Lực lượng đặc nhiệm bí ẩn nhất nước Mỹ
Sự tồn tại của MARSOC, đơn vị chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ, chỉ được hé lộ từ năm 2008.
MARSOC là nơi hội tụ tinh hoa của Thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Theo Armedforces, Navy Seals, Delta, Ranger hay Green Berets là những lực lượng khá nổi tiếng của quân đội Mỹ, trong khi MARSOC (Bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt Thủy quân lục chiến Mỹ) lại không được nhiều người biết.
So với các đơn vị đặc nhiệm khác của quân đội Mỹ, tuổi đời của MARSOC còn khá non trẻ. Ngày 23/11/2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Donald Rumsfeld, ký quyết định thành lập đơn vị. Quyết định của người đứng đầu Lầu Năm Góc được đưa ra sau cuộc họp với Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt của Mỹ (U.S SOCOM).
Ngày 24/02/2006, đơn vị có buổi lễ ra mắt chính thức tại căn cứ thủy quân lục chiến ở Camp Lejeune, bang North Carolina. Đơn vị chính thức tuyển chọn nhân viên và tiến hành các khóa đào tạo đầu tiên từ ngày 06/10/2008. Các đơn vị cơ sở của MARSOC gồm 14 người được tổ chức trong 3 nhóm, một nhóm chỉ huy và 2 nhóm chiến thuật.
Tuyển chọn và đào tạo
Quy trình tuyển chọn và đào tạo khắt khe là những yếu tố giúp MARSOC trở thành một trong những đơn vị đặc nhiệm thiện chiến hàng đầu thế giới. Ảnh: Mycapture
Để trở thành thành viên của MARSOC, các ứng viên phải trải qua quá trình tuyển chọn rất khắt khe và chỉ dành cho nam giới. Quá trình tuyển chọn gồm 3 bước: sàng lọc hồ sơ, kiểm tra thể chất, đánh giá tâm lý và y tế.
Các ứng viên vượt qua quá trình sàng lọc cơ bản sẽ trải qua chương trình lựa chọn và đánh giá A&S. Chương trình được thực hiện 3 lần mỗi năm tại một địa điểm không tiết lộ và kéo dài trong 3 tuần.
Video đang HOT
Khóa đào tạo chính thức sẽ kéo dài trong 7 tháng, tập trung vào các kỹ năng thể chất và tinh thần. Mô hình đào tạo được thực hiện theo kiểu tăng dần mức độ khó và ác liệt như trong điều kiện chiến trường. Quá trình này chia thành 4 giai đoạn.
Đào tạo sử dụng ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc với các học viên, để giúp họ thực hiện các nhiệm vụ xuyên biên giới. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo cơ bản, họ tiếp tục trải qua khóa đào tạo nâng cao kéo dài 18 tháng.
Các thành viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về một số lĩnh vực mà họ có khả năng như: trinh sát đặc biệt, cận chiến, bắn tỉa, phá cửa. Kỹ năng nhảy dù là yêu cầu không thể thiếu với lính đặc nhiệm.
Vinh danh theo đơn vị huyền thoại
MARSOC kế thừa và phát huy sức mạnh của đơn vị Raider huyền thoại trong Chiến tranh thế giới thứ 2 (trái). Ảnh: Washingtonpost
Ngay sau khi thành lập, MARSOC được điều đến Iraq để đánh giá. Họ phối hợp cùng với một số đơn vị khác của SOCOM nhằm tiến hành các hoạt động chiến đấu đặc biệt. Đơn vị đã chứng minh hiệu suất chiến đấu vượt trội và không thua kém các đơn vị đàn anh.
Theo Shadowspear, tính đến năm 2011, đơn vị đảm nhận 19% các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt của Mỹ trên toàn thế giới. Ngày 6/8/2014, Tướng James F. Amos, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ phong tặng đơn vị danh hiệu “Raider”.
Raider là một đơn vị đặc nhiệm đổ bộ huyền thoại của Thủy quân lục chiến Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Việc MARSOC được vinh danh theo đơn vị huyền thoại trong lịch sử đã chứng minh giá trị của họ.
Trang bị vũ khí của MARSOC gồm: Súng lục M1911, súng trường tiến công FN-SCAR, M4A1, tiểu liên HK416, súng phóng lựu M203, M79, súng bắn tỉa chuyên dụng M40A5, M107, tên lửa chống tăng Javelin. Họ còn được trang bị các phương tiện hỗ trợ cho các hoạt động di chuyển trên biển, trên đất liền và trên không.
Theo Tri Thức
Xe đổ bộ độc đáo của đặc nhiệm Mỹ
LTATV là xe đổ bộ đường không đặc biệt có khả năng cơ động rất nhanh giúp đặc nhiệm Mỹ thực hiện các nhiệm vụ đột kích và rút lui nhanh chóng.
Trong các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt, khả năng cơ động là yếu tố sống còn. Tấn công chớp nhoáng và rút lui nhanh chóng là hai yếu tố quyết định sự thành công của một nhiệm vụ đột kích.
Theo Army.mil, để giải quyết vấn đề cơ động chiến đấu, Lữ đoàn dù 82 thuộc Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt Mỹ US SOCOM được trang bị loại xe đổ bộ đường không mới LTATV có khả năng cơ động cực nhanh.
Trong khi các xe thiết giáp chở quân chú trọng đến khả năng bảo vệ binh lính bên trong bằng các lớp giáp chắc chắn, LTATV lại chú trọng đến khả năng quan sát và cơ động. Phần thân xe không có tấm che chắn mà chỉ có các ống thép định hình bộ khung cho xe.
Các nhà thiết kế lập luận rằng, đối với các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt, ưu tiên hàng đầu là binh lính phải nhìn thấy đối phương, sử dụng sự áp đảo về hỏa lực để tiêu diệt đối phương khi đột kích hay rút lui.
Phần khung trên của xe có thể gập lại nhằm giảm chiều cao cho phép dễ dàng vận chuyển bằng các loại trực thăng. Trọng lượng bản thân của LTATV khá nhẹ nên rất linh hoạt trong các nhiệm vụ đổ bộ đường không.
LTATV có khả năng chở theo 4 binh lính với đầy đủ trang bị. Nó có thể lắp 3 súng máy M240 cỡ nòng 7,62 mm. Ngoài ra, LTATV còn có thể làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa hoặc sơ tán thương binh.
LTATV có hệ thống treo đặc biệt cho phép nó hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau. Hệ thống lốp "run-flat" giúp xe có thể di chuyển ở tốc độ cao khi lốp xe bị bắn thủng.
Lữ đoàn dù 82 bắt đầu quá trình huấn luyện sử dụng xe LTATV từ tháng 10/2014.
Một LTATV thử nghiệm tại chiến trường Afghanistan phía sau là một khẩu súng bắn tỉa hạng nặng Barrett M107 và các vật dụng khác.
LTATV thể hiện kỹ năng vượt địa hình gồ ghề.
Theo NTD
Đặc nhiệm Mỹ bị chỉ trích vì để con tin thiệt mạng Con tin đã được thu xếp để được trả tự do vào ngày hôm sau, nhưng chiến dịch đột kích giải cứu của đặc nhiệm Mỹ đã "phá hỏng tất cả". Ngày 8/16, các quan chức lực lượng đặc nhiệm Mỹ cho hay họ không hề biết rằng một giáo viên người Nam Phi sắp được thả tự do với số tiền chuộc...