Lung linh đèn lồng Hội An – sản phẩm OCOP đặc trưng năm 2019
Phố cổ Hội An được nhiều du khách ví như một miền cổ tích và khi nhớ về miền cổ tích ấy hẳn khó mà quên những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu bên dòng sông Hoài thơ mộng. Đèn lồng như phần hồn “níu chân” du khách khi đến với phố cổ Hội An.
Nghề đèn lồng có từ 500 năm trước
Vào cuối thế kỷ X – đầu thế kỷ XVII, Hội An từng được biết đến là thương cảng quốc tế phồn vinh bậc nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nơi đây là điểm dừng chân của thuyền buôn khắp thế giới, khiến cho mảnh đất này không chỉ là xứ giao thương “con đường tơ lụa” trên biển, mà còn sớm trở thành nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa đa sắc.
Đèn lồng như một đặc sản nổi bật của phố cổ Hội An với đa sắc màu và hình dạng khác nhau. Ảnh: Diệu Bình.
Chiếc đèn lồng phố Hội chính là sự kết tinh giữa văn hóa Việt – Hoa – Nhật Bản ở Hội An từ hơn 500 năm trước. Từ bao thế kỷ qua, người dân sống trong phố cổ vẫn giữ lệ treo đèn lồng vào những đêm rằm, hay những dịp trọng đại ở các đình chùa, nhà cổ. Và ngày nay, đèn lồng gắn liền với thương hiệu Hội An, miền cổ tích lung linh say lòng du khách.
Phần lớn đèn lồng tại Hội An vẫn được làm với các phương pháp thủ công. Ảnh: Diệu Bình.
Trong những đêm rằm ở phố cổ, đèn lồng tỏa sắc từ những mái nhà cổ kính, đèn lồng giăng giăng khắp ngã phố, nối dài dọc theo những chiếc cầu bắc ngang sông Hoài soi bóng xuống lòng sông dệt nên bức tranh thơ mộng riêng có ở Hội An.
Đèn lồng được xem là cái hồn để “níu chân” du khách mỗi khi đến với phố Hội. Ảnh: Diệu Bình.
Ở Hội An hiện nay có khoảng trên dưới 200 cơ sở làm đèn lồng. Song, nói về nghề làm đèn lồng, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc đến anh Võ Đình Hoàng – người đã có nhiều năm làm đèn lồng và không ngừng học hỏi để đưa chiếc đèn lồng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Đèn lồng được xem “phần hồn” phố Hội
Anh Võ Đình Hoàng cho biết, nghề làm đèn lồng không hề đơn giản, từ việc chọn tre đến ngâm tre, phải đảm bảo tre không bị mối mọt và có khả năng chống ẩm cao để vót thành nan tre. Sau phần khung đèn, công đoạn tiếp theo là dán đèn vào khung. Vải được cắt thành nhiều mảnh tùy theo kích thước đèn rồi được dán trên khung bằng keo. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mĩ của người thợ trong từng chi tiết.
Video đang HOT
Làm đèn lồng đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mĩ trong từng chi tiết. Ảnh: Diệu Bình.
Một thế kỷ đã trôi qua với dòng sông Thu Bồn nhiều biến động, bình yên, chiến tranh và thiên tai, chỉ còn lại những sinh hoạt văn hóa, những lễ hội dân gian là niềm tự hào của cộng đồng dân cư đô thị cổ tựa như chiếc đèn lồng tô điểm thêm cho vẻ đẹp kín đáo, kiêu kì của phố thị.
Hội An càng thêm huyền ảo trong sắc vàng ấm dịu từ những chiếc đèn lồng tỏa sáng khắp các ngõ. Ảnh: CTV
“ Lồng đèn Hội An bây giờ rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nên thị trường tiêu thụ rất rộng. Ở trong và ngoài nước, châu Âu, châu Á, các tỉnh lân cận và được phân phối trên hệ thống sân bay toàn quốc. Lồng đèn đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Hội An.” – Anh Hoàng chia sẻ.
Hằng ngày, du khách trong và ngoài nước vẫn miệt mài theo các tour học nghề truyền thống địa phương bằng cách đến các cơ sở hoặc nhà biểu diễn trên phố Nguyễn Thái Học. Họ dõi theo những đôi bàn tay tài hoa của người thợ làm lồng đèn. Những thanh tre được người thợ thoăn thoắt vót mỏng, uốn cong tạo khung theo từng kiểu dáng, những mảng vải lụa mềm được cắt dán cẩn thận, tinh xảo. Nhiều chiếc đèn được thêu hay vẽ những họa tiết hoa văn mang ý nghĩa văn hóa địa phương.
“Đèn lồng là kết tinh mối giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Nhật lâu đời. Đèn lồng cũng chính là tinh hoa của những đôi bàn tay ở phố Hội. Là một người con ở đây, không chỉ cá nhân tôi mà ai cũng tự hào vì Hội An có đèn lồng…” – Anh Hoàng nói.
Trong sự tĩnh lặng, dường như những chiếc đèn lồng không còn là vật trang trí mà trở thành một phần linh hồn phố cổ. Ảnh: CTV.
Trong một chiều cảm xúc, tự tay thử làm một chiếc đèn lồng, người bạn phố Hội chia sẻ cùng tôi rằng, giống như trở về tuổi thơ những mùa Tết Trung thu cùng bố uốn tre làm đèn lồng. Để rồi đêm trăng tròn, đi trong muôn ánh sáng rực rỡ sắc màu ấy mà không thôi hoài niệm. Lẽ đó mà Hội An cũng là chốn tìm về của lữ khách với đôi dòng thơ Kim Ba:
Tôi đi giữa phố lồng đèn
tìm mua một chút hồn nhiên thuở nào
tuổi thơ treo thấp treo cao
dịu ơi mỗi tiếng mời chào nghe thương…
người mua khác phố lạ phường
mà rôm rã chuyện trò dường đã quen…
bâng khuâng giữa phố lồng đèn tôi nay thơ thẩn đi tìm tôi xưa…
Theo Danviet
Đặc sản tương ớt phố cổ Hội An: Cay cay, nồng nồng đi xa lại nhớ
Ai đã một lần đặt chân đến với phố cổ Hội An (Quảng Nam) và được nếm thử món tương ớt với hương vị cay cay, nồng nồng thì chắc hẳn không thể quên được. Đây là món đặc sản lâu đời mà người dân phố Hội luôn tự hào.
Đến với phố cổ Hội An, du khách không chỉ có cơ hội khám phá nền ẩm thực độc đáo của mảnh đất này mà còn có thể lựa chọn cho mình những món đặc sản thú vị về làm quà cho gia đình và bạn bè. Trong đó, món đặc sản tương ớt nơi đây luôn được nhiều du khách tìm mua.
Món đặc sản tương ớt mang đậm dấu ấn của người dân Hội An.
Chẳng phải cao lương mỹ vị, tương ớt là một món gia vị dân dã có mặt hầu hết trong các món ăn của người miền Trung nói chung và người xứ Quảng nói riêng. Mặc dù không phải là quốc hồn quốc túy, nhưng món ăn nếu thiếu đi một chút tương ớt thì bữa ăn trở nên nhàn nhạt, thiếu vị, nhất là vào những bữa ăn mùa mưa phùn gió bấc.
Tương ớt muốn ngon phải gồm ít nhất bốn, năm nguyên liệu như đường, muối, tỏi xay, giấm và ớt.
Theo những cao niên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chế biến tương ớt ở Hội An, tương ớt nói đơn giản chứ làm không đơn giản chút nào, tương ớt muốn ngon phải gồm ít nhất bốn, năm nguyên liệu như đường, muối, tỏi xay, giấm và ớt. Những loại nguyên liệu này đều được trộn với tỉ lệ phù hợp để không "chọi" nhau, khiến thành phẩm có mùi vị đủ nhẹ nhưng cũng đậm đà để ăn kèm với nhiều món khác nhau.
Tương ớt nghe đơn giản nhưng phải trải qua rất nhiều giai đoạn công phu mới cho ra được thành phẩm.
Trong thực tế, tương ớt xuất hiện cực kì nhiều trong các món ăn. Từ cơm gà, chả bò, tré, phở,... đều trở nên ngon hơn khi có tương ớt ăn kèm. Chỉ cần ra bất kỳ hàng quán nào đấy ở Hội An, miễn không phải loại thức ăn gì quá đặc thù hay là món ngọt, thì đều sẽ có một chai tương ớt trên mỗi bàn.
Trò chuyện với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ một cơ sở sản xuất tương ớt tại Hội An cho hay, cách làm tương đối phức tạp. Ớt đem luộc rồi xay nhuyễn trộn với cà chua vừa đủ, khử dầu cho vào chảo đun sôi. Cho thêm các thứ mè rang, tỏi,... trộn đều cho thấm, tiếp tục xào cho ráo nước để thành tương ớt. Khi tương đã nguội được cho vào lọ. Trên mặt lọ tương đổ một lớp dầu khử chín để giữ được lâu và tránh bị mốc. Một lọ tương ớt đạt yêu cầu là phải có màu đỏ đẹp, có vị cay mà không gắt và mùi thơm dịu.
Khi tương đã nguội được cho vào lọ.
Có người từng nhận xét, hương cay nồng của tương ớt Hội An như có một sức mê hoặc khôn nguôi. Chẳng hiểu sao chỉ một lần đi qua một cơ sở sản xuất tương ớt, chỉ một lần được hít hà mùi hương ấy lẫn trong làn gió mát nhẹ là du khách phải tìm cơ hội được cảm nhận thêm một lần nữa.
Cách làm tương đối phức tạp. Ớt đem luộc rồi xay nhuyễn trộn với cà chua vừa đủ, khử dầu cho vào chảo đun sôi. Cho thêm các thứ mè rang, tỏi,... trộn đều cho thấm, tiếp tục xào cho ráo nước để thành tương ớt.
Chị Phùng Lưu Ly (du khách đến từ Gia Lai) cho biết, tương ớt ở đây có vị rất riêng, cay nhưng không gắt, lại rất thơm không lẫn vào đâu được. Mỗi khi đến Hội An là tôi phải ghé mua cho bằng được vài lọ tương ớt về để dành dùng kèm các món ăn. "Ai đi du lịch Hội An mà chưa một lần thử món tương ớt thì quả là thiếu sót lớn vô cùng..." - Chị Ly nhấn mạnh.
Ai đi du lịch Hội An mà chưa một lần thử món tương ớt thì quả là thiếu sót lớn.
Tương ớt phố Hội thật ra cũng giống như bao loại tương cay thông thường khác, nhưng thể hiện một cách rõ nét phong cách ẩm thực của đất miền Trung đầy lam lũ. Cái hương vị của nó dường như không thể trộn lẫn với bất kỳ vùng miền nào khác, hấp dẫn đến lạ kỳ.
Tương ớt đã được TP.Hội An chọn và xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng trong năm 2019.
"Chúng tôi muốn đưa ra thị trường sản phẩm tương ớt sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải mang dấu ấn riêng của Hội An. Không chỉ trong nước, chúng tôi còn muốn mỗi du khách nước ngoài khi đến Hội An đều biết đến tương ớt như một loại đặc sản chỉ có ở Việt Nam...." - Chị Hạnh cho biết.
Được biết, đặc sản tương ớt đã được TP.Hội An chọn và xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng trong năm 2019. Hiện nay đã có Công ty TNHH Đại Chí Foods đăng ký xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm tương ớt Hội An lên một tầm cao mới.
Theo Danviet
Chàng kiến trúc sư Nhật và mối lương duyên với kiến trúc cổ Việt Nam Mỗi viên ngói cổ trên các mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi ở Hội An, đối với kiến trúc sư (KTS) Ando Katsuhiro đều là những viên ngọc quý. Chủ nhân của những ngôi nhà cổ nằm trong dự án bảo tồn, trùng tu năm xưa vẫn còn nhớ như in hình ảnh một anh chàng kiến trúc sư người Nhật...