Lương bình quân của ngân hàng nào cao nhất năm 2013?
Nợ xấu tăng cao buộc ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro là một trong những nguyên nhân khiến thu nhập của nhân viên sụt giảm khá nhiều. Năm 2013, thu nhập cao nhất trong hệ thống ngân hàng thuộc về nhân viên Vietinbank, với gần 20 triệu đồng/tháng.
Thu nhập nhân viên ngân hàng sụt giảm mạnh (ảnh minh họa).
Các ngân hàng Việt Nam đang trong mùa đại hội cổ đông. Do đó, báo cáo tài chính do các ngân hàng công bố đã cho thấy những dữ liệu về thu nhập nhân viên ngân hàng trong năm 2013 khá rõ nét.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2013 của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên ở mức 19,67 triệu đồng/tháng, giảm so với mức 20,22 triệu đồng/tháng của năm 2012. Số nhân sự tăng mạnh nhưng quỹ lương lại không được mở rộng nhiều khiến thu nhập bình quân của nhân viên Vietinbank giảm nhẹ, bởi chưa kể 7 công ty con, số nhân viên tại Vietinbank tính đến cuối kỳ tăng 720 người (khoảng 4%) so với năm 2012.
Hiện Vietinbank là ngân hàng có số lượng nhân viên lớn nhất trong toàn hệ thống, với hơn 19.0000 người. Và cũng trong vài năm trở lại đây, Vietinbank luôn là nhà băng trả thu nhập bình quân cho nhân viên dẫn đầu hệ thống, từng đạt mức 20,3 triệu đồng trong năm 2012.
Quý III/2013, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) “soán ngôi” Vietinbank để trở thành nhà băng trả lương, thưởng cao nhất thị trường thời điểm đó. Tuy nhiên, trong quý IV/2013, mức lương dẫn đầu tại ngân hàng này không được duy trì. Tính bình quân, thu nhập của nhân viên MB đạt hơn 17,5 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ so với mức 17,46 triệu đồng của năm 2012. Năm 2013, tổng số nhân viên của ngân hàng này tăng thêm gần 500 người so với kỳ trước, lên 6.024 người.
Đứng thứ 3 về thu nhập ngành nhân hàng trong năm 2013 là nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Năm 2013, Vietcombank có tổng số tiền chi cho nguồn lương nhân viên lên tới 2.873 tỷ đồng, mỗi nhân viên Vietcombank bình quân nhận 17,27 triệu đồng/tháng, cao hơn mức 16,61 triệu đồng/tháng của năm 2012. Nhân viên của Vietcombank vào cuối năm 2013 là 13.860 người sau khi tăng thêm 200 người.
Nói về thu nhập nhân viên ngân hàng không thể không kể đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013 của ngân hàng này, số lượng nhân viên tại thời điểm cuối năm là 18.231 người. BIDV là đơn vị có số lượng nhân viên nhiều thứ 3 trong hệ thống các ngân hàng, sau Agribank và VietinBank.
Chi cho nhân viên trong năm 2013 của BIDV là 4.055 tỷ đồng, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí hoạt động. Với số lượng nhân viên bình quân là 18.388 người, trung bình, BIDV chi cho nhân viên 18,54 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng khoản lương và phụ cấp, tức là khoản người lao động được nhận, nhân viên BIDV có thu nhập bình quân 16,48 triệu đồng/người/tháng.
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam ( Techcombank), thu nhập bình quân đầu người của ngân hàng này trong năm 2013 là 16 triệu đồng/tháng, giữ nguyên so với năm 2012. Trong đó, tiền lương bình quân là 13 triệu đồng/tháng. Tính chung cả năm, thu nhập của 1 nhân viên là 192 triệu đồng.
Video đang HOT
Tổng số cán bộ nhân viên của ngân hàng mẹ Techcombank tại thời điểm 31/12/2013 là 6.938 người, hầu như không thay đổi so với con số cuối năm 2012. Tuy vậy, số lượng nhân viên bình quân năm giảm hơn 4%, từ hơn 7.200 xuống còn còn hơn 6.900 người.Tính chung cả năm, chi phí dành cho nhân viên là hơn 1.300 tỷ đồng.
Cùng với xu hướng chung, số lượng nhân viên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank) tăng 300 người lên 11.662 người, thế nhưng, thu nhập bình quân đầu người của ngân hàng này trong năm 2013 là 15,45 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1 triệu so với mức 14,36 triệu đồng/tháng của năm 2012.
Trong đó, tiền lương bình quân là 13,56 triệu đồng/tháng, còn lại là tiền thưởng. Tính chung cả năm, thu nhập của 1 nhân viên Sacombank là 185,3 triệu đồng. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.960 tỷ đồng, gần tương đương với ngân hàng MB, đạt 3.014 tỷ đồng.
Năm 2013 – năm đầu tiên SHB biết lãi kể từ khi nhận sáp nhập Habubank. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013 cho thấy, với mức lãi sau thuế của SHB giảm 78,5% so với cùng kỳ, đạt 217,1 tỷ đồng. Qua đó nâng lãi cả năm lên 757,4 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so mức lỗ 95,5 tỷ đồng năm 2012. Trung bình trong quý IV/2013, lương nhân viên ngân hàng ở mức 12,5 triệu đồng/tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritimebank) – ngân hàng sắp nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Mê Kông – vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho Đại hội cổ đông 2014 tổ chức ngày 19/4 tới. Theo đó, năm 2013, số nhân viên của Maritime Bank đã giảm từ 4.879 người năm 2012 xuống còn 3.536 người, tương đương giảm tới 1.343 người. Thu nhập bình quân của người lao động ngân hàng trong năm 2013 là 11 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy, thu nhập của nhân viên ngân hàng dù có cao hơn các lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng đã có sự sụt giảm đáng kể so với năm 2012. Có thể điểm qua tình hình thu nhập của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) để thấy rõ điều này.
Trong đó, thu nhập bình quân của nhân viên ACB giảm 9%, từ 14 triệu đồng/người/tháng xuống còn 12,75 triệu đồng/người/tháng, tương đương 153 triệu đồng/người/năm. Năm 2013, ACB tiết kiệm được 310 tỷ đồng từ cắt giảm lương và giảm hơn 1.100 nhân sự. Tính chung cả ngân hàng mẹ ACB và các công ty con, mức thu nhập bình quân cao hơn, đạt 155 triệu đồng/người/năm.
Tại Eximbank, thu nhập bình quân mỗi nhân viên trong năm 2013 còn gần 14 triệu đồng/tháng, dù trước đó là 17,38 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập cho nhân viên Eximbank trong năm 2013 là 950 tỷ đồng, trong đó tiền thưởng chiếm 72 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Tại NVB, thu nhập bình quân của nhân viên giảm từ 11 triệu đồng/tháng xuống còn 9,17 triệu đồng/tháng. Năm 2013, NVB không có tiền thưởng cho nhân viên…
Với những con số trên có thể thấy, thu nhập nhân viên ngân hàng đã có sự sụt giảm khá mạnh so với thời điểm “hoàng kim” trước đó. Đặc biệt, các con số thu nhập bình quân nêu trên được tính cho tất cả các vị trí trong ngân hàng, nên thu nhập thực tế của phần đông nhân viên có thể không đạt được như vậy.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Hợp tác để quản lý tài nguyên nước trên dòng Mê Công
Mê Công là dòng sông chảy qua nhiều quốc gia. Nếu không làm việc trên tinh thần hợp tác thì hành động của quốc gia này sẽ gây tác động bất lợi cho quốc gia khác. Do đó, các nhà khoa học khẳng định cần hợp tác để quản lý tài nguyên nước Mê Công.
Vấn đề sống còn
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị quốc tế khởi động cho Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường bày tỏ quan ngại về các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh, các dự án thủy lợi và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản... trên sông Mê Công. Ông cho hoạt động trên tuy tạo ra lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chất lượng nước.
Đặc biệt là thủy điện đang được phát triển hàng loạt trên dòng Mê Công đang khiến các nhà khoa học tham dự hội nghị lo ngại. Hiện các thủy điện trên sông Mê Công được phát triển chủ yếu ở lãnh thổ Lào, Campuchia và biên giới Lào - Thái Lan.
Lưu vực hạ lưu sông Mê Công sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề nếu phát triển mạnh thủy điện trên dòng sông này (ảnh: Quốc Long)
Theo TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam, việc phát triển thủy điện trên dòng Mê Công có thể gây ra 2 hệ lụy chính có ảnh hưởng đến Việt Nam. Thứ nhất là làm biến đổi dòng chảy của sông, gây hại cho hệ sinh thái. Thứ 2 là nước về hạ lưu sẽ không còn chở nặng phù sa và hạ lưu sẽ không có phù sa bồi đắp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì tốc độ ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhanh hơn.
Phát biểu trong phiên khai mạc, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Công quốc tế nêu ra nhiều thách thức đối với sự phát triển khu vực liên quan đến vấn đề năng lượng, nguồn nước và lương thực. Ông Benedito Braga, Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới cũng cho biến đổi khí hậu có nhiều tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông, gây ảnh hưởng xấu đến các vấn đề kinh tế, xã hội trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Thái Lai, với nền kinh tế và dân số phát triển nhanh như Việt Nam, viêc đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực là vân đê sông con đôi vơi nước ta. Thách thức ở đây không chỉ là sản xuất lương thực ở đồng bằng Mê Công khó khăn do biến đổi khí hậu, thách thức còn đến từ việc khai thác thủy điện trên dòng sông này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các nước trong khu vực.
Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhìn nhận việc hợp tác trong lưu vực sông Mê Công là rất quan trọng
Hợp tác để cùng phát triển
Theo Ủy hội sông Mê Công quốc tế, hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công do 4 nước thuộc hạ lưu sông Mê Công (Campuchia, Lào, Thái lan và Việt Nam) ký năm 1995 là cơ sở pháp lý cơ bản thành lập Uỷ hội sông Mê Công. Theo hiệp định, 4 nước cam kết: "...hợp tác trong mọi lĩnh vực phát triển, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và liên quan tới nước lưu vực sông Mê Công". Sự hợp tác này "nhằm mục đích sử dụng tổng hợp tối ưu và cùng có lợi cho cả 4 nước thành viên và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi do tác động tự nhiên và hoạt động của con người".
Do vậy, ông Nguyễn Thái Lai kỳ vọng hội nghị cấp cao lần thứ 2 sẽ tập trung ứng phó, giải quyết các thách thức đối với lưu vực sông Mê Công. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần tiếp tục thực hiện các cam kết hợp tác mà 4 nước thành viên của Ủy hội đã đạt được tại các hội nghị, hiệp định trước đây.
Trong bài tham luận của mình, ông Anoulak Kittikhoun, thành viên Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công cũng nhấn mạnh các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công cần phải ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, xây dựng những lợi ích chung, những dự án hợp tác chung trong phạm vi 2 nước hoặc nhiều nước. Từ đó, các bên mới có thể tạo nên sự hợp tác và chia sẻ lợi ích chung từ nguồn nước dòng Mê Công.
Ông Anoulak Kittikhoun đề nghị các nước cần ngồi lại với nhau trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung
Ông Fritz Holzwarth, Bộ Môi trường - Bảo tồn thiên nhiên - Xây dựng & An toàn hạt nhân Đức đánh giá khu vực sông Mê Công là một điển hình của quan hệ xuyên biên giới. do đó, các nước cần nhìn nhận các vấn đề liên quan đến nó dưới góc nhìn của quan hệ xuyên quốc gia. Nếu không làm việc trên tinh thần hợp tác thì hành động của quốc gia này sẽ gây tác động bất lợi cho quốc gia khác. Nếu ai cũng tự làm theo ý mình thì đến các nước giàu có cũng sẽ gặp khó khăn.
Tại hội nghị An ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các nhà khoa học quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm nhiều mô hình quản lý, hợp tác khai thác những dòng sông xuyên biên giới như lưu vực sông Danube, Orange Senqu, Senegal, Sava, Nin... Các nhà khoa học đều nhấn mạnh đến mối liên kết giữa nước và năng lượng, lương thực cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác để cùng phát triển.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Thanh tra đột xuất dự án giao thông tiểu vùng Mê kông mở rộng Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố quyết định thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu HW217-11-1 thuộc dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê kông mở rộng phía Bắc thứ 2. Gói thầu này được cho là có vấn đề. Trước đó, đã có thông tin nghi vấn rằng gói thầu HW217-11-1...