“Lương không đủ sống sao ai cũng đua vào công chức?”
“Hồ sơ trình lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký không tốn đồng nào nhưng phải tốn rất nhiều tiền thì mới qua được “cửa” của chuyên viên. Xin một chân tạp vụ cũng phải tốn tiền. Cái gì cũng có giá hết. Lương không đủ sống mà sao ai cũng đua vào làm công chức?”.
Đó là những trăn trở mà ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên nguyên Trưởng ban Thi đua khen thưởng TPHCM, nêu lên tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức chiều 28/9.
“Cán bộ nhỏ” cũng phải công khai tài sản
Ông Đạo cho rằng, không chỉ những cán bộ lãnh đạo chủ chốt mới công khai, minh bạch tài sản, cả những công chức, viên chức cũng phải kê khai.
“Chủ trương của Đảng là không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng. Các đồng chí đừng ngại số lượng người kê khai nhiều. Theo tôi, đối tượng kê khai phải là từng chuyên viên, công chức. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin thì không có gì là không thể. Công khai minh bạch lên website thì mới hạn chế tham nhũng được”, ông Đạo nói.
Các đại biểu cho rằng, để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng cần phải ngăn chặn nhóm lợi ích, tập trung làm trong sạch từ Trung ương, Chính phủ rồi cấp tỉnh thành
Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, bố cục dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nên xây dựng trên cơ sở bố cục Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc chứ không nên quá nhiều chương, dài và dàn trải như hiện nay.
Luật sư Hoà kiến nghị có hẳn một chương thu hồi tài sản tham nhũng; mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước. Phải có chế tài với những cá nhân kê khai không trung thực. Một số nước, khi người chết rồi vẫn bị thu hồi tài sản chứ không phải chết thì thôi.
Điều 26 “Tặng quà và nhận quà tặng” quy định cán bộ công chức, viên chức nếu nhận được quà có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì phải nộp cho cơ quan, tổ chức. Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TPHCM cho rằng, hiện quà tặng có vô hình vạn trạng “biến tướng” và có một loại quà tặng khó định lượng là “quà tình cảm”.
Video đang HOT
Ông Trữ cho rằng nên áp dụng quy định quà tặng có giá trị từ 5 triệu đồng phải nộp lại cho cơ quan, tổ chức (thay vì 2 triệu như dự thảo); yêu cầu cán bộ công chức, viên chức nhận quà tặng không đúng quy định thì phải nộp lại cơ quan trong 7 ngày; phải công khai danh tính người tặng quà.
Phải tạo lập cơ chế không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và đưa các cá nhân tham nhũng ra xét xử, răn đe.
Dưỡng liêm bằng chính sách lương phù hợp
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng cần phải ngăn chặn nhóm lợi ích, tập trung làm trong sạch từ Trung ương, Chính phủ rồi cấp tỉnh thành. Phải tạo lập cơ chế không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và đưa các cá nhân tham nhũng ra xét xử, răn đe.
Yếu tố tiên quyết để ngăn chặn tham nhũng là phải cải cách cơ bản tiền lương. Phải bắt đầu từ phát triển con người hơn là tập trung phát triển vật chất, xây dựng hội trường, khu hành chính hoành tráng gây lãng phí.
“Nhìn TPHCM này đi, toàn chung cư cao cấp để kinh doanh, đầu cơ chứ không phải cho người lao động. Có cái gì đó không tập trung cho con người mà mải mê đi xây dựng cơ sở vật chất thì làm sao mà không phát sinh tham nhũng”, một đại biểu bức xúc.
Ông Đỗ Văn Đạo kể, thời bao cấp, nhập hộ khẩu vào TPHCM phải tốn ít nhất 2 cây vàng. Phó trưởng phòng của ông Đạo khi ấy cứ thấy hồ sơ cấp dưới đưa lên là ký mà không tốn đồng nào, trong khi đó chuyên viên trình ký thì “giàu sụ” nhờ những chữ ký này của sếp. Cũng như hiện nay, hồ sơ trình lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký không tốn đồng nào nhưng có khi phải tốn rất nhiều tiền mới qua được “cửa” chuyên viên.
“Nhìn TPHCM này đi, toàn chung cư cao cấp để kinh doanh, đầu cơ chứ không phải cho người lao động”
Theo ông Đạo, muốn phòng chống tham nhũng thì phải đảm bảo mức sống của cán bộ công chức. “Phải cải thiện mức lương chứ như hiện nay, lương không đủ sống mà ai cũng đua vào làm công chức. Chuyện chạy chức chạy quyền theo kiểu thuận mua vừa bán. Cái gì cũng có giá hết. Xin một chân tạp vụ vào cơ quan cũng tốn tiền… Thử hỏi như thế sao mà chống tham nhũng?”, ông Đạo trăn trở.
Luật sư Trương Thị Hoà cho rằng, phát hiện tham nhũng là vấn đề quan trọng nên cơ quan nhà nước, kiểm toán nhà nước, “tai mắt” giám sát của Mặt trận Tổ quốc… phải có trách nhiệm phát hiện tham nhũng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phát huy vai trò này bởi tội phạm tham nhũng bây giờ không chỉ gói gọn trong một quốc gia mà xuyên biên giới. Qua đó, phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, chống nạn rửa tiền…
“Xây dựng cán bộ liêm chính thì đồng lương là chế độ dưỡng liêm. Do đó, phải có cơ chế dưỡng liêm bằng chính sách lương phù hợp. Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng và quan trọng là vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức”, luật sư Hoà nói.
Công Quang
Theo Dantri
Giám đốc sở bị điều chuyển xin thôi việc về làm ruộng
Sau buổi làm việc giải quyết đơn xin nghỉ việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào chiều 14-7, bà Lê Thị Công, người bị điều chuyển từ vị trí giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết sẽ về quê làm ruộng.
Chiều 14-7, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với bà Lê Thị Công (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường (TN-MT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để giải quyết đơn xin nghỉ việc theo nguyện vọng của bà.
Bà Công cho biết tại buổi làm việc, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp nhận đơn xin nghỉ việc của bà và sẽ trình Ban thường vụ Tỉnh ủy để làm theo đúng thủ tục.
Bà Lê Thị Công, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Mặc dù đã quyết định xin nghỉ việc, bà Công vẫn bày tỏ mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành thanh tra, kiểm tra 4 dự án mà bà đã đề xuất, xem xét khâu chậm trễ (một trong những lý do bà bị điều chuyển) trong việc xử lý xuất phát từ đâu, có những sai phạm gì để làm rõ đúng sai, từ đó giải quyết các thủ tục đất đai đúng pháp luật quy định.
Nói về dự định tương lai, nguyên giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bộc bạch: "Tôi không có dự định gì nhiều, sẽ về làm ruộng thôi, Trước đây, tôi cũng có đất đai để canh tác, nay nghỉ việc tiếp tục sản xuất nông nghiệp".
Trước đó, bà Công cũng cho biết có một số thông tin viết rằng bà đề xuất phương án đập bỏ dự án Lotte Mart (TP Vũng Tàu) là không đúng, bởi dự án đã làm xong nên không bao giờ bà lại đi đề xuất một phương án không hợp lý như vậy. Bà còn thông tin rằng Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng có văn bản báo cáo vướng mắc về thẩm quyền không đấu giá khu đất trên và đề xuất xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giải quyết vướng mắc này chứ không phải là phương án đập bỏ.
Dự án Lotte Mart, một trong bốn dự án bà Công yêu cầu thanh tra khi bị điều chuyển
Liên quan đến vụ việc trên, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 26-5, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ký quyết định điều động bà Công từ vị trí giám đốc Sở TN-MT về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Sau đó, bà Công đã làm đơn xin nghỉ việc vì cho rằng đây là lĩnh vực bà chưa được đào tạo công tác, không có kinh nghiệm.
Trong đơn xin nghỉ việc, bà Công đã nêu 4 vấn đề mà lãnh đạo tỉnh đã đề cập. Thứ nhất là về những vấn đề trong quá trình giải quyết thủ tục đất đai tại khu đất mà Trung tâm Thương mại Lotte đang đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay. Thứ hai là việc Sở TN-MT không giải quyết việc tách thửa đất của Công ty TNHH Hồ Tràm. Thứ ba là những vấn đề liên quan đến khu đất dự án Trung tâm Thương mại Thái Dương (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Vũng Tàu). Thứ tư là về khu đất HTX Quyết Thắng. Trong đơn, bà Công yêu cầu thanh tra để làm rõ đúng - sai từng vụ việc trên.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, nói rằng việc điều chuyển bà Công là vì bà chậm giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai khiến nhà đầu tư chán nản và nhiều lần phản ánh tại các cuộc họp. Ông Lĩnh cũng nhận định bà Công là người có tư chất, đạo đức tốt, năng lực kiến thức rộng nhưng hiệu quả công việc chưa có, không phù hợp với vị trí nên điều chuyển sang vị trí khác.
Tin, ảnh: Ngọc Giang
Theo_Người lao động
Vì sao khó kiểm soát thu nhập của người có chức vụ? 'Chỉ tính riêng 5 năm (2007-2012), cả nước đã có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp' là thông tin đáng chú ý được TS. Nguyễn Quốc Văn, Phó Vụ trưởng...