“Lương 10 triệu mà khoán 30 triệu thì không thuyết phục”
Cho rằng, việc khoán sử dụng tài sản Nhà nước ( xe công, nhà công vụ, điện thoại…) có thể thí điểm một số nơi song đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên tách bạch tiền khoán này khỏi lương. Để giải quyết triệt để những bất cập trong sử dụng tài sản công cần phải cải cách chế độ tiền lương. Không thể tiền khoán mà lại gấp mấy lần tiền lương!
Như đã đưa tin, theo dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay (31/10), quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.
Trong đó, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác.
Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điên thoai công vu tai nha riêng, điên thoai di đông và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí và một số báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay về nội dung trên.
Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (ảnh: Bích Diệp)
Trong dự thảo Luật có quy định về khoán kinh phí sử dụng tài sản công.Theo ông, cần phải làm gì để cơ chế khoán có tác dụng thật sự chứ không chỉ là “trên giấy”?
- Theo tôi, việc khoán sử dụng tài sản công nên đặt trong một dự án Luật khác rộng hơn. Tôi ví dụ, lương của anh 10 triệu trong khi chi phí cho công việc lên tới 30 triệu đồng, nếu khoán 30 triệu này thì thành ra bây giờ lộ ra chi phí gấp 3 lần lương! Như thế có hợp lý hay không?
Cho nên phải tính toán lại. Một số quốc gia có quy định, trong chi phí lương để sử dụng cho cá nhân đã bao gồm phần dành cho đi lại, học hành… Những chi phí đó được đưa vào lương. Nếu tách ra lương và chi phí đi lại như thế này thì sẽ có một số điểm không hợp lý.
Tôi cho rằng, việc khoán có thể thí điểm bước đầu, nhưng về cơ bản, cơ chế này phải đặt trong cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức. Cái gì đưa vào lương? Cái gì còn lại là Nhà nước phải chi? Phải tách bạch rõ ràng, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều này.
Ông nhận định như thế này về tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công (xe công, nhà công vụ…) thời gian qua?
- Như tôi đã nói ở trên, do chưa tách bạch được chi phí nên có tình trạng một số chi phí từ nguồn ngân sách, một số tài sản công vừa qua lại được sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ngược lại, cũng có một số người phải sử dụng một phần lương của mình để trang trải cho công việc.
Do đó, để giải quyết cơ bản chi phí cho các cá nhân là cán bộ công chức thì phải giải quyết đồng bộ với cơ cấu tiền lương, thu nhập cho hợp lý.
Video đang HOT
Khi đã giải quyết được “phần gốc” này thì sẽ trả lời được những câu hỏi như cán bộ đi làm bằng phương tiện gì, điện thoại sử dụng thế nào, nhà ở ra sao…
Khi chi trả tất cả vào lương thì anh đi thuê nhà như thế nào đó là việc của anh, dùng 100m2 hay 50m2 là quyền cá nhân anh. Lúc đó, không có vấn đề nhà công vụ, cũng không có xe công vụ. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng, công chức… đều có xe riêng, nếu không thì đi bus, tàu điện ngầm, đi các phương tiện công cộng khác. Trong cơ cấu tiền lương đã tính đến tất cả các chi phí đó rồi.
Giải quyết được vấn đề tiền lương trên cơ sở như vậy thì mới hợp lý. Chứ bây giờ lương 10 triệu mà khoán chi phí đến mấy chục triệu, gấp mấy lần lương thì rõ ràng khó giải thích, nhân dân nghe cũng không thể nào chấp nhận được!
Vậy theo ông cần quy định cụ thể vấn đề này trong luật như thế nào?
- Theo tôi, không nên tách chi phí công ra khỏi lương vì tôi nghĩ sẽ không làm được chuyện đó! Nếu khoán thì khoán đến mức độ nào, cấp nào, đến Thứ trưởng hay Bộ trưởng, hay là Phó Thủ tướng? Rồi các cán bộ Đảng thì khoán ra sao?
Có thể thí điểm trước ở một số trường hợp, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải có giải pháp tổng thể, đi từ vấn đề thu nhập, tiền lương của cán bộ, công chức.
Cá nhân ông có cảm nhận, suy nghĩ gì khi vừa qua Thủ tướng đã làm gương trong việc đi công tác nước ngoài bằng máy bay thương mại?
- Tôi rất hoan nghênh việc này. Trong một số giai đoạn, một số lãnh đạo đã bớt việc sử dụng chuyên cơ để giảm lãng phí.
Điều đó không những giảm lãng phí mà nhân dân nhìn vào cũng rất hoan nghênh, rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân, lãnh đạo trở nên gần gũi, hòa đồng hơn. Không ít lãnh đạo trên thế giới cũng làm như vậy, cũng đi bộ, đi xe đạp, cũng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Tuy vậy, điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với những ngành dịch vụ công là phải làm sao đảm bảo được an toàn cho các lãnh đạo cấp cao, đồng nghĩa với việc đảm bảo tốt hơn an toàn cho nhân dân.
Tôi nhận thấy, việc làm của Thủ tướng là rất đáng ủng hộ và hoan nghênh!
Nhìn chung về dự luật đang được Chính phủ trình Quốc hội lần này, ông có có đánh giá như thế nào?
- Chúng ta đã có Luật quản lý tài sản Nhà nước nhưng chưa đầy đủ cho nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung vào dự luật lần này. Đây là một hướng đi đúng đắn, nhất là trước tình hình sử dụng tài sản công vừa qua rất lãng phí, nhiều trường hợp có hiện tượng tham nhũng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, đây là một luật rất khó, càng khó hơn khi Việt Nam có một số yếu tố đặc thù không giống các nước khác nên chúng ta cũng không thể sao chép mà phải có những giải pháp riêng.
Tôi lấy ví dụ, ở Việt Nam có khái niệm “tài sản sở hữu toàn dân” do Nhà nước quản lý, trong đó, phần lớn tài nguyên quốc gia do Nhà nước quản lý. Trong tài sản Nhà nước có khu vực kinh tế Nhà nước quy mô rất lớn. Từ đó đặt ra cho dự luật này có những điểm rất phức tạp.
Để luật này đạt được các yêu cầu đề ra, qua nghiên cứu dự thảo tôi cho là còn phải sửa đổi và bổ sung nhiều bởi dự luật có những điểm mới nhưng chưa hoàn thiện. Tôi sẽ góp ý cụ thể hơn tại các phiên họp tới.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp
Theo Dantri
Không chỉ xe công, sắp tới khoán cả điện thoại, nhà công vụ!
Theo quy định tại dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên, chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác. Ngoài ô tô công, còn khoán nhà công vụ, điên thoai công vu tai nha riêng, điên thoai di đông và các tài sản khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Quochoi.vn)
Gây thiệt hại phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế
Thay mặt Chính phủ, sáng nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo đó, quy định tại dự thảo về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.
Cụ thể, mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.
Riêng việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điên thoai công vu tai nha riêng, điên thoai di đông và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
"Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác", dự thảo Luật nêu rõ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước.
"Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", theo dự thảo.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tài sản Nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN), tổng giá trị TSNN đến 31/7/2016 là 1.040.451,98 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng). Trong đó, tại các cơ quan nhà nước là hơn 281.000 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp hơn 718.500 tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37.600 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án gần 3.200 tỷ đồng.
Toàn cảnh hội trường Quốc hội (Ảnh: Hoàng Long)
Luât Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác như: tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác. Điều này làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao.
Vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra. Luật hiện hành cũng chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng tuy nhiên "công tác quản lý lại bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm".
Tài sản công có giá trị rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân".
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn.
Bích Diệp
Theo Dantri
Khoán xe đưa đón Thứ trưởng tại nhà: Chưa giảm đầu xe, chưa mấy tiết kiệm! "Chỉ dừng ở việc khoán xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, tính giá 15.000 đ/km thì cũng tương đương mức chi phí dùng xe công phục vụ, mỗi Thứ trưởng vẫn cần một đầu xe... đợi sẵn, chưa thể giảm số lượng xe, người lái..." - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói. Tổng Thư ký Quốc hội...