Lượng hàng qua cảng Cát Lái đã vượt công suất quy hoạch năm 2030?
Theo Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, từ năm 2017 sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái đã liên tục tăng và vượt công suất quy hoạch cảng đến năm 2030.
Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng của cảng Cát Lái trong thời gian gần đây đã buộc hàng loạt cơ quan ban, ngành cùng hệ thống các cảng lân cận vào cuộc hỗ trợ – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Liên quan đến tình trạng tắc nghẽn cảng Cát Lái thời gian qua, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam ( Visaba) vừa chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và có kiến nghị giải pháp.
Theo Visaba, tác động của đại dịch COVID-19 chỉ là “giọt nước làm tràn ly” đẩy tình trạng tắc nghẽn cảng Cát Lái vốn đã rất nghiêm trọng trong 5 năm trở lại đây trở thành tâm điểm đáng chú ý. Số liệu cho thấy lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái đã liên tục tăng và vượt công suất quy hoạch cảng đến năm 2030.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng container của cảng Cát Lái đạt hơn 2,89 triệu Teus, chiếm trên 66,7% sản lượng container của cả khu vực cảng TP.HCM, nếu chỉ tính riêng sản lượng container xuất nhập khẩu thì cảng Cát Lái đạt 486.213 Teus, chiếm khoảng 86% sản lượng container xuất nhập khẩu của cả khu vực cảng TP.HCM.
Không chỉ tiếp nhận các tàu biển feeder đến 30.000DWT về cảng, mà khu vực cảng Cát Lái còn là nơi tập kết của hàng triệu Teus mỗi năm được vận chuyển bằng tàu sông, sà lan từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước… đổ về.
Việc các nguồn hàng không ngừng đổ về đây không chỉ gây nên tình trạng tắc nghẽn trong khu vực, mà còn đang tạo ra sự mất cân đối và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tạo nên sự đối lập trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các cảng trong cùng khu vực.
Khu vực cảng Cát Lái dù hoạt động tắc nghẽn nhưng phải tiếp nhận tàu với sản lượng thông qua luôn vượt xa công suất thiết kế. Trong khi cách đó không xa, các cảng trong cùng hệ thống cảng TP.HCM như SP ITC, SPCT, Hiệp Phước… được đầu tư hiện đại lại đìu hiu, vắng vẻ, không thể kéo nổi chân hàng do kém cạnh tranh so với Cát Lái.
Video đang HOT
Nhiều cảng hiện nay hoạt động cầm chừng thấp xa so với công suất thiết kế, thậm chí phải thanh lý thiết bị xếp dỡ và chuyển đổi công năng sang làm hàng rời, hàng ôtô…
Visaba cho rằng sự phá vỡ quy hoạch cảng này gây ra buộc hàng loạt bộ ngành phải vào cuộc giải quyết những vấn đề riêng của cảng. Do đó cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ và dài hơi hơn, giảm mức độ phụ thuộc, chi phối thị trường của các cảng như khu vực Cát Lái hiện nay và khu vực Cái Mép trong tương lai không xa.
Về giải pháp, hiệp hội đề xuất cảng Cát Lái cần phải tuân thủ theo đúng quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, chỉ tiếp nhận sản lượng trong phạm vi quy hoạch để đảm bảo chất lượng hoạt động của cảng, cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như giảm bớt gánh nặng lên hạ tầng xung quanh, đảm bảo môi trường.
Cùng với đó, các tàu từ khu vực Cái Mép, Hiệp Phước… đang về cảng Cát Lái cần được điều phối chuyển sang các cảng, ICD lân cận. Việc này sẽ giúp giảm tải cho khu vực theo đúng quy trình vận chuyển hàng hóa và nhu cầu thực tế của các chủ hàng, mang lại hiệu quả cao nhất cho các doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo Tân Cảng Sài Gòn, hiện tại dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cũng chỉ còn khoảng tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng – Cát Lái.
Vì vậy nguy cơ ùn ứ ở cảng Cát Lái cũng là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này, nên tập trung xử lý ở cảng sẽ giải quyết được bài toán cạnh tranh của cụm cảng phía Nam.
Giải quyết ùn ứ tại cảng Cát Lái: Thông suốt hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Các đơn vị, doanh nghiệp cùng đồng hành, chia sẻ, thực thi các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Đây là thông tin được nhấn mạnh tại hội thảo trực tuyến "Đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng", do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tổ chức chiều 10/8 với sự tham dự của đại diện khoảng 1.000 khách hàng, hãng tàu, đối tác.
Bốc xếp container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh Thanh Vũ/TTXVN
Tân cảng Cát Lái trong ngưỡng "lý tưởng"
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, dẫn đến lượng container hàng nhập tồn bãi tại các cơ sở cảng, ICD tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, khai thác và luồng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Báo cáo của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho thấy, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, sản lượng khách hàng giao nhận tại cảng giảm nhiều. Cụ thể, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg (từ ngày 31/5 đến 8/7), sản lượng khách hàng giao nhận tại cảng Cát Lái trung bình 9.800 khách hàng. Khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg (từ 9/7 đến 14/7) giảm còn trung bình 9.000 khách hàng và khi triển khai "3 tại chỗ" (từ 15/7 đến 7/8), còn trung bình 8.144 khách hàng.
Trước tình hình đó, Tân cảng Sài Gòn cùng các cơ quan, địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp; trong đó, có 4 nhóm giải pháp chính gồm: tăng tốc độ giải phóng container nhập ra khỏi cảng; tăng năng lực bãi chứa hàng trong cảng và ngoài cảng. Đồng thời, điều tiết lượng hàng nhập khẩu có thể bị tồn lâu đưa về cảng; làm việc với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đẩy mạnh thủ tục online.
Theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện lượng tồn bãi hàng nhập đang có mức giảm rõ rệt, bảo đảm công suất, sức chứa cho phép. Việc giao nhận hàng hóa và tốc độ giải phóng tàu được đảm bảo, không còn khả năng hàng hóa tồn bãi tăng cao, gây áp lực cho sản xuất và không còn nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của cảng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam vẫn có sự tăng trưởng; trong đó, khu vực cảng Cái Mép tăng gần 40% so với cùng kỳ; cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, trong thời gian TP Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, sản lượng hàng hóa có biến động khác nhau. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, hàng tồn bãi tại Tân cảng Cát Lái khoảng 89%; bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg giảm còn khoảng 87% và khi triển khai "3 tại chỗ" lượng hàng tồn bãi là 85%.
Thiếu tá Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hiện hàng tồn bãi tại Tân cảng Cát Lái giao động ở mức khoảng 85%. Đây là tỉ lệ "lý tưởng" cho hoạt động khai thác cảng, sản xuất cảng. Đến thời điểm này, cảng Cát Lái đã quay trở lại nhịp điệu sản xuất bình thường trong bối cảnh dịch bệnh) Ngoài ra, đối với Tân cảng Cái Mép, lượng tồn bãi vẫn đang trong ngưỡng an toàn.
Hiện, Tân cảng Sài Gòn xây dựng ba kịch bản về hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng trong những tháng cuối năm, dựa trên tình hình dịch COVID-19. Theo đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát cuối quý III/2021, các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 5 - 7% so với 6 tháng đầu năm và Tân cảng Cái Mép từ 12 - 15%. Nếu dịch được kiểm soát đầu quý IV/2021, cảng Tp. Hồ Chí Minh tăng từ 3 - 5% và Tân cảng Cái Mép là 15 - 17% do có sự dịch chuyển hàng hóa. Nếu dịch được kiểm soát giữa quý IV/2021, sản lượng hai khu vực này sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
"Với các kịch bản và giải pháp được đưa ra, năng lực tiếp nhận hàng hóa tại các cảng sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng. Cụ thể cảng Cát Lái đảm bảo tồn bãi từ 85 - 86%; Tân cảng Cái Mép dưới 80%", Thiếu tá Trương Tấn Lộc khẳng định.
Đồng hành tháo gỡ "nút thắt"
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, hãng tàu và khách hàng cũng ra một số vấn đề về dừng đóng hàng xuất khẩu gạo; tồn đọng hàng nhập ở cảng ảnh hưởng đến lượng hàng xuất khẩu; thủ tục chuyển cảng đích, chuyển hàng về các ICD/cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn...
Đại diện Công ty Thương mại quốc tế Sofia Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu chuối sang thị trường quốc tế và mỗi tuần có từ 180 - 200 container xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện công ty đang gặp những bất lợi do nhiều chuyến tàu của hãng tàu cập bến không đúng lịch theo kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chuyển sang ICD Nhơn Trạch dễ phát sinh thêm các chi phí, do quãng đường xa hơn nên doanh nghiệp mong muốn có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Liên quan vấn đề xuất khẩu gạo, Tân cảng Sài Gòn cho biết, việc tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu gạo vẫn diễn ra bình thường. Trong hệ thống Tân cảng, chỉ có một số bến phải đảm bảo duy trì phòng chống dịch nên tạm ngưng đóng gạo. Tuy nhiên, các bến khác như: Hiệp Phước, Nhơn Trạch, các cảng tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đóng gạo và chuyển về xuất khẩu tại cảng TP Hồ Chí Minh.
Để đảm bảo an toàn chống dịch và vẫn cung cấp được dịch vụ cho khách hàng, Tân cảng Sài Gòn đẩy mạnh cung cấp dịch vụ đóng tại kho khách hàng và vận tải thủy Tân cảng sẽ làm dịch vụ đưa hàng ra các cảng tại Đồng bằng sông Cửu Long và kéo về TP Hồ Chí Minh xuất tàu cho khách hàng. Tân cảng vẫn tìm các phương án để cung cấp dịch vụ và duy trì tình hình sản xuất tốt nhất mang lại cho các doanh nghiệp gạo.
Đối với các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp chuyển cảng đích, vận chuyển hàng về các ICD, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã có thông báo các chính sách ưu đãi cho khách hàng, được áp dụng từ ngày 7/8. Đối với container hàng nhập đang tồn bãi tại cảng Cát Lái, trường hợp khách hàng đăng ký dịch vụ chuyển cảng do Tân cảng Sài Gòn cung cấp đối với container hàng khô thông thường tồn bãi trên 15 ngày (tính tới thời điểm đăng ký) khi năng lực đáp ứng được, Tân cảng Sài Gòn sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển và nâng hạ hai đầu về 4 cơ sở cảng, ICD thuộc hệ thống.
Ngoài ra, để khuyến khích khách hàng giao nhận tại Tân cảng Hiệp Phước, Tân cảng Sài Gòn cũng miễn phí giao nguyên container cho khách hàng; miễn phí lưu bãi và miễn phí 24 giờ vận hành container lạnh; hỗ trợ thực hiện thủ tục sửa vận đơn đổi cảng đích.
Theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, trong thời gian qua, đơn vị cũng thông tin, giải đáp thắc mắc và cập nhật trực tiếp các giải pháp đến các khách hàng, hãng tàu, đối tác nhằm giải quyết thực trạng tồn bãi tại cảng Tân cảng Cát Lái và chính sách hỗ trợ chia sẻ khó khăn với khách hàng.
"Giai đoạn hiện nay, cần phải cùng nhau đồng hành, chia sẻ, thực thi đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để trước hết bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của người lao động; đồng thời, giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa", Thượng tá Bùi Văn Quỳ cho hay.
Về chiến lược dài hạn, Tân cảng Sài Gòn cũng đã có những hợp tác với các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh, Cái Mép; tăng năng lực nạo vét cầu bến, tăng năng lực giao nhận trực tiếp tại Tân cảng Hiệp Phước. Riêng tại Tân cảng Cát Lái, đơn vị đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển dịch vụ hỗ trợ ra các cơ sở bên ngoài, tăng năng suất, số hóa quy trình giao nhận. Cùng đó, kết nối giữa các cảng tại Long Bình, Nhơn Trạch, Đồng bằng sông Cửu Long, Cái Mép. Ngoài ra, Tân cảng Sài Gòn cũng phát triển mở rộng tính năng các dịch vụ trực tuyến trên Eport...
Khảo sát của Tân cảng Sài Gòn từ 326 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực cho thấy, trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay, có 20,5% doanh nghiệp hoạt động bình thường; 13% ngưng hoàn toàn, 66,5% vừa giảm công suất, ngừng sản xuất nhưng vẫn giao nhận hàng.
Khó khăn do chuỗi cung ứng đứt gãy: Doanh nghiệp cần chung lưng đấu cật Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến hàng loạt DN lâm vào cảnh triền miên khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước mắt phải có giải pháp hỗ trợ DN kịp thời để đảm bảo "mục tiêu kép" vừa chống dịch...