Lúc hoạn nạn mẹ chồng mới nhận ra giá trị của con dâu trưởng
Nhà chồng em mỗi năm có dăm bảy cái giỗ, mỗi lần như thế em lại phải dẹp hết mọi việc buôn bán ở nhà giúp mẹ chồng.
Điều gì là quan trọng với bà nhất? Tình cảm hay vật chất?
Chị Ngọc thân mến, đọc tâm sự của chị em lại thấy bùi ngùi cho những phận làm dâu trưởng như chị em mình. Bố mẹ em có hai anh em thôi nên từ ngày em đến tuổi cập kê, thi thoảng các cụ lại nhắc: “Lấy chồng thì lấy chồng gần thôi. Nhà có hai anh em ở gần thì mới đi lại đỡ đần nhau được”.
Em cũng khắc cốt ghi tâm lời cha mẹ. Ấy thế mà “ghét của nào trời trao của ấy”. Trong quá trình làm việc, em lại quen và yêu ngay một anh chàng quê miền Trung. Chưa dừng lại ở chuyện quê xa, chồng em lại là con trưởng trong nhà nữa. Lấy chồng về, không chỉ ôm mối lo làm thế nào để sinh được cháu trai cho ông bà, em còn phải đảm đương trọng trách dâu trưởng, gánh vác mọi việc nhà chồng.
Nhà chồng em mỗi năm có dăm bảy cái giỗ, mỗi lần như thế em lại phải dẹp hết mọi việc buôn bán ở nhà giúp mẹ chồng. Mẹ chồng em bảo, cúng người đã khuất, con cái phải tự tay chuẩn bị mới thể hiện được lòng thành, các cụ ở trên mới phù hộ độ trì cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.
Đành rằng việc cúng lễ phải tận tâm nhưng cứ nghĩ đến mỗi lần giỗ chạp phải lo hơn chục mâm cỗ là em lại xanh mặt. Nhiều việc có thể tối giản được nhưng tính mẹ em thích cầu kì nên việc lúc nào cũng ngập đầu ngập cổ.
Chưa dừng lại ở đó, bố mẹ chồng em cũng đã có tuổi nên từ khi làm dâu, em phải cùng chồng lo cho các em nhà chồng. Ngay với chú em kém chồng em 8 tuổi, lúc đi học thì vợ chồng em lo chu cấp từ tiền ăn ở, quần áo, vui chơi, đến “tình phí”. Khi ra trường, công ăn việc làm chưa ổn định, chú ấy đòi cưới vợ, vợ chồng em lại đứng ra lo liệu.
Về kinh tế thì vợ chồng em đâu có thuộc dạng khá giả gì. Thế nhưng việc lớn, việc nhỏ trong nhà vợ chồng em đều cố gắng làm sao cho chu tất nhất. Cố gắng là thế nhưng bố mẹ chồng em nào đã vừa lòng. Nguyên nhân cũng chỉ bởi điều kiện kinh tế vợ chồng em thua gia đình chú út.
Vợ chú út vốn là con gái của một gia đình khá giả, công việc lại thường xuyên đi công tác nên có rất nhiều quà cáp biếu bố mẹ em. Trong mọi cuộc nói chuyện với hàng xóm, mọi lời giới thiệu với khách lạ, mẹ chồng em đương nhiên luôn nhắc đến “thằng út” đầu tiên. Chẳng mấy khi em thấy bà nhắc đến vai trò của ông anh cả – tức chồng em trước mặt mọi người.
Mới đầu em cũng tủi thân lắm, nhưng rồi em nghĩ, một số người già thường rất thích “báo hiếu” bằng vật chất. Mặc dù miệng thì luôn bảo “con không cần phải làm như thế, mua bán cho tốn kém ra”. Các cụ thường khoe với mọi người rằng được con dâu mua cái nọ, cái kia để “nở mày nở mặt” với hàng xóm láng giềng, anh em bà con gần xa. Vì nghĩ “tính” của một số người như thế rồi nên em cũng mặc kệ, cho qua thôi. Chỉ thương chồng em, dù anh ấy không nói ra nhưng em biết trong lòng anh ấy cũng thấy tự ái khi cha mẹ cứ nhìn vào đồng tiền mà “xếp hạng” con cái.
Hai vợ chồng em đành nghỉ hết buôn bán, thay nhau túc trực, chăm chút cho mẹ từng li từng tí
Video đang HOT
Thế rồi đến đợt cuối năm vừa rồi, mẹ chồng em bị ngã, phải bó bột hai chân, nằm viện điều trị hơn 1 tháng trời. Hai vợ chồng em đành nghỉ hết buôn bán, thay nhau túc trực, chăm chút cho mẹ từng li từng tí. Em đút cho bà ăn từng thìa cháo, thay rửa, vệ sinh cho bà mà không sợ hôi hám bẩn thỉu. Vợ chồng chú em út chỉ thi thoảng đáo viện hoặc gọi điện hỏi han.
Cô em dâu lần nào vào thăm cũng xách theo túi quà to và phân trần: “Con nhiều việc quá”… Vợ chồng chú út còn nói thuê ô sin để thay vợ chồng cô chú ấy chăm sóc mẹ chồng. Nghe vậy, mẹ chồng em rơm rớm nước mắt, còn chồng em thì gạt phắt đi. Anh đành xin nghỉ phép 1 tháng không lương để ở nhà phụ em chăm sóc mẹ.
Sau lần ấy, về nhà, bà thay đổi thái độ hẳn với vợ chồng em, không còn bên trọng, bên khinh như trước nữa. Chị à, nhân đây em cũng xin chia sẻ cùng chị. Chị là người gần gũi với mẹ chồng nhất. Vậy nên chị hãy tranh thủ trò chuyện, chia sẻ với mẹ chồng, hãy cùng bà gợi lại những hồi ức ngày xưa để bà không quên những tháng ngày đói khổ nhưng đầm ấm của cả gia đình.
Cũng từ đây, em nghĩ bà sẽ hiểu, khi về già, điều gì là quan trọng với bà nhất? Tình cảm hay vật chất? Nước mắt chảy xuôi, không người mẹ nào lại không thương và thấu hiểu cho con cái, nhất là với một người con đã hi sinh ước mơ và tuổi trẻ của mình để lo cho các em như chồng chị.
Theo Người Giữ Lửa
Dâu thứ, dâu trưởng Kẻ cắp gặp bà già
Làm dâu, sợ nhất mẹ chồng, thứ nhì em gái, cuối cùng chị dâu. Và đời tôi đây lại ngược lại, tôi chẳng ngại sợ mẹ chồng, cũng may không có em gái nhưng đã ngấm thế nào là nghe răm rắp lời chị dâu.
ảnh minh họa
Nhà chồng có hai anh em trai. Tôi là dâu út. Chị là dâu trưởng. Hai anh chị lấy nhau trước vợ chồng tôi 5 năm, sinh ra được bé trai kháu khỉnh, là cháu đích tôn của ông bà. Chị giỏi giang và chu toàn mọi chuyện. Chị hiểu sở thích và tính cách của từng thành viên trong nhà. Còn tôi mới về nhà chồng, cái gì cũng bỡ ngỡ, nếp ăn nếp uống hồi nhà mẹ đẻ vẫn chưa thể thích nghi. Khổ nỗi, tính tôi cũng chẳng vừa. Mỗi cần có giỗ chạp hay chỉ đơn giản là làm bữa cơm đại gia đình, hai chị em lại được phen "ruột để ngoài da":
- Rau cải em luộc xanh thế! Luộc nhừ thêm tý nữa, mẹ chị thích cải nhừ!
- Xanh rau mới giữ được Vitamin với độ giòn chứ chị! Nhừ quá rau vàng nhìn mất ngon!
- Em cứ luộc nhừ cho chị! Xem có mất ngon không?
Bữa đó hậm hực, tôi không thèm động vào một cọng rau nào. Đĩa rau hết bay. Cả nhà từ bố mẹ đến anh chồng tôi vẫn ăn ngon ơ. Bụng nhẩm nghĩ: "Cả gia đình ai cũng lạ lùng!".
Chưa hết, tôi với chị đã không ưa gì nhau mà mẹ chồng suốt ngày tạo cơ hội cho hai đứa qua lại. Bà phó thác cho hai chị em đưa bà đi siêu thị sắm Tết. Dâu trưởng và mẹ chồng khoác tay nhau quấn quýt lựa đồ, còn đứa dâu út lóc cóc đẩy xe theo sau. Lắm lúc nghĩ: "Phận dâu út thiệt thòi đủ đường!". Tôi cũng chẳng cam, cố hòa vào cuộc nói chuyện:
- Mẹ! Mẹ! Mua cà phê này đang giảm giá đó! Trước mẹ bảo mẹ thích cà phê mà!
Chị dâu quay ra liếc tôi sâu hoắm, ghé sát tai tôi mà nói: "Cà phê sẽ làm mẹ mất ngủ! Không tốt cho người có tuổi! Lần sau mua gì, làm gì, nhớ phải hỏi chị trước nghe chưa!"
Dâu trưởng không đồng ý, mẹ chồng cũng ừ ừ gật gật cho qua. Chị nói gì cũng đẹp, cũng hay. Cò tôi mở miệng ra là bị gạt. Ba máu sáu cơn nổi lên, sôi sùng sục trong lòng, tôi thề nguyền: "Tết này sẽ chứng minh cho bà dâu trưởng sáng mắt ra! Mua gì, làm gì đều phải hỏi ý chị á? Không đời nào!"
Tết đến, ngay từ trong năm, tôi tất tưởi kiếm quà Tết để biếu ông bà. Năm nay là năm đầu tiên có dâu út trong nhà, mọi chuyện phải khác, không thể cứ theo nếp cũ mèm, cổ hủ của bà dâu trưởng được. Tôi lên mạng tìm xem cái gì Hot nhất thì mua, hỏi han mấy chị trong công ty nổi tiếng "biết ăn chơi" chuyện mua gì, biếu gì. Tính bốc đồng cộng với máu shopping sôi sùng sục, nhìn cái gì cũng thích, cũng muốn. Mua được món nào là tôi hả hê món đó. Toàn những của ngon vật lạ của Nga, Pháp, Nhật đủ cả. Món nào cũng long lanh, lấp lánh thế này cho bố mẹ chồng thấy độ "chịu chơi" của con dâu thứ. 30 Tết đem biếu ông bà, mẹ chồng tôi hoa hết cả mắt nhìn quanh, cứ nâng lên hạ xuống. Bà ra vẻ dè chừng tìm kiếm:
- Thế có ô mai, mứt Tết không con?
- Ôi! Đồ Tây nó không có mấy cái đó đâu mẹ ơi! Tết năm nào cũng ăn thứ đó rồi! Con sắm cho ông bà toàn đồ lạ cho đổi mới! Mẹ thích không?
- Thích! Cơ mà vẫn phải có ô mai, mứt Tết để thắp hương. Thôi giờ đèo mẹ ra mua mấy hộp để cúng ông bà!
Kịp may, chị dâu trưởng cùng lúc đưa cháu đến biếu Tết ông bà. Tôi khoái chí vô cùng, độ oách của tôi nay cũng có dịp thể hiện. Rồi xem chị ấy cũng sẽ lác mắt trước mấy món tôi biếu ông bà! Nhưng cái sự khoái chí ấy chẳng được bao lâu vì... Chị dâu tôi mang đến đúng những thứ mẹ tôi cần.
- Hoa đến rồi hả con, mẹ đang bảo My đèo ra mua đồ thắp Hương. May mà con mang đến luôn. My nó mua nhiều đồ toàn tiếng Tây, tiếng Tàu ngon nhưng không cúng ông bà được. Thế vẫn 11 Hàng Đường chứ con?
- Vâng nãy con đi qua mua cho mẹ, mua cho cả chồng đi Tết sếp luôn!
- Ừ ở đấy uy tín cứ ra mà mua!
Rồi bà quay sang tôi:
- Thôi thôi chai rượu đẹp thế này thì để trưng trong tủ kính, không uống đâu! Bố mày đang bị gan, phải kiêng. Bánh kẹo thì mẹ ăn vào sợ tiểu đường tái phát, đem chia hết cho trẻ con làng xóm!
Và chị dâu tôi đã thắng.
- Mà My nhé! Lần sau con chớ quà cáp tốn tiền con nhé! Mẹ già rồi có dùng được đâu! Thôi hai chị em lên dọn dẹp ban thờ với mẹ còn cúng đón giao thừa!
Tôi thua một cú đau, xấu hổ không thốt lên lời, e rằng sau pha này chị dâu là càng được lên mặt. Bữa cơm tất niên tối nay tưởng xem chừng khó nuốt thì chị dâu mới chạy ra đưa cho tôi cái chổi lông gà rồi thủ thỉ:
- Lần sau em làm gì hay mua gì thì cũng nên hỏi qua chị! Không phải chị muốn lên mặt gì như em nghĩ đâu, chỉ là đôi khi chị nói em hơi khô khan khiến em hiểu nhầm. Nay mới có cơ hội nói chuyện để giải thích cho em.
Rồi chị bắt đầu kể lại những ngày đầu về làm dâu của chị. Chị cũng như tôi vậy, bị mẹ nhắc nhở nhiều nên cũng không muốn tôi lặp lại vết xe đổ của chị. Rau có nhà luộc xanh, luộc nhừ; cha mẹ có tuổi nên thích ăn nhừ, với lại nhập gia tùy tục là thế. Nếu chị không quả quyết, bưng ra đĩa rau xanh rì thì có phải mẹ trách cả chị lẫn em không? Cà phê hay trà, bánh kẹo hay mứt tết, ô mai cũng vậy? Nếp nhà mình xưa vẫn chẳng thể nào thiếu mấy món cổ truyền đó. Chị bảo tôi còn trẻ nên chưa hiểu hết được ý nghĩa tâm linh của nó, ô mai - mứt Tết với nhà mình nó như là bát hương, nén nhang phải có trên ban thờ vậy.
Xấu hổ lắm, tôi mới đùa lại chị:
- Nãy nhìn em chắc buồn cười lắm chị nhỉ?
- Ừ! Làm chị lại buồn cười chị của mấy năm về trước!
- Thế sau này em nghe chị. Cái gì cũng nghe chị thôi!
Hai chị em dâu tôi không ngờ lại có ngày cười nói với nhau thân thiết đến thế. Đến giờ thì dâu út phục dâu trưởng thực sự. Qủa thật là về độ tinh quái và chu đáo của dâu trưởng thì mẹ chồng cũng phải mến, mà nếu cô em "giặc Ngô" cũng phải phục chứ chẳng nói gì đến dâu út như tôi.
Theo blogtamsu
Thúy Hằng lần đầu tiết lộ nỗi ám ảnh khi làm dâu trưởng Áp lực về việc sinh con, chuyện quan hệ họ hàng và trách nhiệm trong những ngày giỗ, lễ, tết đã từng là nỗi ám ảnh với cựu người mẫu Thúy Hằng. Thúy Hằng thuở đôi mươi là một người vụng về trong chuyện nữ công gia chánh nhưng cô lại phải đảm nhận trọng trách làm dâu trưởng trong gia đình. Đây...