Lương duyên quân sự Nga – Ấn
Thời gian qua, Nga đã chọn Ấn Độ như đối tác số 1 để cùng nhau thực hiện những dự án vũ khí mang ý nghĩa chiến lược hàng đầu.
Từ khách hàng
Cuối tuần trước, hãng ITAR-TASS dẫn thông báo của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí độc quyền Nga Rosoboronexport cho biết, Moscow gần đạt đến thỏa thuận cung cấp đạn dược xe tăng tiên tiến với Ấn Độ.
Vòng đầu tiên của cuộc đàm phán về việc cung cấp đạn dược xe tăng 3UBK20 (Mango) đã được hoàn tất.
Vòng thứ hai thảo luận về việc sản xuất có giấy phép tại Ấn Độ bắt đầu vào ngày 2.7.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Phó giám đốc Rosoboronexport Igor Sevastyanov tiết lộ, khối lượng hàng giao là rất lớn nhưng không nói con số cụ thể.
Ngoài ra, Moscow và New Delhi đang cùng nhau hình thành liên doanh sản xuất pháo phản lực nhiều nòng Smerch.
Đây cũng chỉ là một trong số nhiều hợp đồng vũ khí giữa hai nước này.
Viktor Komardin, một lãnh đạo cấp cao của Rosoboronexport, tiết lộ thêm rằng tập đoàn này dự tính sẽ xuất khẩu 3 tỉ USD vũ khí mỗi năm sang Ấn Độ.
Video đang HOT
Nước này hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn và quan trọng nhất của Nga.
Mặc dù có ngân sách quốc phòng khá cao, lên tới 32,5 tỉ USD vào năm vừa rồi, nhưng Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu khoảng 70% số vũ khí trang bị cho quân đội và trong số đó phần lớn các đơn hàng đến từ nước Nga, theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản).
Hồi tháng 1, Nga chính thức bàn giao chiếc tàu ngầm hạt nhân Nerpa, thuộc lớp Akula II, cho Ấn Độ.
Bản hợp đồng thuê tàu ngầm trị giá 650 triệu USD này được ký kết vào năm 2004 và dự kiến chuyển giao trong năm 2008 nhưng bị chậm trễ do tai nạn, theo RIA Novosti.
Đây là kết quả của hợp đồng thuê tàu ngầm hạt nhân giữa Nga với Ấn Độ.
Loại tàu này có độ choán nước 8.000 tấn, đủ sức chở theo 28 tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.
Sau khi về với New Delhi, chiếc Nerpa được đổi tên thành INS Chakra và giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới, chỉ sau 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sở hữu tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.
Ngoài ra, Nga dự định sẽ sớm giao tàu sân bay INS Vikramaditya, được nâng cấp từ tàu Admiral Gorshvov của Liên Xô trước đây, cho Ấn Độ sau 4 năm trì hoãn.
Với chiều dài 283 m và độ choán nước 45.000 tấn, tàu sân bay INS Vikramaditya có thể mang theo 30 máy bay và 1.924 người.
Việc chuyển giao con tàu cho phía Ấn Độ dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm nay.
Đến cộng sự
Không chỉ là khách hàng, suốt nhiều năm qua, New Delhi còn đóng vai trò như một cộng sự then chốt của Moscow trong nhiều dự án vũ khí tối tân.
Mối lương duyên này đã “đơm hoa kết trái” đem đến cho hai bên nhiều thành quả quan trọng, điển hình như tên lửa siêu thanh Brahmos.
Nga và Ấn Độ đã cùng nhau đóng góp 250 triệu USD thành lập liên doanh Brahmos Aerospace nghiên cứu và phát triển loại tên lửa trên.
Theo website của Brahmos, Brahmos là tên lửa có tốc độ gấp 3 lần âm thanh và có thể được phóng đi từ tàu chiến nổi, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên mặt đất.
Sự thành công của Brahmos giúp cho liên doanh này tiếp tục phát triển tên lửa Brahmos thế hệ 2 có khả năng bay đạt ngưỡng bội siêu thanh, tốc độ nhanh gấp 5 đến 7 lần vận tốc âm thanh.
Ngày 27.6, RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Brahmos Aerospace Sivathanu Pillai tuyên bố, nguyên mẫu đầu tiên của tên lửa bội siêu thanh trên sẽ được bay thử nghiệm vào năm 2017.
Loại tên lửa mới này sẽ chỉ được trang bị cho Nga và Ấn Độ mà không dùng xuất khẩu đến nước thứ 3.
New Delhi đã đóng góp đáng kể để cùng Moscow phát triển chiến đấu cơ Sukhoi T-50 – Ảnh: Ausairpower
Một thành tựu không thể bỏ qua trong hợp tác phát triển vũ khí giữa Nga với Ấn Độ là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình Sukhoi T-50, đối thủ đáng gờm với F-22 Raptor và F-35 của Mỹ.
Theo RIA Novosti, New Delhi đóng góp 30% vào khoản đầu tư 6 tỉ USD do Moscow khởi xướng để phát triển nên Sukhoi T-50.
Loại chiến đấu cơ này có thể đạt tốc độ gần gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh và sử dụng kỹ thuật tàng hình tối tân cùng một số loại vũ khí thượng thặng.
Nhờ đó, Sukhoi T-50 chính là một trong những dấu ấn để Nga giữ vững hình ảnh nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Đồng thời, nhờ đó, Ấn Độ cũng được ưu ái để có được những khí tài tối tân hạng nhất trên thế giới.
Theo Thanh Niên
Nhộn nhịp chợ vũ khí
Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ công đang hoành hành trên thế giới, Triển lãm vũ khí quốc tế "Eurosatory-2012" vẫn diễn ra một cách "hoành tráng" tại Khu triển lãm Parc d'Expositions ở phía Bắc Thủ đô Paris của nước Pháp.
Một góc triển lãm Eurosatory 2012
Đây là triển lãm vũ khí bộ binh thông thường lớn nhất thế giới, với các trang thiết bị bộ binh từ súng ngắn cho đến xe tăng và xe bọc thép. Ban tổ chức triển lãm cho biết, tham gia sự kiện này năm nay có hơn 1.400 công ty quốc phòng đến từ 53 quốc gia, trong đó có những "gương mặt" mới hoặc không thường xuyên tham gia như một số công ty quốc phòng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Ước tính sẽ có không dưới 55.000 khách đến tham quan tổng cộng 34 gian hàng trên diện tích 120.000m2 của triển lãm từ ngày khai mạc 11-6 đến ngày kết thúc là 15-6 tới.
Cuộc triển lãm vũ khí quốc tế Eurosatory được tổ chức lần đầu tiên năm 1967 tại căn cứ quân sự Satory, gần thành phố Versailles của Pháp, vốn chỉ dành cho các quốc gia phương Tây cùng các đồng minh. Các loại vũ khí triển lãm ở đây chỉ đến từ các nước phương Tây và cũng chỉ được mua bán giữa các quốc gia này cũng như đồng minh của họ.
Tuy nhiên, khi chiến tranh Lạnh qua đi thì Triển lãm vũ khí quốc tế Eurosatory trở thành một trong những "chợ" giới thiệu và mua bán vũ khí bộ binh thông thường lớn nhất thế giới. Cho dù vẫn đang phải chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc cũng đã tham gia triển lãm Eurosatory từ năm 2010 và đang được xem là một "khách sộp" bậc nhất tại triển lãm.
Nước Nga tuy không tham gia triển lãm Eurosatory thường xuyên sau khi xuất hiện lần đầu vào năm 1996 nhưng cũng đã trở thành người bán vũ khí lớn, được nhiều khách hàng quan tâm. Thế mạnh của Nga là vũ khí, trang bị rẻ hơn so với của phương Tây, đồng thời lại dễ bảo quản và sử dụng với chi phí tiết kiệm hơn.
Việc phái đoàn Nga tham gia Eurosatory - 2012 do Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Nikolai Makarov dẫn đầu đã phần nào cho thấy trông đợi của Nga vào triển lãm lần này. Tướng Makarov cho biết, Nga sẽ đưa đến giới thiệu tổng cộng 200 loại vũ khí khí tài của 14 công ty quốc phòng thuộc Tổng công ty Xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga (Rosoboronexport), trong đó xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S phiên bản mới đã được nâng cấp và hiện đại hóa toàn diện của Nga được đánh giá như "ngôi sao" của triển lãm.
Ngoài ra, Nga cũng mang tới triển lãm một số lượng kỷ lục các mẫu xe bọc thép mới, xe chiến đấu yểm trợ tăng BMPT, hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM gắn trên xe thiết giáp Tigr và xe tải bọc thép Ural mới, các mẫu trực thăng chiến đấu và vận tải quân sự... Khách hàng tiềm năng mà Nga muốn nhắm tới là các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn có nhu cầu quốc phòng ngày càng cao.
Theo các nhà tổ chức, hàng trăm hợp đồng với tổng trị giá hàng tỷ USD sẽ được ký trong gần 1 tuần của triển lãm Eurosatory 2012. Trong đó, Nga với phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay đến triển lãm hy vọng các hợp đồng ký tại đây sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu vũ khí năm nay của nước này sẽ vượt mốc 11 tỷ USD của năm 2011.
Theo ANTD
Nga bán cho Indonesia gần 40 xe thiết giáp BMP-3F Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 16/5, đại diện xí nghiệp sản xuất máy kéo chuyên sản xuất xe bộ binh chiến đấu cho biết Rosoboronexport và Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký hợp đồng về việc cung cấp 37 xe bộ binh chiến đấu BMP-3F với giá 114 triệu USD. Xe thiết giáp BMP-3F. (Nguồn: Internet) Báo cáo lưu ý số...