Lươn “đáp” phi cơ xuất ngoại
Không chỉ tìm cách bắt lươn từ ngư trường Hoàng Sa, anh Ngộ còn xuất lươn sống tới những thị trường khó tính nhất bằng đường hàng không.
Anh Thái Vinh Ngộ (35 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được ngư dân Đà Nẵng gọi là Ngộ “liều” vì đóng thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa câu lươn – nghề mà trước nay ngư dân miền Trung nào cũng lắc đầu vì sợ rủi ro. Đã vậy, anh Ngộ còn xuất lươn sống tới những thị trường khó tính nhất bằng đường hàng không.
Lươn biển được nuôi sống để xuất khẩu.
Bỏ tiền tỷ đóng tàu câu lươn
Những ngày này, anh Ngộ đang tất bật hoàn thiện con tàu vỏ gỗ công suất hơn 1.000CV để chuẩn bị vươn khơi ra Hoàng Sa. Đây là con tàu câu lươn thứ hai của anh, trước đó con tàu đầu tiên được đóng vào đầu năm 2016. Anh Ngộ cho biết, đóng tàu là một quyết định khá mạo hiểm, bởi anh vốn là dân thu mua hải sản, không chuyên đánh bắt.
“Bạn hàng liên tục hỏi tôi về lươn biển, chỉ cần có lươn khỏe, đẹp thì bao nhiêu họ cũng gom. Tôi về thu mua của bà con, nhưng mỗi người đánh bắt một kiểu, rồi không biết chăm để lươn chết hết, đem bán người ta không mua. Có đầu ra cho lươn tốt như vậy mà ngư dân chịu thua thì quá phí, rứa nên tôi quyết tâm vay 8,5 tỷ đồng đóng tàu tự đi câu”, anh cho hay.
Mặc cho nhiều người tỏ ra ái ngại, anh Ngộ không hề nhụt chí. Khi con tàu còn chưa nên hình hài trên đà, anh bôn ba sang Hàn Quốc, cùng lên tàu với ngư dân bên đó lênh đênh trên biển học cách câu lươn.
Hóa ra, loài hải sản nằm sâu dưới đáy biển này cũng dễ dụ vào bẫy nếu biết sở trường của chúng. Chỉ cần cho cá nục vào thùng phi rồi thả xuống biển để khoảng 1 ngày đến 1 tuần tùy ý, lươn sẽ tự động chui vào ăn mồi. Sau đó kéo thùng lên thu lươn. Vừa được học, vừa được thực hành câu lươn trên tàu, anh còn tìm tòi tất cả kinh nghiệm câu lươn từ ngư dân miền Trung, từ sách báo, mạng internet.
Đến khi trang bị đầy đủ kinh nghiệm cho con đường đánh bắt mới lạ này thì chiếc tàu cũng vừa được đóng xong. Anh náo nức lái con tàu vỏ gỗ ra ngư trường Hoàng Sa câu lươn chuyến đầu. Theo lý giải của anh thì Hoàng Sa, Trường Sa là nơi lươn sống nhiều vì mực nước sâu và có cả bãi rạn, và lươn ở càng xa bờ thì càng khỏe mạnh.
Video đang HOT
Chuyến ấy, 13 ngư dân trên tàu háo hức bước vào lối khai thác lươn bài bản, mới lạ. Khi 1.000 chiếc thùng phi kéo lên từ đáy biển Hoàng Sa sau gần một ngày, ai cũng mừng vui, vỡ òa ra vì thùng nào thùng nấy đầy lươn to, khỏe, đều màu. Sau 5 tháng làm quen với nghiệp câu lươn, anh Ngộ cho biết, lợi nhuận không quá cao nhưng luôn đảm bảo thu nhập cho mỗi thuyền viên hơn 10 triệu đồng/chuyến.
Hơn 10 ngày nữa, con tàu câu lươn thứ hai của anh sẽ hạ thủy và tiếp tục thẳng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa hành nghề câu lươn.
Anh Thái Vinh Ngộ đang hoàn thiện phần máy bên trong con tàu khai thác lươn thứ hai.
Qua Nhật, lươn vẫn còn bơi
Ngồi nói chuyện với chúng tôi, điện thoại của vợ chồng anh réo liên tục vì các đầu mối thu lươn ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản thúc hàng. Ba thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính. Họ đòi hỏi lươn khi sang tận nơi vẫn còn sống, bơi khỏe, đều màu và an toàn sau kiểm dịch, khi ấy mới trả tiền. Còn lươn chẳng may bị chết thì anh Ngộ chẳng những không có đồng nào mà còn phải đóng phí môi trường phục vụ việc tiêu hủy.
Anh ví việc duy trì mạng sống cho lươn thần tốc hệt như đội quân cấp cứu. Lươn vừa lôi lên khỏi biển phải lập tức thả vào “hồ” nuôi trên tàu rồi điều chỉnh các thông số muối, oxy, nhiệt độ phù hợp. Khi cập bờ, tại bến đã có một đội quân gần 10 người đứng chờ sẵn tức tốc thay nước, chuyển lươn về nhà cho vào hồ được trang bị các thiết bị hỗ trợ môi trường nước, nhiệt độ.
Đến lúc xuất hàng bằng máy bay qua nước khác, số lươn này phải nằm tại sân bay nơi đến 15 ngày để chờ kiểm dịch. Sau thời gian ấy các đầu mối thu gom mới tới nhận hàng. Không chỉ đòi lươn sống, người mua nước ngoài còn đòi hỏi lươn phải đều màu, trọng lượng từ 200g trở lên mới mua.
“Họ khó tính vậy nhưng họ rất quý nguồn hải sản của mình, miễn đảm bảo chất lượng thì bao nhiêu cũng mua. Mình rất tự hào vì nguồn hải sản của nước mình được ra thế giới và được coi trọng”, anh Ngộ nói.
Trong 3 thị trường nước ngoài này, Hàn Quốc thu mua tới 50% số lươn đánh bắt được, Nhật Bản 30% và Đài Loan 20%. Theo anh Ngộ, sắp tới đây, con tàu câu lươn thứ hai của anh đạp sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa, chắc rằng sản lượng lươn thu về sẽ cung cấp thoải mái cho ba thị trường này. Và có thể lươn biển miền Trung sẽ đi máy bay sang thêm nhiều nước khác nữa.
Hiện tại, số ngư dân phục vụ tàu câu lươn của anh đã hơn 30 người, trong đó 26 ngư dân trên tàu và 8 người trên bờ. Cộng thêm gần 20 người dự bị. Họ đều có thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng.
Ngư dân Phạm Minh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Có công ăn việc làm cho bà con thì mừng, nhưng tôi muốn ngư dân phải thay đổi tập quán đánh bắt, không càn quét bất kể lươn lớn bé. Tôi nói với ngư dân nếu chịu cam kết không đánh bắt kiểu tận diệt thì sẽ bày cách câu và nuôi sống lươn để được xuất ra nước ngoài”.
Sẽ đóng thêm tàu thứ 3 “Hai con tàu đầu tiên này tôi đóng bằng số tiền vay ngân hàng, với mức lãi suất 9%. Nếu được hỗ trợ vay vốn, tôi sẽ đóng thêm một con tàu nữa phục vụ việc tiếp tế và vận chuyển lươn”, anh Ngộ bày tỏ mong muốn.
Theo Thanh Trần (Báo Tiền Phong)
Niềm vui trên chợ cá Cồn Gò
Tờ mờ sáng, những chiếc tàu, thuyền thi nhau cập bến Cồn Gò - Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên). Bến cá lại rộn rã những âm thanh náo nức, nụ cười tươi vui...
Chưa nhìn rõ mặt người nhưng chợ cá Cồn Gò đã xôn xao trong tiếng nói, cười, gọi nhau. Những người đi "ngước" biển đã đứng đợi sẵn ở đấy để đón những con tàu, thuyền sau bao ngày bám biển trở về cập bến. Họ, người nhà có, người buôn có và có cả người đi chợ cá.
Hết trở vào rồi trở ra trên con thuyền thúng để vận chuyển hàng từ tàu lên bờ, ông Nguyễn Thanh Tịnh (thôn Nam Hải) vui vẻ: "Đợt này trúng mực đậm. Chuyến này chúng tôi đi 6 ngày, thu được khoảng gần 30 triệu đồng. Đều là mực khơi, loại con to nên chỉ cần cập bờ là các điểm thu gom hải sản đông lạnh trên địa bàn người ta lấy hết. Về nghỉ hết ngày hôm nay, ngày mai chúng tôi lại tiếp tục ra khơi"...
Được mùa, người đánh bắt vui, người đi ngước biển cũng rạng rỡ nụ cười. Chị Trần Thị Dung vui vẻ: "Thị trường hải sản đã ổn định trở lại. Ngoài ngước tàu của chồng về, tôi còn thu gom thêm hàng để nhập lại cho các chị đi bán lẻ ở chợ."
Có người gom đến hàng tấn cá, mực để về chế biến, nhưng có người chỉ mua vài, ba yến mang lên các chợ trên địa bàn bán lẻ. Nhưng có một điều rất giống nhau đó là nụ cười tươi vui đã hiện rõ trên gương mặt họ.
Bà Trần Thị Em, năm nay đã 76 tuổi, gắn bó với gánh cá từ chợ Cồn Gò lên chợ Hôm suốt gần đời người vui vẻ: "Sáng nay bà lấy 20 kg lên chợ Hôm bán. Sau những ngày khó khăn, giờ đã buôn bán trở lại được rồi. Có thêm thu nhập hàng ngày đã đành, nhưng hơn hết là thấy cuộc sống khí thế, vui tươi. Tuổi già chúng tôi vì thế cũng thấy như khỏe hơn..."
Giữa chợ cá Cồn Gò râm ran tiếng nói cười trong ánh hừng đông đang lên về phía biển, chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ phụ trách ngành nghề của xã Cẩm Nhượng nói như khoe với tôi: "Đợt này dân trúng mực đậm! Nhiều người đi câu được 2 triệu/đêm. Mực tươi, ngon nên về được bao nhiêu là tiêu thụ bấy nhiêu, giá cả cũng ổn định. Cá cũng vậy, thị trường đã ổn định trở lại. Riêng cá thu từ tàu lớn đánh bắt xa bờ trở về là người ta tranh nhau mua. Như chuyến gần đây, chủ tàu không đủ cá để mà chia cho mọi người"...
Theo Thục Chi (Báo Hà Tĩnh)
Chưa được hỗ trợ mua bảo hiểm tàu: Ngư dân ra khơi trong nỗi lo âu Mua bảo hiểm cho tàu cá, các chủ tàu sẽ có điều kiện thoát cảnh trắng tay khi không may tàu cá bị nạn. Tuy nhiên, hiện chỉ có số ít chủ tàu mua bảo hiểm tạm thời trong vòng 3 tháng, số đông còn lại vẫn bỏ qua do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo Nghị định 67 (sau đó...