Lùm xùm bê bối lộ tin mật của Malaysia
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia hôm qua đã bác bỏ mọi cáo buộc rằng một báo cáo mật của bộ này đã bị bán cho doanh nghiệp của Pháp để đạt được một thỏa thuận về tàu ngầm gây tranh cãi.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Malaysia do Pháp sản xuất cập cảng Hải quân Klang hồi tháng 9/2009.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bác bỏ các cáo buộc hối lộ liên quan tới việc mua tàu ngầm trị giá 1,1 tỉ USD vào năm 2002. Khi đó, ông Najib đang là bộ trưởng Quốc phòng và nói rằng đây chỉ là một nỗ lực của phe đối lập nhằm làm hoen ố hình ảnh của ông.
Nhưng trong những tháng gần đây, các phương tiện truyền thông trên mạng của Malaysia rất hào hứng với “bằng chứng” mới mà phe đối lập và các luật sư của họ đã nhận được từ các quan tòa của Pháp điều tra vụ việc này.
Các cáo buộc này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với ông Najib vì ông này đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử.
Video đang HOT
Trong đó có cáo buộc rằng một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Malaysia về nhu cầu đối với hải quân của nước này đã bị bán cho hãng chế tạo tàu ngầm Thales, có thể là nhằm giúp cho hãng của Pháp giành được hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Zahid Hamidi đã đáp trả lại các cáo buộc của phe đối lập, và nói với quốc hội rằng không hề có chuyện thông tin mật bị rò rỉ, và hợp đồng này được thực hiện thông qua “đàm phán trực tiếp phù hợp với các trình tự mua bán”.
“Theo thông tin mà tôi nắm rõ nhất của Bộ [Quốc phòng], cho tới giờ vẫn chưa hề có thông tin nào rò rỉ khỏi Malaysia” – ông Ahmad nói. “Bộ [Quốc phòng] chưa từng trả bất kỳ khoản hoa hồng nào trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ công ty nào trong việc mua các tàu ngầm Scorpene”.
Theo yêu cầu của phe đối lập tại Malaysia, các quan chức hành pháp của Pháp đã mở một cuộc điều tra vào tháng 3/2012 về việc mua bán hai tàu ngầm Scorpene do hãng DCNS của Pháp xây dựng.
Phe đối lập của Malaysia là Suaram đã cáo buộc hãng DCNS (chủ sở hữu hãng Thales) chi trả khoản tiền hoa hồng trị giá 114 triệu euro (tương đương 142 triệu USD) cho công ty Perimekar. Công ty này có liên quan tới một nhân vật là Abdul Razak Baginda – đồng minh của ông Najib.
Hôm thứ Hai vừa qua, tờ Asia Sentinel đã đăng tải 133 tài liệu do Pháp cung cấp. Trong đó tờ báo nêu rõ việc đảm bảo hợp đồng này “có được là do một loạt thư tống tiền lằng nhằng, hối lộ, các khoản mua bán lặt vặt ảnh hưởng, làm dụng các tài sản của doanh nghiệp và che đậy, cùng với các cáo buộc khác”.
Tờ báo này cũng cáo buộc các quan chức Pháp và Malaysia, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé và cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad có vẻ như đã biết một vài “hành động sai trái” này.
Theo VietNamNet
Israel sa thải phó đại sứ tại Washington vì làm lộ tin mật
Israel đã sa thải phó đại sứ tại Washington vì làm rò rỉ với giới truyền thông các cuộc thảo luận nhạy cảm liên quan tới Mỹ, các nguồn tin ngoại giao cho hay.
Giới chức Israel cho biết, quyết định sa thải ông Dan Arbell, người từng là phó giám đốc các vấn đề về Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Israel, đã được đưa ra trong một thông báo nội bộ được gửi tới các nhà ngoại giao ngày 4/10 sau một cuộc điều tra.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Ilana Stein đã xác nhận thông tin trên. Bà miêu tả động thái là khác thường, nhưng từ chối tiết lộ các thông tin chi tiết.
Liên minh giữa Mỹ và Israel được thúc đẩy bởi những lo ngại chung về Iran, nhưng các rạn nứt đã xuất hiện khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Barack Obama bất đồng về cách thức theo đuổi tiến trình hoà bình Israel-Palestine.
Việc sa thải ông Arbell được cho là có liên quan tới các thông tin nhạy cảm bị rò rỉ gần đây.
Báo chí Israel đã đăng tải các bình luận nhạy cảm hồi năm ngoái của Đại sứ Israel tại Washington, ông Michael Oren, miêu tả "một cuộc khủng hoảng của những vấn đề lịch sử" trong quan hệ song phương sau khi chính quyền Obama chỉ trích các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi những bình luận đó là quá mức, nhấn mạnh tới sự ủng hộ công khai của ông Obama đối với việc tăng cường quân đội của Israel và nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm phản đối Palestine gia nhập Liên hợp quốc.
Theo Dân Trí