Lương Bộ trưởng tính cả phụ cấp cũng khó sống
Theo báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết mức lương cơ sở hiện hành của Bộ trưởng đã tính cả phụ cấp chức vụ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (Ảnh: nguồn Internet).
Lương Bộ trưởng cũng khó sống
Cụ thể, trong báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề cập tới chính sách tiền lương cho biết, từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở).
Sau 3 lần điều chỉnh tăng, mức lương tăng thêm 57,5%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12/2014 so với tháng 12/2010 do Tổng cục Thống kê công bố là 36,3%.
Tuy nhiên, mức lương cơ sở hiện hành là 1,15 triệu đồng/tháng (thực hiện từ ngày 1/7/2013) mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng).
Lương cơ sở quá thấp dẫn đến mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước rất lớn, khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an.
Video đang HOT
“Đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn” – báo cáo của bộ trưởng nhận định.
Đồng thời Bộ trưởng Nội vụ cũng chỉ ra bất hợp lý giữa các ngành nghề bởi mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề.
Để giải quyết thực trạng bất cập về mức lương nói trên, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ tiến tới dần dần điều chỉnh mức lương tối thiểu trong khu vực đối tượng hưởng lương từ ngân sách có thể đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương phù hợp với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và khả năng của nền kinh tế.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ rà soát, xác định rõ ngành nghề đặc thù để hoàn thiện chế độ phụ cấp đảm bảo công bằng, hợp lý.
Vì sao lạm phát cấp phó?
Lý giải nguyên nhân tăng số lượng Thứ trưởng và tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ trưởng Nội vụ cho biết từ đầu nhiệm kỳ, số Thứ trưởng và tương đương trong tổng số các Bộ, cơ quan ngang Bộ không tăng mà giảm 1.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị vừa qua đã điều động 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, cơ quan ngang Bộ giữ chức Thứ trưởng và tương đương. Do đó số lượng Thứ trưởng và tương đương trong các Bộ, ngành của Chính phủ tăng 3 so với đầu nhiệm kỳ.
Đối với việc tăng số lượng Phó Giám đốc Sở và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do nguyên nhân khách quan từ việc sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.
May A
Theo_Người Đưa Tin
Tiền đâu để liên tục nâng cấp thành phố, lập mới huyện thị?
Liên tiếp những phiên họp gần đây, UB Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc lập, nâng cấp lên thành phố, mở rộng thị xã, lập mới phường... ở nhiều địa phương. Các ủy viên Thường vụ Quốc hội, dù đồng ý, vẫn không khỏi lo lắng về câu hỏi "tiền đâu".
Ngày 14/5, trong khuôn khổ phiên họp thứ 38, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 6 đề án điều chỉnh địa giới hành chính thuộc 6 tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thái Nguyên, Bạc Liêu.
Cụ thể, đó là các đề án đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đề án thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, ở các phiên họp tháng 3 và tháng 4, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã liên tiếp bàn thảo và biểu quyết các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính của nhiều địa phương như quyết định thành lập thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn), lập thị xã Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh, lập thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, lâp huyên mơi Ia H'Drai thuôc tinh Kon Tum...
Khi đó, UB Thường vụ Quốc hội đã đặt câu hỏi về những khoản đầu tư lên tới con số "nghìn tỷ" để nâng cấp, lập mới này, ví như số 6.500 tỷ đồng rót cho thị xã Bắc Kạn để lên thành phố.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: "Không tăng thêm biên chế khi điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh".
Lần này, báo cáo của nhóm nghiên cứu và một số thành viên UB Pháp luật của Quốc hội yêu cầu làm rõ tính khả thi của việc huy động vốn đầu tư của 6 tỉnh nói trên với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng.
Trong đó, như ở tỉnh Thanh Hóa, dù đã xin điều chỉnh vốn đầu tư cho việc mở rộng thị xã Sầm Sơn giai đoạn 2016-2020 từ mức 31.000 tỷ đồng xuống còn 10.000 tỷ đồng thì tổng nhu cầu vốn đầu tư của 6 tỉnh cần khoảng 26.000 tỷ đồng.
Để Thái Nguyên có thêm một thành phố nữa là thành phố Sông Công thì dự kiến cũng cần khoản vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình còn lưu ý thêm, đây cũng mới là mức dự toán (kế hoạch huy động vốn) của các địa phương. Trên thực tế việc huy động vốn đầu tư ở các địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, sự phát triển kinh tế - xã hội và chính sách thu hút đầu tư ở các địa phương giai đoạn 2016-2020.
Trong cơ cấu vốn đầu tư, nguồn vốn ngân sách Trung ương chủ yếu là vốn hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh hằng năm để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu theo các quyết định của Thủ tướng. Vốn ngân sách địa phương chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị và chỉnh trang trụ sở làm việc theo kế hoạch đầu tư công hàng năm của tỉnh. Vốn từ doanh nghiệp chủ yếu đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Còn vốn từ nhân dân (Nhà nước và nhân dân cùng làm) để xây dựng các công trình dân sinh ở nông thôn và chỉnh trang đô thị.
Dù Bộ trưởng Nội vụ khẳng định sẽ không tăng biên chế khi điều chỉnh địa giới hành chính nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn vẫn lo chi phí trả lương sẽ tăng. Ngoài ra còn khoản đầu tư để xây trụ sở mới. Và việc ông Sơn nghi ngại hơn cả là sẽ còn nhiều lần trình, xét điều chỉnh địa giới hành chính tương tự trong thời gian tới đây.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng chung lo lắng về vốn đầu tư: "Sau khi thành lập các đơn vị hành chính mới thì không thể để các trụ sở cơ quan mới nhếch nhác được nhưng như vậy thì cần số lượng tiền rất lớn, với số lượng này thì không hiểu lấy nguồn lực ở đâu?".
Ông Hiển nhận xét, đề án Bộ trưởng Nội vụ trình chưa làm rõ được việc huy động tiền ở đâu, bao nhiêu thuộc ngân sách Trung ương, bao nhiêu của địa phương và chia sẻ sự áy náy, lo ngại khi "gật đầu" đồng ý thông qua đề xuất của Chính phủ.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Nội vụ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu quả quyết có thể "hoàn toàn yên tâm" về nguồn vốn trung ương rót cho 6 địa phương trong các đề án này.
"Trong 26.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư của 6 tỉnh nói trên thì tiền từ ngân sách trung ương chỉ có 1.700 tỷ đồng, còn phần chính thuộc về ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Khoản 1.700 tỷ đồng, Trung ương hoàn toàn có thể cân đối được trong 5 năm tới. Các dự án đều có tên có tuổi cụ thể và có rất nhiều dự án đang đầu tư dở dang thì sẽ tiếp tục đầu tư. Chúng tôi đã tính toán tất cả các tỉnh thì đều còn dư địa bố trí để đầu tư mới, nếu sắp các dự án này vào kế hoạch trung hạn thì hoàn toàn khả thi" - ông Thu giải thích.
P.Thảo
Theo Dantri
Rang mình ở "chảo lửa" Đông Dương Cửa Rào thuộc huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An là nơi có nền nhiệt được xác định là cao nhất 3 nước Đông Dương Lào, Việt Nam, Campuchia. Mỗi mùa hè, đây được ví như một "chảo lửa khổng lồ" với cái nắng nóng đến ngạt thở. Cửa Rào thuộc huyện miền núi Tương Dương - Nghệ An, mỗi mùa nắng nóng...