẻ làm thuê
Tuy nhiên, vị GS đầu ngành Toán học cũng khẳng định, với các nhà khoa học tiền rất quan trọng nhưng không phải là thứ quan trọng nhất:
"Quan trọng nhất là họ được bố trí vào vị trí làm việc phù hợp với sở trường của họ và được đối xử một cách văn minh. Nhiều nhà khoa học hiện nay có tâm thế cảm thấy mình là kẻ làm thuê chứ không phải làm chủ trong chính ngôi trường của mình", GS Hưng nói.
Khi còn phải vật lộn trong cuộc sống "ở nhà thuê", đi làm trong tâm thế "kẻ làm thuê", thì con đường xây dựng nền tảng khoa học cơ bản cho một quốc gia còn..xa tít tắp.
"Quốc gia không có khoa học cơ bản có thể sẽ rơi xuống phạm trù của những quốc gia mà ở đó chỉ có những người làm công cho tư bản nước ngoài", GS Hưng bày tỏ.
Một quốc gia muốn tự cường, tự quyết định vận mệnh của mình, xác lập vị thế của mình trên trường quốc tế thì nhất định phải có những thành tựu trong khoa học cơ bản.
Đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân nói, thời gian vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau về việc Việt Nam có nên tập trung cho nghiên cứu khoa học cơ bản nữa không hay là tập trung vào phát triển khoa học ứng dụng.
"Từ góc độ quản lý, Bộ xác định nghiên cứu cơ bản không thể tách rời khỏi hoạt động KH&CN nói chung đồng thời cũng không thiên vị hay coi nhẹ một lĩnh vực nào".
Dẫn chứng về sự quan tâm đầu tư của Nhà nước với nghiên cứu khoa học cơ bản, Bộ trưởng Quân nêu các ví dụ về chương trình quốc gia về nghiên cứu toán và thành lập Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán, rồi xây dựng chương trình phát triển quốc gia ngành vật lý. Các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khác trong khoa học tự nhiên và các lĩnh vực do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ cũng tăng.
"Quỹ này chủ yếu tài trợ cho nghiên cứu cơ bản với vốn điều lệ hàng năm là khoảng 200 tỷ đồng. Gần đây do nhu cầu tăng lên rất nhanh, nghiên cứu cơ bản đã có thành tựu đáng kể nên chúng tôi đã có đề xuất Thủ tướng nâng vốn điều lệ của quỹ lên 500 tỷ đồng", ông Quân cho hay.
"Về thu nhập và đời sống, có thể sẽ có bước phát triển chậm hơn nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ tiếp cận với thế giới, đối xử với các nhà khoa học như ở các nước phát triển và các nước lân cận, tránh tình trạng các nhà khoa học đang bị đối xử không được bình đẳng như trong các lĩnh vực khác như trong thời gian trước đây", Bộ trưởng Quân khẳng định.
Theo VNN
Cùng Minh Hằng lấy lại eo thon sau Tết Hãy đến Saigon Spa & Clinic để cùng Minh Hằng lấy lại vòng eo thon và được ưu đãi đặc biệt: mua 10 lần điều trị giảm béo tặng 5 lần! Sau một cái Tết nghỉ ngơi hội ngộ bạn bè & gia đình, đa số chị em phụ nữ đều tròn tròn ra một chút. Ai cũng cười nói hoan hỉ "Tết...