Lực lượng chức năng Việt Nam triển khai biện pháp phù hợp bảo vệ chủ quyền trên biển
Lực lượng chức năng Việt Nam triển khai nhiều biện pháp phù hợp, đúng pháp luật bảo vệ chủ quyền trên biển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Chiều 25/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết biện pháp của Việt Nam sau hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi từng đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: BNGVN.
Bà Hằng cho biết Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.
“Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, người phát ngôn nói thêm.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngày 19/7.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi đó có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất châu Á.
Video đang HOT
Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc rút tàu thuyền, bao gồm cả tàu Hải Dương Địa Chất 8, khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong thông cáo, Việt Nam kêu gọi “các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.
Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo chỉ trích việc Trung Quốc can thiệp vào “các hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam” trên Biển Đông.
“Mỹ quan ngại về các thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò từ lâu của Việt Nam (ở đây)”, thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
“Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, thông cáo từ người phát ngôn Morgan Ortagus nêu.
Trung Quốc cũng có các hành vi nhằm “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc… không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây”, theo thông cáo.
“Trung Quốc nên dừng ngay các hành động bắt nạt và không thực hiện các hành vi khiêu khích, gây bất ổn”, người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
SONG HY
Theo VTC
Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc
Trung Quốc có tham vọng bành trướng chủ quyền lãnh thổ và tầm ảnh hưởng. Do vậy, các tổ chức quốc tế sẽ là nơi giải quyết những vấn đề này.
Chia sẻ với Tuần Việt Nam liên quan đến những căng thẳng do Trung Quốc gây ra ở bãi Tư Chính, Chủ tịch Viện Michael Dukakis, Cựu Thống đốc bang Massachusetts, Hoa Kì - ông Michael Dukakis cho rằng, Trung Quốc có tham vọng bành trướng chủ quyền lãnh thổ và tầm ảnh hưởng, do vậy, các tổ chức quốc tế sẽ là nơi giải quyết những vấn đề này.
Người Mỹ đánh giá thế nào về thái độ của nước Mỹ trước những diễn biến ở Biển Đông hiện nay? Ta xem nước Mỹ đã phản ứng thế nào qua tuyên bố của người phát ngôn Morgan Ortagus: "Trung Quốc nên chấm dứt hành vi áp chế, và kiềm chế các hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này". Thực ra, nước Mỹ luôn phản đối sự áp chế và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải.
Rõ ràng, Trung Quốc đang phá hoại hòa bình và an ninh khu vực khi cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông, sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để khiêu khích, đe dọa, áp chế các nước khác nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp ở vùng biển này.
Những gì đang diễn ra ở vùng Biển Đông thực sự đáng quan ngại vì đây là tuyến đường hàng hải quan trọng. Người ta ước tính rằng, hàng hóa trị giá hàng ngàn tỷ đô la được vận chuyển qua tuyến biển mỗi năm, chiếm khoảng 30% giao dịch hàng hải toàn cầu, bao gồm lượng lớn dầu và ngàn ngàn tỷ đô la thương mại hàng năm của Mỹ. Nước Mỹ có quyền lợi ở đây.
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, Mỹ đã gọi đây là hành động đơn phương của Trung Quốc theo cách suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời bày tỏ quan ngại về cách làm nguy hiểm này. Hoa Kỳ kêu gọi các bên kiềm chế, đảm bảo tự do hàng hàng hải và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế.
Ông Michael Dukakis: "Tôi muốn nhấn mạnh lại, Việt Nam có thể xác lập vị thế với cả Mỹ và Trung Quốc một cách mạch lạc, rõ ràng".
Việt Nam có vị trí địa chính trị rất quan trọng vì ráp gianh với Biển Đông. Vậy nước Mỹ nhìn nhận Việt Nam thế nào trong chiến lược của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương?
Tôi cho rằng, Việt Nam là một nước có quan hệ sâu sắc với Mỹ, chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Sau những gì đã xảy ra trong chiến tranh, nước Mỹ nợ người Việt Nam một số sự trợ giúp đặc biệt. Tôi vui vì chúng ta đang có một mối quan hệ tốt. Việt Nam có thể giúp đỡ Mỹ trong việc giải quyết một số vấn đề. Chúng tôi rất trân trọng và mong đợi điều đó.
Với Trung Quốc, thì như chúng ta đã biết, không dễ dàng gì. Trung Quốc có tham vọng bành trướng chủ quyền lãnh thổ và tầm ảnh hưởng. Do vậy, các tổ chức quốc tế sẽ là nơi giải quyết những vấn đề này.
Chẳng hạn, Philippines đã đệ đơn lên Toà án Công lý Quốc tế và họ đã nhận được phán quyết rằng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã nói họ không quan tâm đến kết quả đó nhưng tôi nghĩ, Trung Quốc rất quan tâm đấy. Bởi vì, khi bạn có một phán quyết đồng thuận tuyệt đối từ một tòa án quốc tế nói rằng bạn sai rồi, chắn chắn bạn sẽ không thể làm ngơ và hành xử tùy tiện.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam nên hành xử như những đối tác có vị trí với cả hai cường quốc này. Tôi muốn nhấn mạnh lại, Việt Nam có thể xác lập vị thế với cả Mỹ và Trung Quốc một cách mạch lạc, rõ ràng. Chẳng hạn, Việt Nam có thể giúp đỡ Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Đó chính là cách vận hành và hoá giải mọi vấn đề.
Không quan niệm "ai là kẻ thù", mà hãy nhìn nhận đó là những đối tác, quan hệ với tâm thế bình đẳng, không e ngại nước lớn, nước nhỏ, từ đó đóng góp những giá trị cho thế giới, hiền hoà, nhưng không để nước nào dù lớn bắt nạt hay lấn át. Muốn vậy, Việt Nam cần có cơ chế phát huy cao nhất sức mạnh tổng lực của 96 triệu người đầy nhiệt huyết, có tinh thần quật khởi bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ phẩm giá dân tộc. Đó chính là sức mạnh lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc đang làm điều tệ hại là xâm phạm quyền, chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông. Vậy các bạn nên làm gì?
Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến trong thế kỷ 20 sự đối đầu căng thẳng giữa Nga và Trung, hay Mỹ và Nga trong chiến tranh lạnh. Nhiều người trong số chúng tôi đã nghĩ đến một cuộc chiến tranh. Nhưng rốt cuộc, đối thoại đã giúp giải quyết vấn đề.
Khi có nguy cơ xảy ra xung đột, thậm chí là chiến tranh, điều cần làm là tạo nên một diễn đàn quốc tế để tất cả các quốc gia trên thế giới cùng thảo luận, hỗ trợ nhau để dàn xếp vấn đề một cách hoà bình, không để các nước nhỏ bị nước lớn bắt nạt, ăn hiếp.
Bên cạnh đó, nền hoà bình giữa các quốc gia hay trên thế giới được thiết lập chỉ khi tất cả chúng ta cùng chung tay xây dựng một chuẩn mực chung. Không một quốc gia nào có thể một mình làm việc này. Nước Mỹ không thể làm cảnh sát cho cả thế giới. Chúng tôi đã từng thử làm việc đó rồi, nhưng kết quả là không ổn và nó khiến chúng tôi gặp nhiều rắc rối. Để có chuẩn mực chung làm nền tảng cho hòa bình cần nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Tất cả các quốc gia phải tham gia vào việc này.
Thế giới cần có chuẩn mực, các quốc gia cần liên kết trên một chuẩn mực chung. Hiện tại chưa có một mô hình hoàn hảo, nhưng cần chấp nhận mô hình tốt nhất đang có, từ đó tiếp tục hoàn thiện nó. Nếu không chấp nhận một chuẩn mực xã hội chung thì sẽ gây ra xung đột, tranh chấp... Phải tôn trọng chuẩn mực chung đó là dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, tôn trọng luật pháp quốc tế, có trách nhiệm với môi trường.
Đó cũng là cách để giải quyết các cuộc xung đột. Nếu quốc gia này hoặc quốc gia kia quyết định làm theo cách riêng của mình, xâm phạm tới quyền của các quốc gia, dân tộc khác thì hệ thống sẽ đổ vỡ. Đặc biệt, các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc cần phải có trách nhiệm để bảo đảm thế giới được vận hành tốt trên cơ sở tôn trọng chuẩn mực chung đó.
Lan Anh lược ghi
Theo vietnamnet
Xâm phạm vùng biển Việt Nam, Trung Quốc "nói một đằng làm một nẻo" Trả lời phỏng vấn báo Dân Việt, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: "Có thể thấy trong hành động xâm lấn biển Việt Nam, Trung Quốc đã thể hiện "tiền hậu bất nhất" trong lời nói và hành động". Đánh...