Lùng Cúng – lần đầu và những câu chuyện
Hấp dẫn, thú vị, ngỡ ngàng, người mệt lử kèm cả đau mỏi bắp chân, đùi, đầu gối là cảm giác của người lần đầu tham gia chinh phục đỉnh Lùng Cúng độ cao 2,913 mét so với mặt nước biển.
Lời khuyên tới ai có ý định thử thách bản thân với môn leo núi đó là: hãy tập luyện chuẩn bị về thể lực, cơ bắp, cường độ vận động thời gian dài với các bài kiểm tra.
Người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp thì cần khám, sau đó nghe tư vấn từ bác sĩ rồi hãy quyết định. Nếu sức khoẻ cho phép, sắp xếp được thời gian thì hãy chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho việc leo núi, chọn bạn đồng hành hướng dẫn có nhiều kinh nghiệm để lên đường.
Khi cuộc sống trở nên đơn điệu với những vòng quay đều đặn thì trải nghiệm khám phá Lùng Cúng sẽ mang bạn đến với thế giới khác biệt không có sóng điện thoại, chỉ có rừng xanh thẳm, núi trập trùng cùng hoa thơm cỏ lạ.
Xuôi theo cao tốc Hà Nội – Lào Cao rẽ vào Yên Bái, đi qua thị xã Nghĩa Lộ, nơi có đêm hội xoè dập dìu váy áo, long lanh ánh mắt sơn nữ vùng cao, đến với Tú Lệ có đặc sản gạo, cốm dẻo, cùng suối nước nóng. Cung đường lên Lùng Cúng đẹp, thưa xe qua lại nhưng quanh co, gấp khúc lên xuống liên tục.
Tác giả Phạm Tuấn trong chuyến đi khám phá Lùng Cúng.
Sau thời gian di chuyển, đoàn chúng tôi dừng chân tại Home Stay Gia Bảo toạ lạc ở một khu đất rộng rãi mặt trước gần quốc lộ 32, phía sau nhìn ra thung lũng có đồng lúa chín cùng dòng suối chảy men quanh nhà. Bữa tối đặc biệt có món rau pắc nam xào trứng rất lạ miệng, đậm đà.
Sau một đêm ngủ tại Homestay, thử thách của đoàn chúng tôi bắt đầu. Sắp tới giờ xuất phát trời đổ mưa sầm sập, anh Lê Quang Hưng – trưởng đoàn rất lo lắng vì trời mưa sẽ làm bùn lầy nhão nhoét, trơn trượt, vừa nguy hiểm vừa khó đi. May sao mùa thu nên cơn mưa cũng nhanh tạnh.
Video đang HOT
Từ Tú Lệ, chúng tôi phải nhờ xe ôm chở vào chân núi, cung đường tầm 14 km mà xe ôm chạy mất cả tiếng đồng hồ vì đường cực xấu, đất đá lồi lõm làm xóc muốn tung ra ngoài, càng gồng cứng càng nhanh mỏi, cách tốt nhất là bám vào các tay lái lụa người Mông chạy như làm xiếc trên những chiếc Win. Đủ cam đảm thì du khách vẫn tranh thủ ngắm nhìn được khung cảnh những thửa ruộng bậc thang men theo chân núi đẹp như tranh vẽ, thác nước vô danh chảy như dòng bạc trắng chảy lẫn trong dòng tóc xanh của thiếu nữ H’mông.
Anh Giàng A Chiến – phụ trách đoàn là người có kinh nghiệm và chỉn chu, tận tâm đến mức tuyệt vời từ việc trang bị đồ ăn uống, đến việc dặn dò cách ứng phó với tình huống phát sinh. Nai nịt gọn gàng, chúng tôi cầm gậy lên đường chinh phục Lùng Cúng. Đoạn đường đầu đi khá dễ dàng qua ngọn đồi bạt ngàn hoa mua, thi thoảng có cây táo mèo cho quả hái ăn có vị chua chua thơm thơm giác mát họng. Mưa lất phất làm cho mọi thứ khá trơn, khi qua suối, có anh Hà bị trượt chân ngã ướt hết cả giầy. Leo núi sẽ mất tới 6 -7 giờ nên cần giữ khô và ấm đôi chân, nhất là khi trời mưa nếu không rất dễ bị sự cố.
Khung cảnh tuyệt đẹp của Lùng Cúng. Ảnh: Phạm Tuấn
Liên tục lên dốc, đi hết khoảng thảm thực vật lúp xúp ngang bụng là đến vào đến rừng già, chui qua vài vòm lá tán cây là như đi vào không gian khác với tầng tầng lớp lớp cây rừng, thảm lá mục tạo thành lớp bùn đen dưới chân, cắm gậy vào sẽ sụt ngay đầu gậy xuống và ghì chân không vững có thể bị kéo trượt.
Đường lên Lùng Cúng có nhiều cảnh đẹp nhờ hệ sinh thái thực vật phong phú. Không có sóng mạng điện thoại, chỉ còn hướng dẫn và phụ trách liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Người leo núi xuyên qua rừng già, men theo các lối đi quanh co bên sườn núi, không khí thanh mát văng vẳng tiếng thác nước vọng từ xa xa, ào ạt, ầm ì.
Rất nhiều loại nấm, hoa cỏ không biết tên cứ hiện ra trong tầm mắt, nhưng để có thể đứng trụ vững chụp được ảnh là điều không hề dễ. Đến giờ nghỉ ăn trưa bên cạnh thác nước rất đẹp thì trời sầm sập đổ mưa. Cả đoàn chen chúc trú mưa dưới mái bạt ăn trưa với bánh chưng và thịt nướng. Thịt lợn được tẩm ướp gia vị nướng giữa rừng mưa lại cho hương vị thơm ngon tuyệt vời.
Sau bữa trưa tiệc đứng, cả đoàn khoác áo mưa lên đường, tay gậy tay bám có lúc phải đu cả người mới qua được những quãng dốc đứng, mồ hôi lẫn nước mưa làm người ướt sũng. Ở độ cao trên 2 ngàn mét, không khí loãng đi, nồng độ oxi thấp làm người leo nhanh thấm mệt hơn. Bù lại, du khách thoả sức được ngắm cảnh trong rừng già rồi rừng trúc đẹp như trong phim.
Khi đôi chân không còn theo ý của đầu nữa thì may mắn cũng vừa tới lán nghỉ của Hờ A Tồng. Như lời của hướng dẫn viên, thì đây là lán nghỉ rất tiện nghi khi có sàn rộng rãi, chăn đệm mới sạch, có máy phát điện, nhà tắm, nhà vệ sinh, khu bếp và ăn tách biệt.
Lùng Cúng còn khá hoang sơ với cảnh đẹp tự nhiên. Ảnh: Phạm Tuấn
Ngồi sưởi lửa hong quần áo và đợi hành lý nhờ người khuân vác có sức khoẻ phi trường mang lên, họ gùi thồ mấy chục kg trèo đèo lội suối như thường trong khi trời vẫn mưa sầm sập. Kế hoạch lên đỉnh đón hoàng hôn bị phá sản, thay vào đó là bữa tối tuyệt vời với món lợn bản quay, lẩu gà đen. Nhiều người nói chưa bao giờ có được một bữa tối ngon miệng đến như vậy, lợn quay béo ngậy, thơm mềm, gà đen thịt chắc ngọt, rau cải ngọt lừ, rượu men lá ấm nồng giúp xua tan hết bao nhiêu mệt mỏi.
Ăn tối xong cả đoàn tụ tập đàn hát vui vẻ rồi đi ngủ, chuẩn bị cho hôm sau đón bình minh trên đỉnh Lùng Cúng. Sáng hôm sau, trời như không phụ lòng người, cảnh sắc đường lên đỉnh núi lúc đi xuyên qua rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ thâm u to lớn, xa xa thấp thoáng biển mây như chốn bồng lai tiên cảnh. Các chóp núi nhú lên giữa biển mây như những hòn đảo ẩn hiện trong sương khói. Thật là một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu, là phần thưởng cho những nỗ lực của người leo. Nếu không tận mắt trải nghiệm sẽ chẳng bao giờ được tận mắt ngắm những cảnh sắc đó trong cuộc đời.
Đỉnh cao Lùng Cúng khá bằng phẳng với thảm cỏ hoa vàng, nơi đây mây mù đến rồi đi, biến ảo trong chốc lát như tiên cảnh, gió thổi mát lạnh giúp sức khoẻ hồi phục nhanh chóng cho cung đường trở về.
Để tiết kiệm thời gian, lối về đi dốc hơn nhiều nguy hiểm hơn, nhưng cũng đẹp hơn, thác nước giữa rừng già có vẻ đẹp huyền bí cùng bụi nước bắn tung ra mát lạnh như cổ tích. Chú chó của A Tồng đồng hành cùng khách như người hướng dẫn kiệm lời, cứ đứng ngước mắt dòng nước đổ trắng xoá tung bay, giữa cánh rừng mờ ảo trong màn sương khói.
May mắn khi trở về chúng tôi được tắm nước khoáng nóng của homestay Gia Bảo giúp cho cơ bắp và thể lực được phục hồi rất nhanh chóng. Sau bữa tối vui vẻ, chúng tôi chia tay mà còn mang theo bao kỉ niệm khó quên cùng với Lùng Cúng và thấy đất nước quê hương mình thật giàu đẹp, đáng yêu.
Hành trình chinh phục Lùng Cúng
Đỉnh Lùng Cúng cao 2.913 m, thuộc huyện Mù Cang Chải, nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Vài năm trở lại đây, Lùng Cúng thu hút một lượng lớn những người yêu thích leo núi vì địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải.
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở tại Nậm Có, Mù Cang Chải - bản Lùng Cúng. Từ chân núi lên tới đỉnh là 20km, nếu ngang qua thung lũng Tà Cua Y thì tầm 28km. Những người yêu thích leo núi đánh giá độ đẹp cung Lùng Cúng là 9/10 và độ khó là 5/10. Cung Lùng Cúng được đánh giá là dễ nhất trong 3 cung leo núi của Yên Bái (Tà Xùa, Tà Chì Nhù và Lùng Cúng). Tuy nhiên hành trình cũng khá gian nan bởi chỉ có tiến lên, nhiều đoạn dốc thẳng đứng. Để tới được chân núi, đi từ Tú Lệ vượt qua 15km đường đá hộc đến điểm bắt đầu leo ở bản Tu San.
Rời bản Tu San là chính thức bước vào hành trình chinh phục Lùng Cúng. Những con dốc thẳng đứng có thể khiến bạn mất sức ngay từ những bước chân đầu tiên, nhưng nếu như đã chuẩn bị một thể lực tốt thì không quá khó khăn.
Càng vào sâu, rừng càng rậm và âm u hơn, những con dốc lấp ló nối tiếp. Nhưng đổi lại là một khung cảnh tuyệt đẹp như cõi tiên. Những ngọn núi cao ở Tây Bắc thường có suối nước và Lùng Cúng cũng vậy, những con suối chạy dọc theo đường lên, qua địa hình hiểm trở, thay vì những con suối nhỏ lại là thác nước tuyệt đẹp.
Cùng với đó là cả một hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng và cực kỳ hoang sơ, đẹp vào hàng bậc nhất Việt Nam, gồm: rừng cỏ lau, rừng cây hạt dẻ cổ thụ, rừng trúc Nậm Có, rừng phong lá đỏ, rừng hoa đỗ quyên và rừng táo mèo cổ thụ. Do đó, mỗi mùa trong năm, Lùng Cúng lại sở hữu vẻ đẹp khác nhau.
Những cây rừng cổ thụ cao tít. Ảnh: Kkday.
Những thảm thực vật phong phú tạo nên những "thước phim" lãng mạn ngay trong hành trình của những chiến binh chinh phục đỉnh núi. Những rừng cây cổ thụ cao tít, dưới chân là tấm thảm hoa. Càng lên cao mây mù bắt đầu bao phủ dày đặc khắp cánh rừng. Khu lán trại được những người dẫn đường, gùi đồ chọn ở nơi bằng phẳng, nếu muốn trải nghiệm ngủ trại trong rừng thì có thể cắm trại tại đây. Song đa phần mọi người chọn ở trong những lán gỗ của người bản địa dựng sẵn, kín gió với những sập gỗ như chiếc giường lớn. Tối đến, cả đoàn quây quần bên ngọn lửa cùng những bắp ngô thơm phức, lắng nghe những người dẫn đường kể chuyện về những thuật đi rừng để không bao giờ bị lạc, hay văn hóa của người Mông nơi đây và không quên nhắc mọi người nghỉ sớm, hẹn ngày mai ngắm mây "bồng bềnh".
Theo kinh nghiệm của những người bản địa, bình minh trên đỉnh là thứ đáng giá nhất trong mỗi chuyến đi, tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết. 5 giờ đoàn lên đường, cảm giác vẫn còn trong màn đêm tịch mịch, hơi rừng lạnh buốt. Đoàn người soi đèn pin và đi lên đỉnh núi, càng lên cao càng thấy trời sao hiện rõ, biển mây lấp ló trong đêm.
Đến gần đỉnh núi, khung cảnh trở nên quang đãng, không gian bao la. Xung quanh tứ phía đều là núi, gió phần phật. Bên dưới là những bản làng nhỏ, xa tít. Đỉnh Lùng Cúng khá bằng phẳng, rộng rãi, không gian khoáng đạt và mênh mông, chỉ toàn đồi cỏ cùng những bụi cây thấp.
Đứng ở đỉnh Lùng Cúng có thể ngắm thung lũng mây bay bên dưới, nơi có bản Lùng Cúng. Rồi nhìn sang xã Chế Cu Nha hay xa hơn là núi rừng xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Lúc ấy bạn sẽ chẳng còn nhớ những đoạn đường gian nan, những con dốc, những bước chân mỏi mệt, chỉ lặng yên cảm nhận hùng quan kỳ vĩ của đất trời với thiên đường mây Lùng Cúng dưới chân.
Tả Liên Sơn - Cung đường cổ tích Ruộng bậc thang vẽ thành đường cong mềm mại ôm vòng quanh chân núi. Xa xa, nhiều đỉnh núi xanh thẫm thấp thoáng nhấp nhô lên xuống đều đặn. Đại dịch COVID-19 gây hậu quả về người và của. Nền kinh tế hậu COVID-19 vẫn đang bị ảnh hưởng tiếp tục suy thoái gây khó khăn cho doanh nghiệp, đời sống người dân....