Lúng túng dán nhãn phim truyền hình 18+: Lỗi tại ai?
Xoay quanh bộ phim “Quỳnh búp bê” từ việc dán nhãn 18 sau vài tập lên sóng đến chuyện tạm ngừng chiếu đã gây nên những phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều khán giả không khỏi băn khoăn về cách xử lý lúng túng đối với bộ phim có chủ đề nhạy cảm như “Quỳnh búp bê”. Không ít ý kiến cho rằng, cần phải có hội đồng xét duyệt dán nhãn 18 phim truyền hình.
Tiếc nuối cho “đứa con tinh thần”
Vừa qua, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim VFC bất ngờ thông báo bộ phim “Quỳnh búp bê” sẽ bị dừng phát sóng từ tuần này, (tức ngày 12.7 trên VTV1 lúc 20 giờ 50). Bộ phim được thế sóng cho phim “Quỳnh búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong sẽ là phim “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” của đạo diễn Khải Hưng dài 33 tập.
Cảnh trong phim “Quỳnh búp bê”.
Không thể phủ nhận quyết định tạm dừng phát sóng “Quỳnh búp bê” là đúng đắn. Bởi, nói riêng bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê” phản ánh chân thực đời sống các cô gái mại dâm, có nhiều cảnh nóng cũng như tra tấn dã man dễ gây ảnh hưởng tới tâm lý đối tượng khán giả là phụ nữ và trẻ em theo dõi, trong khi phim được phát sóng trên khung giờ vàng là giờ có đông đảo khán giả mọi lứa tuổi cùng ngồi trước màn ảnh nhỏ.
Ngay sau đó, quyết định tạm dừng phát sóng đối với “Quỳnh búp bê” đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ phía các diễn viên và khán giả theo dõi bộ phim. Diễn viên Thanh Hương – đảm nhận vai Lan trong “Quỳnh búp bê” bày tỏ thái độ “sốc” và không giấu nổi sự buồn bã trước việc bộ phim bị tạm dừng phát sóng. “Tôi đã rất sốc. Bản thân tôi đã cố gắng rất nhiều. Lan trong “Quỳnh búp bê” cũng là vai diễn mà tôi vô cùng tâm huyết. Giờ phút này, tôi không biết nói sao với người hâm mộ của mình” – Thanh Hương bày tỏ.
Chung cảm xúc với diễn viên Thanh Hương, diễn viên Minh Tiệp (đóng vai Vũ “sắt”) bày tỏ sự bất ngờ và tiếc nuối khi phim bị tạm dừng chiếu trong khi cả anh và ê kíp làm phim đang trên phim trường quay nốt những tập còn lại.
Nam diễn viên cho rằng, phim có phản cảm hay không còn tuỳ thuộc vào nhãn quan của từng khán giả. Do tập trung khai thác chủ đề mại dâm nên phim không tránh khỏi những cảnh nóng và bạo lực. Minh Tiệp mong muốn “Quỳnh búp bê” sẽ được tiếp tục lên sóng vì bộ phim đã trải qua hơn 1 năm ghi hình, nếu bị cắt sẽ là một cú sốc rất lớn với ê kíp.
Trước bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê” mang đậm yếu tố tình dục và bạo lực bị thông báo tạm dừng phát sóng, nhiều bộ phim Việt khác như: Phim điện ảnh “Bẫy cấp 3″; phim sitcom “Căn hộ 60″… từng bị dừng chiếu vì cảnh nóng và bạo lực tương tự gây ra những tranh cãi trái chiều trong dư luận. Còn nhớ, hồi tháng 11.2014, kênh VTV2 cũng đã phải dừng chiếu phim truyền hình nhiều tập của Mỹ “Sex and the City” (tựa đề Việt Nam “Chuyện ấy là chuyện nhỏ”) khi mới phát sóng được 5 tập cũng vì các ý kiến cho rằng phim không phù hợp với khán giả Việt.
Lúng túng dãn nhãn 18
Nếu như việc dán nhãn 18 cho bộ phim được làm ngay từ đầu và lựa chọn giờ chiếu phù hợp, hẳn là VTV sẽ không gây ra sự xáo trộn và bất ngờ cho khán giả.
Không thể phủ nhận quyết định tạm dừng phát sóng “Quỳnh búp bê” là đúng đắn. Bởi, nói riêng bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê” phản ánh chân thực đời sống các cô gái mại dâm, có nhiều cảnh nóng cũng như tra tấn dã man dễ gây ảnh hưởng tới tâm lý đối tượng khán giả là phụ nữ và trẻ em theo dõi, trong khi phim được phát sóng trên khung giờ vàng là giờ có đông đảo khán giả mọi lứa tuổi cùng ngồi trước màn ảnh nhỏ.
Tuy nhiên, qua sự việc của phim “Quỳnh búp bê” đã lộ rõ việc lúng túng trong khâu dán nhãn 18 cho thể loại phim truyền hình dài tập. Thực tế, ngay từ những ngày đầu bộ phim này lên sóng đã gặp không ít phản ứng trái chiều từ dư luận, thậm chí, nhiều bậc phụ huynh không dám cho con xem vì nội dung phim bị cho là “không phù hợp với lứa tuổi dưới 18″.
Trước ý kiến của báo chí và khán giả, từ tập 5, VTV đã dán nhán 18 cho “Quỳnh búp bê” và có dòng chữ cảnh báo: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem”. Thế nhưng dù sao đây cũng chỉ là biện pháp “chữa cháy” bởi trước đó, phim không có bất kỳ dòng thông báo nào, nhiều đối tượng khán giả đã quan tâm theo dõi.
Động thái này có thể coi là hành động tích cực từ phía nhà đài dù hơi muộn màng để duy trì sự văn minh cho khung giờ vàng phim Việt. Nhưng có lẽ một dòng cảnh báo như thế là chưa đủ trong khi những cảnh tra tấn, bạo lực, cảnh nóng vẫn tiếp diễn trên phim.
Việc “Quỳnh búp bê” do VFC sản xuất và VTV phát sóng sau đó bị tạm ngừng chiếu không khác gì hành động “khai tử” đối với đoàn làm phim, các hợp đồng quảng cáo liên quan cũng như những khán giả đang theo dõi. Nếu như việc dán nhãn 18 cho bộ phim được làm ngay từ đầu và lựa chọn giờ chiếu phù hợp, hẳn là VTV sẽ không gây ra sự xáo trộn và bất ngờ cho khán giả.
Điều này cho thấy việc phân loại trong mảng truyền hình vẫn còn rất mông lung trong khi phim điện ảnh khá cụ thể như: C13, C16 và C18 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, 16 và 18) được áp dụng từ đầu năm 2017. Ở nước ngoài, các chương trình phát trên truyền hình đều được phân chia rất rõ ràng và chi tiết từ nội dung phù hợp cho mọi trẻ em như: Cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên; từ 14 tuổi trở lên và bố mẹ nên cân nhắc; bố mẹ phải xem cùng trẻ; nội dung không dành cho trẻ em… Trong khi đó, những quy định ở nước ta còn khá chung chung và mơ hồ, dẫn đến những bất cập như “Quỳnh búp bê” cũng là điều dễ hiểu.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến từ phía khán giả cho rằng, cần phải có hội đồng xét duyệt và dán nhãn 18 cho phim truyền hình trước khi lên sóng. Tránh để tình trạng phim bị ngừng phát sóng như “Quỳnh búp bê” khi cả đoàn làm phim tốn bao thời gian, công sức thực hiện. Thậm chí, có thông tin phim còn đang trong tiến trình quay phần 2 đành đứng trước nguy cơ “đứt gánh giữa đường”.
Khán giả Thu Thủy (Hà Nội): Phim không phù hợp chiếu rộng rãi
Ở góc độ người xem tôi thấy phim không phù hợp chiếu rộng rãi cho đại chúng. Ai biết được trẻ con xem xong nhận thức thế nào? Bao giờ ý thức người Việt Nam lên đến tầm bố mẹ nhắc con “phim này không phù hợp với độ tuổi của con, ra chỗ khác” thì mới đáng chiếu.Nếu con trẻ tư duy đúng đắn thì rất tốt. Nhưng nhìn vào thực tại xã hội hiện nay, có bao nhiêu bậc phụ huynh có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý con cái đến cùng? Nói thẳng là mặt bằng dân trí mình thấp nên mới sinh ra quá nhiều tệ nạn như: Ấu dâm, loạn luân, nạo phá thai… Vấn đề “tuýt còi” phim Quỳnh búp bê ở đây thuộc về phạm trù giới hạn tuổi. Bao nhiêu tuổi thì nên xem? Giới trẻ trưởng thành rất nhanh. Bao nhiêu đứa trẻ xem phim đảm bảo có sự giám sát của người lớn để phụ huynh phân tích giảng cho chúng hiểu. Tôi đồng ý chuyện giáo dục giới tính và tệ nạn xã hội, không hề phản đối nhưng hình thức thể hiện giáo dục thế nào lại là vấn đề khác.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Chưa phân loại rõ nội dung, độ tuổi, khung giờ phát sóng
Khi làm phim truyền hình, tôi luôn phải “trong sáng”. Vì tôi biết văn hoá xem truyền hình ở Việt Nam như thế nào, đó là cả nhà già trẻ lớn bé cùng xem với nhau, mình không thể làm ra những nội dung quá nhạy cảm hay gây đỏ mặt cho bất cứ thành viên nào.Việt Nam vẫn chưa có phân loại rõ ràng về nội dung, độ tuổi, khung giờ phát sóng thì các nhà làm phim nên tự ý thức và tiết chế những cảnh phim quá nhạy cảm, có thể tác động xấu đến giới trẻ.Về trường hợp của Quỳnh búp bê, tôi nghĩ bộ phim không nhất thiết phải dừng phát sóng mà thay vào đó nên được chiếu vào một khung giờ khác, một kênh khác phù hợp hơn.
Đạo diễn Mai Hồng Phong: Tôi không bình luậnVới tư cách đạo diễn của bộ phim, tôi xin phép không đưa ra bình luận gì về quyết định tạm dừng phát sóng. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng toàn bộ ê-kíp của bộ phim Quỳnh búp bê vẫn đang cố gắng làm tốt, làm nốt những phân đoạn cuối cùng của dự án. Và ai cũng hy vọng rằng bộ phim sớm được trở lại để phục vụ khán giả.
Hà My (ghi)
Theo Danviet
Bộ phim thế sóng 'Quỳnh búp bê' cũng lận đận đường lên truyền hình
Phát hành sau 5 năm sản xuất và hoãn chiếu những 3 lần, bộ phim "Hạnh phúc không có ở cuối con đường" của đạo diễn Khải Hưng cũng có số phận hẩm hiu chẳng kém gì tác phẩm "Quỳnh búp bê" vừa bị ngừng lên sóng.
Đúng như đã thông báo từ trước, bắt đầu từ khung giờ vàng tối 12/7, khán giả đã không còn thấy tập phim mới của Quỳnh búp bê trên sóng truyền hình VTV1. Thay vào đó, tác phẩm thế chỗ mang tên Hạnh phúc không có ở cuối con đường (do đạo diễn Khải Hưng thực hiện) đã thế sóng tập đầu tiên một cách vô cùng gấp rút. Phim khai thác đề tài gia đình, thương trường gồm 33 tập, với sự tham gia của dàn diễn viên gồm Thùy Dương, Lê Hồng Quang, Kiều Thanh, NSƯT Diệu Thuần,...
"Hạnh phúc không có ở cuối con đường" lên sóng sau 5 năm sản xuất.
Hạnh phúc không có ở cuối con đường đặt mốc thời gian cách đây vài chục năm, khi đất nước đang chuyển đổi từ thời kỳ bao cấp sang kinh tế thị trường. Trong đó, nhân vật nữ chính Quyên (Thùy Dương) được xây dựng theo hình tượng người phụ nữ cam chịu trong đời sống gia đình nhưng quyết liệt ở sự nghiệp với trí tuệ tài giỏi, thông minh chẳng kém đấng mày râu. Vừa giúp đỡ Quang (Lê Hồng Quang) - người chồng đang gặp rắc rối trong kinh doanh, Quyên vừa phải đối phó với mẹ chồng khó tính (NSƯT Diệu Thuần) và nhiều rắc rối đến từ cô vợ cũ Ngân (Kiều Thanh).
Khi lên sóng tập đầu tiên thế chỗ Quỳnh búp bê, không ít người cảm thấy ngạc nhiên vì Hạnh phúc không có ở cuối con đường là phim mới chưa hề được quảng bá trước khán giả. Thêm vào đó, việc gấp rút thay thế phim cũ của nhà đài khiến ekip sản xuất "phát hoảng" vì mọi sự việc diễn ra quá chóng vánh, chẳng được chuẩn bị kỹ càng mà chỉ báo trước đúng... 2 ngày. Trên thực tế, đây cũng được coi là điều "trong cái rủi có cái may" đối với tác phẩm truyền hình có số phận hẩm hiu này.
Thật vậy, thời gian khởi quay và hoàn thành bộ phim Hạnh phúc không có ở cuối con đường là từ năm 2013. Sau đó, phim được VTV mua bản quyền và từng dự kiến công chiếu 3 lần nhưng vẫn liên tục bị hoãn lại vào phút chót. Thế nên, tính tới hiện tại, tác phẩm đã có những 5 năm mốc rêu trong kệ tủ mà chưa một lần được trình làng trước khán giả.
Cái bóng của "Quỳnh búp bê" quá lớn có khiến phim tiếp tục gặp vận xui vì khán giả không mấy đoái hoài?
Đạo diễn bộ phim Khải Hưng chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn kéo dài tận nửa thập niên này cũng như việc "đứa con cưng" may mắn được "trình làng" sớm hơn mong đợi: "Nguyên nhân hủy chiếu lúc trước là gì tôi không rõ. Tuy nhiên, bộ phim này có một lợi thế là đặt trong bối cảnh cuối bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, không bao giờ trở nên cũ, lúc nào phát sóng cũng được. Lần này phim lên sóng, tôi không nhận được thông báo từ phía VTV. Tôi biết thông tin thông qua báo chí.
Hạnh phúc không có ở cuối con đường có nhiều thiệt thòi. Thường trước ngày chiếu, phim sẽ tổ chức họp báo, được quảng bá, có chiến lược truyền thông. Còn bộ phim của tôi chỉ nhận quyết định lên sóng trước hai ngày. Điều này hết sức đột ngột với tôi, nhưng tôi cũng mừng. Ít nhất tôi cảm thấy, bộ phim của mình còn tồn tại. Các diễn viên trong phim cũng mong chờ phim rất lâu rồi. Việc lùi lịch chiếu nhiều lần ít nhiều làm ảnh hưởng tâm lý của họ".
Hạnh phúc không có ở cuối con đường được ghi hình tận 5 năm trước, cách khá xa so với hiện tại - khi các tác phẩm mang chủ đề nóng, hot trong xã hội hiện đại hay phim ngôn tình như Ngày ấy mình đã yêu, Người phán xử,... đang ngày càng lên ngôi. Đặc biệt, cái bóng của Quỳnh búp bê quá lớn khiến khán giả tỏ ra bức xúc, không được thỏa mãn vì không thể xem hết bộ phim.
Phát biểu về điều này, đạo diễn Khải Hưng cho biết bản thân anh không hề chịu áp lực, bởi lẽ mỗi bộ phim đều có đối tượng khán giả riêng. Và đối tượng tác phẩm này nhắm đến là những người lớn tuổi, yêu thích sự dung dị, hoài niệm trong từng thước phim mang màu sắc khá xưa cũ. Đạo diễn tự tin khẳng định sẽ có rất nhiều khán giả tự nhận ra bản thân trong bộ phim này.
Trailer "Hạnh phúc không có ở cuối con đường"
Hạnh phúc không có ở cuối con đường lên sóng VTV1 lúc 20h30 thứ 5 - thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 12/7/2018.
Theo Saostar
Có nên vì 'trẻ con không xem được' mà cấm phim dành cho người lớn? Hệ thống phân loại theo độ tuổi của phim truyền hình Mỹ rất quy củ và chi tiết, từ trẻ con đến người lớn, vừa bảo vệ trẻ em vừa giúp các bộ phim đến được với công chúng mục tiêu. Việc Quỳnh búp bê bị cấm chiếu vì nhiều cảnh bạo lực được cho là điều đáng tiếc đối với phim truyền...