Lục đục vì…vợ cấm “yêu” trong tháng cô hồn
Theo quan niệm, khi tháng “cô hồn’ (tức tháng 7 Âm lịch) gõ cửa, để tránh xui xẻo và những vận hạn đen đủi, người trên trần thế phải niệm Phật, ăn chay, và tuyệt đối tránh những điều kiêng kỵ.
Chính vì quan niệm đó cho nên trong cuộc sống đã nảy sinh rất nhiều những câu chuyện bi hài…
Với lòng tin tuyệt đối vào quan niệm về tháng “cô hồn”, Diêm vương mở cửa địa ngục cho tất cả các vong linh. Trong đó có cả những vong linh bất hảo, ma quỷ nghịch ngợm không người thân thích cũng được về ngao du chốn nhân gian. Do vậy, trong thời gian này, người trên trần thế dù làm việc gì cũng không tốt, vận hạn, đen đủi sẽ bủa vây. Vì vậy, dù nhà cách nơi làm việc đến 25km, anh Hoàng (Gia Lâm – Hà Nội) vẫn nhất nhất “khắc phục” bằng cách đi xe buýt để tránh rủi ro.
Tâm sự về việc làm bị cho là “lập dị” này, anh Hoàng phân tích : “Đây là tháng nhạy cảm, do vậy, mình muốn tránh tối đa những việc làm có thể dẫn đến vận xui không đáng có. Trong đó có việc đi lại. Bởi, chuyện đi lại bình thường đã khá phức tạp, đường sá đông đúc, người đi đường không ai chịu nhường ai, hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu diễn ra thường xuyên khiến không ít những trường hợp tai nạn đau lòng xảy ra. “Vì thế, mình chọn giải pháp đi xe buýt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa an toàn, mà khỏe người”- anh Hoàng nói.
Video đang HOT
Vẫn theo anh Hoàng, mỗi ngày, để có thể kịp giờ làm lúc 8h, anh Hoàng phải dậy từ 4h30p sáng, sau đó, bắt 2 tuyến xe buýt để sang Hoàng Quốc Việt làm việc. “Việc làm này, tuy khiến mình phải thức khuya dậy sớm, và có đôi lúc bất tiện, do phương tiện đi lại bằng xe buýt không cơ động như đi xe máy. Tuy nhiên, cũng chính vì hành động “lập dị” này mà từ đầu tháng đến giờ, mình không hề gặp xui xẻo trên đường như nhiều đồng nghiệp khác vẫn than phiền” – anh Hoàng nói thêm.
Từ chối vận may vì …kiêng
Tuy không quá kiêng kỵ đến mức cẩn thận như anh Hoàng, nhưng anh Liêm (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng cho rằng, trong tháng 7 âm lịch, tốt nhất không nên làm những việc lớn như cưới hỏi, xây nhà, mua xe cộ, và xin việc làm. Chính vì quan niệm này mà ngay cả khi vận may tìm đến, anh Liêm vẫn tìm cách từ chối khiến gia đình rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Chuyện là, anh Liêm có một cậu con trai duy nhất, tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành kế toán với tấm bằng loại khá. Tuy nhiên, vì thời buổi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng tới mức tối đa, nên đã hơn 1 năm ra trường, con trai anh Liêm vẫn chưa xin được công việc phù hợp dù hồ sơ xin việc cho con anh Liêm đã rải khắp nơi.
Bao nhiêu hy vọng, chờ đợi, không ngờ, tin vui xin việc cho con lại tìm đến với gia đình anh Liêm vào đúng tháng mà nhiều người cho rằng đen đủi nhất. Đó là, con trai anh Liêm đã trúng tuyển vào một tập đoàn kinh doanh lớn tại Hà Nội.
Thế nhưng, trong lúc mọi người trong gia đình đang tận hưởng niềm hạnh phúc vì tin vui tìm đến, thì anh Liêm lại trầm tư suy nghĩ, và lăn tăn về quyết định cho con đi nhận việc trong tháng cô hồn.
Theo anh Liêm: “Trong tháng 7 Âm lịch, tốt nhất không nên làm những việc lớn, bởi nếu cố tình làm thì thế nào cũng hỏng”. Do đó, tận dụng những mối quan hệ quen biết, anh Liêm tìm mọi cách cậy cục, để xin cho con được trì hoãn và bắt đầu công việc từ tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, mọi sự không như ý muốn. Ngay khi anh Liêm từ chối cho con trai bắt đầu công việc vào tháng 7 thì phía doanh nghiệp đã chính thức tuyển người khác thay thế cho vị trí dự định của con trai anh.
Vợ chồng lục đục vì…vợ cấm “yêu” trong tháng cô hồn
Đồng quan điểm với nhiều người cho rằng, trong tháng cô hồn, làm bất cứ việc gì cũng có nguy cơ gặp phải đen đủi, cho nên, chị Huyên (Hoàng Mai – Hà Nội) cũng tuyệt đối tuân thủ theo những điều kiêng kỵ trong tháng 7 như: hạn chế đi lại, không làm những việc lớn, không xây nhà, không ký kết hợp đồng, không đi lại quá khuya…
Bên cạnh đó, chị Huyên còn cho rằng, trong tháng 7 các linh hồn hiển hiện khắp nơi nên nếu “yêu” trong tháng cô hồn, thì “âm khí” sẽ lập tức xâm nhập khiến sức khỏe vợ chồng càng ngày càng yếu đi. Do vậy, ngay từ đầu tháng, chị đã ra đề nghị “cấm tiệt” chồng.
Chồng chị Huyên, ban đầu chỉ nghĩ rằng chị Huyên đùa, nhưng sau khi biết vợ “nói là làm” thì anh bắt đầu tỏ ra bức xúc vì sự “mê tín” thái quá của vợ. 2 vợ chồng bắt đầu hục hặc, cãi vã lẫn nhau, khiến hạnh phúc gia đình vô tình bị ảnh hưởng.
“Cũng may, sau khi thấy chồng giận, mình đã tìm hiểu lại mọi chuyện và nhận ra sự khắt khe của mình nên chồng mới chịu vui vẻ làm lành trở lại” – chị Huyên cười nói kể.
Theo VNE
Đại họa vì mất... nhẫn cưới
Nếu ai bảo mất nhẫn cưới chẳng có gì xui xẻo thì Toàn phản đối ngay. Vợ chồng anh suýt bỏ nhau cũng vì &'cái điềm' này.Rơi nhẫn, rơi luôn sự êm ấm.
Biết mình gây tội to, vừa về đến nhà là Toàn đã vội thú nhận ngay với vợ: "Em ơi, anh làm mất nhẫn cưới rồi".
Thu vợ anh là người rất coi trọng những thứ mang ý nghĩa tinh thần. Từ kỷ niệm ngày hai đứa trao nụ hôn đầu đến những bông hoa, món quà nhỏ anh tặng từ thời sinh viên cô còn giữ, nên cái chuyện mất nhẫn cưới là một thảm họa sánh ngang với động đất, sóng thần. Mà họ cưới nhau mới có 4 năm.
Thu cuống cuồng truy xem Toàn làm mất ở đâu, lúc nào... với hy vọng lần ra manh mối để tìm lại. Nhưng Toàn chỉ nhớ là chiếc nhẫn làm anh ngứa quá nên tháo ra đút vào túi quần, trong ngày có lượn qua vài nơi, đến cuối giờ thì chẳng thấy đâu nữa.
Thu sợ quá, cứ hết mắng lại đến khóc. Cô đã nhiều lần nói với anh rằng mất nhẫn cưới là đen lắm, nó là điềm gở báo hiệu sự đổ vỡ gia đình, vậy mà anh chẳng lo giữ gìn, chứng tỏ anh chẳng coi cuộc hôn nhân này là quan trọng. Cô bảo mới cưới mấy năm mà anh có thiết gì đến vợ, chỉ biết đi làm và đi nhậu, vợ cứ một mình chăm con nhỏ, trước lãng mạn bao nhiêu thì giờ khô cứng nhạt nhẽo bấy nhiêu...
Ngày thường Toàn đã suốt ngày bị vợ cằn nhằn về cái sự vô trách nhiệm, nay nhân vụ mất nhẫn, anh bị tổng sỉ vả ra trò. Thu thì quá lo lắng, bực bội nên đá thúng đụng nia, lôi thôi thế nào làm cái ảnh cưới rơi xuống vỡ nát. "Đấy anh thấy chưa? Điềm báo đấy!". Nghe vợ thét lên mà Toàn cũng thấy run.
Rồi chuyện cũng nguôi đi, nhưng từ đó về sau hễ hai vợ chồng có chuyện gì khúc mắc, Thu lại bảo đấy là dấu hiệu chia ly đã được báo trước bằng chuyện mất nhẫn, mà kẻ gây ra là Toàn. Có lần Toàn điên tiết bảo nếu đằng nào cũng bỏ nhau thì thà bỏ luôn đi cho đỡ đau tim. Thu tự ái ngút trời, bật máy tính gõ đơn ngay. Nếu không có phụ huynh thì có khi đôi trẻ này lôi nhau ra tòa chưa biết chừng.
Gia đình Loan - Cường cũng nổi sóng vì chuyện mất nhẫn cưới, chỉ khác kẻ hậu đậu làm mất là vợ. Một buổi tối, tự nhiên Loan nhận thấy chiếc nhẫn không còn trên ngón tay mình nữa. Cô la hoảng lên với chồng rồi bới tìm khắp nơi nhưng không thấy, cũng chẳng biết mình mất nhẫn khi nào, làm sao mà mất.
Cường giận tím mặt. Anh bảo vợ đừng có đóng kịch, làm gì có loại đàn bà nhẫn rơi lúc nào không biết, hay cô tháo nhẫn ra để giả vờ làm gái chưa chồng, nên mới mất? Còn nếu không phải thế thì việc mất nhẫn vô lý như thế chứng tỏ cô coi thường tình cảm vợ chồng. Nhẫn cưới là vật thiêng liêng, là bảo chứng của tình yêu và nghĩa vợ chồng, cô không giữ được đủ biết bụng dạ cô thế nào.
Tưởng mắng vài bữa là xong, không ngờ vì chuyện đó mà Cường dày vò vợ cả năm trời. Dù Loan chả có hy vọng gì tìm lại nhưng cứ thỉnh thoảng anh lại bắt cô cố nhớ, cố lục tìm lần nữa, rồi lại dằn vặt vợ. Loan stress quá, kêu lên rằng không biết ai đã "bịa" ra cái nhẫn cưới để làm khổ cô thế này.
Bản thân chiếc nhẫn không phải là tình yêu, mà chỉ là "vật đại diện" cho nó. (ảnh minh họa)
Mất thì... mua cái khác
Cái quan điểm mất nhẫn cưới là điềm báo không hay phổ biến đến nỗi trên các diễn đàn online, có rất nhiều người bày tỏ nỗi lo lắng khi lỡ làm mất, hoặc thảo luận về cách trừng phạt bạn đời trót mắc cái lỗi này.
Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều người cũng từng làm mất nhẫn cưới và đến nay vẫn sống hạnh phúc. Anh Long, 42 tuổi, kiến trúc sư, là một ví dụ: "Tôi mất nhẫn cưới 2 lần rồi. Lần đầu tôi làm mất sau cưới 2 năm, bị vợ cằn nhằn. Chúng tôi mua cặp nhẫn mới, mấy năm trước vợ tôi lại làm mất, thế là hòa. Giờ hai đứa chả ai đeo nhẫn, định bụng năm sau kỷ niệm 15 năm ngày cưới sẽ mua một cặp mới làm kỷ niệm".
Hoài Trang, 29 tuổi, vui vẻ kể: "Em còn mất nhẫn cưới ngay trong tuần trăng mật cơ. Ngón tay em gầy, cái nhẫn đeo lỏng quá nhưng em không sửa vì nghĩ lấy chồng rồi kiểu gì chả béo lên. Đến lúc tắm biển, sóng thì lớn mà em thì nhảy sóng nhiệt tình quá, cái nhẫn bị tuột ra. Em cảm nhận được ngay lúc nó rời tay em, nhưng hai đứa cố gắng lặn, bới cũng không thể tìm được nữa. Mới đó mà 6 năm rồi".
Trang bảo, chuyện mất nhẫn cưới đen đủi ở chỗ vợ chồng cô phải mất tiền sắm đôi khác, mà giá vàng cứ tăng suốt nên mua lại khá tốn kém. Còn tình cảm của hai người thì vẫn thắm thiết như xưa.
Chị Mai Linh, 38 tuổi, kể: "Mình cũng mới mất nhẫn cưới cách đây mấy tháng. Cũng sợ lắm, lo có điềm gì, lại lo bị chồng mắng nữa. Nhưng anh ấy chỉ tiếc vì là vật kỷ niệm. Đó là chiếc nhẫn rẻ nhất hai đứa có thể kiếm được, mà hồi đó cũng phải vay tiền mới đủ mua. Nhưng mình làm nó tuột ra trong khi rửa rau, rồi lỡ đổ vào bồn cầu mất, nên đành chịu".
Tiếc và buồn quá, chị Linh tâm sự với mẹ chồng để nghe bà cằn nhằn một chút cho đỡ thấy tội lỗi. Không ngờ bà bảo: "Ngày xưa tao với bố mày có nhẫn cưới đâu mà cũng sống với nhau cả đời. Thực ra ông bà cũng cho đôi nhẫn, bảo đó là nhẫn cưới cũng được, nhưng đẻ con ra là phải bán luôn". Rồi bà mách nước: "Mẹ thấy nhiều đôi kỷ niệm 10 năm ngày cưới là đổi nhẫn đấy. Hai đứa tháng sau cũng 10 năm rồi, coi như đúng dịp mua nhẫn mới, thế là biến xui thành hên".
Theo afamily
Có nên hẹn hò với đồng nghiệp? Khi phải dành phần lớn thời gian trong ngày ở nơi làm việc, bạn có thể dễ dàng rơi vào "bẫy tình" công sở với đồng nghiệp của mình. Đây là mối quan hệ mới mẻ, nhiều thách thức và cũng đầy rủi ro. Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ phải đối phó với những lời bàn ra tán vào trong văn phòng...