Lực lượng tên lửa Nga diễn tập hơn 100 lần trong năm 2015
Lực lượng Tên lửa chiến lược (SMF) của Nga có kế hoạch tiến hành hơn 100 cuộc diễn tập ở nhiều cấp độ khác nhau trong năm nay, trang Sputnik News dẫn lời phát ngôn viên SMF, Đại tá Igor Yegorov cho biết ngày 11.1.
Tên lửa đạn đạo Topol-M thuộc Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga – Ảnh: AFP
“Trong năm 2015, SMF sẽ tiến hành hơn 100 cuộc diễn tập cấp chỉ huy, chiến thuật và chuyên biệt, mô phỏng những điều kiện chiến đấu phức tạp và căng thẳng”, ông Yegorov nói.
SMF là thành phần chính của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Các nhiệm vụ chính bao gồm ngăn chặn xâm lược bằng bằng lá chắn hạt nhân và đánh bại các mục tiêu chiến lược tiềm tàng về quân sự và kinh tế của kẻ thù bằng tên lửa.
Hồi cuối tháng 12.2014, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã tuyên bố củng cố sức mạnh hạt nhân là nhiệm vụ chính của quân đội nước này trong năm nay.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Hai thách thức của Tổng thống Putin trong năm 2015
Năm 2015 được cho sẽ là một năm đầy thách thức với Tổng thống Putin, gồm hai nhiệm vụ chính là tìm lối ra cho nền kinh tế Nga bên bờ khủng hoảng và cải thiện quan hệ với phương Tây.
Năm 2014 được đánh giá là một năm đầy khó khăn, có cả mặt được lẫn mặt mất đối với Tổng thống Putin. Thông qua việc sáp nhập Crimea, ông đảm bảo được vị thế an ninh chiến lược của Nga. Nhưng cũng chính bởi quyết định trên, quan hệ giữa Moscow và phương Tây đi vào bế tắc nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh, dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga.
Vì vậy, giới phân tích nhận định rằng hai thách thức chính với ông chủ Điện Kremlin trong năm 2015 là tìm hướng ra cho nền kinh tế Nga đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng, và cải thiện quan hệ với phương Tây để thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế.
Video đang HOT
Giải cứu nền kinh tế Nga
Nền kinh tế Nga chịu sức ép lớn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm mạnh. Đồ họa: Việt Chung
Dưới hai tầng sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm mạnh, nền kinh tế Nga đang nằm bên bờ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi ông Putin lên cầm quyền.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Tài chính Nga, GDP của nước này trong năm 2015 có thể giảm đến 4% và thâm hụt ngân sách tương đương hơn 3% GDP. Dự báo trên căn cư trên cơ sở giá dầu thế giới giữ ở mức 60 USD/ thùng và tỉ giá 51 rúp đổi một USD. Tuy nhiên, giá dầu hôm 5/1 đã tụt xuống mức dưới 50 USD/ thùng và đồng rúp tiếp tục mất giá.
"Tình trạng kinh tế Nga hiện nay là một vết chàm đối với uy tín trong nước của Tổng thống Putin, vốn lên rất cao sau quyết định sáp nhập Crimea hồi đầu năm 2014", bình luận viên Allan Cullison của tờ Wall Street Journalnhận định.
Đây được cho là điều khiến ông chủ Điện Kremlin e ngại nhất bởi uy tín trong nước của ông được xây dựng trên nền tảng cam kết với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.
Giới phân tích cho rằng lựa chọn chính sách của Nga trong việc ứng phó với tình trạng đồng rúp không ngừng mất giá hiện nay là rất hạn chế. Moscow đã vận dụng các sách lược như hạ giá chiến lược đồng bản tệ, tăng lãi suất và bán ngoại tệ, nhưng đều không ngăn cản được xu thế giảm giá sâu của đồng rúp.
"Nga chỉ còn sự lựa chọn là tiến hành quản chế dòng vốn, để tránh tình trạng chảy máu tiền tệ ra nước ngoài", nhà kinh tế học Olivier Jeanne thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết.
Quản chế tiền tệ từng là công cụ chính sách hiệu quả được chính phủ Malaysia sử dụng để bảo vệ đồng Ringgit trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Nga phụ thuộc nghiêm trọng vào dầu mỏ.
"Chính sách quản chế tiền tệ sẽ dần mất hiệu lực theo thời gian, các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng tìm cách qua mặt chính phủ", chuyên gia Jeanne nói. "Điều mà giới chức cần làm là tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi mà chính sách này đem lại, đưa ra được một lộ trình kinh tế đáng tin cậy, thuyết phục nhà đầu tư quay lại thị trường Nga".
Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế của Moscow là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên trên.
Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Putin từng tuyên bố việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu. "Cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta, bởi giá năng lượng giảm sẽ kích thích đầu tư vào các ngành nghề khác vốn bị bỏ mặc", ông nói.
Tuy nhiên, đây là giải pháp dài hạn và được dự báo là khó có tác dụng tức thì trong năm 2015. Giới phân tích cho rằng, Nga có thể phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt thông qua việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc và chấp nhận đề nghị hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh.
"Các biện pháp hiện nay không phải là phương án lâu dài để giải quyết tình thế khó khăn trước mắt", Financial Times dẫn báo cáo của Công ty tư vấn Anbound cho biết. "Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Nga sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và Trung Quốc là đối tác lý tưởng nhất trong tình thế hiện nay".
Dù vậy, tại Moscow, không ít người trong giới lãnh đạo công nghiệp và tài chính lo ngại Nga có thể trở thành một đối tác cấp thấp của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là khi nước này đang nằm trong thế bị cô lập. "Họ cho rằng việc chuyển hướng chiến lược về phía Trung Quốc là bất đắc dĩ", ông John Beyrle, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho biết. "Thậm chí có người trong số họ còn cho rằng so với sự phụ thuộc vào phương Tây, sự phụ thuộc vào Trung Quốc còn đáng lo ngại hơn".
Cải thiện quan hệ với phương Tây
Cải thiện quan hệ với pương Tây là một trong hai thách thức chính với Tổng thống Putin trong năm 2015. Trong ảnh là ông Putin (phải) và người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Ảnh: Reuters
Một số học giả cho rằng Nga có thể thông qua việc thực thi chính sách ôn hòa hơn trên vấn đề Ukraine, để thoát khỏi các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng với nền kinh tế nước này.
"Cải thiện phần nào quan hệ với phương Tây là một trong những ưu tiên chính sách mà Nga cần làm trong năm 2015, để giảm sức ép từ các lệnh trừng phạt, ít nhất là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng", Giáo sư Nikolas Gvosdev, chuyên gia về quan hệ Nga - Mỹ, bình luận.
Cùng chung quan điểm trên, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin từng kêu gọi Tổng thống Putin có các biện pháp cần thiết để cải thiện quan hệ với phương Tây, để giúp nước Nga hóa giải nguy cơ trước mắt. Ông Kudrin từng được cho là ứng viên sáng giá thay thế Thủ tướng Dmitry Medvedev.
"Điều quan trọng nhất mà ngài tổng thống và chính phủ cần làm hiện nay là khôi phục quan hệ với các đối tác kinh doanh, đặc biệt là Mỹ và châu Âu", ông Kudrin nói. "Đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết nguy cơ trước mắt".
Không đồng tình với quan điểm trên, cựu phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov cho rằng quân bài chống phương Tây là công cụ hữu hiệu để Tổng thống Putin duy trì sự ủng hộ trong nước trong thời buổi kinh tế khó khăn trước mắt.
"Đa số người Nga hiện nay đều đổ lỗi cho phương Tây về các vấn đề kinh tế trước mắt, chỉ bởi vì nước Nga sáp nhập Crimea, sự kiện mà họ coi là mang tầm lịch sử", cựu chính trị gia này nói. "Người Nga vì thế mà tha thứ hết cho ông ấy".
Trong cuộc họp báo cuối năm, ông Putin cũng từng ví nước Nga như con gấu mà phương Tây muốn xiềng xích và các lệnh trừng phạt thực chất không liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea, mà là một phần của âm mưu lâu dài nhằm làm suy yếu và cướp đoạt tài nguyên của quốc gia này.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel gần đây cho biết các lệnh trừng phạt không có mục đích khiến nền chính trị và kinh tế Nga rơi vào trạng thái mất ổn định.
Đức là nước có vai trò quyết định, với thái độ cứng rắn trong Liên minh châu Âu (EU) trên vấn đề quan hệ với Nga. Reuters dẫn lời người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel cho biết nước này sẽ không thay đổi lập trường nếu tình hình tại Ukraine không có biến chuyển rõ nét.
Tuy nhiên, EU không hoàn toàn thống nhất trên vấn đề trừng phạt Nga. Hôm 5/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi gỡ bỏ ngay các lệnh trừng phạt bởi chúng chỉ là cho tình hình tồi tệ hơn.
"Ông Putin không hề mong muốn thôn tính miền đông Ukraine, tôi chắc chắn điều đó, chính ông ấy nói với tôi như vậy", tổng thống Pháp nhấn mạnh. "Những gì ông ấy muốn chỉ là duy trì sức ảnh hưởng và Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ý tưởng của Putin là không để một quân đội nào hiện diện gần biên giới Nga".
Phát ngôn của ông Hollande cũng đại diện cho một luồng quan điểm trong EU, cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, nên cần hòa hoãn hơn với Moscow, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế của toàn khối cũng đang gặp khó khăn.
"Moscow nên tiếp tục đối thoại với khối, đặc biệt là các quốc gia nhỏ tại Trung Âu, cần tập trung nỗ lực vào ông Francois Hollande, người luôn cho rằng bất ổn trong quan hệ Eu-Nga tổn hại đến lợi ích cả hai", Giáo sư Nikolas Gvosdev kết luận.
Đức Dương
Theo VNE
IS tuyên bố ngân sách 2 tỉ USD cho năm 2015 Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố thông qua dự toán ngân sách hoạt động cho năm 2015 là 2 tỉ USD và có thể bổ sung thêm 250 triệu USD. IS tuyên bố thông qua dự toán ngân sách hoạt động cho năm 2015 là 2 tỉ USD và có thể bổ sung thêm 250 triệu USD -...