Lugansk đã rút toàn bộ vũ khí hạng nặng
CHND tự xưng Lugansk tại miền Đông Ukraine tuyên bố đã hoàn tất việc rút vũ khí và kỹ thuật hạng nặng khỏi đường giới tuyến dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và đại diện giới truyền thông.
Lực lượng ly khai trên xe quân sự hạng nặng tại thành phố Lugansk ngày 21/2 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu ngày 2/3, Đại diện lực lượng Cảnh sát Nhân dân của Lugansk, ông Igor Yatsenko nêu rõ tất cả các đơn vị thuộc lực lượng này rút toàn bộ vũ khí hạng nặng vào ngày 1/3 theo thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Cảnh sát Nhân dân Lugansk vẫn được đảm bảo. Các đơn vị được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao trong mọi tình huống khẩn cấp.
Trước đó, đại diện quân sự của CHND Donetsk (DPR) tự xưng, ông Eduard Basurin, cũng tuyên bố các đơn vị vũ trang của DPR đã hoàn tất việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giới tuyến vào ngày 1/3, dưới sự kiểm soát của OSCE. Trong khi đó, phía Kiev tuyên bố lực lượng vũ trang của chính quyền trung ương Ukraine đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng từ ngày 26/2 vừa qua.
Rút vũ khí hạng nặng là biện pháp thứ hai trong 13 giải pháp tổng thể nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk được Nhóm Tiếp xúc ba bên ký ngày 12/2 tại Minsk (Belarus) để giải quyết vấn đề xung đột tại Ukraine. Biện pháp tiên quyết là ngừng bắn toàn diện đã được các bên tuân thủ từ ngày 15/2.
Liên quan việc Ukraine kêu gọi triển khai phái bộ quốc tế đến khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, đại diện CHND Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin, ngày 2/3 cho rằng điều này đi ngược với thỏa thuận Minsk và có thể đe dọa tiến trình hòa bình tiếp theo. Ông kêu gọi phía Kiev không vi phạm những thỏa thuận đã đạt được và các nước tham gia đàm phán Minsk 2 dùng tất cả những ảnh hưởng của mình để các bên tuân thủ đúng đắn những thỏa thuận.
Ông Pushilin đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa ký thi hành quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng (NSDC) “Về kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) triển khai phái bộ quốc tế nhằm gìn giữ hòa bình và an ninh trên lãnh thổ Ukraine”.
Theo TTXVN/baotintuc.vn
Âm ỉ chiến sự ở Ukraine, liệu có Minsk - 3?
Tình hình Ukraine lại bế tắc sau khi có thêm 3 binh sĩ quân chính phủ thiệt mạng trong giao tranh ở khu vực miền Đông nước này hôm 27/2.
Video đang HOT
Giới phân tích cảnh báo: Nếu chiến sự ở Debaltseve là chất xúc tác của Thỏa thuận Minsk-2 thì nguy cơ bùng chiến ở Mariupol rất dễ đẩy xung đột Ukraine phải tìm kiếm đến một thỏa thuận ngừng bắn mới?
"Sức nóng" miền Đông Ukraine vẫn kinh khủng
Theo AFP, cái chết của 3 binh sĩ Ukraine chỉ 2 ngày sau khi quân chính phủ và phe đối lập thực thi lệnh ngừng bắn tại miền Đông nước này cho thấy sự mong manh của thỏa thuận hòa bình Minsk-2 mà các bên đạt được hồi giữa tháng 2 vừa qua.
Thỏa thuận rút vũ khí hạng nặng và ngừng bắn được thực hiện ở nhiều nơi, trừ Mariupol,Ukraine (ảnh: ibtimes.co.uk)
Phái đoàn Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tham gia giám sát thỏa thuận Minsk thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh tại Ukraine có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
"Chúng tôi nhận thấy tình hình Ukraine hiện đang bế tắc bởi lo ngại tình hình xung đột có thể sẽ lại leo thang hoặc có thể các bên vẫn thể hiện trách nhiệm và thiện chí của mình để theo đuổi con đường hòa bình", ông Heidi Tagliavani, đại diện của OSCE, tuyên bố.
Trước đó, đã không có thương vong tại khu vực miền Đông trong vòng 2 ngày liên tiếp và điều này làm dấy lên hy vọng rằng thỏa thuận hòa bình Minsk do Pháp và Đức đứng ra làm trung gian có thể được tôn trọng.
Tuy nhiên, Kiev tuyên bố, dù giao tranh đã không diễn ra trên hầu khắp các mặt trận, quân chính phủ và phe đối lập vẫn đụng độ nhau tại các khu làng gần sân bay Donetsk.
Mặc dù vậy, cả quân chính phủ và phe đối lập vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực có giao tranh.
Trước đó, ngày 26/2, Kiev tuyên bố đã bắt đầu rút các khẩu pháo 100 ly ra khỏi vùng chiến sự trong khi phe đối lập tuyên bố đã gần như hoàn tất việc rút các loại vũ khí hạng nặng.
Các quan sát viên OSCE cho biết, dù đã chứng kiến việc các bên rút các loại vũ khí hạng nặng khỏi nơi xảy ra giao tranh, vẫn còn quá sớm để cho rằng hai bên sẽ thực thi đầy đủ việc này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 26/2 tuyên bố, việc rút các loại vũ khí nói trên "mới chỉ là phép thử đầu tiên".
"Bất kỳ lúc nào, binh sĩ Ukraine cũng sẵn sàng đưa các loại vũ khí của mình về vị trí chiến đấu cũ và tấn công kẻ thù của chúng tôi", ông Poroshenko tuyên bố.
Phát hiện vũ khí phương Tây ở miền Đông Ukraine
Tiếng nói nước Nga ngày 27/2 dẫn lời Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, ông Oleg Gladkovsky thừa nhận việc Ukraine tiếp nhận vũ khí sát thương từ các quốc gia khác.
Trả lời câu hỏi liệu trong quân đội sẽ có những vũ khí sát thương mới hay không, ông Gladkovsky nói: "Chúng tôi đang làm việc với toàn thế giới... chúng tôi tiếp nhận vũ khí sát thương".
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Eduard Basurin cũng thông báo với báo chí đã phát hiện các vũ khí do Phương Tây sản xuất trong quá trình dọn dẹp tại sân bay Donetsk và "các chuyên gia của chúng tôi đang kiểm tra chúng".
Ngoài ra, theo ông Basurin, chỉ trong vòng 24 giờ ngày 27/2, phía DPR đã ghi nhận có 19 lần quân đội Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk-2.
Mariupol - liệu có làm Thỏa thuận Minsk -2 "chết yểu"?
Tờ Christian Science Monitor dẫn tin từ quân đội Ukraine ngày 26/2, lực lượng đối lập miền Đông được Nga hậu thuẫn, đang ồ ạt kéo quân tới thành phố Mariupol - nơi vốn là "thành trì" ủng hộ Kiev.
Tờ báo nhận định: một khi quân đối lập chiếm được thành phố cảng Mariupol, chiến thắng này sẽ giúp họ mở đường hướng ra cảng biển. Ngoài ra, việc chiếm giữ thành phố lớn thứ hai tại Donetsk sẽ hỗ trợ lớn cho chiến dịch của lực lượng đối lập sau chiến thắng tại Debaltseve.
Vẻ lo lắng bất an trên gương mặt 1 binh sỹ Ukraine (ảnh: BBC)
Chuyên gia quân sự tại Trung tâm nghiên cứu độc lập Razumkov tại Kiev, ông Olexiy Melnik nhận định: "Mariupol đang có nguy cơ trở thành tâm điểm chiến sự sau Debaltseve. Chúng tôi cũng đã đoán được chuyện gì sắp xảy ra".
Tuy nhiên, với nhiều nhà phân tích chính trị Ukraine, một cuộc tấn công nhằm vào Mariupol sẽ ngay lập tức sẽ đối mặt với binh lính phương Tây. Ngày 25/2, cả Anh và Mỹ đều tuyên bố để ngỏ khả năng đưa quân tới Ukraine. Ngoài ra, chính phủ Mỹ vẫn đang cân nhắc việc trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine ngay tại thời điểm thỏa thuận ngừng bắn được thi hành. Và khả năng áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Nếu như Mariupol bị biến thành bãi chiến trường, giới quan sát nhận định nhiều khả năng phe đối lập sẽ tạo ra một hành lang đường bộ kéo dài từ biên giới Nga - Ukraine đến bán đảo Crimea và kiểm soát được một hải cảng lớn bên bờ biển Azov.
Thêm vào đó, một trận chiến bùng nổ tại Mariupol sẽ có quy mô tàn bạo và đẫm máu hơn tại Debaltseve bởi Mariupol có diện tích lớn hơn nhiều so với Debaltseve.
Chuyên gia Olexiy Melnik dẫn báo cáo của OSCE ngày 26/2 rằng chiến sự vẫn có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. "Sự hoài nghi đang có khả năng bóp chết Thỏa thuận Minsk - 2".
Nếu Minsk-2 bị phá vỡ sẽ xuất hiện Minsk-3 mang tên Mariupol, và liệu đây có thể là Minsk-cuối cùng về vấn đề Ukraine hay không thì chưa ai rõ./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN
Debaltsevo - chiến thắng và thảm kịch... Không có "nồi hơi" Debaltsevo thì không có Minsk-2 và nếu Minsk-2 bị phá vỡ sẽ xuất hiện Minsk-3 mang tên Mariupol là có thể Minsk- cuối cùng về vấn đề Ukraine. Sau cuộc chiến đẫm máu người Ukraine tại sân bay Donetsk kết thúc, quân ly khai miền Đông lập mưu, cài thế, bất ngờ mở chiến dịch giải phóng Debaltsevo và...