Lực lượng nắm quyền muốn giải tán mọi nhóm vũ trang ở Syria
Ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lực lượng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 8.12 vừa ra tuyên bố mới.
Trong một cuộc họp với các thành viên của cộng đồng Druze ở Syria, ông al-Sharaa tuyên bố tất cả các phe phái đối lập sẽ “bị giải tán và các thành viên sẽ được đào tạo để gia nhập bộ quốc phòng”, theo tờ The Telegraph hôm nay 17.12.
“Tất cả sẽ phải tuân theo luật pháp”, ông al-Sharaa nói thêm, theo các bài đăng trên kênh Telegram của HTS. Ông cũng nhấn mạnh cần phải đoàn kết trong một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo.
Cựu Tổng thống Syria nói gì trong phát ngôn đầu tiên sau khi bị lật đổ?
“Syria phải duy trì sự thống nhất. Phải có một khế ước xã hội giữa nhà nước và tất cả các tôn giáo để đảm bảo công lý xã hội”, ông al-Sharaa nhấn mạnh.
Ông al-Sharaa, hiện được xem là lãnh đạo trên thực tế của Syria, đưa ra tuyên bố trên trong lúc ông tìm cách trấn an các nhóm thiểu số trong và ngoài nước rằng các nhà lãnh đạo lâm thời của nước này sẽ bảo vệ tất cả người dân Syria, cũng như các thể chế nhà nước.
Trong một cuộc họp riêng với một phái đoàn Anh, ông al-Sharaa nói rằng các lệnh cấm vận quốc tế đối với Damascus phải được dỡ bỏ nếu những người tị nạn phải di dời vì chiến tranh muốn trở về.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen gặp thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa tại Damascus (Syria), trong ảnh được cung cấp ngày 15.12. ẢNH: REUTERS
Ông al-Sharaa đã nói “về tầm quan trọng của việc khôi phục quan hệ” với Anh và nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc chấm dứt mọi lệnh trừng phạt áp đặt đối với Syria để những người Syria phải di dời… có thể trở về đất nước của họ”.
Sau khi chính quyền al-Assad sụp đổ hôm 8.12, các nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển và Na Uy cùng một số nước khác cho hay họ đang tạm dừng việc xử lý đơn xin tị nạn từ người Syria, dù không rõ ràng về những gì sắp xảy ra với đất nước này.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt rộng rãi đối với chính quyền al-Assad, bao gồm lệnh cấm bán vũ khí cho Syria và nhập khẩu dầu từ Syria cũng như lệnh cấm đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.
Các lệnh trừng phạt đã góp phần làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này; lạm phát phi mã đang hoành hành và ít nhất 70% dân số sống trong cảnh nghèo đói, theo The Telegraph.
Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad đã khiến các nước phương Tây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách đối phó với HTS, vốn có nguồn gốc từ mạng lưới al-Qaeda.
HTS khẳng định đã từ bỏ chủ nghĩa thánh chiến nhưng vẫn bị Liên Hiệp Quốc và một số nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh, cáo buộc vi phạm nhân quyền và vẫn bị Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Anh coi là một nhóm khủng bố.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU là bà Kaja Kallas hôm 16.12 nói rằng khối này nên sẵn sàng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria nếu giới lãnh đạo mới của Syria thực hiện “các bước tích cực” để thành lập một chính phủ toàn diện và tôn trọng quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số.
“Chúng tôi muốn không thấy chủ nghĩa cực đoan, không cực đoan hóa”, bà Kallas nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng HTS “nói đúng” cho đến nay nhưng nhóm này sẽ bị phán xét dựa trên hành động của họ. Bà Kallas cho biết thêm bà đã cử một nhà ngoại giao cấp cao đến gặp các quan chức thuộc HTS.
Khối tài sản của cựu Tổng thống Assad đang ở đâu?
Nhà lãnh đạo Syria bị lật đổ Bashar Assad có thể đã mang theo hàng tỷ USD và chuẩn bị cho kế hoạch sống lưu vong từ nhiều năm.
Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad (Ảnh: Reuters).
Không ai thực sự biết đích xác nhà lãnh đạo Syria bị lật đổ Bashar Assad cùng gia tộc của ông có bao nhiêu tài sản.
Con số ước tính có vẻ xác thực và gần đúng nhất là thông tin xuất hiện trong một báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Quốc hội nước này vào năm 2022. Theo đó, tổng tài sản cá nhân của ông Assad và vợ mình, bà Asma, rơi vào khoảng từ 1-2 tỷ USD.
Gia tộc Assad được cho là còn sở hữu nhiều bất động sản ở Dubai, Moscow và London cũng như hàng chục tài khoản ngân hàng bí mật khác. Theo báo chí Anh tiết lộ gần đây, khi cuộc nội chiến ở Syria bùng phát, các cơ quan chính quyền Anh đã đóng băng một tài khoản của ông Assad trị giá 50 triệu USD tại một chi nhánh của ngân hàng quốc tế ở London.
Vì vậy, con số 1 tỷ USD ước tính có thể chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản của gia tộc Assad. Cũng có những phỏng đoán khác cho rằng, gia đình ông Assad sở hữu 20 tấn vàng cùng các tài sản trị giá 22 tỷ USD. Một số nhà bình luận thậm chí còn ước tính, sau khi cộng dồn mọi thứ, mạng lưới tài sản cất giấu của ông Assad có thể lên tới 122 tỷ USD.
Thông tin về tiền và tài sản bị các cơ quan chính quyền và tòa án thu giữ liên quan tới số thành viên trong gia tộc ông Assad còn tiết lộ một thực tế giàu có khác.
Chẳng hạn như, cho tới thời điểm trước khi chính phủ bị lật đổ, người anh em họ Rami Makhlouf của ông Assad được cho là người giàu nhất Syria, chỉ sau chính ông Bashar Assad. Theo ước tính, ông Makhlouf sở hữu khối tài sản từ 5-10 tỷ USD.
Một người anh em khác của ông Makhlouf là Hafez có tài khoản ngân hàng trị giá 3,2 triệu USD bị chính quyền Thụy Sĩ đóng băng hồi năm 2016 vì nghi vấn rửa tiền.
Năm 2017, các nhà chức trách Tây Ban Nha và Pháp đã tịch thu số tài sản trị giá khoảng 600 triệu euro thuộc quyền sở hữu của Rifaat Assad, bác của ông Assad. Khoản này gồm cả các khách sạn, nhà hàng và nhiều bất động sản khác.
Chân dung cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad được in trên một tờ tiền của Syria (Ảnh: Reuters).
Nguồn tiền của gia tộc Assad đến từ đâu?
"Gia đình ông Assad đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới hầu như tất cả các hoạt động kinh tế quy mô lớn ở đất nước", báo cáo năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích.
Tài liệu trên của Mỹ cũng cáo buộc gia tộc Assad có liên quan tới hoạt động thông qua các công ty vỏ bọc hay tổ chức phi lợi nhuận.
"Trên cương vị người đứng đầu nhà nước và có tầm ảnh hưởng gần như tuyệt đối với lĩnh vực công, ông Assad toàn quyền lèo lái doanh nghiệp quốc dân hướng tới các công ty mà ông ấy kiểm soát thông qua mạng lưới doanh nghiệp bình phong", nhà kinh tế chính trị người Syria Karam Shaar và nhà khoa học chính trị Steven Heydemann giải thích trong một bài viết năm 2024 cho Viện Brookings.
Ví dụ điển hình mà họ đưa ra: Một công ty do hai nhân vật thân cận của ông Assad điều hành đã được chính phủ trao hợp đồng duy trì và cải tạo 2 nhà máy điện lớn nhất Syria.
Theo hai chuyên gia Shaar và Heydemann, những năm gần đây, ông Assad đã củng cố quyền kiểm soát đối với các nguồn thu nhập. Thậm chí, chính ông Assad cũng cố gắng gom góp cho riêng mình của cải từ các đồng minh và thành viên gia tộc.
Điều gì đang diễn ra với tài sản của ông Assad?
Rõ ràng, ông Assad đã rời Syria rất vội vã, mà theo Reuters, ông thậm chí còn không cho gia đình và một số phụ tá thân tín nhất biết. Vợ ông, người đang phải điều trị ung thư, cũng đã có mặt ở Nga cùng 3 người con của họ.
Những tin tức về sự ra đi vội vã kèm với nhiều video xuất hiện sau đó ghi lại cảnh người dân Syria xông vào nhà và văn phòng làm việc của ông Assad cho thấy gia tộc Assad còn để lại nhiều tài sản ở lại, trong đó có hàng loạt đồ hiệu, nội thất sang trọng cùng một gara chứa đầy xe hạng sang như Ferrari, Lamborghini hay Rolls Royce.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ trắng tay ở Nga.
"Sẽ có một chiến dịch truy lùng tài sản của chính quyền Assad trên phạm vi quốc tế", Andrew Tabler, cựu quan chức Nhà Trắng - người trước đây từng tham gia xác định tài sản của gia tộc Assad, chia sẻ trên báo WSJ. "Họ luôn có kế hoạch B và giờ là thời điểm thích hợp để triển khai khi đi sống lưu vong".
Trong tuần này, báo Anh Financial Times đưa tin, từ năm 2018 đến 2019, Ngân hàng Trung ương Syria đã chuyển số tiền mặt trị giá 250 triệu USD tới sân bay Vnukovo phía Tây Nam Moscow, Nga. Trước đó, Financial Times cũng cho biết gia tộc Assad sở hữu ít nhất 18 căn hộ hạng sang ở Moscow cùng với nhiều tài sản khác mà họ mua ở Nga trong giai đoạn 2018-2019.
Tuy nhiên, hiện không có thông tin để kiểm chứng các con số trên.
Syria nóng với động thái nhiều bên Thủ lĩnh phe đối lập Syria đã có phản ứng về những cuộc tấn công gần đây của Israel, trong khi Mỹ cùng một số nước khác có động thái mới liên quan tình hình Syria. AFP sáng qua (15.12) dẫn thông báo từ Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho hay Israel đã phóng 61 tên lửa vào các địa điểm...