Lung Leng – Nơi ghi dấu tiền nhân
Vùng đất ấy, cách đây hàng vạn năm, vào khoảng thời kỳ đồ Đá cũ, từng được tổ tiên người Việt chọn để định cư. Dấu tích còn sót lại nằm sâu dưới lòng đất.
Đường vào thôn Lung Leng. Ảnh: Phúc Lập.
Đó là di chỉ khảo cổ Lung Leng, nằm ở hữu ngạn dòng Krông Pô Cô, trong vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Yaly, thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum.
Nay, vùng đất này đã đổi thay hoàn toàn, dấu tích xưa đã chìm dưới mặt nước, đâu đó chỉ còn tiếng rì rào của cây rừng, của những gợn sóng mặt hồ mênh mông, lăn nhẹ vào bãi cỏ…Chủ nhân của vùng đất này ngày nay là đồng bào thiểu số J’rai.
Chuyện từ “mớ” ve chai
Trong cái nắng rát bỏng tháng 4 của vùng Tây Nguyên vốn từ lâu đã không còn “xanh” cây rừng như xưa, tôi theo chân anh bạn đồng nghiệp địa phương đến làng Lung Leng.
So với cách đây chục năm, thì bây giờ việc đi đến ngôi làng xa tít này dễ như bỡn. Vì gần như toàn bộ đường giao thông liên huyện, xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Chỉ những đường thôn nhỏ còn là đất đỏ. Lung Leng co địa thế rất vững chãi khi dựa lưng vào dãy núi hình con voi đang phủ phục. Mặt hướng ra dòng sông Pô Kô hung vĩ.
Ông A Glong, năm nay 74 tuổi, là một trong những cư dân sinh ra và lớn lên ngay trên mãnh đất mà phía dưới là di chỉ khảo cổ đồ sộ nhất Tây Nguyên. Ông và nhiều người khác, đã ở đây từ thời ông cha, buộc phải dời đi để nhường chỗ cho thủy điện Yaly. Đó cũng là lúc dòng nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ, kể cả vùng đất tiền nhân cư ngụ từ vạn năm trước.
Ông A Glong, một trong những “chủ nhân” vùng đất Lung Leng xưa. Ảnh: Phúc Lập.
Trước năm 1993, khi chưa có thủy điện Yaly, làng Lung Leng vốn là rừng thưa, đất dai cằn cỗi, nhưng lại có nhiều vàng cám, nên dân đào vàng từ khắp nơi trong cả nước kéo đến tìm vận may.
Một ngày cuối tháng 8/1999, ông chủ quán ăn trong bãi vàng Lung Leng tên Kim khệ nệ đưa một thùng giấy to, bên trong chứa đầy những món đồ mà theo ông là đồ cổ, đến bán cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Ông cho biết, những món đồ này là do dân đào vàng mang ra quán ông bán hoặc đổi lấy đồ ăn, thuốc lá.
Khi khui chiếc thùng giấy ra, những cán bộ của bảo tàng tỉnh Kon Tum tròn mắt, không tin vào mắt mình. Trước mắt họ là hàng trăm món đồ mà chỉ nhìn qua cũng có thể ước đoán nó hàng ngàn năm tuổi. Đó là rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…
Bằng con mắt nghề nghiệp, những người tiếp nhận thùng đồ nhìn ra ngay đây là những cổ vật có giá trị cực lớn về mặt lịch sử và giới khảo cổ học.
Video đang HOT
Một góc thủy điện Yaly, nơi “nhấn chìm” di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Phúc Lập.
Sau khi mua lại thùng đồ, ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã xuyên rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng vài cây số.
Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1m.
Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30cm, rải rác gần đó còn có những chum, lọ, đế bát, mảnh rìu.
Các di vật sau đó được cấp tốc gửi ra Hà Nội để xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp carbon phóng xạ C14. Ngay sau đó, những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khảo cổ đã bay vào Kon Tum…
Dấu son Tây Nguyên
Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình nhớ lại: “Thời điểm khai quật di chỉ Lung Leng, tôi đang làm Bí thư xã đoàn nên cũng tham gia khai quật.
Hàng chục lều được dựng lên, hàng nghàn người được thuê, được huy động đến, cả người dân, học sinh, sinh viên, làm việc miệt mài, chạy đua với nước lũ dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ học.
Đất Lung Leng rầm rập người qua lại…Trên một diện tích hơn 1ha, các nhà khảo cổ đã đào được trên 4.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, 40 mộ, 20 bếp, lò nung, chuỗi đá, rìu, chân đèn, bát… được xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000-30.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (3.000-4.000 năm).
Mộ vò tìm thấy tại di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
Căn cứ vào những gì đã khai quật và xác định niên đại, các nhà khoa học đã dựng lại một bức tranh toàn cảnh về người tiền sử Việt Nam thuộc nhiều giai đoạn khác nhau: sớm nhất là lớp cư dân hậu kỳ đá cũ, vết tích được tìm thấy trong các công cụ được chế tác từ đá cuội ghè đẽo.
Tiếp theo là cư dân hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí với những công cụ đá mài toàn thân rất sắc nét, hoàn mỹ như chân đèn, rìu, bàn mài.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những viên cuội tròn dẹt, được đục lỗ và chế tác đến độ hoàn mỹ nhất của thời kỳ đó mà có ý kiến cho rằng dùng để tra trục gỗ làm cây nghiền hạt trên bàn đá (vì cũng đã tìm thấy bàn nghiền với kích thước lớn, có vết nghiền lõm lòng máng) hoặc buộc dây và ném khi đi săn…ngoài ra, sự có mặt của khuôn đúc rìu cho thấy, hoạt động luyện kim có mặt rất sớm tại đây.
Hai trong số hàng vạn cổ vật được chế tác tinh xảo bằng đá, gốm, tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
Các vật dụng tìm thấy tại Lung Leng cho thấy, cư dân tiền sử nơi đây không chỉ đạt trình độ cao về kỹ thuật chế tác công cụ đá tinh xảo biết kỹ thuật luyện kim, mà còn là những thợ giỏi chế tác gốm.
Biết cách pha chế đất sét với cát, bã thực vật và nắm kỹ thuật đắp lò nung gốm… để chế tác từng loại vật dụng sinh hoạt thích hợp như chén, bát, chân đèn, đồ trang sức… với nhiều kích thước, nghệ thuật khác nhau.
Đối với người tiền sử, đồ gốm không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt, mà còn là nơi gửi gắm tâm linh thông qua việc chôn theo đồ tùy táng, tư duy về số lẻ qua các di vật tìm thấy ở trong mộ…
Việc tìm thấy dọi xe chỉ bằng đất nung tại Lung Leng là minh chứng cho hoạt động xe sợi dệt vải ngay từ giai đoạn bước vào thời kỳ văn minh…
Người tiền sử ở Lung Leng đã có một tổ chức xã hội nhất định, kinh tế mang tính hỗn hợp, bao gồm săn bắt, hái lượm, chế tác công cụ, trao đổi sản phẩm và bước đầu đã biết trồng trọt. Việc phát hiện di chỉ Lung Leng đã khiến các nhà nghiên cứu khảo cổ học phải thay đổi những nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là vùng đất nghèo, là “vùng trắng” về khảo cổ tiền sử.
Theo các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam, Lung Leng là một minh chứng “Việt Nam là nơi chứng kiến quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, là một vùng đất sớm nảy sinh nền kinh tế nông nghiệp, chế tác công cụ và là một trong những trung tâm luyện kim và hình thành quốc gia cổ đại sớm nhất khu vực Đông Nam Á!”
Hôm nay, Lung Leng đã thay đổi hoàn toàn, không còn dấu tích người xưa. Bởi toàn bộ di chỉ giờ nằm trong vùng bán ngập thủy điện Yaly, mỗi năm có 6 tháng chìm dưới nước, 6 tháng còn lại nước rút, thì cây mai dương, loài cây dại đầy gai mà cả trâu bò cũng ngán, phủ kín.
“Nhiều đoàn khách đến đây, muốn chúng tôi dẫn đến tham quan Lung Leng, nhưng ai váo được nữa, mùa ngập chẳng thấy gì, lúc nước cạn thì cây mai dương mọc kín rồi. không ai vào được cả. Chỉ đứng mà nhìn từ xa thôi”, ông AGlong nói.
Trở về trong cái nắng dịu buổi chiều dọc sông Pô Kô, gió rì rào làm hơi nước từ mặt hồ tỏa lên mát rượi. Nghe như đâu đó từ lòng hồ tiếng vọng của tiền nhân.
“Thôn Lung Leng hiện có 258 hộ với trên 1.140 nhân khẩu, 100% là người đồng bào J’rai. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản. Ngoài việc trồng các loại cây lương thực chính như lúa, ngô, rau các loại… người dân đã biết chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mì, cà phê, cao su… chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển với hàng ngàn con trâu, bò, heo…đời sống của người dân được nâng cao, không có trẻ em thất học, nhiều em học đến cao đẳng, đại học”, ông Nguyễn Minh Thuận , Chủ tịch UBND xã Sa Bình.
Gìn giữ rêu phong làng cổ
Hà thành phồn hoa và sầm uất. Giữa phố thị, nhịp đô thị hóa dường như càng rõ nét và đậm đặc hơn. Nhiều người yêu thích không khí ấy nhưng tôi thì khác.
Ở những chốn xưa cũ, đầy những rêu phong mỗi khi tìm về tôi như được đắm mình tận hưởng. Những không gian yên bình ấy khiến tôi như thấy lòng mình lắng lại.
Dấu tích xưa dần phai nhạt
Lần nào đến với làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là tôi như sống lại những ngày tháng thơ ấu khi được đi dưới những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà cổ kính... Cự Đà có lẽ là một trong số ít ỏi những ngôi làng còn ít nhiều giữ được dáng vẻ làng quê bình dị, cổ kính giữa nhịp sống thị thành. Hỏi những cao niên trong làng thì biết, Cự Đà được quy hoạch ngăn nắp, trật tự từ xưa. Nghĩa là những bậc khai ấp lập làng khi quy hoạch xây dựng nền móng trên đất này đã có những góc nhìn, thiết kế mới mẻ.
Nét đẹp cổ kính, đặc trưng của kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ nay không còn nhiều. (Ảnh: P.T)
Dễ thấy, đường làng được thiết kế chạy dọc theo bờ sông, bên trái là hàng cây râm mát và bến nước, bên phải là nhà. Chỉ cần bước qua cổng làng là có thể dễ dàng quan sát được một hệ thống nhà với đường, ngõ ngách như xương cá. Từ con đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng dẫn vào các xóm. Đầu ngõ có cổng, thì cuối ngõ cũng có cổng dẫn ra cánh đồng và các ngõ giống hệt nhau. Hai bên ngõ là hai dãy nhà quay lưng vào nhau, thẳng tắp.
Điểm đặc biệt, các ngôi nhà cổ ở đây đều được quy hoạch giống nhau, cổng có mái che dẫn vào sân, nhà chính quay lưng ra đường, nhà phụ đối diện với nhà chính qua mảnh sân hẹp. Khuôn viên mỗi nhà thường là 250 - 350m2, nhà chính gồm năm gian dài 12m, rộng 7m. Tường nhà cũng chính là tường bao khuôn viên và không có cửa sổ trổ ra ngõ nên tạo cảm giác "kín cổng cao tường".
Như báu vật trân quý, người Cự Đà qua bao thế hệ cũng cố sức gìn giữ nét rêu phong xưa cũ. Thế nhưng, dường như dòng chảy xô bồ của mưu sinh, của đô thị hóa khiến những nếp nhà cổ cứ bị đốn ngã dần. Đường làng thay bằng những viên gạch lát nghiêng là sự bê tông hóa. Những ngôi nhà cổ dần ngã gục trong sự chen lấn của những ngôi nhà bê tông cốt thép. Nét đẹp xưa cũ trở nên khập khiễng. Vẻ đẹp ngôi làng không còn nguyên vẹn. Người làng tiếc, những người hoài cổ cũng tiếc nhưng cũng chẳng thể thay đổi guồng quay khắc nghiệt.
Chẳng nói đâu xa, ngay trong nội thành những nét xưa cũ cũng đang dần mất đi. Hà Nội khi xưa còn có vùng đất mang tên gọi là Kẻ Đơ. Dĩ nhiên những dấu vết của Kẻ Đơ để lại cho đô thị ngày nay có lẽ chỉ còn tìm thấy tại làng Triều Khúc... Trong nhịp chảy thời gian, những Kẻ Đáy, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc, Kẻ Vẽ, Kẻ Noi và Kẻ Đơ... dần chỉ còn tìm thấy trong sách vở. Dấu tích xưa phai nhạt giờ muốn tìm cũng khó bởi trên đất xưa đã không còn tên xưa làng cũ nữa. Có chăng chỉ còn những bảng hiệu mang tính biểu trưng, nhận diện cho các ngôi làng trong Kẻ xưa như ở Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm...
Bản thân tôi đã không ít lần lạc bước đến làng Vẽ Đông Ngạc. Thế nhưng, phải mãi đến tận giờ tôi mới biết đó chỉ là tên nôm. Nay muốn tìm đến làng, muốn cánh xe ôm hiểu và đưa đến đúng địa chỉ thì phải gọi là phường Đông Ngạc. Nét cổ ít nhiều phai đi nhưng may thay ở dải đất này vẫn giữ được truyền thống hiếu học. Nơi đây khi người ta nhắc đến vẫn luôn xếp đây là nơi "top" đầu trong những làng cổ nhất, khoa bảng nhất.
Quanh câu chuyện gìn giữ những lối kiến trúc xưa cũ, hiện rất nhiều người ở những làng cổ Hà thành tâm sự thẳng thắn rằng, họ cũng muốn giữ nếp nhà cha ông để lại nhưng cái khó bó cái khôn. Bởi lẽ, đất không sinh nở được mà người thì ngày một đông thêm. Một nếp nhà cổ bị "triệt hạ" sẽ đủ chỗ cho ít nhất một biệt thự cao tầng mọc lên, đủ để chia cho nhiều hộ, đủ làm chỗ trú ngụ cho nhiều người. Bản thân người có những nếp nhà cổ cũng tiếc nhưng đành nhắm mắt quay đi bởi sự chẳng đặng mới phải như vậy.
Những người hoài niệm
Tốc độ đô thị hóa nhanh, những làng cổ đang dần phải thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp xưa cũ dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Đã có nhiều vẻ đẹp mất đi trong tiếc nuối, và các cơ quan chức năng đang tích cực tìm phương án bảo tồn làng cổ, nhà cổ trước khi chúng vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc sống hiện đại.
Tôi đến cơ sở chuyên làm nhà gỗ của anh Nguyễn Chí Ba (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) - một nghệ nhân trẻ, tính đến nay là đời thứ ba nối nghề dựng nhà cổ vào một chiều cuối tuần. Khi ấy, trong xưởng mộc của anh có khoảng 10 công nhân đang chăm chú với công việc. Những người thợ tỉ mẩn bào cột, chà nhám, đục, chạm hoa văn trên kèo, xà. Tiếng máy bào gỗ, máy chà nhám ù ù, tiếng búa đục đẽo lách cách không ngớt.
Sau khi đục tạo hình, anh Ba dùng máy chà nhám đánh bóng cho hoa văn trơn nhẵn, mượt mà. Khúc gỗ thô cứng qua đôi tay khéo léo của người thợ trẻ đã trở nên sinh động, có hồn. Theo lời người nghệ nhân trẻ, đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Cách lắp ghép này vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ. Chưa kể đó là những hoa văn, họa tiết trang trí trên từng kèo, cột, khiến những người thợ dựng nhà phải bỏ công đục đẽo, chạm trổ hàng tháng trời mới xong.
Không giống như anh Ba tìm cách lưu truyền và "thổi hồn" cho gỗ để tạo dựng những nếp nhà cổ, một người đam mê với những nét rêu phong khác mà tôi biết là nhà văn Nguyễn Văn Học. Yêu, mê và luôn tìm cảm hứng từ những nét xưa cũ, có không ít lần tôi thấy anh một mình đi chụp những chiếc cổng làng, những chiếc giếng hằn in vệt thời gian. Không chỉ thế, bằng lối diễn đạt ngôn từ khéo léo của mình, anh đã sử dụng những kết tinh văn hóa mà bản thân tích góp được để viết ra nhiều đầu sách gồm cả tiểu thuyết và văn xuôi mang đậm vị quê hương.
Bằng phương cách khác, hiện nhiều người yêu văn hóa, lịch sử, kiến trúc cổ... còn cùng nhau ghi lại các chi tiết cũng như cấu trúc tổng thể của công trình để lưu giữ lại như một bộ tư liệu, để đến một lúc nào đó phục vụ cho công việc trùng tu. Ứng dụng công nghệ 3D vào bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích của Nguyễn Trí Quang, một bạn trẻ ở Hà Nội là ví dụ. Quang đã quét 3D đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) - một công trình cho đến nay còn giữ được gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Đình được số hóa toàn bộ kiến trúc cũng như các chi tiết trang trí. Những tư liệu này sẽ được lưu trữ và phục vụ cho bất kỳ ai đam mê nghiên cứu.
Hồn quê giữa lòng phố, những giá trị thiện lành chẳng đâu xa mà ngay trong chính tâm hồn, cách nghĩ. Ở một vài làng quê ngoại thành khác, tôi đã từng may mắn chứng kiến có không ít những bạn trẻ cặm cụi dùng điện thoại, máy ảnh ghi lại những hình ảnh, chi tiết của đình, đền ở làng mình. Nhiều di tích trong số đó chưa được xếp hạng, nhưng bằng tình yêu đối với vốn cổ của cha ông, các bạn trẻ vẫn lưu giữ lại tư liệu tự xây dựng với mong muốn sẽ giữ lại cho các thế hệ sau này. Đây là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, những công việc này hiện vẫn chỉ là sự tự phát từ các cá nhân. Rất cần có sự tham gia, vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý.
Thảo Phạm
Vi vu ở những điểm đến an toàn, hấp dẫn của du lịch Việt Nam Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk và Gia Lai chưa bao giờ hấp dẫn đến thế khi trở thành những điểm đến an toàn với hàng loạt ưu đãi kích cầu du lịch. Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk và Gia Lai là 4 địa phương đầu tiên tham gia Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam từ 21/2. Không chỉ đảm...