Lúc Nga đang cần Trung Quốc, Bắc Kinh cứng rắn hơn ở Biển Đông
Trung Quốc đã tìm cách “phủ đầu” các nước láng giềng nhỏ hơn và Nhật Bản – kẻ thù thời Chiến tranh Thế giới thứ II.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Bắc Kinh.
Tờ Financial Times ngày 19/11 đưa tin, Trung Quốc và Nga đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự song phương và tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới lặp đi lặp lại.
Video đang HOT
Trong chuyến công du tới Bắc Kinh và tiếp xúc với Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, 2 nước đã bày tỏ quan ngại chung về việc Hoa Kỳ tăng cường ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Hợp tác của chúng tôi trong lĩnh vực quân sự có tiền năng lớn hơn và phía Nga đã sẵn sàng phát triển nó lên mức cao nhất có thể trong khu vực. Chúng tôi nhìn thấy sự hình thành của một hệ thống an ninh tập thể, đó là mục tiêu và nỗ lực chung của chúng tôi”, ông Shoigu phát biểu.
Đoàn đại biểu quân sự Nga cũng đã liên hệ giữa cuộc biểu tình đòi tự chủ ở Hồng Kông với “Cách mạng màu” đang diễn ra ở các nước thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Ukraine. Trung Quốc và Nga cáo buộc Mỹ và đồng minh đã “xui nguyên giục bị” gây ra bất ổn ở các vùng lãnh thổ, quốc gia này.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov thậm chí còn đề nghị rằng, Moscow sẵn sàng giúp Bắc Kinh “giải quyết” các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. “Chúng tôi đã lưu ý về những sự kiện gần đây diễn ra ở Hồng Kông. 2 Bộ trưởng thừa nhận rằng không một quốc gia duy nhất nào có thể đủ sức chống lại các cuộc cách mạng màu. Chúng tôi tin rằng Nga và Trung Quốc nên làm việc với nhau để chống lại các thách thức mới đối với an ninh quốc gia của chúng tôi.”
Hai bên nhất trí tổ chức cuộc tập trận hải quân chung lần thứ 4 vào mùa xuân tới ở Địa Trung Hải, sau đó là Thái Bình Dương. Trong lúc căng thẳng giữa Moscow với phương Tây ở Ukraine đang tăng cao, Bắc Kinh xem mối quan hệ Nga – Trung đang ở ngưỡng tốt nhất.
Vợ chồng ông Tập Cận Bình chào đón ông Putin đến dự hội nghị APEC vừa qua ở Bắc Kinh.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm cách gần gũi hơn với Trung Quốc để chứng minh rằng ông có nhiều lựa chọn về chiến lược kinh tế, không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế.
Bắc Kinh đã hoan nghênh đề nghị đàm phán của Moscow trong khi họ cũng “làm gay gắt hơn” vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đã tìm cách “phủ đầu” các nước láng giềng nhỏ hơn và Nhật Bản – kẻ thù thời Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tuy nhiên các nhà quan sát mối quan hệ Trung – Nga cho rằng, cả Bắc Kinh và Moscow vẫn còn rất thận trọng với việc quan hệ quá gần gũi. Họ gặp khó khăn khi phải vượt qua sự mất lòng tin và khinh miệt nhau từng xảy ra trong một thời gian dài. Cho đến nay, Nga vẫn từ chối bán công nghệ quân sự tiên tiến nhất cho Trung Quốc, bao gồm động cơ máy bay chiến đấu.
Bắc Kinh đã tìm cách để cân bằng mối quan hệ gần gũi hơn với Moscow và các hoạt động hợp tác với Mỹ, phương Tây còn ông Putin đã tìm cách thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản. Trong lúc Sergei Shoigu gặp Thường Vạn Toàn ở Bắc Kinh hôm Thứ Ba, một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến thăm Phần Lan, quốc gia xem Nga đang có dấu hiệu xâm lấn họ.
Đồng thời 1 đoàn đại biểu cấp cao Bắc Triều Tiên đã hội kiến ông Putin tại Điện Kremlin mang theo thư tay của nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thu xếp chuyến công du đầu tiên sang Moscow chứ không phải là Bắc Kinh.
Theo Giáo Dục