Lương Đình Dũng ra mắt ‘Xẩm Đỏ’ sau 4 năm hoàn thành
Dù hoàn thành từ năm 2012, “Xẩm Đỏ” chưa từng được ra mắt. Đến tháng 9/2016, đạo diễn Lương Đình Dũng mới hoàn thiện sản phẩm và giới thiệu trên thị trường.
Tác phẩm mới hoàn thiện này có 35 phút là phim Xẩm Đỏ, sau đó là 68 phút vừa là phim vừa là tư liệu về những bài hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Giải thích về nhan đề phim, nam đạo diễn sinh năm 1973 cho biết: “Tôi gọi là Xẩm Đỏ vì trong cảm nhận của tôi xẩm là một loại hình nghệ thuật có gam màu nóng. Ngoài ra, tôi muốn gọi Xẩm Đỏ để thể hiện sự báo động cho một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền”.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ảnh: Đạo diễn Lương Đình Dũng cung cấp
Xẩm Đỏ là một bộ phim không lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh không muốn đem lời bình vào phim mà muốn để dành phần đó cho khán giả.
“Mỗi phim có một tính chất khác nhau. Nếu tôi đưa lời bình vào phim này và dùng lời bình dẫn dắt câu chuyện theo ý đồ của mình thì phim có thể dễ xem hơn, nhưng nó sẽ trở nên khiên cưỡng và thiếu đi tính tự nhiên. Tôi muốn khán giả tự cảm nhận và như đang được xem, được nghe, được đối thoại với chính nhân vật” – nam đạo diễn lý giải.
Là một đạo diễn lành nghề, từng quay nhiều phim truyện và quảng cáo, Lương Đình Dũng ước tính, việc quay phim về một nhân vật, không có sự chuyển dịch bối cảnh nhiều sẽ mất cùng lắm một tháng. Không ngờ sự khó khăn trong quá trình thực hiện cùng sự kỹ tính cầu toàn khiến ê-kíp phải đi lại Ninh Bình nhiều lần trong hai năm trời.
Video đang HOT
Nghệ nhân Hà Thị Cầu lúc hợp tác, lúc từ chối, lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên theo căn bệnh tuổi già, có hôm đang hát nửa chừng thì mất giọng. Tuy vậy, Lương Đình Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi bộ phim bởi lòng đam mê xẩm và tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Khi cảnh quay cuối cùng kết thúc, cụ Hà Thị Cầu nắm tay anh bảo: “May mà con làm sớm chứ bây giờ bà sắp không hát được nữa rồi con ạ”. Từ hơn 1200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút, Lương Đình Dũng và cả ê-kíp đã phải đau đầu cân nhắc. Đây là một trong số ít sản phẩm mà anh thực sự hài lòng.
Dù vậy, nhiều khán giả khi xem Xẩm Đỏ bản năm 2012 cảm thấy tiếc vì phim quá ngắn. Chính vì thế, Lương Đình Dũng dựng lại một bản phim khác dài hơn để người xem có thể nghe nhiều hơn những bài hát của “báu vật làng xẩm” – người được mệnh danh là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu và đạo diễn Lương Đình Dũng. Ảnh: NVCC
Giải thích về việc chậm trễ ra mắt sản phẩm, Lương Đình Dũng cho biết: “Tôi chưa hề có ý định ra mắt nhưng tôi thấy buồn vì cho đến giờ vẫn chưa có cơ quan văn hoá nào hỏi về phim của cụ. Nó không phải là cá nhân mà nó là một môn nghệ thuật tuyệt vời đậm chất Việt, nó có tính giáo dục cao. Và ít ra Xẩm Đỏ cũng là những tư liệu quý về môn nghệ thuật này”.
Lương Đình Dũng tâm sự anh sẵn sàng chịu lỗ để gửi một sản phẩm tâm huyết của mình tới mọi người – đặc biệt là những người yêu xẩm.
“Tôi quyết định mang Xẩm Đỏ đến với công chúng do có một nhóm các nghệ nhân yêu xẩm rất trẻ đến gặp tôi và muốn được tiếp cận tư liệu này về để học. Họ hát cho tôi nghe, tôi thấy cảm động. Đó là lý do tôi hoàn thiện sản phẩm này và ra mắt” – đạo diễn sinh năm 1973 chia sẻ.
Theo Zing
Hạn chế bolero để đưa tuồng, chèo, cải lương vào Nhà hát Lớn
Nhà hát Lớn sẽ hạn chế các đêm nhạc bolero, ca nhạc tạp kỹ, các lễ kỷ niệm để ưu tiên không gian vẫn được coi là "thánh đường" cho nghệ thuật truyền thống và tác phẩm đỉnh cao.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định gửi đến 12 nhà hát nghệ thuật thuộc bộ, bao gồm Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Tuổi trẻ và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Theo đó, các nhà hát sẽ luân phiên đưa các tác phẩm xuất sắc của đơn vị mình vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Chủ trương được đưa ra nhằm mục đích bảo tồn nghệ thuật truyền thống và sau đó là xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Trong hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng toàn ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh: "Chúng ta đang chạy theo những sự vụ, công việc thường nhật mà sao nhãng một nhiệm vụ cần thiết là bên cạnh việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống, phát triển nghệ thuật đỉnh cao... Tuồng, chèo, cải lương mà không được quan tâm đầu tư rồi sẽ mất hết, các nhà hát sẽ phải đóng cửa, không còn nghệ sĩ tâm huyết và cũng chẳng có người mua vé xem. Không ai khác có thể làm thay chúng ta những nhiệm vụ này".
Ngọc Sơn hát trong Tuyệt phẩm Bolero diễn ra vào tối ngày 5/6 tại Nhà hát Lớn. Ảnh: HBN
Song song với chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện ban quản lý Nhà hát Lớn cũng cho biết nhà hát sẽ hạn chế các đêm nhạc bolero, ca nhạc tạp kỹ, các lễ kỷ niệm, hội họp, văn nghệ quần chúng trong thời gian tới. Trước đó, Nhà hát Lớn, với vị trí đắc địa giữa trung tâm thủ đô vẫn được xem là một "nhà sự kiện", nơi diễn ra nhiều chương trình, sự kiện khác nhau, trong đó không ít chương trình không xứng với công năng và đẳng cấp của kiến trúc công trình.
Chủ trương ưu tiên khai thác Nhà hát Lớn Hà Nội làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giới nghệ thuật đón nhận và ủng hộ. Trao đổi với Zing.vn, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết: "Với nghệ sĩ, Nhà hát Lớn vẫn được xem là thánh đường nghệ thuật, không gian vô cùng thiêng liêng, thậm chí nhiều nhạc sĩ chỉ mong muốn được một lần trong đời tổ chức đêm nhạc riêng tại đây. Thế nên, việc Bộ có quyết định ưu tiên các chương trình nghệ thuật chất lượng, nghệ thuật truyền thống, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn là quyết định đáng mừng".
"Tuy nhiên chúng ta cũng phải khoanh vùng khái niệm đỉnh cao, đỉnh cao của thế giới hay của Việt Nam. Khi xác định được khái niệm đỉnh cao, sẽ xác định được những tác phẩm đỉnh cao. Nếu các tác phẩm đỉnh cao vừa theo tiêu chí thế giới và Việt Nam thì cũng cần nhìn nhận bolero không phải là không có giá trị với âm nhạc Việt Nam. Dòng nhạc này vừa mang yếu tố âm nhạc phương Tây vừa mang nét âm nhạc dân gian Nam bộ bên trong đó, phù hợp với tình cảm của người Việt Nam" - nhạc sĩ cho biết thêm.
Hiện tại, các tác phẩm chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn thường được biểu diễn ở địa chỉ quen thuộc là Nhà hát Kim Mã. Ảnh: Quang Đức
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo chia sẻ hiện tại anh em nhà hát đang hồ hởi tập luyện để chuẩn bị bước vào thánh đường nghệ thuật. Còn nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, trưởng nhóm Xẩm Hà thành thì tâm sự: "Tôi luôn muốn nghệ thuật xẩm phải được hát ở Nhà hát Lớn - nơi được coi là thánh đường nghệ thuật của Hà Nội và Xẩm Hà Thành đã làm được điều này qua 2 chương trình được tổ chức trước đây".
"Tôi từng hát phục vụ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tại Phủ Chủ tịch và tôi sẽ còn nỗ lực hơn nữa để xẩm thực sự trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu trong cuộc sống đương đại." - học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu chia sẻ thêm.
Trước những nghi ngại về việc thực hiện chủ trương đã công bố, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết sẽ hỗ trợ kinh phí để Nhà hát Lớn miễn phí tiền thuê cho 100 buổi biểu diễn của 12 nhà hát thuộc Bộ. Nhà hát cũng sẽ lựa chọn các chương trình thuê điểm biểu diễn chặt chẽ hơn nhằm giữ gìn hình ảnh, thương hiệu; triển khai thành lập phòng truyền thông lo công tác tuyên truyền, bán vé để có thêm nguồn thu; hợp tác với các nhà hát, đoàn nghệ thuật của Bộ để xây dựng kế hoạch tiếp thị, quảng bá, giới thiệu chương trình.
Theo Zing
Trần Hạnh đóng ông lão trộm gà nấu cháo cho cháu ung thư Đạo diễn Lương Đình Dũng tiết lộ cảnh ông lão trộm gà để nấu cháo cho cháu bị ung thư máu do NSƯT Trần Hạnh thủ vai là một trong những cảnh xúc động của bộ phim "Cha cõng con". Tác giả Xẩm đỏ cho biết sau một thời gian dài thực hiện, tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh đã dựng...