Lùm xùm chuyện đấu thầu, giải ngân dự án kè sông Tiền
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao việc gói thầu số 4 dự án kè sông Tiền có nhiều “uẩn khúc” từ khâu đấu thầu đến thi công, giải ngân. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị thi công khẳng định đã làm đúng luật theo quy định hiện hành.
Lùm xùm ngay từ khâu đấu thầu
Dự án đầu tư xây dựng công trình kè – đường và khu dân cư dọc sông Tiền (dự án kè sông Tiền) có tổng vốn đầu tư khoảng 390 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do UBND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) làm chủ đầu tư. Dự án chia làm 4 gói thầu, trong đó có gói thầu số 4, giá trị gần 91 tỷ đồng, có nhiều lùm xùm, thưa kiện lẫn nhau giữa các nhà thầu ngay từ khi đấu thầu.
Gói thầu số 4 đang được thi công phần đóng trụ bờ kè
Trong cuộc đấu thầu lần 1 hồi đầu tháng 5/2013, tham gia đấu thầu gói số 4 có 8 nhà thầu nhưng có 7 nhà thầu không đáp ứng các điều kiện do không có bảo lãnh thầu; không đảm bảo hồ sơ kỹ thuật nên chủ đầu tư đề xuất liên danh Vạn Tường – Minh Phóng trúng thầu.
Sau khi có kết quả đấu thầu, Công ty TNHH đầu tư xậy dựng và khảo sát công trình Thanh Tuấn (trụ sở TP Hồ Chính Minh) – một trong những liên danh tham gia đấu thầu gói số 4 – đã có đơn phản ánh về năng lực của liên danh Vạn Tường – Minh Phóng với nội dung liên danh này chưa từng thi công các công trình tương tự.
Các cơ quan chức năng của TP Mỹ Tho đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Ngày 17/9/2013, UBND TP Mỹ Tho có buổi làm việc với nhà thầu Liên danh Vạn Tường – Minh Phóng. UBND TP Mỹ Tho kết luận sẽ báo cáo UBND tỉnh cho hủy kết quả trúng thầu và tổ chức đấu thầu lại.
Video đang HOT
Cuối tháng 10/2013, cuộc đấu thầu lần 2 được tổ chức. Lần này, liên danh Vạn Tường – Thuận Thành thắng thầu. Đơn vị tham gia đấu thầu lại tiếp tục tố cáo công ty Thuận Thành không có năng lực thi công. Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành điều tra và liên danh Vạn Tường – Thuận Thành vẫn được phê duyệt kết quả trúng thầu.
Ngày 20/12/2013, liên danh Vạn Tường – Thuận Thành khởi công xây dựng gói thầu số 4.
Nghiệm thu “ưu ái” cho đơn vị thi công?
Nguồn tin từ Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Tiền Giang, cơ quan này đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc nghiệm thu dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Cụ thể ở thời điểm kiểm tra, khối lượng công việc thực hiện tại hiện trường giá trị chỉ 6 tỷ đồng nhưng được quyết toán đến 21 tỷ đồng.
Đồng thời UBKT Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan thu hồi ngay số tiền đã chuyển thanh toán không đúng với khối lượng thực hiện của nhà thầu đã thực hiện tại hiện trường của dự án gói thầu số 4 theo đúng quy định.
Các gói thầu số 1,2 đã thi công phần kè và tiến hành bơm cát.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị thi công cho rằng, việc nghiệm thu, tạm ứng trong quá trình thi công đều đúng luật.
Trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, ông Dương Ngọc Tú, Giám đốc chi nhánh Công ty Vạn Tường tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đơn vị thi công sau khi ký hợp đồng kinh tế đã tạm ứng vốn đúng luật và được trừ phần tạm ứng theo tỷ lệ quy định. Khối lượng thi công ít nhưng giải ngân nhiều do cộng luôn phần tạm ứng trước đó”.
Theo ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng TP Mỹ tho, hiện tại gói thầu số 4 đã thi công đạt 25% với khối lượng ước 21 tỷ đồng và đã được giải ngân 44 tỷ đồng. Số tiền giải ngân và khối lượng đơn vị thi công có sự chênh lệch quá 1ớn được ông Hồ Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng TP Mỹ Tho giải thích: “Đơn vị thi công được tạm ứng 26,5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ khoảng 29% đúng theo quy định đối với công trình xây dựng vốn nhà nước đơn vị thi công được tạm ứng tối đa 50% giá trị hợp đồng.
Số tiền tạm ứng này sẽ trừ dần đến khi đơn vị thi công đạt khối lượng 80% công trình; chủ đầu tư sẽ trừ hết phần tạm ứng nên khối lượng đơn vị thi công và phần giải ngân sẽ ngang bằng nhau. Hiện tại gói thầu số 4 mới khởi công, khối lượng chỉ 25% nên phần khối lượng thực hiện và giải ngân có sự chênh lệch lớn là điều bình thường và đúng theo quy định”.
Theo ông Hiệp, ở 3 gói thầu trước đó của dự án kè sông Tiền, đơn vị thi công cũng được tạm ứng tương tự như gói thầu số 4. Cụ thể gói thầu số 1 tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 55 tỷ đồng, đơn vị thi công được tạm ứng 35%, khởi công từ tháng 3/2011 đã thi công đạt được 63% khối lượng với số tiền 37 tỷ đồng và được giải ngân 41 tỷ đồng; Giai đoạn 2 đơn vị thi công đạt khối lượng 75% với khoảng 62 tỷ đồng và được giải ngân 65 tỷ đồng…
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Tín, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP Mỹ Tho, cho biết: “Hiện vụ việc công trình kè sông Tiền đang được thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. Khi nào có kết luật chính thức sẽ thông tin”. Theo nguồn tin từ Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh thanh tra công trình kè sông Tiền và sẽ báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy vào tháng 5/2014.
Minh Giang
Theo Dantri
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Sắp thông xe gói thầu do Trung Quốc thi công
Gói thầu xây lắp A7 Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do nhà thầu Trung Quốc thi công đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm từ ngày 1/4 tới đây.
Thêm một gói thầu nữa của Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sắp thông xe
Theo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), gói thầu A7 có lý trình Km190 420 đến Km218 040, đi qua huyện Văn Bàn, huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai có tổng chiều dài 27,62 Km.
Gói thầu được khởi công từ ngày 25/1/2010, do Công ty TNHH xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) là nhà thầu thi công. Giá trị hợp đồng của gói thầu này là hơn 1.600 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, biến động lớn về giá cả, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên tiến độ hoàn thành gói A7 đã được giãn tiến độ hoàn thành.
Trước đó, gói thầu A1 đoạn kết nối Hà Nội với Vĩnh Phúc và gói thầu A8 giáp với Trung Quốc đã được thông xe đưa vào khai thác tạm đem lại những hiệu quả kinh tế nhất định, đồng thời giải quyết vấn đề giao thông trên các luồng tuyến cũ vốn có nhiều căng thẳng. Dự án sẽ thông xe toàn tuyến từ Hà Nội đến Lào Cai trong năm 2014 này.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài tuyến (theo giai đoạn 1) là 245km đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai được chia làm 8 gói thầu xây lắp. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là gần 20.000 tỷ đồng, tương đương 1.249 triệu USD sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ADF của Ngân hàng Phát triển Châu Á và vốn đối ứng (trái phiếu công trình) của Việt Nam.
Đây là Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc.
Việc triển khai Dự án góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ. Dự án còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và tạo động lực cho công tác khai thác du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Ông Nguyễn Bá Thanh làm việc với Ban Nội chính Phú Yên Ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Tỉnh ủy Phú Yên tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan tố tụng xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc. Sáng 28/3, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh có buổi làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng....