Lực lượng phản ứng của NATO coi Nga là đối thủ giả định
Các tài liệu mới được phái đoàn Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) công bố cho thấy lực lượng phản ứng của tổ chức này coi Nga là đối thủ giả định trong các cuộc huấn luyện thường xuyên.
Lực lượng phản ứng của NATO (Ảnh: TASS)
Theo bộ tài liệu mang tên “Nga – NATO: Sự thật và Viễn cảnh” do phái đoàn Nga tại NATO soạn thảo, lực lượng phản ứng của tổ chức này, gọi tắt là NRF, là một bộ phận trực thuộc NATO, hỗ trợ cho các lực lượng lục quân, không quân, hải quân đa quốc gia và các lực lượng đặc biệt của NATO.
NRF được huấn luyện nhằm sẵn sàng ứng phó một cách nhanh nhất với các mối đe dọa an ninh, đáp ứng ngay lập tức các lệnh triển khai của NATO tới bất cứ khu vực nào cần thiết. Trong tài liệu này, “các mối nguy hiểm về an ninh” hay “các thách thức bên ngoài” ngụ ý nói tới mối đe dọa từ phía Nga.
“Trước đây, NRF chỉ nhằm đối phó với các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên kể từ giữa năm 2014 tới nay, NRF đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đối phó với mối đe dọa xâm lăng từ láng giềng phía Đông”, bản tài liệu nêu rõ.
Cụm từ “láng giềng phía Đông” không có ý nhằm vào nước nào khác ngoài Nga.
Theo tài liệu trên, kế hoạch trong năm 2016 của NATO sẽ là tăng số lượng binh sĩ tại các đơn vị của NRF lên 30.000 người. Theo NATO, điều này sẽ đảm bảo việc triển khai các nhóm NRF dọc theo biên giới với Nga cũng như tạo điều kiện cho công tác huấn luyện và phối hợp với các lực lượng quân sự của các nước đồng minh trong khu vực.
Trên thực tế, NATO đã lần lượt thiết lập hệ thống trung tâm chỉ huy tại các nước vùng Baltic, Ba Lan, Bulgaria và Romania. NATO cũng đang xem xét khả năng xây dựng các căn cứ ở các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường sức mạnh đối phó với Nga, NATO đang cân nhắc thiết lập một hệ thống hậu cần tại khu vực Đông Âu, bao gồm các cơ sở vật chất cần thiết cho việc dự trữ phương tiện, đạn dược, nhiên liệu và các thiết bị khác. Các nhà hoạch định chính sách của NATO cũng chú ý đến việc cải tạo cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự, thể hiện thông qua việc chi một khoản lớn ngân sách cho các hoạt động này.
Nhật Minh
Video đang HOT
Theo Dantri/TASS
Chiến tranh trực tiếp Nga-NATO sẽ nổ ra?
Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng tăng các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở Nga và châu Âu, những kịch bản tồi tệ bắt đầu xuất hiện.
May mắn là, kịch bản xấu nhất có khả năng sẽ không xảy ra. Dưới đây là những lý do giải thích cho điều này.
Cuộc diễn tập Lá chắn Đồng minh (Allied Shield) của NATO diễn ra vào tháng 6 vừa qua, với sự tham gia của 15.000 binh sĩ từ 19 quốc gia trong khối quân sự này, là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Cuộc diễn tập chống ngầm của NATO tại vùng Biển Bắc ngoài khơi Na Uy ngày 4/5/2015. (Ảnh: EPA)
Tuy nhiên, ngày 15/8, Mỹ cùng các đồng minh NATO bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung trên không với quy mô lớn nhất tại châu Âu. Theo đó, khoảng 5.000 binh sĩ đến từ 11 quốc gia thành viên NATO đang tham gia cuộc tập trận mang tên "Swift Response 15" kéo dài 4 tuần tại Đức, Ý, Bulgaria và Romania.
Được biết, "Swift Response 15" là chiến dịch huấn luyện trên không lớn nhất được tổ chức tại châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nó được thiết kế nhằm giúp các lực lượng phản ứng nhanh của NATO hành động hợp nhất, cũng như thể hiện khả năng điều động thần tốc, duy trì một châu Âu mạnh mẽ và an toàn.
Hoạt động đáng chú ý trong các khoa mục tập trận sẽ diễn ra vào ngày 26/8 tới. Cụ thể, các máy bay của NATO sẽ thả hơn 1.000 lính dù cùng trang thiết bị xuống khu huấn luyện quân sự Hohenfels (Đức).
Trong khi đó, Nga cũng không muốn bị bỏ lại phía sau. Vào cuối tháng 8, Lực lượng Phản ứng nhanh Tập thể thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tiến hành các cuộc diễn tập của riêng họ, có mật danh: Sự tương tác - 2015 (Interaction-2015), với sự tham gia của hơn 2.000 binh sĩ từ Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS).
Cũng trong thời gian này, Moskva và Bắc Kinh đang tiến hành cuộc tập trận hải quân Marine Interaction-2015 (II) diễn ra theo kế hoạch từ ngày 23 -28/8/2015 tại vùng Viễn Đông.
Ngày tận thế chưa thể xuất hiện
Trong bối cảnh này, báo cáo mới nhất (công bố vào ngày 12/8) do nhóm chuyên gia phi chính phủ có ảnh hưởng European Leadership Network (ELN), gồm các cựu nhân viên quân sự và chính trị cấp cao, cho rằng đó không phải là điều đáng sợ.
Báo cáo của ELN cho rằng cả NATO và Nga đang chuẩn bị cho hành động quân sự có thể chống lại nhau. Mặc dù các chuyên gia ELN thừa nhận rằng cả Moskva và Washington cùng các đồng minh hầu như không có khả năng lên kế hoạch cho một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn, nhưng họ cảm thấy ảm đạm về tình hình ở châu Âu.
Theo ELN, những mối nguy hiểm ngày càng tăng liên quan đến các cuộc diễn tập trên là khó dự đoán, do đó, cả hai bên nên ngay lập tức tiến hành các bước để làm giảm bớt căng thẳng.
Trong vòng 15 tháng qua, NATO và Nga đã thực sự có các cuộc tập trận có thể nhằm chống lại nhau. Vậy đó có phải là dấu hiệu cho một cuộc xung đột sắp diễn ra, và quy mô của nó là gì? Và liệu ở châu Âu có xuất hiện một cuộc chiến tranh lớn mà không ai muốn hay không?
Trước hết, cần phải nói rằng không phải các tác giả của báo cáo từ ELN cùng những lãnh đạo và các nhà ngoại giao Nga hay phương Tây chưa từng đề cập đến một cuộc chiến mở giữa hai bên.
Hoạt động quân sự quy mô toàn diện chống lại Moskva nhằm thay đổi trật tự hiến pháp của Nga, hoặc một phản ứng Đồng minh về một giả thuyết "cuộc xâm lược của Nga tại các quốc gia vùng Baltic" là những chủ đề hay được thảo luận đối với các chính trị gia hay gây gổ nhất, chủ yếu là những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu.
Nga cũng tiến hành các cuộc tập trận đối ứng với NATO. (Ảnh: RT)
Hơn nữa, câu hỏi đặt ra ở đây là phương Tây sẽ làm gì nếu họ thắng? Khi quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này rơi vào hỗn loạn, nó sẽ cản trở việc khai thác các nguồn lực và thực hiện các dự án kinh doanh. Trong khi đó, hồ sơ chiếm đóng và thành lập chính phủ chuyển tiếp của NATO là khá nghèo nàn, được chứng minh bằng Afghanistan và Iraq.
Chỉ cần một cuộc chiến tranh mở quy mô lớn diễn ra trong vài ngày, thiệt hại sẽ là rất lớn đối với toàn bộ các nước Đông Âu, gây ra một thảm họa nhân đạo và thương vong là không thể tưởng tượng. Ngoài ra, bên thua sẽ có khả năng dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những kịch bản như vậy cần được tính đến, nhưng nó rất khó có khả năng xảy ra.
Cuộc chiến "lai"
Hầu hết các chuyên gia cho rằng một cuộc chiến tranh cục bộ với sự tham gia trực tiếp của các lực lượng NATO và Nga là có thể xảy ra nhiều hơn. Hơn nữa, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng một cuộc chiến như vậy đã nổ ra ở Donbass (Ukraine), dù dưới dạng này hay dạng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến cuộc đối đầu mở giữa phương Tây và Moscow.
Ví dụ, nhà khoa học chính trị Edward Walker ở California cho rằng một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" thực sự đã diễn ra ở khu vực miền đông Ukraine và quan ngại về phản ứng bất đối xứng của Điện Kremlin đối với hành động giúp Ukraine tăng cường phòng thủ của NATO.
Tuy nhiên, một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO ở Donbass vẫn khó xảy ra. Căng thẳng sẽ chỉ dẫn đến leo thang một cuộc chiến "lai", tức là những hoạt động quân sự chủ yếu tập trung vào các cuộc tấn công mạng, trừng phạt kinh tế và tuyên truyền hơn là sử dụng các lực lượng truyền thống.
Đối với phương Tây, có lẽ mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến "lai" đang diễn ra là, nếu không thay đổi được chế độ, thì sau đó ít nhất cũng buộc Moskva phải từ bỏ chính sách đối ngoại hiện nay và những tuyên bố quyền lãnh đạo trong khu vực.
Nếu can thiệp quân sự trực tiếp với một kết quả không rõ ràng sẽ phải trả giá cao. Vì vậy, một trong những tín hiệu mà NATO đang tìm cách gửi tới Moskva thông qua các cuộc tập gần đây của họ là một cam kết đồng minh nhằm ngăn chặn việc lặp lại các sự kiện Crimea và Donbass ở bất cứ nơi nào tại châu Âu. Đồng thời, tần suất các cuộc diễn tập cao sẽ giúp cho NATO tăng cường khả năng chiến đấu và hợp đồng tác chiến tốt hơn.
Ngoài ra, họ đang buộc Moskva phải dành nguồn lực bổ sung vào các "cuộc diễn tập đối ứng" trong bối cảnh bị áp đặt các biện trừng phạt kinh tế, gây tốn kém cho Điện Kremlin. Do đó, xét trên nhiều khía cạnh, các cuộc diễn tập quân sự gần đây của NATO là một phần của cuộc chiến tranh "lai".
Tóm lại, cuộc chiến "lai" giữa NATO và Nga, trong đó Moscow trông giống như bên phòng thủ, đã được thiết lập cùng các cuộc diễn tập mới quy mô lớn, các chuyến bay trinh sát dọc theo biên giới và những biện pháp tuyên truyền chống lại nhau.
Việc không tuân thủ các cam kết hòa bình theo thỏa thuận Minsk về vấn đề Ukraine có thể khiến việc bình thường hóa quan hệ Nga-phương Tây là khó xảy ra. Cách hòa dịu duy nhất có thể sẽ là một tình huống mà trong đó các bên tham chiến ở Donbass hạ vũ khí, và cuộc xung đột ở khu vực miền đông Ukraine được "đóng băng". Nhưng liệu các bên có thống nhất làm điều đó? Và ai sẽ tuyên bố chiến thắng trong trường hợp này?
Theo Công Thuận/R.D/baotintuc.vn
Mỹ, NATO tập trận không quân quy mô lớn Ngày 18/8, Mỹ cho biết đã bắt đầu cuộc tập trận không quân cùng các đồng minh với quy mô lớn nhất tại châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh giao tranh giữa chính quyền Ukraine với lực lượng ly khai đang leo thang. Binh lính tham gia sự kiện Phản ứng Mau lẹ 15 tại châu...